1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Nguyễn Bính: Người lưu giữ hồn quê

16/09/2019
Năm 1940, khi Nguyễn Bính xuất bản hai tập thơ đầu Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi thì phong trào Thơ mới đã có tới tám năm phát triển với một đội ngũ thi sĩ đang được công chúng mến mộ như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương...

Năm 1940, khi Nguyễn Bính xuất bản hai tập thơ đầu Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi thì phong trào Thơ mới đã có tới tám năm phát triển với một đội ngũ thi sĩ đang được công chúng mến mộ như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương... Hầu hết các nhà thơ này đều chịu ảnh hưởng đậm hoặc nhạt của thơ Tây Âu, chủ yếu là thơ Pháp. Độc giả của họ là dân thành thị, trí thức, thanh niên học sinh. Nguyễn Bính khác hẳn, ông không chịu ảnh hưởng thơ châu Âu. Giọng thơ ông thuần chất Việt Nam. Hồn thơ ông gắn với những gì cố cựu của làng mạc quê hương. Người đọc ông không chỉ ở thành thị mà còn ở thôn quê. Những người ít học, thậm chí chưa biết chữ, cũng thuộc thơ ông. Cái gì đã làm nên sức phổ cập đó? Trước hết có lẽ là cái chất tâm hồn thấm đẫm hương vị làng xóm Việt Nam.

 

Nguyễn Bính không tả thực hay tường thuật phong tục nông thôn. Ông không bận tâm lắm với những chi tiết đang là hiện thực của làng mạc đương thời như: Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... Ông không dựng cảnh bằng quan sát. Ông dựng cảnh bằng tâm hồn. Mà hồn ông thì nhập vào dĩ vãng. Một dĩ vãng thơ mộng kì ảo, nương tựa vào sức gợi, vào tưởng tượng. Cái ánh trăng vốn có trong đời, người ta đã quen thấy, vào thơ Nguyễn Bính, nó rộng xa, mờ ảo, và gợi nhớ lạ lùng về một thời nảo thời nào từ trong ký ức:

 

Sáng giăng chia nửa vườn chè

Một gian nhà nhỏ đi về có nhau

                      (Thời trước)

 

Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông

                      (Hoa với rượu)

 

Đó là thứ phong cảnh phiếm định, không đặc thù, không cận cảnh, nhưng chính thế mà thuộc về những gì cố hữu xa xưa ở mọi thời, mọi nơi của làng mạc nước mình, tiềm ẩn trong phần sâu thẳm nhất của mỗi tâm hồn người dân Việt. Thơ Nguyễn Bính luôn luôn tìm được sức cộng hưởng của hồn người là vậy.

 

Cảnh, nhưng quan trọng hơn là cái hồn của cảnh. Nguyễn Bính có biệt tài, chỉ vài ba chi tiết bình dị ông đã dựng nên hồn vía của làng mạc ruộng đồng. Đặt cái bình dị này bên cái bình dị khác, bên cái bình dị khác nữa bỗng thành kì ảo, lay động được vào phần sâu thẳm của hồn người. Đó là nét đặc sắc của tâm hồn, thể hiện vào bút pháp. Người viết không định mà thành. Người khác muốn học lại không được. Tâm hồn hoài cổ, bút pháp có tài phục cổ, cái nhìn của Nguyễn Bính là cái nhìn tâm tưởng. Ông thấy những điều mà mắt không thấy được. Chất thơ Nguyễn Bính bắt đầu từ đấy. Ông mang hồn mộng phổ vào cảnh thực. Thơ thôn quê của Nguyễn Bính phần mộng lấn át phần thực. Làng mạc, vườn tược và những mối tình quê e ấp giữa cảnh giời cao gió cả thường đẹp như trong cổ tích. Xã hội thanh bình “trai hiền bạn với gái đồng trinh”, con người hòa hợp với thiên nhiên, và thiên nhiên thì trong trẻo nguyên sơ:

 

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cách động Hương Sơn nửa dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát đưa hương.

                         (Cô hái mơ)

 

Trong trẻo nguyên sơ từ trong triều:

Một đôi công chúa đều hay chữ

Hoàng hậu nhu mì không biết ghen

                    (Xóm Ngự Viên)

 

Đến ngoài nội:

Rượu cất kì ngon men ủ khéo

Say người thiên hạ lại say nhau

Chiều chiều hai đứa sang thăm chị

Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.

