1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội

03/11/2019
Phố Đào Duy Anh dài 600m, rộng 6m.

Phố Đào Duy Anh dài 600m, rộng 6m.

  Từ ngã tư Kim Liên, Đại Cồ Việt - Giải Phóng đi qua khu tập thể Kim Liên - Trung Tự, đến phố Phạm Ngọc Thạch.

Đất phường Kim Hoa (sau đổi là Kim Liên) tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Phố hình thành khi xây dựng khu tập thể Kim Liên, dân tự đặt và ghi chú trên bản đồ là phố Kim Liên. Đến năm 1995 mới chính thức đặt tên là phố Đào Duy Anh.

Nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.

Tên phố đặt tháng 7/1995.

Đào Duy Anh (1904 - 1988) quê ở làng Khúc Thuỷ, huyện Thanh Oai, Hà Nội, sinh năm 1904 tại thị xã Thanh Hoá.

Thuở nhỏ ông học chữ Hán ở nhà, sau vào Huế học Trường Quốc học, ra trường được cử về dạy học ở Trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). Ba năm sau (1926), ông xin thôi việc trở lại Huế thực sự bắt đầu cuộc đời chính trị và học thuật.

Năm 1927, ông gia nhập Việt Nam cách mạng Đảng (tức Đảng Tân Việt). Cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông ra báo Tiếng dân tờ báo Việt đầu tiên của xứ Trung Kỳ.

Năm 1928, có sự cộng tác của Phan Đăng Lưu, ông lập ban Quan hải tùng thư nhằm bước đầu truyền bá những tri thức khoa học xã hội và những tư tưởng tiên tiến của thời đại.

Sự nghiệp của ông chủ yếu thuộc lĩnh vực học thuật và văn hoá. Các sách ông biên soạn trước năm 1931 như: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tôn giáo là gì? Dân tộc học là gì?...

Năm 1932, ông nổi tiếng với bộ Hán - Việt từ điển, tiếp đó là cuốn Pháp - Việt từ điển.

Năm 1938, cuốn Việt Nam văn hoá sử cương ra đời giới thiệu toàn cảnh lịch sử Văn hoá Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là Uỷ viên Ban chấp hành Hội văn hoá cứu quốc Trung Bộ, Giáo sư Đại học Văn khoa tại Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông đảm nhận nhiều công tác văn hoá và giáo dục quan trọng ở Trung ương và Liên khu IV (Uỷ viên Chi hội văn nghệ kháng chiến; Trưởng ban Văn - Sử - Địa thuộc Bộ Giáo dục; Giáo sư trường Dự bị đại học và Trường Sư phạm cao cấp Liên khu IV).

Từ nấm 1955 - 1960, ông là Chủ nhiệm khoa Sử Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó làm chuyên viên Viện Sử học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông có công lao to lớn trong việc đào tạo cán bộ nghiên cứu Sử học Việt Nam. Đây chính là giai đoạn học giả Đào Duy Anh có những công trình quan trọng về sử học, văn học, văn bản học.

Cuốn Cổ sử Việt Nam (1955), được Viện Phương Đông Liên Xô (trước kia) dịch in. Năm 1957, công trình đó được bổ sung thành Lịch sử cổ đại Việt Nam, được Viện Khoa học Trung Quốc dịch in năm 1959 tại Bắc Kinh.

Trong những năm từ 1960 đến 1970, ông dịch, hiệu đính chú giải nhiều bộ sách lớn về văn hoá, sử học như: Lịch triều hiến chương loại chí lục của Lê Quý Đôn, Ức Trai thi tập, Quốc âm thu tập của Nguyễn Trãi, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du... Ngoài ra ông còn biên khảo chữ nom - nguồn gốc, cấu tạo,, diễn biến, dịch Khoá hư lục của Trần Thái Tông...

Năm 1974, ông cho ra mắt bạn đọc Từ điển truyện Kiều, cuốn từ điểm tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam. Giáo sư Đào Duy Anh là một học giả uyên bác với vốn tri thức mang tính bách khoa và khoa học xã hội - nhân văn, ông là một nhà sử học lớn, một nhà văn hoá lớn đã để lại một đi sản đồ sộ với nhiều trước tác trên các lĩnh vực Từ điển, Ngôn ngữ, Văn hoá, Văn học đến Sử học, Khảo cổ học, Văn bản học, Dân tộc học, Địa lý... Năm 2000 Giáo sư Đào Duy Anh được Nhà nước truy tặng giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh.

Theo TĐĐP Hà Nội/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)