1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

08/11/2019
Phố Đồng Xuân dài 170m, rộng 8m. Từ ngã tư Hàng Giấy - Hàng Khoai nối với phố Hàng Đường ở ngã tư với phố Hàng Mã - Hàng Chiếu, đi qua trước cửa chợ Đồng Xuân.

Phố Đồng Xuân dài 170m, rộng 8m.

Từ ngã tư Hàng Giấy – Hàng Khoai nối với phố Hàng Đường ở ngã tư với phố Hàng Mã – Hàng Chiếu, đi qua trước cửa chợ Đồng Xuân.

Phố này dãy bên chẵn là đất thôn Nhiễm Trung, dãy bên lử là đất phường Đồng Xuân, đều thuộc tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX thôn Nhiễm Trung hợp nhất với thôn Hoa Đán thành ra thôn mới Phương Trung. Ngày nay đình Phương Trung là số nhà 18 phố Đồng Xuân thờ Ủy Phủ đại vương (không rõ lai lịch). Còn đình Đồng Xuân là số nhà 83 phố Hàng Giấy, thờ thần Bạch Mã (xem mục phố Hàng Buồm).

Phố này còn có tên là phố Hàng Gạo, nên thời Pháp thuộc gọi là “rue du riz”. Sau cách mạng gọi là phố Đồng Xuân.

Chợ Đồng Xuân choán quan nửa dãy phố bên lẻ. Nó vốn là “hậu thân’ của hai ngôi chợ cổ của Thăng Long xưa là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Chợ trên ở cạnh đền Bạch Mã (nay là số 76 phố Hàng Buồm). Chợ dưới ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là số 38B phố Hàng Đường). Cả hai đều ở trên bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền tấp nập. Pháp sau khi chiếm Hà Nội, năm 1889 đã lấp sông Tô, mở phố xá mới, đã dồn 2 chợ mới trên bãi đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân. Ban đầu Pháp cho rào bãi đất kia bằng tre nứa và bắt mọi người vào họp chợ trong hàng rào. Ai có hàng đem vào chợ bán phải đóng thuế ngay ở cổng. Dần dần chợ đông người họp, chúng mới mở rộng phạm vi chợ, xây 5 cầu chợ bằng khung sắt, mỗi cầu dài 52 mét, cao 19 mét, mái lợp kẽm tôn. Chợ mới này khánh thành vào năm 1890. Mỗi cầu chợ dành cho một số loại hàng. Đây là chợ lớn nhất Hà Nội.

Vào những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Đồng Xuân là hàng rào phòng ngự phía Tây Bắc của Liên khu I. Suốt từ đêm 19/12/1946 cho tới đầu tháng 2/1947 thực dân Pháp nhiều lần tấn công vào phố này nhưng đều thất bại. Tới giữa tháng 2/1947 địch lại tập trung một lực lượng lớn để tấn công “pháo đài chợ” này. Tờ mờ sáng ngày 14/2/1947, sau khi cho máy bay trút bom xuống nơi đây, 400 lính Pháp có đầy đủ vũ khí hiện đại (so với ta lúc đó), có cả xe tăng yểm hộ, bắt đầu tiến vào phố Đồng Xuân. Bên ta trấn giữ chợ Đồng Xuân chỉ có 19 chiến sĩ, súng ống không có gì đáng kể, vì ngoài dao, kiếm súng trường thì chỉ có 1 khẩu tiểu liên là “hiện đại” nhất! Vậy mà 19 người này đã quần nhay với địch suốt 1 ngày. Tây mũ đỏ (lê dương) chết la liệt mà vẫn chưa vào nổi trong chợ. Quân ta dùng xẻng, cuốc, gạch đá, dao bầu, thậm chí cả quầy, phản thịt… đánh bật nhiều đợt xung kích của địch.

Cuộc chiến đầu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô Hà Nội.

Ngôi nhà số 26 phốn ày trong thời kỳ 1937 – 1939 là hiệu sách “Đồng Xuân thư quan” chuyên bán những sách báo công khai của Đảng hồi bấy giờ.

Theo TĐĐP Hà Nội/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)