1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Về việc cung tiến hoành phi - câu đối hiện nay

17/12/2021
Về việc cung tiến hoành phi - câu đối hiện nay
Về việc cung tiến hoành phi - câu đối hiện nay
Một góc chùa Trăm Gian.
 
Hoành phi, câu đối là loại hình văn bản Hán Nôm xuất hiện trong các nhà tư (thường ở khu vực thờ tự), hay các di tích thờ cúng. Hoành phi (“hoành” là ngang, “phi” là phô bày), là những tấm biển bằng các loại gỗ (gỗ gụ, gỗ mít, gỗ gối…), một số bằng đồng hình chữ nhật (một số có hình cuốn thư), thường ở trên đó khắc từ 3 đến 4 chữ đại tự (chữ lớn), nên nhiều khi được gọi là bức đại tự, được treo trên cao bên ngoài các gian thờ tại nhà tư (chủ yếu ở không gian thờ tự), các nhà thờ họ (hay chi họ), các đình, chùa, đền miếu, văn từ... Phần lớn các bức hoành phi đều có dòng lạc khoản ở bên phải theo hướng treo (cũng có khi ở bên trái), ghi thời điểm tạo văn bản đó.
 
Câu đối (Đối liên, 對聯), là thể loại văn tự mang tính biền ngẫu, dùng thể thức đối đôi để biểu thị một ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm nào đó. Chữ đối (對) có nghĩa là đối lập, đối nhau, thành đôi, có người gọi là “đăng đối”. Mỗi đôi câu đối gồm hai vế. Về bên trái (theo hướng nhà, di tích) thường kết thúc bằng từ (Hán - Việt) có âm “trắc”. Vế bên phải thường kết thúc bằng từ (Hán - Việt) có âm “bằng”. Câu đối cũng được thể hiện trên chất liệu gỗ hoặc đồng; một số viết trên giấy hoặc trên tường (phạm vi bài này không bàn đến). Đa số các đôi câu đối có ghi họ tên, quan hệ thân thuộc với chủ nhân tư gia, người được thờ và làng quê có di tích cùng địa vị xã hội (nếu là người làm quan thì ghi rõ phẩm hàm, chức quan, quê quán, quan hệ thân thuộc với chủ nhân tư gia hay với địa phương có di tích…) của người cung tiến.  
 
Những bức hoành phi - câu đối ở các di tích thờ cúng đều do người làng, khách thập phương hiến tặng, gọi là cung tiến. Lòng văn thường do các bậc có trình độ cao sáng tác, rồi đưa đến các cơ sở sản xuất đồ thờ cúng làm theo chất liệu của người đặt. Nếu là ở nhà tư hay nhà thờ chi họ, dòng họ, hoành phi - câu đối thường ca ngợi công đức tổ tiên, nên có mẫu sẵn do chủ nhà tự tạo hay tự đặt hàng.  
 
Hoành phi - câu đối mang những nội dung khác nhau, tùy theo được treo tại tư gia nào hay di tích nào; hoặc được soạn trong khung cảnh nào; song nhìn chung, là ca ngợi công đức tổ tiên, khuyến khích con cháu noi theo tổ tiên (hoành phi - câu đối tại tư gia, nhà thờ dòng họ), tôn vinh, ca ngợi thần thánh (hoành phi - câu đối tại đình, đền, miếu thờ thần), ca ngợi đức độ của Phật (hoành phi - câu đối tại chùa), tôn vinh, ca ngợi một nhân vật có nhiều công lao (hoành phi - câu đối tại nhà một nhân vật). 
 
Nhiều hoành phi - câu đối không chỉ thể hiện suy nghĩ, tình cảm của người sáng tác với đối tượng được thờ qua câu chữ, mà còn để lại những tư liệu về di tích và đối tượng được thờ, về một phần thân thế của người sáng tác (hoặc người cung tiến). Có thể nói, hoành phi - câu đối là một trong những nguồn tư liệu để tìm hiểu về di tích, các đối tượng được thờ, từ đó có thể tìm hiểu nhiều khía cạnh về lịch sử và văn hóa của các làng quê, dòng họ.  
 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, toàn dân bước vào xây dựng chế độ mới. Hội hè không được tổ chức, việc thờ cúng bị hạn chế tối đa. Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm cho rất nhiều di tích bị địch hủy hoại, hoặc không được chăm lo tu bổ, nên nhiều hoành phi - câu đối bị hỏng, mất mát.
 
