1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Nhạc trời

30/05/2020
Hỏi có nơi nào trên thế gian này có dàn nhạc nào chơi ở trên cao với mái vòm cộng hưởng âm thanh là bầu trời xanh thăm thẳm?

Hỏi có nơi nào trên thế gian này có dàn nhạc nào chơi ở trên cao với mái vòm cộng hưởng âm thanh là bầu trời xanh thăm thẳm? Dàn nhạc có thanh âm trong trẻo, vi vu ngân nga đến êm dịu lòng người; dàn nhạc say sưa quên thời gian, quên đêm, quên ngày như dàn nhạc sáo diều của quê hương đất nước Việt Nam. Người nhạc công tài hoa là làn gió của tự nhiên lúc nhẹ nhàng đưa đẩy, lúc ạt ào phóng khoáng, thổi hồn quê tình đất vào ống sáo vang lên các tiếng vi vu reo rắt giữa mây trời. Một dàn nhạc trời lơ lửng giữa thinh không, bốn bề gió lộng. 

Đồng quê sẽ buồn và im ắng đến ngẩn ngơ, nếu vắng đi bóng những cánh diều vẽ vào mây trời  xanh trong lồng lộng; thiếu đi tiếng i u  vi vút của sáo diều khi hoàng hôn buông hay trong bao đêm trăng trong gió mát.

Người ta chơi diều từ bao giờ? Mấy ai có thể trả lời chính xác được. Chỉ biết bóng cánh diều in trên thảm trời xanh cùng thanh âm quyến rũ của tiếng sáo dạo lên bản nhạc của trời là một sự cuốn hút vượt thời gian. Nó khiến người ta say hình bóng, mê thanh âm mà mê mải ăn sáo ngủ diều từ đời này sang đời khác, nơi làng quê yên bình. Nhiều nghệ nhân dân gian còn dày công cộng khoét những bộ sáo, tấu lên khúc nhạc đồng quê giữa mênh mông, bao la của đất trời. 

Mỗi lần về quê khi chiều vàng nắng, tôi thảnh thơi ngước mắt lên cao, mở lòng ra nghe tiếng nhạc trời. Lắng nghe thật kĩ, tiếng sáo nghe thành tiếng quê hương. Mộc mạc mà sâu lắng, đẹp đẽ mà chân thành, tiếng sáo trải rộng chia đều phủ khắp đầu xóm, cuối làng. Những cánh diều đậu gió hứng mây như đứng im trên nền trời mặc cho các cơn gió đua nhau thổi qua ống sáo tạo nên giai điệu bổng trầm của sự bình yên.

Chơi diều sáo cần công phu và khéo léo. Để ra được tiếng sáo bì, sáo bi, sáo ro quyện lẫn vào nhau không bị phá, bị “chua khé” thanh âm, người gọt sáo phải dày công lựa chọn gỗ, từ đoạn bương làm thân sáo cho đến phần miệng sáo. Đẽo gọt cẩn thận ghé miệng thổi thử nhiều lần gọt lên chỉnh xuống mới có âm thanh vừa tai dễ chịu. Gỗ làm miệng sáo phải chọn từ lõi những gốc mít lâu năm, màu vàng thẫm có như thế gỗ mới vừa chắc vừa dẻo, khi khắc miệng sáo không bị mẻ vỡ, âm thanh ra mới tròn trịa, dịu dàng. 

Ngày trước ở làng tôi người chơi diều nổi danh là ông Tá. Cánh diều của ông to lớn lắm, treo lên gần kín hai gian nhà. Lúc đâm diều phải là người lực lưỡng khỏe mạnh, giữ dây cần tới hai người nếu không gió mạnh, cánh diều ăn gió lừ lừ bay lên như chiếc máy bay cất cánh kéo bay cả người giữ dây. Còn dây diều được bện từ các sợi thừng làm từ cây tre bánh tẻ bện xoan lại với nhau vừa dẻo vừa chắc. Khi diều đã “đứng” bọn trẻ con có thể thoải mái đu vào dây diều mà sợi dây vẫn thẳng căng không hề hấn gì. 

Nhìn ông Tá ngồi khoét sáo diều, có cảm giác người ông như bất động chỉ có đôi tay gầy guộc mà khéo léo tỉ mẩn khoét gọt từng ly từng ly một miếng gỗ mít màu vàng ngà. Mỗi khi ông mang diều đi thả là bọn trẻ hò reo chạy trước. Mấy người lực lưỡng vác con diều ra đồng, cánh diều nhún nhảy lên xuống như cánh chim khổng lồ háo hức chờ giờ phút để bay liệng thả mình vào với mây trời gió lộng làm thành cây cầu nối giữa đất mẹ và trời cao.  

Tìm hướng chờ gió cho thật chuẩn, con diều mới được phóng lên không trung chỉ mới vừa cất mình khỏi mặt đất, tiếng sáo của diều ông Tá lập tức vang lên, thể hiện sự dẫn đầu như cánh chim đầu đàn đè mây bạt gió. Là người hiểu về “ngũ cung, âm luật” bộ sáo của ông Tá có tiếng trầm đều bì bì như tiếng bass có tiếng bi bi nhẹ nhàng giữa nhịp và tiếng ro ro réo rắt êm tai. Những bậc “cung, thương, giốc, chủy, vũ” như được nhạc công gió say sưa luồn qua ống sáo, lên xuống bổng trầm theo từng đợt gió đi qua. Tiếng sáo vi vu gửi gắm niềm ước mong về cuộc sống ấm no, thanh bình, về sự mong cầu “mưa thuận gió hoà” để có những mùa vàng bội thu. 

Khi đã bay hẳn lên tầng cao, nơi có gió thổi mạnh và ổn định, cánh diều của ông Tá như đứng lại say sưa ngắm cảnh vật giữa đất trời. Những chiếc diều bé khác bay tầng dưới cũng vi vu tiếng sáo như dàn phụ họa cho tiếng sáo của diều ông Tá độc tấu bản nhạc trời.

Khúc nhạc đồng quê diều cứ ngân nga mãi như tiếng gọi mời tới những đứa con xa. Có những chiều đi giữa bao la, mắt tôi lại hút theo cánh diều giữa mây trời xanh thắm. Khúc nhạc tình quê vẫn mải mê say đắm như phủ khắp cánh đồng quê. Khát vọng bình yên, khát vọng yêu thương gửi vào tiếng sáo diều bay xa mãi về chân trời tím biếc. Nghe tiếng sáo mà thấy lòng thầm tiếc. Cả một thời ngày ấy giờ đã thành quá vãng xa xăm…

Báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nhac-troi_261329.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)