1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Một thoáng quê lụa Hà Đông

21/09/2018
Một buổi sáng đầu Thu nắng đẹp, qua trung tâm thủ đô Hà Nội 10 km về phía Tây Nam, chúng tôi tìm về với quê lụa Hà Đông một trong những nơi có làng nghề dệt lụa nổi tiếng, lâu đời nhất Việt Nam.
Một thoáng quê lụa Hà Đông
Làng Vạn Phúc, nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Lụa ở đây đã đi vào thơ, ca, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, tiêu biểu cho vùng đất này. Làng cũng được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Hiện nay, làng Vạn Phúc có 164 hộ gia đình tham gia sản xuất và kinh doanh lụa. trong đó 114 hộ vừa sản xuất vừa kinh doanh, 50 hộ chỉ tham gia kinh doanh, phân phối sản phẩm lụa.

Một thoáng quê lụa Hà Đông
Hà Silk là một trong những cơ sở kinh doanh uy tín với đa dạng các sản phẩm lụa tại Vạn Phúc, Hà Đông

Số máy dệt cũng phân bố không đều, do điều kiện thực tế của từng gia đình về vốn, về quan hệ xã hội… Phổ biến các gia đình chỉ có từ 1 đến 2 máy dệt, các cơ sở sản xuất lớn  hơn có từ 5 máy dệt trở lên không nhiều, cơ sở nhiều nhất cũng chỉ có 17 máy. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Trước yêu cầu thực tế, giờ đây các cơ sở sản xuất liên kết lại với nhau, thực hiện chuyên môn hóa các công đoạn sản xuất vừa để nâng cao chất lượng sản phẩm vừa tiết kiệm được thời gian, nguyên vật liệu, giảm được giá thành sảm xuất.

Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội lụa Vạn Phúc: Nguồn nguyên liệu chính của lụa Vạn Phúc hiện nay hầu hết được nhập từ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nguồn tơ ở đây được ươm tự động bằng công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc nên sợi tơ bóng mịn, chất lượng cao hơn nhiều so với sợi tơ được ươm theo phương pháp thủ công truyền thống trước đây. Cùng với việc máy dệt được cải tiến một số chi tiết nên chất lượng lụa ngày nay cũng cao hơn, hình thức đẹp hơn…
 

Một thoáng quê lụa Hà Đông

Đến Vạn Phúc, du khách ngoài có cơ hội mua sắm các sản phẩm từ lụa Hà Đông chính hiệu mà còn được tham quan quy trình sản xuất ra tấm lụa của các nghệ nhân

Trong các loại lụa cổ truyền của làng, nổi tiếng nhất là lụa Vân mà tưởng chừng đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân bậc thầy. Đây là loại lụa đặc biệt, có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, và hoa chìm thì chỉ thấy được khi ra chỗ sáng. Ca dao xưa nhắc đến:

“ The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn
 ”


Hoa văn trang trí trên lụa của làng Vạn Phúc được chăm chút rất tỉ mỉ và tuân theo thủ pháp nghệ thuật truyền thống như trang trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà phóng khoáng, dứt khoát.

Ngoài lụa Vân và các loại lụa truyền thống 100% sợi tơ tằm, hiện nay để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường Vạn Phúc đã đa dạng hóa các sản phẩm lụa, với nhiều hình thức mẫu mã và giá cả khác nhau. Các loại lụa cao cấp 100% sợi tơ tằm như Đũi mức giá vào khoảng 1.7 đến 2 triệu/mét. Nhưng cũng có loại như sợi dọc tơ tằm, ngang lanh chỉ rơi vào khoảng 180ngàn/mét, dọc tơ tằm ngang tre 150 ngàn/mét. Loại bán chạy nhất hiện nay không phải là mặt hàng tơ lụa cao cấp mà là loại lụa dệt bằng sợi tơ nhân tạo (Ray on). Loại lụa này rất đẹp, có tính chất gần giống lụa tơ tằm, nhưng giá cả lại rất cạnh tranh, chỉ rơi vào khoảng 170 ngàn/mét.

Một thoáng quê lụa Hà Đông
Sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc cực kỳ đa dạng về màu sắc, phong phú, đa dạng về chủng loại như gấm, lụa, the, đũi,,

 Bà Lê thị Kim Thư, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc chia sẻ: Để có sản phẩm lụa tốt đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, ngoài nguyên liệu để sản xuất thì yếu tố hình thức mẫu mã, mầu sắc là vô cùng quan trọng. Ở Vạn Phúc hiện nay, các cơ sở sản xuất thực hiện nhuộm màu cho lụa theo 2 cách. Thứ nhất là nhuộm màu từ tơ, sau đó mới dệt thành lụa. Ưu điểm của cách nhuộm này là độ thẩm thấu màu cao, độ phai màu thấp, tuy nhiên cách nhuộm này cầu kỳ, chỉ được áp dụng đoói với hàng tơ lụa cao cấp. Cách nhuộm thứ 2 phổ biến hơn, đó là sau khi đã dệt thành lụa rồi mới nhuộm màu. Cách nhuộm này nhanh hơn, màu chính xác hơn nhưng nhược điểm là độ thẩm thấu màu và độ bền màu không cao như nhuộm từ tơ.

Một trong những băn khoăn của Hiệp hội Lụa Vạn Phúc là nguồn nguyên liệu tơ cung cấp cho làng dệt hiện nay bị sự thao túng của các đầu nậu. Cũng chất lượng tơ như vậy, nhưng nếu nhập qua tay các đầu nậu thì các hộ sản xuất được nợ lại, được đổi khi tơ bị lỗi, nhưng giá tơ lại cao hơn khá nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành lụa. Bà Đ.T.H hộ có 1 máy dệt cho biết: Những gia đình có vốn họ có thể nhập tơ lụa trực tiếp từ Bảo Lộc, Lâm Đồng giá thành sẽ rẻ hơn, còn những hộ không có vốn thì đành nhập tơ qua đầu nậu được nợ nhưng bị đắt hơn, còn lụa thì có giá chung không thể bán đắt để làm lãi, vì thế công xá cũng chả được bao nhiêu.

Mặc dù,việc duy trì sản xuất và phát triển nghề dệt lụa ở Vạn Phúc còn gặp không ít khó khăn, thế nhưng sản lượng lụa vẫn tăng đều trong những  năm gần đây. Cụ thể, năm 2017, tổng sản lượng lụa đạt 1,5 triệu mét, dự tính năm 2018 sẽ đạt 1,7 đến 1,8 triệu mét. Điều quan trọng là lụa của làng Vạn Phúc chưa bao giờ bị tồn đọng, lượng lụa sản xuất ra đều được thụ hết ngay trong làng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh lụa cũng không phải mang hàng đi chào bán ở mọi nơi như trước kia.

Có thể nói, các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc ngày nay rất phong phú, đa dạng, gần như đạt đến độ tinh xảo, hoàn mỹ, sẵn sàng cạnh tranh với bất cứ loại lụa nào có mặt trên thị trường nước ta.

 

Thu Hà/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)