1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Hà Nội phơi phới ngày về...

09/10/2020
Nhân dân Thủ đô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. 
(Nguồn ảnh TTXVN)
 
Theo tư liệu của Cục Cảnh vệ, nay là Bộ Tư lệnh cảnh vệ trực thuộc Bộ Công an, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng Tám năm 1954, Bác Hồ và một số đồng chí Thường vụ Trung ương chuyển địa điểm từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, theo con đường tổ tiền trạm đã chuẩn bị trước. Đầu tháng 10, đoàn của Bác Hồ và một số vị lãnh đạo khác bắt đầu rời Đại Từ, Thái Nguyên bằng ô tô về Hà Nội. Ngày 10/10, trên đường từ Việt Bắc trở về Thủ đô, Bác đã ra Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng. Người chỉ rõ: Thủ đô được giải phóng là kết quả hy sinh chiến đấu của quân và dân ta suốt tám, chín năm kháng chiến. Người kêu gọi quân dân Thủ đô hãy đoàn kết nhất trí, giữ gìn trật tự trị an, nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động của Thủ đô, làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh.
 
Ba ngày sau, Người có bài "Ổn định sinh hoạt” đăng báo Nhân Dân biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của Thủ đô Hà Nội những ngày đầu giải phóng, và yêu cầu mỗi người dân Hà Nội cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định sinh hoạt của Thủ đô.
 
Những ngày đầu về Hà Nội, Bác ở và làm việc trong một ngôi nhà thuộc khu vực nhà thương Đồn Thủy (nay là bệnh viện Hữu Nghị). Địa điểm này được chuẩn bị trước, công tác bảo vệ chặt chẽ. Trung đoàn 600 bảo vệ vòng ngoài các lối đi, cổng vào nơi nghỉ và làm việc đều bố trí trạm gác, trạm tuần tra. Bên trong ngôi nhà do lực lượng cảnh vệ tiếp cận trực tiếp canh gác suốt ngày đêm.
 
Đến tháng 12 năm 1954, Trung ương mời Bác về khu Phủ Chủ tịch - nơi mà trước khi lên đường tới Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người từng ở và làm việc. Phủ toàn quyền cũ được sửa sang, tu bổ lại sạch sẽ để làm Phủ Chủ tịch. Ý định của Trung ương là muốn mời Bác về ở và làm việc tại đây để tiện chủ trì các cuộc họp Chính phủ và tiếp khách nước ngoài. Nghe đồng chí Nguyễn Lương Bằng báo cáo xong, Bác đến kiểm tra. Người khen nhà to và đẹp, nhưng quyết định không ở mà đề nghị dọn vệ sinh, tu sửa lại căn nhà ngói ba gian gần bờ ao cách Phủ Chủ tịch độ 300m2 để Người ở. Căn nhà này vốn là chỗ ở của người thợ điện làm việc cho chế độ cũ hiện bỏ không. Người nói:
 
“Một mình ở như vậy là vừa, lại gần Phủ Chủ tịch. Khi hội họp, tiếp khách, đi bộ sang cũng tiện”.
 
Bất cứ người cán bộ Hà Nội nào từng theo Bác đi kháng chiến trên chiến khu hoặc ở lại hoạt động ngay trong lòng địch, những ngày đó đều cảm thấy Hà Nội vui gấp bội phần, vì được giải phóng, và còn vì có Bác Hồ đã trở về, thể hiện trong hai câu thơ của Tố Hữu trong bài Ta đi tới:
 
Trên đường ta về lại Thủ đô 
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ...
 
