1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Kế thừa và phát triển

01/05/2020
Suốt chặng đường 35 năm, báo Người Hà Nội không ngừng phấn đấu và phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Để có được thành quả đó, không thể thiếu sự tận tâm dẫn dắt của nhiều thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Trong số báo đặc biệt này, xin được giới thiệu chia sẻ của một số lãnh đạo báo đã từng gắn bó với Người Hà Nội.

 
 

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn 

 

Bài học làm báo từ thế kỷ trước

 

Nhà văn Tô Hoài là người sáng lập cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của báo. Tôi vinh dự được làm việc và cộng tác với ông một thời gian khá dài, cùng với các anh: Bằng Việt, Tô Hà, Chử Văn Long, Triệu Bôn... Với tôi đó là những năm tháng, những kỷ niệm không thể quên.

 

Ngày ấy, buổi sáng đi làm chúng tôi mỗi người xách theo một cặp lồng cơm. Giờ ăn trưa, mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện rôm rả. Có hôm, tôi thấy Tổng Biên tập mở cặp lấy ra một nắm trăng trắng, vàng vàng, không biết là bánh mì hay cơm nắm (?). Tôi tò mò lại gần xem thử thì bác Tô Hoài cười, đưa cái nắm ấy ra mời.

 

Thì ra là phẩm oản. Tôi hỏi đùa:

 

 - Bác gái đi chợ vắng, cụ mang tạm phẩm oản lộc từ hôm Tết đi ăn trưa ạ?

 

 Nhà văn cười:

 

- Nhai kỹ vẫn bùi bùi, thơm thơm, chả có làm sao nhé! Nhưng thôi, các cô, các cậu theo mình ra ngõ Hàng Chiếu đi! 

 

Lúc đó tòa soạn báo ở 19 Hàng Buồm. Còn cái ngách Hàng Chiếu, chợ Đồng Xuân là nơi bày bán rất nhiều món ăn: xôi chè, phở chua, nem rán, bún thang, bún ốc, bún đậu, phở cuốn, nem chua... Những buổi được Tổng Biên tập mời như vậy rất xôm. Vừa  ăn, nhà văn Tô Hoài vừa kể về nem rán gốc ở Sài Gòn, phở chua là của Lạng Sơn, bún ốc là quà quê, bún thang mới thực là món cầu kỳ của người Hà Nội,... Món nào qua lời kể của ông cũng thật tinh tế và hấp dẫn. 

 

Ăn xong, chúng tôi về ngồi quây quần uống trà trong phòng Tổng Biên tập. Bác Tô Hoài thong thả nhắc nhở chung chung: “Sáng nay tôi nhận bài Chuyện cũ Hà Nội, có hai câu, nếu không biết thì rất dễ bỏ qua. “Phần thưởng là một dải lụa đỏ“ và “chiếc kiệu sơn đen“. Đó là cách nói của hôm nay, còn đúng như ngày xưa, phải là: Phần thưởng là một tấm lụa đào và  chiếc kiệu sơn then. Tôi đã sửa lại rồi. Các cô, các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều, ghi chép nhiều để khỏi quên. Muốn là người biên tập cẩn thận thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ”.

 

Có lần tôi đưa nhà văn Tô Hoài duyệt bài Số nhà trong thành phố mà tôi vừa viết xong. Bác đọc và lấy bút xóa ngay chữ thành, chỉ còn là Số nhà trong phố. Bác nhìn tôi cười: “Chỉ là số nhà thôi, chữ thành phố của cô hơi to chuyện quá phải không?”. Tôi gật đầu khâm phục. Bác chỉ cần xóa đi một chữ, mà bài báo nhỏ của tôi bỗng giản dị nhưng chính xác hơn rất nhiều.

Kỷ niệm của tôi với báo Người Hà Nội thì nhiều, nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại cách làm việc uyên bác, giản dị và hết lòng với công việc viết báo, biên tập bài vở, chỉ dạy lớp sau tận tình của nhà văn Tô Hoài, thời bác làm Tổng Biên tập và tôi làm Phó Tổng Phụ trách cho bác, từ thế kỷ trước.

