1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Đào Minh Công

14/08/2020
(Thành hoàng làng Chu Xá, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội)

Cổng tam quan trong cụm Di tích Đình - Đền - Chùa Kiêu Kỵ.

 

Vào thời Lê Đại Hành ở trang Hương Tích, huyện Tiên Lộc, phủ Đức Thọ, xứ Hoan Châu có ông Đào Công, vốn nhà gia giáo am hiểu thi thư lễ nhạc. Năm 27 tuổi, cha mẹ đều mất. Trong cảnh cô đơn, ông dời quê đi chu du trong nước tìm nơi sinh sống. Một tháng sau, ông đến trang Hạ Tốn, huyện Gia Lâm, đạo Kinh Bắc vào nghỉ tại chùa Linh Cảnh. Dân làng đến hỏi nguyên do, ông kể hết sự tình. Thấy ông là người nho nhã, dân làng cảm thông, liền để ông ở lại chùa đêm ngày lo đèn nhang cúng Phật. 

 

Từ ngày ông đến chùa, cảnh sắc biến đổi nhiều, chùa trở nên khang trang, thoáng đẹp và được tiếng là linh thiêng. Thời kỳ này ở bản trang có một vị hào phú tên Đinh Xuân, hiếm hoi, 80 tuổi mới sinh được người con gái đặt tên là Đinh Thị Bình. Khi lớn lên, nàng có nhan sắc, tính tình hiền hòa và có lòng nhân  đức, nhưng vì thương cha mẹ mà không chịu xuất giá. Đến năm 30 tuổi thì không may nàng mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình cố công chạy chữa thuốc thang vẫn không khỏi, nên ông bà mới loan tin rằng: “Ai có tài thì đến chữa cho”. Được tin Đào Công liền đến. Từ đấy cứ sáng sớm ông ra vườn chùa hái thuốc đem về sắc cho nàng uống, và ngày đêm thắp hương cầu Phật cho nàng. Quả nhiên, sau ba tháng nàng tai qua nạn khỏi. Về sau, ông bà cho hai người kết duyên vợ chồng. 

 

Ba năm sau, bên Trung Quốc có loạn, nhiều người lánh nạn sang ta. Có hai vợ chồng người khách kia đến vùng Gia Lâm, thấy chùa Linh Cảnh có phong cảnh đẹp bèn xin nghỉ lại. Sáng hôm sau, khách ra đi bỏ quên báu vật. Hai ngày sau họ mới quay lại. Vợ chồng Đào Công đã trả lại đầy đủ. Cảm kích trước tấm lòng chân thật, vợ chồng người khách đã giúp tiền để xây lại chùa. Đào Công báo cho làng biết chuyện và làng đã chấp thuận để Đào Công nhận số tiền ấy. 

 

Ít lâu sau, vợ ông mơ gặp một vị Thiên Quan, tay cầm ngọc tê tê đứng trước mặt mà phán rằng: “Ta là Thiên Quan trấn chùa này, thấy vợ chồng hiền thảo, tu nhân tích đức, luôn làm điều thiện, nên ban cho ngọc, hãy giữ gìn, ngọc sẽ tự biến hóa”. Khi tỉnh dậy, bà kể cho chồng nghe về giấc mơ, biết là điềm lành, vợ chồng ông đã thắp hương cúng tạ, sau đó bà có mang, luôn mơ thấy thần Thiên Quan ban cho vàng ngọc. Thời gian thấm thoát thoi đưa, đủ tháng bà sinh được một bọc màu đen, nở ra một người con trai. Ông cho là kỳ lạ, vừa mừng, vừa lo. Cậu bé lớn dần, diện mạo khôi ngô, thân hình bụ bẫm, da đen như sắt. Khi bé vừa một tuổi thì tai họa ập đến. Người mẹ lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 18 tháng 7. Mộ bà đặt tại cánh đồng làng, ở khu Tả Mít. Từ đó ông bố một mình chăm chút nuôi con, đến năm 3 tuổi mới đặt tên là Minh Công. Càng lớn tài năng cậu bé càng bộc lộ rõ, ngày ngày học hành chăm chỉ, cho mãi đến năm 13 tuổi mới cùng bố về thăm quê. Ngày 24 tháng 10 năm ấy, bố ông đột ngột lâm bệnh rồi qua đời, mộ được táng tại vùng Mả Dặm. 

 

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống trong nghèo khổ nhưng Đào Minh Công vẫn cao lớn, sức khỏe phi thường, lại tinh thông phép thuật có thể vẫy gió, gọi mưa. Năm ấy, có giặc Ai Lao đến xâm lấn nước ta. Vua khởi binh đi đánh dẹp. Khi qua huyện Gia Lâm, biết ở trang Hạ Tốn có Minh Công tài giỏi, nhà vua cho vời đến và cử làm tướng tiên phong đi dẹp giặc. Khi giáp trận, ông hô gió gọi lửa, giặc thua tan tác. Thắng trận, nhà vua cho triệu ông về triều ban thưởng, nhưng chẳng may đến vùng Thanh Hóa thì trời nổi cơn gió lớn, ông liền hóa. Hôm đó là ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch. 

 

Được tin, nhà vua vô cùng thương xót vị công thần có công với nước, lệnh cho dân nơi ông mất lập lăng miếu thờ phụng, lại truyền cho Trung Khu, trang Hạ Tốn lập đền miếu, ban cho dân bản khu sáu trăm quan tiền, miễn cho binh lương giao dịch 15 năm, bao phong mỹ tự là Thượng Đẳng Phúc Thần. 

 

Thời Lý, khi quân Tống sang xâm lược nước ta, vua cử đạo hùng binh lên đường dẹp giặc, khi qua vùng Gia Lâm, đến đền thờ thần, đúng vào giờ Ngọ, bèn cho hạ trại. Trong giấc ngủ, viên tướng mơ thấy một người mũ áo chỉnh tề, tay cầm kim bài, miệng phun ra lửa, tự xưng là danh tướng thời Tiền Lê và nói rằng: “Nay nước có giặc, lẽ nào ta lại dửng dưng”. Nói xong thì biến mất. Tướng quân tỉnh dậy liền thắp hương cầu nguyện xin thần ngầm theo giúp. Quả nhiên, trận ấy ta thắng lớn. Tin báo tiệp về triều, vua sai làm lễ bái vọng vào bao phong mỹ tự cho thần là: Trang Vũ Dương Uy Diệu Tán, đời đời hưởng huyết thực, và chuẩn cho Trung Khu, Hạ Tốn (nay là thôn Chu Xá, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) thờ thần như cũ, đồng thời hạ chiếu khen thưởng quân sĩ. 

 

Do có công với đất nước, nên Đào Minh Công được nhân dân thôn Chu Xá dựng đền (đình) thờ tôn làm Thành hoàng làng. 

 

Đình Chu Xá còn giữ được ba đạo sắc phong thần thời Nguyễn, đề năm Tự Đức thứ 36 (1883), năm Thành Thái thứ 3 (1891), năm Duy Tân thứ 3 (1909).

 

Hằng năm, vào ngày hóa của thần mùng 7 tháng 3 âm lịch, dân Chu Xá tổ chức rước từ đình ra nghè. Khi đoàn rước đi đến cầu Chùa thì vào chùa thắp hương cúng Phật, rồi mới rước về đình làm lễ. Trong ngày hội làng, vào những năm trăng tỏ, hai bên đầu cầu Chùa, nam nữ thanh niên quây tròn từng đám chia bè hát trống quân.

   

Văn Sáu (sưu tầm)/Báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dao-minh-cong_262238.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)