1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Vấn đề sinh thái trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều

28/04/2021
Môi trường sinh thái đóng một vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự sống còn của con người trên trái đất. Thế kỷ XX cũng chính là một thế kỷ mà nhân loại phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro của sự biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của môi trường, sinh thái. Văn học sinh thái và phê bình sinh thái đã ra đời, ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng với mong muốn chỉ ra các nguyên nhân nguy cơ sinh thái, tinh thần sinh thái ở mỗi người, nhằm cảnh báo, thức tỉnh con người trước sự khai thác quá mức làm kiệt quệ trái đất. Đồng thời qua đó, con người cần phải có thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên hài hòa, thân thiện và văn minh hơn. 
 
Thấu hiểu và ý thức được vấn đề, giới văn nghệ sĩ có trái tim đa cảm, giàu lòng trắc ẩn như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Mai Văn Phấn, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trí, Trần Duy Phiên, Nguyễn Ngọc Tư... đã tiếp cận, tìm hiểu, kí thác để tạo nên một khuynh hướng văn học sinh thái trong cùng dòng chảy với văn học đương đại. Trên tinh thần sinh thái, Nguyễn Quang Thiều - nhà văn tiên phong với trào lưu hiện đại cũng đã quan tâm, phản ánh một cách trực diện, sâu sắc trong văn xuôi viết về nông thôn. Các tác phẩm như: Kẻ ám sát cánh đồng (tiểu thuyết); Lời hứa của thời gian, Người thổi kèn lá dứa, Hương khúc nếp cuối cùng (truyện ngắn); Có một kẻ rời bỏ thành phố, Những cái chết không nhìn thấy, Trong tiếng vọng những mùa sen đã chết, Đã mất rồi những cái cây có ma, Trò chuyện về những cái cây đã chết (tản văn),... đã chạm đến những vấn đề cấp thiết của sinh thái nông thôn, với nhiều góc khuất của hiện thực sinh thái nông thôn trong sự hài hòa giữa con người với thế giới tự nhiên; trong sự biến đổi, tàn phá, hủy hoại của con người đối với thiên nhiên, muông thú,... 
 
Vấn đề sinh thái trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Vấn đề sinh thái trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Vấn đề sinh thái trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Vấn đề sinh thái trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều

Một số tác phẩm của nhà văn 
Nguyễn Quang Thiều
Khắc họa không gian làng quê bình yên, thơ mộng... 
 
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hơn một lần đã tâm sự rằng: “Đi đâu cũng vậy thôi, tôi vẫn là “con chó nhỏ” của làng Chùa - Hà Tây, nơi chứng kiến tất cả những vui buồn tuổi thơ tôi. Đi đâu thì tôi cũng là người Việt, một người nhà quê chân lấm tay bùn mà lên”. Dưới ngòi bút tài hoa của mình, ông đã miêu tả thế giới thiên nhiên làng quê rất phong phú, bình dị, yên ả, thơ mộng, tràn đầy âm thanh và màu sắc, rất đáng sống của con người. Đặc biệt, làng Chùa - một làng quê nghèo hiền hòa, bình dị đã đi vào kí ức tuổi thơ, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều. Hình ảnh thiên nhiên làng quê như: con sông Đáy, cánh đồng làng bát ngát, bờ bãi rực vàng hoa cải, hoa tầm xuân sắc trắng hồng,... rất mộc mạc, gần gũi và thơ mộng, khiến người đọc không thể không xuyến xao, xúc cảm. Sông Đáy như người mẹ bao dung, nảy nở, hoài thai, dưỡng nuôi sự sống, kết tinh hạt mầm tinh khôi của con người, vạn vật nơi đây. Nhà cửa, vườn tược nơi chốn quê này cũng rất đơn sơ, bình yên, gợi lại kí ức về làng quê xưa cũ, nghèo khó: “Những ngôi nhà với những bức tường đất và lợp rạ lúc nào cũng lụp xụp và đầy bóng tối,... Và những ngày ấy, làng quê đầy cây cối và những khu vườn hoang um tùm cây dại”(1)[tr.77]. Ngôi nhà thân thương ấy, cũng chính là nơi níu giữ những người con xa quê mỗi khi gặp giông bão trong đời, lại muốn được trở về. Làng quê ấy còn ẩn chứa bao điều huyền bí, tâm linh trong những câu chuyện kể của cây thị, cây gạo có ma kì quái của các bà, các mẹ cho bọn trẻ con nghe hằng đêm. 
 