                              (Hoa với rượu)

 

Nông thôn trong thơ Nguyễn Bính là một nông thôn của kỉ niệm, một cái ngày xưa, một thứ thời trước. Kí ức đã tự sàng lọc, chỉ những nét gợi cảm mới được giữ lại và thành thơ. Trong thực tại, ngay ở thời Nguyễn Bính, cái nông thôn ấy, những thôn Đoài, thôn Đông, mùa cốm mùa hồng, hoa bưởi hoa xoan, khung cửi nương dâu… có lẽ cũng chỉ còn dấu vết, và hồn vía của nó thì đã vào xa thẳm lắm rồi. Đọc Nguyễn Bính là một cách tìm vào nỗi nhớ. Bao giờ cũng bâng khuâng thấm thía, trong lòng ngân nga một nỗi buồn lặng và trong.

 

Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là thứ tình yêu mang vị làng và đẫm tâm hồn Việt, ngỡ như nó đi thẳng từ ca dao vô danh mà vào văn chương tác giả. Trước Nguyễn Bính, ở các tác giả cổ điển, thơ tình trai gái vốn hiếm, cùng thời với Nguyễn Bính thì tình thơ lại Âu hóa, thành thị hóa mất rồi.

 

Ở giai đoạn 1930 - 1936, khi chất thơ thôn quê đậm đà nhất trong tâm hồn thơ Nguyễn Bính, thì những bài thơ tình của ông đều viết về mối tình của người ta, của trai làng, gái làng. Ông rất thuộc tâm lí lớp người này. Những nét tâm lí như ngưng đọng từ thủa xưa nào, như đã thuộc về cõi hồn cố cựu của quê hương:

 

 Hội làng còn một đêm nay

Gặp em còn một lần này nữa thôi

Phường chèo đóng Nhị Độ Mai

Sao em lại đứng với người đi xem.

                           (Đêm cuối cùng)

 

Bài thơ Mưa xuân có thể coi như một điển hình cho những mối tình quê lặng lẽ và thấm thía ấy. Cô gái dệt cửi "Lòng trẻ còn nguyên cây lụa trắng”, bồn chồn với những cuộc hẹn hò trong đêm hội làng. Sự nhớ thương, nỗi khát vọng không cào xé, chát đắng nhưng lại nhiều ngậm ngùi, buồn tủi. Một thiên nhiên mưa bụi hoa xoan, một không gian thôn Đoài làng Đặng, có dải đê xa, có đám hát chèo... Cảnh ấy, tình ấy như đã có sẵn trong người dân đồng bằng Bắc Bộ. Thơ Nguyễn Bính làm nó thức dậy. Người đọc như được sống lại một thời xa và đẹp:

 

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa chấm bàn tay

từng chấm lạnh

Thế nào anh ấy chả sang xem

Nhiều khi Nguyễn Bính chỉ cất giọng lên, chưa xét đến tình ý nội dung gì, chỉ riêng cái hơi thở của ngôn ngữ đã gợi bóng dáng hồn quê dân dã:

 

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong

một người.

 (Tương tư)

 

Trong bốn câu này, chữ nào cũng bình thường mà nối vào nhau lại thành kinh ngạc:

Hôm nay dưới bến xuôi đò

Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

Anh đi đấy anh về đâu

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu,

cánh buồm...

                              (Không đề)

 

Tạng tâm hồn Nguyễn Bính là tạng buồn thương. Nhìn vào đâu ông cũng đọc ra cái khía cạnh li tán, xót thương, dâu bể. Ngôi trường huyện ngày xưa đổi kiểu, có thể vui, hay ít nhất cũng không buồn, nhưng ông đã chạnh lòng giữ mối tình lá sen tơ tuổi học trò mà buồn não nuột. Mẹ đưa con về nhà chồng mà sâu thẳm xót thương như đưa con đi cải tạo:

Đưa con ra đến cửa buồng thôi

Mẹ phải xa con khổ mấy mươi

Con ạ đêm nay mình mẹ khóc

Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

                                    (Lòng mẹ)

 

Nguyễn Bính có tài (tài thành tật) là hay đụng vào chỗ lòng người dễ đau nhất. Người mẹ đi bước nữa, dặn dò con lại chọn những lời này:

Chúng con coi mẹ có như không

Khuya rồi đấy nhỉ con đi ngủ

Gió bấc đêm nay lạnh ngập phòng

(Bước đi bước nữa)

 

Cơn gió bấc ấy là tự lòng tác giả thổi thêm vào cái cuộc đời vốn đã không ấm áp.