                                               
 

Hà Nội, tháng 1/2020

 

Nhà thơ Vũ Xuân Hoát


 

Tôi nhớ !

 

Khoảng cuối năm 1984, một chiều nhà thơ Nguyễn Hương Trâm đưa cho tôi một văn bản viết tay về việc xin ra báo Người Hà Nội, nhờ tôi đánh máy chữ. Người Hà Nội là nguyên tên tạp chí của Hội Văn nghệ Hà Nội, xuất bản hàng tháng từ khi thành lập Hội năm 1967. Thoắt đó đã 35 năm, báo Người Hà Nội với sự phát triển đi lên, tiến bộ không ngừng, có rất nhiều thuận lợi, đóng góp tích cực trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các mặt đời sống xã hội.

Báo Người Hà Nội ngay từ khi xuất hiện đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận, đánh giá cao cả về chất lượng nội dung cũng như hình thức trình bày. Đặc biệt là sự quan tâm, động viên, khen ngợi của các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ. Trong quá trình phát triển báo Người Hà Nội bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong việc chuyển tải thông tin và phản ánh rõ nét đời sống văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô và cả nước,  còn phải nhắc đến một số những hạn chế trong hoạt động báo chí là những bài học kinh nghiệm cho tập thể cán bộ, phóng viên của báo.

Báo đã vài lần bị nhắc nhở, kiểm điểm thậm chí có lần nhận rõ sai phạm tự tạm đình bản ít số để khắc phục hậu quả. Riêng tôi, nguyên là thư ký tòa soạn được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008 cũng đã để xảy ra trường hợp bị “thổi còi” vì báo in truyện ngắn “Chị cả Bống“ của Phạm Lưu Vũ. Trong cuộc họp kiểm điểm có Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội... Thay mặt ban biên tập, tôi đã tường trình, tự nhận lỗi do mình và hứa kiên quyết sửa chữa. Với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên và cũng là một bài học kinh nghiệm trên cương vị là lãnh đạo của một tờ báo. 
 

Những năm tháng gắn bó với báo Người Hà Nội tôi có thật nhiều kỷ niệm về nghề, về cuộc sống trong thời điểm giao thời đổi mới. Tuy là nơi tập hợp những văn sĩ hàng đầu của Thủ đô nhưng cuộc sống những năm đầu thành lập báo vô cùng gian khổ. Dù khó khăn, vất vả là thế nhưng không khí làm việc tại tòa soạn lúc nào cũng sôi động, hăng say. Anh chị em là các văn nghệ sĩ, cán bộ, phóng viên của báo sống rất tình cảm, chan hòa, vui vẻ dưới mái nhà chung 19 Hàng Buồm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, không khí vô cùng rôm rả với việc phát gạo, chia thịt lợn, bánh chưng… của bộ phận công đoàn, sự hối hả, tất bật của bộ phận chuyên môn thực hiện số báo Tết.

 

Thế mà đã 35 năm vụt trôi trong chớp mắt. Báo Người Hà Nội bây giờ với đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ trung, năng động, nhiệt huyết cải tiến không ngừng về chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo. Báo ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng những chuyên mục mới hấp dẫn, giới thiệu đa dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật, bên cạnh đó báo còn phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội đương thời đến với đông đảo công chúng của Hà Nội và cả nước. Mừng, mừng lắm thay! 


 

Hà Nội, tháng 4/2020

 


Nhà thơ Bùi Việt Mỹ 
 

Chặng đường gian khó nhưng rất vinh quang


 

Tôi gắn bó với báo Người Hà Nội trong suốt thời gian 2 nhiệm kỳ BCH Hội, khoảng những năm trước và sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giữa bộn bề công việc, cùng với anh chị em cán bộ, phóng viên, chúng tôi đều ý thức được vinh dự có mặt ở những năm tháng lịch sử vô cùng trọng đại của Thủ đô nên đã hết lòng chung sức cống hiến.

