1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Vài cảm nhận về cuốn ''Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam''

22/09/2019
Trước khi tiếp xúc với nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu - PGS. TS Trần Trí Trắc, tôi có một định kiến rất không phải đối với các nhà lý luận văn học nghệ thuật, cho rằng họ là những nhà duy danh định nghĩa, xơ cứng, tự phụ “bới lông tìm vết”. Nhưng rồi, khi gặp ông và được ông tặng cuốn sách “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”, thì ấn tượng “xơ cứng” ấy của tôi không còn nữa.

Trước khi tiếp xúc với nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu - PGS. TS Trần Trí Trắc, tôi có một định kiến rất không phải đối với các nhà lý luận văn học nghệ thuật, cho rằng họ là những nhà duy danh định nghĩa, xơ cứng, tự phụ “bới lông tìm vết”. Nhưng rồi, khi gặp ông và được ông tặng cuốn sách “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”, thì ấn tượng “xơ cứng” ấy của tôi không còn nữa.

Trần Trí Trắc học lý luận phê bình sân khấu tại thành phố Leningrad từ 1973 - 1979. Tốt nghiệp bằng đỏ, trở về nước, ông nhận công tác tại Bộ Văn hóa. Ông đã cùng với NSND Nguyễn Đình Nghi cam kết, chỉ làm chuyên môn, không nhận làm lãnh đạo. Cam kết đó không bị phá vỡ, và còn giá trị đến ngày hôm nay.

Cũng vì thế, Trần Trí Trắc có đủ thì giờ để nghiên cứu. Ngoài nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu, ông còn sáng tạo, viết kịch bản. Viết kịch bản cũng là thâm nhập thực tế, để hiểu sâu sắc thêm về tác giả, giúp cho phê bình chuẩn mực, sắc sảo. Tưởng rằng tay trái, nhưng Trần Trí Trắc có cả một sự nghiệp về sáng tác. Ông đã thành công trong các vở diễn: Tổ quốc Việt Nam (kịch), Những mảnh vỡ tình yêu (kịch), Mối tình thổn thức (kịch), Hộ tâm phiến (kịch), Người đàn bà bất hạnh (chèo), Tùng lò gạch (chèo), Đại mục liên tôn giả (chèo), Nàng chúa Ba (chèo), Chuyện tình sinh viên (chèo), Linh khí trời Nam (cải lương), Chàng kỵ sĩ Điện Biên (kịch), Trường đời (kịch), Bại tướng (kịch),…

Nhìn vào dàn kịch mục của ông thấy rõ Trần Trí Trắc rất đa tài, đề tài hiện đại, đề tài cổ, ông đều sở trường, và thể loại nào từ chèo, kịch nói, cải lương ông đều không ngại! Bên cạnh đó ông còn đảm trách công việc giảng dạy ở các trường đại học: Đại học Sân khấu và điện ảnh, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam...

Nói đến PGS. TS Trần Trí Trắc không thể không nhắc đến những công trình nghiên cứu lý luận có giá trị đã được xuất bản và phổ cập rộng rãi. Đây là sự nghiệp chính của ông, cũng là cẩm nang cho những văn nghệ sĩ và những người yêu mến nghệ thuật biểu diễn. Có thể kể đến: “Sân khấu – loại hình kỳ diệu”, “Thể tài sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo”, “Hình tượng sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo”, “Nghệ thuật sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo”, “Đại cương nghệ thuật sân khấu”, “Cơ sở triết học văn hóa học và mỹ học”… và mới đây nhất là cuốn: “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” (Nhà xuất bản Sân khấu – 2015) – sách do Nhà nước đặt hàng.

“Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” có thể coi là cuốn sách công cụ, từ điển lịch sử phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Tác giả đã sử dụng các phương pháp hữu hiệu như: phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, phương pháp nghiên cứu tài liệu và phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh, đối chiếu, để có được một công trình có giá trị thực tiễn cao, giá trị khoa học biện chứng, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam từ thời tiền sử, thời sơ sử cho đến thời hiện đại.

Để hoàn thành cuốn sách, PGS. TS Trần Trí Trắc đã dành 10 năm trời sưu tầm nghiên cứu tư liệu, đọc tham khảo 119 cuốn sách của các nhà sử học, dân tộc học, đọc và nghiên cứu các trình thức văn nghệ dân gian, chèo, tuồng, cải lương các dân ca, dân vũ của các vùng miền, nghiên cứu cả nhân chủng học, khảo cổ học, văn hóa học... để từ đó lý giải sự tiếp biến văn hóa, giao thoa, kế thừa,  lọc ra được bản thể, sắc thái của người Việt trong quá trình phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong cái nôi cơ sở văn hóa Việt Nam. Tác giả đã dày công nghiên cứu, so sánh, để tìm ra được những tư liệu, chất liệu, trình thức, của giai đoạn ấy, thời ấy, chứ không thể thời nào khác. Ví như viết về hát xẩm, tác giả tìm hiểu căn nguyên xem hát xẩm có từ bao giờ, ra đời ở đâu, quá trình phát triển, mai một ra sao?… Rất nhiều câu trả lời cho những câu hỏi về nghệ thuật biểu diễn và các loại hình của nó cũng đã được Trần Trí Trắc hệ thống gần như đầy đủ trong “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”.

Đánh giá về giá trị cuốn sách này, GS.TS, NGND Lê Ngọc Canh viết:  “Cuốn sách là một chuyên luận công phu, khoa học và hoàn toàn mới mẻ… ở đây đã hội tụ nhiều loại hình, nhiều thành tố nghệ thuật… vào một mối quan hệ hữu cơ, gần gũi nhau mang tính nguyên hợp, gắn bó mật thiết với con người với xã hội, từ thời nguyên thủy đến hiện đại tạo thành văn hóa và giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật của tri thức con người Việt Nam”.

Giang Phong/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)