1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Tết bốn phương

03/02/2021
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng ăn Tết Nguyên Đán và dành nhiều ngày nghỉ nhất trong năm cho dịp lễ cổ truyền này.

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, bạn sẽ nghe thấy từ chunjie (xuân tiết), có nghĩa là lễ hội mùa xuân. Bởi đây là thời điểm đánh dấu kết thúc chuỗi ngày lạnh nhất. Mọi người chào đón mùa xuân bằng cách trồng trọt, thu hoạch để có một khởi đầu mới.

Đây là kỳ lễ quan trọng nhất, kéo dài 15 ngày bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng 15/1 âm lịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ 8/12 âm lịch, hầu hết người dân Trung Quốc sẽ lên đường về quê ăn Tết, đoàn tụ với gia đình. Trong những ngày Xuân Tiết, họ thường làm những món ăn ngon, đặc biệt là những món truyền thống, để dâng cúng tổ tiên.

Lễ hội mùa xuân ban đầu là một ngày lễ để cầu nguyện tới các vị thần để xin một mùa trồng trọt bội thu. Ngoài ra, ngày này người dân Trung Quốc cũng xin tổ tiên ban phước lành cho một năm mới bình an cũng như cảm tạ tổ tiên vì đã phù hộ cho họ trong năm qua.

Theo một truyền thuyết, có một con quái vật tên là Nian (Niên). Nó sẽ đến vào mỗi đêm giao thừa. Hầu hết mọi người sẽ trốn trong nhà. Nhưng một cậu bé đã dũng cảm dùng pháo để chiến đấu với con quái vật đó. Từ đó, người dân đốt pháo để thể hiện sự ăn mừng sống sót. Điều này trở thành một phần không thể thiếu trong lễ hội mùa Xuân. Như trong truyền thuyết về Nian, pháo hoa sẽ khiến quái vật sợ hãi và xui xẻo. Vì vậy, mọi người ở Trung Quốc sẽ thức và bắn pháo hoa vào đêm giao thừa. Cũng trong đêm đó, các gia đình đốt tiền giấy tiền và thỏi vàng để tưởng nhớ đến tổ tiên.

Singapore

Giống như Trung Quốc và Việt Nam, tết của Singapore được tính theo âm lịch. Người dân Singapore rất coi trọng Tết cổ truyền, nó được xem là ngày lễ quan trọng nhất của trong năm của người dân Singapore. Có 3 sự kiện nổi bật trong dịp Tết truyền thống Singapore là lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao, lễ hội đường phố Chingay. kéo dài từ mồng 1 tết cho đến 15 tháng Giêng âm lịch.

Tết là dịp sum họp của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bữa cơm tất niên. Theo quan niệm “giàu 3 ngày Tết” tức là bữa ăn này phải làm thật nhiều, để thừa thì mới được. Sau bữa ăn trẻ em sẽ nhận được lì xì, và điều đặc biệt ở đây là những ai chưa lập gia đình đều là trẻ em hết cho dù bạn có 40,50 tuổi. Lễ hội hoa đăng là hoạt động đầu tiên của lễ hội Chunjie diễn ra tại khu China Town, với các con phố được trang trí lồng lẫy, nhiều hoạt động khác nhau. Thường diễn ra ngoài trung tuần tháng 1 dương lịch trước ngày mùng 1 tết âm lịch. Tiếp là lễ hội Singapore River Hongbao được tổ chức tại công viên Esplanade, với nhiều hoạt động giải trí, cùng với đó là màn bắn pháo hoa rực rỡ tại vịnh Marina. Lễ hội đường phố Chingay diễn ra vào thứ bảy đầu tiên của năm mới tại vịnh Marina và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng. Sau ngày rằm tháng Riêng các gia đình người Singapore lại tụ họp ăn bữa cơm gia đình lần nữa, cả nước kết thúc ngày Tết truyền thống bằng sự kiện tắt đèn, tháo các công trình trang trí, bắt đầu một năm mới với công việc chính của mỗi người.