Suốt gần 40 năm kể từ khi hòa bình lập lại đến cuối thập niên 1980, những ấu trĩ tả khuynh trong việc nhìn nhận di sản văn hóa truyền thống, hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cùng đời sống khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp làm các di tích thờ cúng tiếp tục không được quan tâm tu bổ, hoành phi - câu đối (cũng như bia, chuông, khánh…) bị mất mát, thất lạc rất nhiều. Nhiều trường hợp, hoành phi - câu đối bị đem dùng vào những mục đích đời thường. Đến khi các di tích được trùng tu trở lại hoặc được dựng lại (đầu thập niên 1990), số ít hoành phi còn lại bị mất chữ, các đôi câu đối bị “lệch lạc”; hoặc 2 vế câu đối không cân nhau về số chữ, luật bằng trắc, không hợp với nhau về nội dung được ghép lại thành một (treo ở các cột đối xứng), nhiều đôi chỉ còn một vế “đứng” chơ vơ một mình, hoặc phải gác, phải cất ở một góc di tích; thậm chí ở không ít di tích, có rất nhiều đôi câu đối của di tích khác bị dồn vào (do di tích khác không còn). 
 
Từ đầu thập niên 1990 trở đi, các di tích được dựng lại, tu bổ - nâng cấp, hoặc dựng mới, các cá nhân, gia đình cung tiến hoành phi - câu đối, song ở nhiều nhà thờ dòng họ, các đình, chùa, đền, miếu, hoành phi - câu đối không chuẩn: hoành phi nhầm chữ do một số chữ có tự dạng giống nhau (chẳng hạn, “Ẩm hà tư nguyên”/ Uống nước nhớ nguồn thì viết thành “Ẩm hà ân nguyên”/ không có nghĩa). Có trường hợp sai nghiêm trọng, vừa do người xin chữ ngọng “l - n”, nên “Vạn cổ linh từ (đền thiêng từ xưa) nói thành “Vạn cổ ninh từ” (không có nghĩa); vừa do người viết chữ cho hoành phi có trình độ kém, nên lấy chữ “ninh” (với nghĩa là an ninh) trong từ điển để “điền” vào, thành ra bức hoành phi vô nghĩa, nhưng lại được treo ở vị trí trang trọng trong đình của một làng nọ thuộc quận Long Biên. Nhiều bức hoành ghi lịch âm - dương lẫn lộn. Ở một số di tích cũng có hiện tượng treo sai vị trí các bức hoành phi (chẳng hạn, bức “Thánh cung vạn tuế” không treo ở gian giữa, mà lại treo ở gian bên, trong khi gian giữa, nhất là ở cửa võng lại treo các bức không quan trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do đã có gia đình cung tiến bức hoành phi đặt ở gian giữa từ trước, trong khi bức “Thánh cung vạn tuế” của gia đình cung tiến lại hoàn thành sau, nên không thể “hạ” bức này để “đôn” bức kia sang được, vì các gia đình “không chịu nhau”, nhất là người có hoành phi treo ở gian giữa lo sợ thay đổi như vậy sẽ “mất lộc” và “mất thế”! 
 
Còn câu đối, ở nhiều di tích, treo sai vị trí (vế phải treo sang vị trí của vế trái, hai vế đối treo liền hoặc đối với nhau nhưng không đúng theo nội dung…). Nhiều đôi câu đối to về kích thước, sơn, thếp cầu kỳ, nhưng vừa thiếu tính thẩm mỹ, vừa sai về chữ nghĩa. Ở nhiều đình, có nhiều đôi câu đối trùng nhau về nội dung, nguyên nhân chủ yếu là do các cá nhân, gia đình “có nguyện vọng cung tiến cho đình đôi câu đối”, nhưng không có người “cho chữ”, nên cơ sở nhận làm cứ làm theo mẫu sẵn có; trong khi một gia đình khác cũng đã nhờ một cơ sở khác làm câu đối có nội dung đó rồi. 
 
Về việc cung tiến hoành phi - câu đối hiện nay
Bức hoành phi được cung tiến bị làm sai, “Vạn cổ linh từ” bị biến thành “Vạn cổ ninh từ” (chữ thứ ba từ phải sang).
 
Rõ ràng, việc cung tiến các bức hoành phi - câu đối vào các di tích thờ cúng hiện nay là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn hàm chứa các vấn đề xã hội sâu sắc. Từ thực tế này cho thấy, các địa phương cần tranh thủ ý kiến tư vấn của các chuyên gia văn hóa học, Hán Nôm học về vấn đề bố trí các di văn Hán Nôm (và cả các đồ thờ cúng) mỗi khi dựng mới hoặc tu bổ di tích), nhằm tránh việc tiếp nhận các di văn, đồ thờ không chuẩn và để bài trí các đồ đó đúng thể thức, giảm bớt sự lãng phí và có thể là cả những bất đồng, mâu thuẫn trong cộng đồng.
 
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/ve-viec-cung-tien-hoanh-phi-cau-doi-hien-nay_270596.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)