1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Gốm Chu Đậu: Nâng tầm thương hiệu nền văn minh châu thổ sông Hồng

15/05/2020
Sau nhiều thế kỷ bị thất truyền và đi vào “quên lãng”, giờ đây gốm Chu Đậu đang dần hồi sinh và có sức lan tỏa mạnh mẽ cả ở thị trường trong và ngoài nước. Bất kỳ ở đâu gốm Chu Đậu cũng làm mê mẩn lòng người bởi vẻ đẹp sang trọng, quý phái nhưng lại vô cùng nền nã của mình.

Gốm Chu Đậu – Tinh hoa văn hóa Việt Nam

Làng nghề gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, Huyện Nam Sách đã nổi tiếng trên thế giới từ hơn 500 năm nay.

Gốm Chu Đậu xưa không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Minh chứng là Gốm cổ Chu Đậu hiện nay đang được lưu giữ và trưng bày tại 46 Bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đã dành những không gian xứng đáng để trưng bày giới thiệu về gốm Chu Đậu, vì thế gốm Chu Đậu được xem như là một sắc thái văn hóa riêng biệt, độc đáo của Văn hóa Việt Nam.

Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác.

Gốm Chu Đậu từng rất nổi tiếng trong lịch sử, đã có rất nhiều sản phẩm gốm của làng Chu Đậu được sử dụng trong Hoàng Cung Thăng Long. Đó là dòng gốm cao cấp Ngự dụng dành riêng cho Vương Triều. Phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý - Trần - Lê - Mạc, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, sau đó do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền.

Nỗ lực “hồi sinh” thương hiệu gốm Chu Đậu

Quyết định phát triển thương hiệu với Hapro là một cách để gìn giữ nét văn hóa Việt

Có những giai đoạn, thị trường vắng bóng cái tên Chu Đậu. Với tầm nhìn chiến lược muốn quảng bá, gìn giữ và nâng tầm thương hiệu gốm Chu Đậu, năm 2001, ông Nguyễn Hữu Thắng – nguyên Giám đốc Công ty sản xuất dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội - Nay là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định hồi sinh làng nghề gốm cổ bằng cách thành lập Xí nghiệp gốm Chu Đậu. Ông đã mở các lớp đào tạo, mời nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, xương cốt, kỹ thuật sản xuất, đồng thời, gửi công nhân đi học tại các làng nghề. Từ đó, gốm Chu Đậu được phục hồi với hàng ngàn mẫu mã cổ cùng nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau.

Sau gần 20 năm phục dựng, Chu Đậu ngày nay không những được hồi sinh mà còn được phát triển mạnh mẽ. Ngoài thị trường trong nước, gốm Chu Đậu hiện nay còn xuất khẩu sang nhiều nước như: Nhật, Đức, Tây Ban Nha,… Đặc biệt, gốm Chu Đậu đã có mặt tại rất nhiều Viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá lên tới hàng triệu đô-la.

Sản phẩm gốm Chu Đậu hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Sự phục hưng của gốm Chu Đậu ngày nay không chỉ phỏng lại những sản phẩm Gốm Chu Đậu tinh hoa xưa mà còn tạo ra nhiều sản phẩm vừa có tính văn hóa vừa có tính kinh tế, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Nâng tầm thương hiệu gốm Chu Đậu gắn với phát triển du lịch làng nghề

Làng gốm Chu Đậu ngày càng hút khách tham quan du lịch

Cùng với việc khôi phục nghề gốm cổ, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã chú trọng phát triển du lịch làng nghề, xây dựng gian trưng bày với 1.000m2 để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ; đồng thời xây dựng Không gian vườn gốm thư pháp, Nhà thờ tổ gốm linh từ… Hữu xạ tự nhiên hương, danh tiếng gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến trong tour tuyến du lịch vùng Đông Bắc đất nước.

Hàng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Thương hiệu Gốm Chu Đậu đã trở nên quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế. Nơi đây đã và đang trở thành điểm hấp dẫn du khách đến tham quan, trở thành địa danh trong bản đồ du lịch của tỉnh Hải Dương.

Không chỉ thu hút khách trong nước, làng gốm Chu Đậu còn hấp dẫn đông đảo khách nước ngoài; trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài là những nhà khoa học có nhu cầu nghiên cứu về không gian, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, các di vật gốm cũ, các lò, công cụ chế tạo gốm cổ.

Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đang có kế hoạch xây dựng khu sản xuất làng nghề khoảng 10ha cho các hộ trong làng nghề ra sản xuất tập trung, hình thành trung tâm du lịch làng nghề. Hiện gốm Chu Đậu đã được đưa vào 4 chương trình du lịch của Công ty Hapro Travel phục vụ khách du lịch nội địa và 2 chương trình cho khách du lịch quốc tế.

Yên Thư/Doanh nghiệp và Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/gom-chu-dau-nang-tam-thuong-hieu-nen-van-minh-chau-tho-song-hong.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)