1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Bưởi he

03/11/2020
Sang thu đã là mùa bưởi. Những quả bưởi xanh mã, nguyên cành bày ngũ quả trông trăng, cất giữ kỉ niệm của bao thế hệ, nói đến là cay mắt, nhớ.
 
Xưa, bưởi không nhiều như bây giờ, bưởi chỉ bắt đầu có vào mùa thu, sau Giêng còn cũng chỉ là dăm quả bôi vôi cuống cất trong gầm giường tích trữ mà thôi. 
 
Bưởi rộ hoa vào cuối mùa xuân, cánh hoa rụng trắng gốc, trắng sân. Các bà, các chị thường nhặt hoa ấy ướp trà, hay lọc bột sắn dây. Đôi phiên chợ có bà cụ tỉa bớt dăm cành hoa đem bán ngoài chợ làng, nhà nào không có cây bưởi, hay không xin được nhà hàng xóm thì mua về bày thêm trong đĩa hoa cúng. Bẵng đi, nắng mới rồi sang mùa, bưởi con đã chi chít trên cành. Trẻ con lo đi học, người lớn lo đi làm không mấy người để ý đến cây bưởi nơi góc vườn, chỉ đến khi vào mùa mưa bão, không ít quả xanh rụng xuống, người nhà mới xót ruột mà rằng: “Gió bão hết trận này đến trận khác thế này không biết cây bưởi nhà mình năm nay có được bán quả nào không? Tết có bưởi thờ không đây’’... Bà thì bảo dâng cúng không gì bằng của nhà trồng được, mẹ thì mong lứa quả đầu bán đúng dịp rằm tháng Tám là đỡ được tiền đóng học đầu năm cho mấy chị em. 
 
 
Lớn dần, tôi mới biết thế, chứ ngày bé chỉ chăm chăm nhìn vào cây bưởi nhà mình dịp mùa hè có quả rụng nào vừa tay để chơi chuyền, thậm chí mấy đứa còn rủ nhau bứt trộm quả thấp để cùng nhau chơi. Quả bưởi tròn, trong lòng tay còn tươi, chơi thấy thơm thơm, đến khi héo, mốc lại đem phơi, chơi tiếp. Nhiều khi gặp quả bưởi rụng to, mấy đứa còn bảo nhau đem phơi cho khô bớt để vừa tay chơi hơn. 
 
Rồi cũng hết dần mưa bão, bưởi không còn rụng, mẹ sai anh lên nhặt mấy dây tầm gửi đi, sợ nó ăn hết chất của cây. Anh trèo lên cây thoăn thoắt, sờ tay vào từng quả bưởi, bà ngóng lên nhắc, khéo rụng mất mấy quả bà đã nhắm để dành đến Tết. 
 
Tầm hết tháng Sáu lịch âm trở đi là chợ phiên lác đác có người bán bưởi.  Nhưng bưởi tầm này còn non, ăn sẽ bị he đắng. Mấy cô gái trẻ bê thúng bưởi đi bán ở chợ làng bị đám thanh niên trêu suốt.
 
Xưa, dấu mốc lớp 7 là quan trọng. Thường thì nhà nào có điều kiện mới cho con học lên cấp 3 trường huyện, chứ không hết lớp 7, là hết cấp 2 sẽ thôi học,  lo lao động sản xuất, làm kinh tế giúp gia đình. Đám con trai còn đỡ, đám con gái ở nhà đôi ba năm, thau tháu là có “dạm ngõ’’ ngay. Có khi chúng bạn chưa học xong cấp 3, đám ở nhà đã có cô  đi làm dâu. Đám tát vũng, chơi chuyền, hẹn nhau đi ăn cỗ ngồi cùng mâm chuyện như ngô rang. 
 
Nhanh thật đấy mới hôm nào anh tôi còn bứt vài quả bưởi nhà cho đám con gái chơi chuyền, dù anh chỉ quý có một chị ngõ bên. Anh bứt đến vãn cành mẹ mới biết, khi bị mẹ tra hỏi đành khai thật là bứt bưởi non đem cho bọn con gái chơi chuyền. Mãi sau mẹ mới kể, quát anh xong mẹ phải quay đi để cười thằng con đã biết “dại gái’’.
 
Thế rồi, cả hội vẫn tíu tít trong xóm ngoài làng khi đi học lúc lại cùng đi làm đồng. Hết lớp 7, anh tôi vào cấp 3 trường huyện, mấy chị bạn anh thôi học cả. Chị  khóc vì muốn theo học tiếp mà nhà không có điều kiện. Hình như anh tôi cũng buồn vì việc này. 
 
Mẹ biết là anh buồn nhưng mẹ bảo chả ai tính được duyên phận. Ngày chị ấy lấy chồng anh chỉ về ăn cỗ xong lại đi ngay chứ không đi đưa dâu. Mẹ hỏi thì anh bảo: - “Vui gì mà đi hả mẹ?”
 
Chị ấy lấy chồng về làng dưới, nhà có mấy gốc bưởi già, quả nhỏ nhưng ngọt đượm, có lần đi chợ tổng bán cả gánh gặp mẹ, chị gửi mẹ 3 quả về thắp hương rằm. Hôm ấy ngày nghỉ anh cũng về, những tưởng chuyện đã cũ mẹ kể:
 
- Nó lấy chồng về làng Bối, nhà có giống bưởi quả nhỏ nhưng ngon chẳng kém bưởi nhà mình. Nhưng là bưởi trắng, bán được sớm, tháng Tám mà bổ đã dóc không he, chứ bưởi nhiều nhà tầm này còn he lắm. 
 
Anh nghe đấy, rồi thở dài, mẹ mới nhớ ra, lẳng lặng đi xuống nhà ngang.
 
Tôi biết, chị ấy da trắng, tóc dài, hay bán bưởi mỗi mùa, ai nhờ bổ chị cũng bổ giúp. Chị bổ khéo, cùi bưởi chị chia làm 6, bóc xuống như hoa, thật đẹp. Cuối buổi chị thường gom vỏ xanh đem về bảo là để phơi khô, đun với bồ kết gội đầu dần. Chị xởi lởi, nên bao giờ cũng chưa vãn chợ là hết hàng, vợ chồng anh chị ấy chí thú nên lấy nhau 3 năm đã ra ở riêng, xây được nhà mái bằng...
 
Anh tôi lục một cuốn truyện cũ trên giá sách của tôi nằm trên phản gian bên lật soàn soạt chẳng biết 
có đọc được chữ nào không. 
 
Tôi ngồi bổ bưởi chị ấy cho ngoài hiên nhà vọng vào:
 
Cứ theo hương hoa bưởi
Là tới ngõ nhà em...
 
Em nhớ câu thơ này mà quên tác giả, tình đầu thường buồn nên người ta hay nhớ thì phải?
 
Anh tôi nhìn tôi, rồi lại cụp mắt xuống. Tôi biết, anh tôi đã gửi tình đầu vào người con gái ấy, nhưng không là duyên phận, biết làm sao? Tình đầu hay kí ức bao giờ cũng mang một hương vị, ta nhớ cả, cả những điều không mấy ngọt ngào, nhưng không được chạm vào, không nhắc lại thì lại thường da diết hơn. Thế mới là con người, biết làm sao khác được, trái tim thường thành thật -  nhất là với chính mình. 
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/buoi-he_262715.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)