Hàn Quốc

Seollal là tên gọi Tết Nguyên Đán của người Hàn Quốc, một trong hai ngày Tết lớn nhất ở Hàn Quốc (cùng với Chuseok – Tết Trung thu). Cũng giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đối với người Hàn Quốc, Seolla không chỉ là đánh dấu một năm mới, đây còn là dịp đặc biệt để người Hàn Quốc nhớ về tổ tiên và gặp gỡ những thành viên trong gia đình và đi lễ chùa. Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn Quốc). Các món ăn ngày Tết đối với người Hàn Quốc đặc biệt quan trọng. Các gia đình thường mất rất nhiều thời gian trước Tết để chuẩn bị. Người Hàn Quốc tin rằng đồ thờ cúng ngon và trình bày đẹp sẽ làm hài lòng ông bà tổ tiên hơn, do đó mà họ rất cẩn thận trong việc chuẩn bị đồ cúng. Có khoảng 20 loại món ăn khác nhau được bày trên bàn thờ, tùy theo vùng miền mà các món có thể khác nhau.

Buổi sáng đầu năm mới được bắt đầu bằng nghi lễ cúng tổ tiên. Toàn bộ các thành viên trong gia đình phải ăn mặc chỉnh tề (thường là Hanbok), tập trung trước bàn thờ cúi lạy trước vong linh của tổ tiên, cầu ông bà tổ tiên mang đến cho cả gia đình một năm mới an khang thịnh vượng. Sau lễ cúng gia tiên, mọi người trong gia đình cùng thưởng thức đồ cúng. Món ăn chính trong ngày đầu năm mới là tteokguk, canh bánh gạo truyền thống được làm từ bánh gạo thái lát, thịt bò, trứng và rau. Sau bữa ăn, các thế hệ trẻ trong gia đình cùng bái lạy người già và tặng quà. Sau đó, ông bà cũng chúc cho con cháu một năm mới thịnh vượng. Quà năm mới cho trẻ em thường là sebaetdon tiền mừng tuổi). Seollal là dịp để cả gia đình cùng tham gia vào các hoạt động vui vẻ. Trò chơi phổ biến nhất là Yutnori, tương tự như trò chơi cá ngựa ở Việt Nam, Ngoài ra còn có các trò chơi khác như Jegi-chagi (trò chơi đá cầu), Neoltwiggi (trò chơi bập bênh), Tuho (trò chơi ném mũi tên), và Yeon-naligi (trò chơi thả diều)…

Triều Tiên

Trước đây, người Triều Tiên đón tết vào tháng 10 và tháng 11. Nhưng đến năm 1989, Tết Nguyên Đán và các phong tục cổ truyền xưa của đất nước này được phục hồi. Kể từ đây, Tết truyền thống dần trở lại đúng vị trí và vai trò của mình trong đời sống tinh thần, văn hoá của người dân Bán đảo này. Tết của người dân Triều Tiên chỉ kéo dài 2 – 3 ngày gọi là Seol với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc. Không quá khác biệt so với những nước châu Á, Tết ở quốc gia này cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người người giúp đỡ mình trong thời gian qua. Họ quan niệm, sau một năm tất bật lo toan cuộc sống, Tết thời điểm gia đình sum vầy.

Vào đêm giao thừa, các gia đình quét dọn nhà cửa, vệ sinh ngoài hiên, treo câu đối Tết,  tranh Tết, làm cơm và may quần áo Tết. Tục lệ khác khá thú vị của người Triều Tiên là nhà nhà đều chuẩn bị một chiếc rổ lớn làm bằng rơm và treo trước cửa nhà để xua đi cái không may của năm cũ cũng như đón chào một năm mới may mắn và tốt đẹp hơn. Những đứa trẻ thường không ngủ và thức qua giao thừa vì theo truyền thuyết dân gian Triều Tiên, nếu chúng ngủ quên vào thời điểm này thì mắt sẽ biến thành màu trắng.

Vào sáng mùng 1, mọi người chỉn chu trang phục truyền thống Solbim có màu sắc sặc sỡ vì được trang trí bằng 5 màu chính và cùng quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha - rye; sau đó bề trên đáp lễ bằng việc mời dùng cơm Tết. Một phong tục khác của người Triều thiên là “đuổi quỷ” và “đốt tóc” vào sáng mùng 1 Tết. Người dân sẽ thức dậy rất sớm, mỗi người lấy 1 ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố với mục đích đuổi tà ma và đón điều may.