Không chỉ khắc họa phong cảnh làng quê bình dị, nên thơ, những trang văn của Nguyễn Quang Thiều còn tái hiện phong tục, văn hóa truyền thống và nếp sống giản dị, đầy tình nghĩa của những người dân thôn quê. Những lúc khó khăn, thiếu thốn, loạn li vì chiến tranh họ cùng nhau đùm bọc, sẻ chia từng “bữa cơm độn khoai lang khô” hay “một bát cà và một đĩa măng tre luộc chấm tương”. Và cả những lúc khấm khá, có của ăn của để, họ vẫn trân trọng biếu nhau những thức quà ngon như bánh khúc được đồ với gạo nếp. 
 
Trong Mùa hoa cải bên sông, cảnh sắc thiên nhiên làng quê nên thơ, tươi đẹp, trù phú và bình yên đã khiến cô thiếu nữ tên Chinh thích thú, đắm say ngay cái nhìn đầu tiên, khơi lên một niềm ao ước, khát khao muốn rời khỏi không gian tù hãm, chật chội của con thuyền, của thị thành để đến với chốn quê yên ả, tươi đẹp. Và nó cũng đã đánh thức con tim thổn thức, khao khát một tình yêu vẫy gọi, để rồi Chinh đã se duyên cùng Thao bên bến sông rực rỡ hoa cải vàng. Và không riêng chỉ Chinh, ông Hiền (Tiếng gọi lúc hoàng hôn), người lính già cô đơn (Lời hứa của thời gian) và một số nhân vật khác trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều được xây dựng với trái tim ấm nóng, chan chứa tình yêu thương với thiên nhiên, muông thú và họ cũng đã được thiên nhiên, muông thú chở che, bảo vệ. 
 
Niềm khắc khoải trước sự xâm lấn, tàn phá...
 
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều không chỉ miêu tả, khắc họa không gian làng quê với những nét đẹp bình dị, trong lành, mát mẻ của những con sông, lũy tre làng, vườn hoa cải, ngôi nhà ba gian ngói đỏ,... mà còn ưu tư, đau xót vì làng quê bị xâm lấn, tàn phá trước làn sóng kinh tế thị trường cùng cơn bão đô thị hóa mạnh mẽ. Diện mạo cảnh quan làng quê, đời sống của người nông dân từ sau Đổi mới đến nay đã có sự đổi thay, văn minh và nhộn nhịp, sôi động hơn: “Ánh sáng của đèn điện bảo vệ dọc đường, có tiếng hát karaoke của đám thanh niên trong một xóm gần đấy, có tiếng hò hét một trận đấu bóng đá giải ngoại hạng Anh,…”(2)[tr.119] Nhưng làng quê nơi ấy cũng đã/ đang đánh mất đi rất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc biệt không gian sinh thái thiên nhiên bị xâm lấn, thay đổi trước những tác động xấu của quá trình đô thị hóa, của kinh tế thị trường.
 
Như bao làng quê khác của đất nước, làng Chùa cũng phải đối mặt với một vấn đề khá phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa nông thôn, đó là sự trì trệ, tối tăm, bẩn thỉu, ô nhiễm về môi trường sống của con người. Những con sông quê vốn dĩ trong lành, mát ngọt nhưng giờ đây trở thành con sông “chết”, con sông “đen”, vì bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải sinh hoạt, của người dân sinh sống trên thuyền ven sông; khai thác nguồn lợi thủy sản bừa bãi, vấy bẩn; xác động vật hay những người xấu số nào đó “đã rữa tỏa mùi tanh nồng nặc”(1)[tr.70-71]; những “nhà máy giết chết cả một con sông và đe dọa sự sống của cư dân đôi bờ”(2)[tr.130]. Các công trình đường xá, nhà ở, khu công nghiệp,... xây dựng đã làm thay đổi, biến mất không gian thiên nhiên thôn dã. Hoa tầm xuân, hoa sen, rau khúc - những loại thảo mộc thân thuộc, gắn bó với đời sống sinh hoạt, trở thành nét đẹp văn hóa của người nông dân nhưng giờ đây đã bị phá bỏ, vì thế thưa dần, ít ỏi. Những đóa hoa tầm xuân thơm ngát dùng để ướp trà, nấu chè và làm đẹp mái tóc cho người phụ nữ,... đã biến mất là kết quả của một sự thay thế, đánh đổi: “Gò sông bây giờ khác xưa quá nhiều. Một hệ thống lò gạch máy dựng lên làm mất hết những bụi tầm xuân. Chỉ còn lại một vài khóm nhỏ mọc quanh hai ngôi mộ”(1)[tr.47]. Những rau khúc người dân dùng làm nguyên liệu để gói bánh, trở thành phong tục, đặc sản, nét đẹp của quê hương mỗi độ Tết đến xuân về hay mùa đông giá lạnh cũng dần mai một. Những đầm sen - một phần của hồn làng càng ngày càng bị thu hẹp, lần lượt biến mất trước cơn lốc của kinh tế thị trường. Người ta cho đấu thầu để phá sen nuôi cá, nuôi vịt, làm ô nhiễm môi trường, bờ đầm “hôi nồng mùi phân vịt”, nhiều cây dại rất đẹp quanh bờ đầm chỉ còn trơ ra của sỏi đá, đất sét đã đầu độc bầu không khí trong lành, mát mẻ của làng quê. 
 