 

Nét mới ở giai đoạn sau này còn là mạch cảm xúc cô đơn bi phẫn. Kiểu sống bằng mộng tưởng, hương đồng gió nội, không chống chọi nổi thực tế phũ phàng nơi thành thị. Ông thành người bất đắc chí. Tập thơ Mười hai bến nước (1942) cho thấy nhiều bế tắc, bi phẫn. Giọng thơ không còn mượt mà thư thái thuở thôn Đoài thôn Đông mà gay gắt, ngao ngán. Những ngày mưa Huế, lúc mà “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”, ông cùng người bạn lẻ:

 

Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự

Cúi mặt soi gương chén rượu đầy

Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ

Đôi lòng hòa một vị chua cay

Đứa thương cha yếu, thằng thương mẹ

Cha mẹ chiều chiều, con nước mây.

                 (Giời mưa ở Huế)

 

Nhiều lần nhà thơ đã tuyên bố “Giày cỏ gươm cùn ta đi đây”. Nghe thì oai, nhưng giày ấy, gươm ấy, đi đâu? Lắng nghe trong giọng thơ tráng sĩ hề ấy có gì như sân khấu hát bội. Nó là hệ quả tất yếu của lãng mạn cõi thơ đụng vào hiện thực cõi đời, ở tạng tâm hồn Nguyễn Bính khi ấy:

 

Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Đã đẩy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

                       (Hành phương Nam)

 

Tình cảnh thê thảm quá! Cả một cơn say tráng sĩ cũng không che được cái phận ăn mày giữa chợ, thế nhân ơi!

Tháng 8/1945, Nguyễn Bính tham gia cách mạng ở Cần Thơ. Thơ ông bắt đầu một thay đổi lớn. Bước đổi thay này vốn không dễ dàng đối với các nhà thơ lãng mạn. Với Nguyễn Bính, kẻ nặng căn mơ mộng phóng túng, lắm buồn thương và đầy bi phẫn ấy, lại càng khó. Chín năm kháng chiến chống Pháp ông chỉ có một tập thơ mỏng Đồng Tháp Mười, cho thấy nỗ lực nhưng chưa thấy thành công.

 

Thời kì đấu tranh thống nhất, hiện thực đất nước cắt chia với những nỗi lòng chờ đợi, những mối tình son sắt phần nào hợp với tạng cảm xúc Nguyễn Bính. Hơn nữa, là một người tập kết, Nguyễn Bính thấm thía nỗi đau chia cắt chính trên hoàn cảnh gia đình ông.

Thương con lại nhớ lời chồng

Lấy thân làm bức thành đồng che con

                              (Trưa hè)

 

Bài Chiều thu viết năm 1959, lấy lại nhiều tinh hoa của bút pháp Nguyễn Bính trước kia. Thiên nhiên tươi trẻ, tinh khôi “Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác” và “Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín”. Nguyễn Bính nhất có lẽ là:

 

Đường mòn rộn bước chân về chợ

Vú sữa đầy căng mặt yếm sồi

Thời ấy, ở nông thôn miền Bắc cũng đã ít người mặc yếm, mà yếm sồi thì càng hiếm. Nhưng tạng cảm xúc của Nguyễn Bính là vậy, ông quen hướng về những nét xưa, nên đã “bắt” các bà nông dân miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa mặc là yếm sồi. Bài thơ dài Xây nhà máy nói rất ít về nhà máy, cảm xúc thơ hướng về đồng đất quê hương, cái nền để xây nhà máy. Câu thơ khơi gợi nhất là câu thơ tả trăng trên bến đò. Bến đò, trăng vốn là chất liệu quen của Nguyễn Bính tự xa xưa:

 

Bến đò ai quạt thơm ngô nướng

Mái mái chèo khua rối bóng trăng

 

Phong cách giầu bản năng, phóng túng, tài hoa vốn là một thế mạnh của Nguyễn Bính thời trước, giờ đây, trong khuynh hướng tăng phẩm chất chính trị, chính luận cho thơ, lại thành một trở ngại. So với Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh... thơ Nguyễn Bính phát triển hơi chậm, cảm xúc còn nhiều lúng túng ở bên trong. Tự mình gò mình lại. Tội lắm. Tập Đêm sao sáng (1962) vừa báo hiệu sự chín trở lại thì ông tạ thế. Tạ thế vào một ngày áp Tết “Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”.

Cuộc sống càng xuôi về hiện đại, càng hòa hợp vào thế giới rộng lớn, thơ Nguyễn Bính càng được tìm đọc, như một nhu cầu trở về cội nguồn, càng được quý yêu gìn giữ như một di sản tâm hồn của người Việt chúng ta.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)