1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Chu Văn An

10/07/2020
(Thành hoàng Văn thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội)


Chu Văn An hiện còn được thờ ở Văn Miếu, Hà Nội.
 

Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, tên thụy là Văn Trinh. Ông sinh ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292) tại Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Cha ông là Chu Văn Hưng, người huyện Chân Định ở phương Bắc sang Đại Việt lấy bà Trần Thị Phương người ở trang Quang Liệt. Lúc nhỏ, ông chăm chỉ học hành, hay làm điều thiện, giúp đỡ kẻ nghèo khó. 

 

Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Dần (1314) đời Trần Anh Tông, được cử làm Giám quan ở kinh thành Thăng Long. Tính ông ngay thẳng, không ham danh lợi, sống theo đạo thánh hiền, nên ông chỉ giữ chức này trong ba năm rồi cáo quan về quê phụng dưỡng mẹ già. Ông mở trường học ở gò lớn gần làng Cung Hoàng (nay là thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì). Học trò gần xa nghe tiếng ông là bậc mô phạm  đến xin học rất đông, có nhiều người thành đạt. Hai ông Phạm Sư Mạnh và Cao Bá Quát làm đến quan đầu triều mà vẫn giữ lễ, mỗi lần đến thăm, được thầy tiếp nói dăm ba câu đã lấy làm mừng. Tương truyền, trong số học trò đến trường thầy Chu còn có cả con vua Thủy Tề; có lần đã không ngại ngần dũng cảm làm mưa cứu dân.

 

Năm Khai Thái (1324 - 1329) đời Trần Minh Tông, ông được vời vào cung dạy Thái tử Vượng học. Khi Thái tử nối ngôi, tức vua Trần Hiến Tông, lúc mới hơn 10 tuổi, vẫn được ông bà chăm lo, dạy dỗ; tuy nhiên, thực quyền vẫn ở trong tay Thượng hoàng Minh Tông. Mười năm sau, khi vị vua trẻ đã trưởng thành, Thượng hoàng mới giao chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám cho ông (1535 - 1339). Tiếc thay vị vua mà ông dày công rèn dũa lại đoản thọ. Vua Trần Dụ Tông nối ngôi (1341 - 1369). Lúc này Thượng hoàng vẫn cùng con tham gia việc triều chính nên phép nước vẫn được giữ nghiêm. Nhưng sau khi Thượng hoàng băng hà (1357) thì Dụ Tông ngày càng ăn chơi sa đọa, chính sự triều đình mỗi ngày một suy đốn, bọn triều thần lắm kẻ sinh ra kiêu ngạo, hà khắc, tham nhũng, ông dâng sớ xin chém bảy kẻ gian nịnh, toàn những người hách dịch quyền thế lúc bấy giờ. Vua không nghe, vì thế ông cởi mũ trả chức quan, xin về làng cũ.

 

Về trí sĩ rồi, nhân ra chơi làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương, thấy nơi đây có phong cảnh đẹp, ông mới làm nhà ở trong khoảng núi Phượng Hoàng, tự hiệu là Tiều Ẩn tiên sinh. Mỗi khi nhàn rỗi, ông thường ra chơi nơi đầm Miết và sông Thanh Lương, khi có việc triều hội, thì lại vào chầu. Có lần vua Dụ Tông muốn giao quan chức, nhưng ông nhất định từ chối. Bà Hiếu Từ thái hậu nói rằng: “Người ấy là bậc cao hiền, thiên tử không thể bắt người ta làm bề tôi được, giao thế nào được chính sự cho người ta”. 

 

Vua sai đem áo mũ đến ban cho ông, ông nhận lấy nhưng lại đem cho người khác, thiên hạ cũng khen ngợi là cao đạo.

 

Chu Văn An có viết sách, làm thơ. Ông từng có những tác phẩm như “Thất trảm sớ”, “Tiều ẩn thi tập”, “Tiều ẩn quốc ngữ thi tập”, “Tứ thư thuyết ước”. Nhưng cho đến nay, mới chỉ tìm được 12 bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.

 

Ngày 26 tháng 1 năm Canh Tuất (1370) ông mất, vua Nhuệ Tông sai quan đến dự tế, ban tên thụy là Văn Trinh công, tên hiệu là Khang Tiết Tiên Sinh, cho được tòng tự bên hữu vu Văn Miếu, ngang với các bậc tiên Nho. 

 

Ở làng Huỳnh Cung, ngay sau khi Chu Văn An mất, một học trò làm quan trong triều đã dựng đền thờ thầy ngay trên nền trường cũ. Đền ba gian, quy mô giản lược, năm 1774 làm bái đường năm gian. Giữa thế kỷ XIX, đền được sửa chữa lớn. Người khắp nơi góp 73 lạng bạc, 3.067 quan tiền để sửa đền trong đó Tổng đốc Nguyễn Đình Tân cúng 20 lạng bạc, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu cúng 400 quan tiền. Đầu năm 1947, trước nguy cơ ngôi đền có thể bị tàn phá các bô lão Huỳnh Cung đã chuyển vào đền bức hoành “Ngã Việt Nho Tôm”; chuyển về chùa 11 sắc phong thần cùng ngai, bài vị, hia, mũ, áo của thần. Tại bên trái Phật điện chùa làng Huỳnh Cung hiện có ban thờ Đức thánh Chu. 

 

Trước đây, ở làng Đức Viên (số 2 phố Trần Xuân Soạn) cũng có ngôi đình thờ Chu Văn An, năm 1947 đình bị tàn phá, một số di vật quý cũng được chuyển từ đình về ngôi chùa làng ở vị trí đối diện. Ngay sau khi đất nước yên hàn, vị sư trụ trì đã lập ban thờ Chu Văn An ở bên phải tòa bái đường. Bằng tiền công đức, nhà chùa lại tạc tượng Chu Văn An để thờ. Bên dưới bệ tượng có dòng chữ “Đức thành hoàng”.

 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/chu-van-an_261837.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)