 

Giữa hai chiều của một nhiệm vụ, vui vì niềm vui chung thật lớn của văn nghệ sĩ, báo chí Thủ đô, lại lo vì khả năng có hạn của mình trước đòi hỏi tờ báo phải tự trang trải, tự hạch toán. Tiêu chí giới hạn của tờ báo văn nghệ là không tham gia thị trường làm ăn kinh doanh vốn đang nóng rát ngoài kia. Bởi thế báo không có cửa đầu vào: ít quảng cáo, ít bạn đọc, giá cước bưu điện chuyển báo tới bạn đọc cao hơn tiền lãi in báo, lại còn bao nhiêu chi phí bắt buộc khác... Nhưng, không sao, chúng tôi vẫn làm bằng quyết tâm của tập thể. Cải tiến tờ tuần báo, ra thêm tờ cuối tuần, chèn thêm dung lượng thông tin kinh tế - xã hội, tăng cường tin nóng trên trang điện tử nguoihanoi.com.vn, lại thêm tờ Nghệ thuật mới dày dặn để truyền tải sâu về lý luận phê bình và sáng tác. Mặt khác, mua sắm trang thiết bị tác nghiệp và tự dàn trang, lên khuôn báo. Có nhà báo, hết tháng rồi, chưa có tiền cho con đóng học, vẫn đến cơ quan biên tập, duyệt bài, gửi in cho kịp mai báo hiện hữu trên quầy, gửi đi Huế, đi Sài Gòn…

 

Làm báo văn nghệ Hà Nội khác nhiều so với báo chí thông tấn khác. Chúng tôi cần học ở những người đi trước, những thế hệ văn nghệ sĩ tiêu biểu để níu kéo cái cốt cách của người Hà Nội, giành nhiều dung lượng cho tiếng nói và sáng tác của hội viên. Chúng tôi được kế thừa từ truyền thống và tiếp thu ý kiến xây dựng tờ báo của những văn nghệ sĩ lớn như: Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tuyên và Vũ Quần Phương... nên trọng trách lại càng lớn.

 

Thời gian trôi chảy, kỷ niệm 25 rồi 30 năm, và đến nay là 35 năm ngày thành lập tờ báo. Ghi dấu một quá trình lao động cống hiến và trưởng thành, báo lần đầu được thành phố tặng Bằng khen, xây dựng kỷ yếu một chặng đường làm báo thật vinh quang. Đây cũng là thời điểm báo có số cán bộ đông nhất, cũng đồng thời đặt ra nhiều khó khăn nhất. Làm sao để tờ báo luôn đảm bảo tôn chỉ, mục đích và sự hấp dẫn với bạn đọc? Làm sao để đời sống cán bộ phóng viên được đảm bảo, để họ yên tâm cống hiến? Hơn ai hết Ban Biên tập luôn phải cùng chung lưng đấu cật để chèo lái con thuyền vững vàng vượt qua mọi sóng gió. Những vui, buồn, lo lắng nhiều không kể xiết. Nhưng với tôi, đó là những tháng ngày không thể nào quên.
 

Hà Nội, tháng 1/2020

 


Nhà báo Đào Xuân Hưng
 

Thương hiệu Người Hà Nội đã in dấu trong lòng bạn đọc


 

Tôi công tác tại báo Người Hà Nội hơn một thập kỷ (2007 – 2019). Một quãng thời gian không dài, nhưng là những trải nghiệm vô cùng đáng quý, nuôi dưỡng vun đắp tôi từ một phóng viên trở thành Tổng Biên tập thứ 10 của báo Người Hà Nội, ở tuổi 38. Giờ không công tác ở báo, nhưng với tôi đây vẫn luôn là ngôi nhà đầy ắp những kỷ niệm trân quý…

 

Tôi về Người Hà Nội vào dịp tiết trời đang chuyển sang thu. Ngày đầu tiên đến tòa soạn, tìm mãi mới thấy bởi cả dãy phố có 1 số nhà duy nhất là số 126 Nam Cao, phố ngắn nhưng rất đặc trưng. Lãnh đạo báo lúc bấy giờ là nhà thơ Vũ Xuân Hoát và nhà báo Nguyễn Ngọc Hưng, cũng là những người tạo điều kiện giúp tôi có vị trí ổn định tại Người Hà Nội và sau này là nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà thơ Bằng Việt, cùng các đồng nghiệp thân thiết - những người đã bồi dưỡng và tạo điều kiện để tôi trưởng thành.