Món ăn truyền thống của người dân Triều Tiên trong mùng 1 là Ttok – kuk. Ttok – kuk có nghĩa là “tăng xuân” đươc làm từ cơm kết hợp với bánh gạo và đậu xanh. Người dân tin rằng nếu dùng một bát Ttok – kuk thì họ sẽ được thêm một tuổi. Trong dịp tết tại đất nước này không thể thiếu món bánh có tên songpyeon. Đây là loại bánh có hình bán nguyệt, nhỏ và được trang trí rất đẹp mắt. Bên cạnh hai món ăn trên thì cơm thuốc là một trong những món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây. Với gạo nếp hấp qua, rồi trộn với hạt dẻ, táo, mật ong, nhân hạt tùng, mỡ tương rồi hấp chín. Từ lâu, người Triều Tiên vẫn luôn coi mật ong là thuốc nên gọi là cơm thuốc. Cơm thuốc dùng để cúng tổ tiên và đãi khách với quan niệm ăn  cơm này vào năm mới sẽ may mắn và sống ngọt ngào sung túc cả năm.

Mông Cổ

Giống với Việt Nam, Tết của người Mông Cổ, gọi là Tsagaan Sar hay Trăng Trắng, được tính theo lịch âm. Trong văn hóa của người dân vùng thảo nguyên, đây là dịp quan trọng nhất trong năm và là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của mùa đông.

Trước Tết nhiều tuần, các gia đình Mông Cổ bắt đầu sửa soạn. Thứ đầu tiên họ chuẩn bị thường là quần áo mới và ngựa. Vì ăn Tết rất thịnh soạn, những người phụ nữ trong gia đình sẽ làm lượng lớn đồ ăn truyền thống và giữ lạnh. Đặc biệt, họ chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh buuz, loại bánh nhân thịt cừu truyền thống không thể thiếu trong dịp năm mới của Mông Cổ.

Ngày trước Tsagaan, người Mông cổ gọi là Bituun, tức là “hối”. Vào ngày hối, mọi người cùng nhau “rửa sạch” cơ thể và tâm hồn để đón chào năm mới tốt đẹp hơn.  Nghi thức trước đêm Giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát bằng sữa ngựa. Bên cạnh đó, họ đặt 3 mảnh băng ngoài cửa để ngựa của thần Cát Tường Thiên Mẫu có thể uống khi đi qua. Người Mông Cổ tin rằng thần sẽ viếng thăm mỗi gia đình vào ngày này.

Trong ngày đầu năm, thông thường người Mông cổ sẽ quây quần tại nơi ở của người cao tuổi nhất trong nhà. Khi chào hỏi những người lớn tuổi, họ sẽ thực hiện lời chúc zolgokh (Đó người Mông Cổ sẽ dùng khuỷu tay của mình ôm chặt những người cao tuổi nhằm thể hiện sự ủng hộ).

Sau đó, toàn bộ gia đình cùng nhau thưởng thức bữa ăn đầu năm với các món cổ truyền làm từ bơ, sữa và thịt cừu. Thứ không thể thiếu trên bàn ăn là “kim tự tháp” bánh buuz, tượng trưng cho Tu Di Sơn (núi Sumeru).

Vào dịp Tết, những người đàn ông thường mặc các bộ áo dài truyền thống, còn các cô gái thì cầu kỳ hơn. Họ thường mặc trang phục dân tộc đa dạng và nhiều màu sắc. với phục trang khá phức tạp, bao gồm áo choàng deel, thắt lưng, ủng và các đồ trang trí (Phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng hôn nhân của người mặc cũng như thị tộc của người đó). Những cô gái trẻ thường quấn khăn đầu, cuộn tròn một chút về phía bên phải và để phần rìa buông xuống những thiếu nữ làm duyên khi tết nhiều bím tóc xung quanh trán mình bằng sợi ruy băng màu đỏ. Sợi dây luồn trong mỗi bím tóc được cài đá quý (ngọc lam), san hô hoặc kim loại (bạc). Còn những người phụ nữ đã lập gia đình cũng buộc như vậy nhưng không để lại rìa.

Theo Hồng Anh/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/tet-bon-phuong.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)