Hà Nội từng kính chào Bác trong mùa thu độc lập 1945, Hà Nội vẫn hướng về Người trong 9 năm chống Pháp, giờ đây Hà Nội lại “vui sướng đón Cha về". Cùng với nhân dân Hà Nội, tuổi trẻ Thủ đô vô cùng sung sướng, tự hào vì từ đây được gần Bác hơn. Bác đã đến thăm Trung ương Đoàn khi Hà Nội mới giải phóng. Bác căn dặn những việc mà người cán bộ Đoàn phải làm trong giai đoạn cách mạng mới. Lúc đó, Hà Nội đang chuẩn bị một cuộc mít tinh chào mừng Bác, Trung ương và Chính phủ. Người nói với đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội đến chào Người tại Bắc Bộ Phủ:
 
"Đồng bào Hà Nội định chuẩn bị đón tôi thật tưng bừng, tấm lòng thịnh tình đó làm tôi rất cảm động. Nhưng tôi không muốn đồng bào bỏ nhiều vải vóc, giấy màu vào việc viết khẩu hiệu, làm cờ... Tôi không rõ việc đó sẽ gây tốn kém bao nhiêu là tiền bạc. Lãng phí hơn nữa là hàng mấy chục vạn người sẽ mất cả một ngày vì tôi: Nếu đem tất cả những nhân lực, vật lực đó đưa vào công việc sản xuất và khôi phục thì sẽ làm ra được rất nhiều của cải cho nước nhà... Đã tám năm xa cách, thời gian đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp nhau. Nhưng còn rất nhiều dịp. Việc quan trọng nhất trước mắt chúng ta là: sản xuất, khôi phục, khôi phục, sản xuất. Nếu mọi người thực sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về, thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào các công việc trên...".
 
Người nhiệt liệt biểu dương những thành tích của bộ đội, cán bộ, nhân dân trong việc tiếp quản Thủ đô, trong khôi phục hoạt động và ổn định sinh hoạt của nhân dân. Nhưng, Người cũng chỉ rõ rằng, công việc còn nhiều khó khăn, việc giải quyết phải từng bước; đồng bào và Chính phủ đều phải cố gắng, mọi người phải đoàn kết và làm gương để đồng bào cả nước noi theo.
 
***
Trở về Hà Nội, cán bộ và chiến sĩ ta rất vui vì được gặp nhiều bạn chiến đấu đã hoạt động với nhau từ 9, 10 năm trước. Có người từng ở mặt trận. Có người từng ở lại hoạt động trong lòng địch. Và ai cũng tự hứa với mình: quyết sống xứng đáng là con là cháu thân yêu của Bác Hồ. Dường như ai cũng giữ trong mình một tấm hình của Bác. Phần lớn là tấm ảnh Bác Hồ chụp sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, mùng 2 tháng 9 năm 1945, một tấm ảnh lịch sử của vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ, ghi hình vị cha già có đôi mắt sáng ngời, vầng trán cao. Đó là tấm hình được lưu truyền trong dân gian như một huyền thoại: Cụ Hồ có hai con ngươi. Có đồng chí giữ được tấm ảnh Người mặc áo trấn thủ trong những năm đầu kháng chiến.
 
Một đồng chí kể lại niềm vui khi cầm lên tay tờ báo Tiền phong, tờ báo bí mật số cuối cùng ra mắt bạn đọc tại Hà Nội thuộc cơ quan tranh đấu của nam nữ thanh niên Hà Nội do Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội ấn hành. Đó là số báo đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô, và cũng là số cuối cùng để tạm biệt bạn đọc trẻ vì nó đã làm tròn nhiệm vụ của mình - hoạt động trong vùng tạm chiếm và nay bước vào giai đoạn lịch sử mới.
 