 

Khi được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Người Hà Nội cuối tuần, lúc đó, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều cộng tác viên mà nhiều người là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Lúc bấy giờ, để tăng số lượng phát hành tờ báo, ngoài các kênh truyền thống, tôi sáng kiến nên phát hành trong tổ ngữ văn các trường học trên địa bàn Hà Nội, kết hợp cùng với việc các doanh nghiệp tặng học bổng cho các em học sinh có điều kiện khó khăn. Chính vì vậy, số lượng phát hành báo Người Hà Nội đã tăng lên. Điều làm tôi vui nhất là sự tiếp nhận, đón đọc các tác phẩm văn học đăng trên Người Hà Nội của thầy, cô giáo và các em học sinh.

 

Năm 2007, hướng đến kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội, tôi có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết về Hà Nội với chủ đề “Hà Nội trong trái tim em”, đối tượng dành cho học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên toàn Thành phố Hà Nội. Qua 4 lần tổ chức cuộc thi đã thu hút được 300.000 bài dự thi. Không chỉ thu hút được số lượng đồ sộ về bài tham gia cuộc thi, mà thành công lớn nhất là đã thu hút sự quan tâm của các em học sinh thể hiện tình yêu của mình với Thủ đô Hà Nội. 

 

Đúng vào dịp 21/6 năm 2008, trong lúc mấy anh chị em trong tòa soạn “trà dư tửu hậu” về làm báo, tôi có ý kiến về xu hướng của báo điện tử, được mọi người ủng hộ. Người Hà Nội điện tử ra đời đã góp phần quan trọng trong việc chắp cánh cho những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đến với công chúng thuận lợi hơn. 

 

Vào dịp cận kề Tết Bính Thân, năm 2016, tôi được giao nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập Phụ trách báo Người Hà Nội. Năm 2017, khi bắt đầu lãnh đạo tờ báo tôi tập trung vào việc nâng cao chất lượng nội dung, từ việc sắp xếp lại chuyên mục, mở chuyên mục mới, đặt các nhà văn, nhà thơ uy tín viết bài, trình bày báo khoa học...

 

Sau cải cách đó nhận được rất nhiều lời góp ý, cả khen và chê, nhưng tôi nhớ nhất ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh khi tôi tới thăm, tặng ông báo. Ông nói “Với điều kiện hoàn cảnh của Người Hà Nội thì anh làm được cho tờ báo như thế này là tốt lắm rồi”. 

 

Không chỉ thực hiện tốt mục tiêu và nhiệm vụ của mình, báo Người Hà Nội còn tổ chức các chương trình “Thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng”, “Thương hiệu phát triển bền vững”, “Khúc quân hành”, “Xuân ấm vùng cao - Tình yêu Người Hà Nội”; các cuộc thi ảnh “Nụ cười Hà Nội”, “Mái ấm gia đình Việt”; các hội thảo khoa học: “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội”, “Báo chí với việc bảo vệ và phát triển thương thiệu doanh nghiệp”; Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp thời hội nhập”… Những chương trình này luôn thu hút được sự quan tâm hưởng ứng đồng hành, ủng hộ của cộng đồng xã hội, các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên cả nước.

 

Nhìn lại chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, Người Hà Nội đang bước vào độ trưởng thành, vừa kế thừa tinh hoa của truyền thống vừa tự đổi mới mình để tiếp tục, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, là tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung.  

 

Hà Nội, tháng 4/2020

 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ke-thua-va-phat-trien_258999.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)