Không chỉ có dòng sông, đầm sen, cây cối,... mà còn những loại động vật nơi làng quê cũng cùng chung số phận. Những đàn chim mòng két ở đầm Lai đã trở thành đối tượng săn lùng của các tay thợ săn bắn động vật, khiến bờ đầm Lai trở nên hoang vu, vắng vẻ, không còn một con chim nào đến đây trú ngụ nữa. Hành động bắn những chú chim mòng két “xõa cánh, ngực bê bết máu” rơi xuống “như lá khô gặp gió” chính là bằng chứng của sự toan tính, thực dụng, vô cảm của con người. Quả thật, sinh thái nơi làng quê đã có sự thay đổi, biến mất đầy xa xót, thương tâm, và dường như, rất ít người để tâm đến, chỉ biết lợi nhuận, chỉ biết thỏa mãn cho thú vui tiêu khiển của mình. Những con rắn cũng trở thành đối tượng “săn mồi” của con người sống nơi vùng biển. Những tay ăn nhậu chuyên đi bắt rắn để làm mồi nhậu, vì rắn là món nhậu “đặc sản”, nhất là quả tim của con rắn trở thành nghi lễ chứng tỏ lòng thành với nhau trong tiệc nhậu. Họ chỉ biết thỏa mãn thú vui ăn nhậu, không hề bận tâm về việc làm, hành động của mình đã giết chết một sinh mệnh bé nhỏ, đang gào thét, kêu cứu, trì níu trước khi lìa khỏi sự sống và tiếng rền rĩ, giận dữ của biển cả: “Những con rắn bơi trong mù khơi. Những quả tim bé bỏng đập trong đĩa. Và tiếng rền rĩ bất tận của biển cả”(1)[tr.259]. 
 
Chính lòng tham, sự ích kỉ, thiếu ý thức của con người đã tàn phá, hủy diệt các sinh mệnh nên dẫn đến phá vỡ nghiêm trọng môi trường sống của con người, không gian văn hóa của làng quê vốn kiến tạo, hun đúc nên từ ngàn năm. Hiện thực này khiến Nguyễn Quang Thiều rất trăn trở, suy ngẫm. Tuy nhiên, ông không hề bi quan, mà trái lại vẫn thể hiện một cái nhìn lạc quan, phản tỉnh về sự hồi sinh của tự nhiên, về sự ý thức của con người trong việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên, văn hóa làng quê trước cơn lốc phát triển thần tốc của tiến trình đô thị hóa nông thôn. Với Nguyễn Quang Thiều, thế giới tự nhiên cũng giống như con người, nó cũng có cảm xúc, biết đau, biết buồn, biết giận hờn, biết nổi giận, nên con người cố tình tàn phá thiên nhiên, sát hại muông thú tàn nhẫn, thô bạo thì con người sẽ nhận lại hậu quả bằng cách nó tự biến mất.
 
Có thể nói, vấn đề sinh thái trong văn xuôi viết về nông thôn được Nguyễn Quang Thiều miêu tả, phản ánh rất chân thực, sinh động và sâu sắc, đúng như nó đã/ đang tồn tại. Bên cạnh một nông thôn với những cảnh làng quê thanh bình, yên ả, tươi đẹp, thì nông thôn trong quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường cũng đã làm vỡ tung, thấu triệt không gian thiên nhiên làng quê vốn tồn tại, dựng xây trước đó. Vấn đề sinh thái nông thôn được tác giả đặt ra trong một số tác phẩm cũng như một liều thuốc làm thức tỉnh ý thức của con người, biết nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hệ sinh thái nông thôn đối với con người; biết yêu quý, tôn trọng, bảo vệ trái đất cũng như sự sống của con người, xem thiên nhiên, muông thú là người bạn thân thiết, quan trọng không thể thiếu đối với con người, đối với mỗi quốc gia và toàn nhân loại.
...................................
 
(1). Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông, Nxb Hội Nhà văn. 
 
(2). Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nxb Hội Nhà văn.
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/van-de-sinh-thai-trong-tac-pham-cua-nguyen-quang-thieu_264978.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)