Nói đến báo chí của Đoàn, từ những tờ báo ở Trung ương đến các khu vực trong nước đã thấy rất đầy đủ sự đóng góp tích cực của phương tiện truyền thông này vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho lớp người trẻ tuổi. Không chỉ tờ Tiền phong mà cả các tờ khác như Xung phong, Sức trẻ, Thanh niên Việt Nam, Thanh niên Cứu quốc... luôn luôn là người bạn đồng hành của thanh niên ta trong những tháng năm kháng chiến vô cùng gian khổ nhưng cũng đầy lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Tờ Tiền phong ở Hà Nội đã từng giúp cho đông đảo bạn trẻ Thủ đô giữ vững lý tưởng cách mạng của mình, nâng cao cho họ lòng tự tin, tự hào dân tộc để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
Gần đây, tạp chí Xưa và Nay cũng có giới thiệu số báo này, với đầy đủ các chi tiết, số liệu về tờ báo. Khổ báo khá lớn (21 × 28 cm), bìa một và bìa 4 in bốn màu, trên giấy couché. Điều trước hết làm ta cảm động chính là trên bìa một có bức vẽ chân dung Bác Hồ, phía dưới đề "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Bức vẽ khá giống hình Bác, dựa vào một tấm ảnh Bác chụp khoảng đầu những năm 1950. Nền của ảnh là đông đảo quần chúng Thủ đô, từ già đến trẻ, nô nức cầm hoa chào mừng Người trở về. Trang bìa 4 in bài hát Hà Nội giải phóng của Đỗ Quyên. Phủ trên bản nhạc có hình vẽ lá cờ đỏ sao vàng trên nền vàng tươi, trên góc trái phía trên có chân dung Bác Hồ, dưới đó là cảnh quân dân ta cùng các cháu thiếu nhi tưng bừng nhảy múa. Lời bài hát rộn ràng trong những điệp khúc "Hà Nội ơi! Vui lên! Hà Nội ơi!", "Hà Nội ơi! Vui đi! Hà Nội ơi!". Với những câu hát say sưa ca ngợi công ơn Bác kính yêu:
 
Ai chăm lo xây đắp tự do?
Ai gian nan vì ta đấu tranh nhọc nhằn?
Dân Nam ơi! Biết công Người chăng?
Dân Nam ơi! Ngàn năm ghi sâu ơn Bác
Hoặc:
Qua tám năm khát khao tình Bác Hồ
Người uy nghi về khơi nguồn sống mới
Non nước huy hoàng vang vang khúc 
bình ca...
 
Tuổi trẻ Hà Nội, nhân dân Hà Nội chào mừng cuộc đời mới, càng không quên "bao năm chiến chinh lầm than"
 
Trong đêm thâu toàn dân 
ngóng trông mặt trời
Thu nay sang, ánh dương bừng lên
Dân Nam ơi! Hồ Chí Minh sáng chói...”
"Hà Nội ơi! Vui đi! Hà Nội ơi!
 Khắp phố như thi đua rộn tiếng cười
 Từng bầy em tung tăng đùa xinh tươi 
Cắp sách đến trường nhịp bước 
thắm lòng trai
 
Ngày trở về, giữa Hà Nội thân yêu với sự gắn bó sâu xa, nhiều cán bộ Đoàn cũng đã hát những lời ca phơi phới này. Hát trong niềm biết ơn Bác. Hát trong quyết tâm xây dựng cuộc đời mới. Hát để thực hiện tốt nhất những lời Bác dạy.
 
Cán bộ Đoàn thanh niên nhớ mãi những điều Bác từng khuyên bộ đội và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, trong đó nhớ nhất câu: Khi về xuôi thì đạo đức và nhân cách của mình phải thế nào?
 
Bác chỉ rõ:
 
"Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi.
 
Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng "đạn bọc đường" vì nó làm hại mình mà mình không thấy.
 
Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hiện 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính".
 
Kết thúc bài nói chuyện hôm đó, Bác còn dặn bằng những tình cảm hết sức ân cần: về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, tùy hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ, sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến.
 
Lời dạy của Bác như lúc nào cũng nhắc nhở mỗi cán bộ phấn đấu, tự rèn luyện mình, mọi người càng đoàn kết, đoàn kết để thực hiện lời Bác nói ngày 10/10/1954:
 
"Tôi thân ái khuyên các cháu thanh niên và nhi đồng chăm chỉ học tập, hăng hái tham gia công việc khôi phục và xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta, mà mai sau các cháu sẽ là chủ nhân!". 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-phoi-phoi-ngay-ve_262883.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)