1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Lưu Quang Vũ- Thêm một góc nhìn

11/10/2019
Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải thời gian. E.Mauriac

Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải thời gian.

E.Mauriac

Theo người em gái là PGS.TS Lưu Khánh Thơ, thì “Lưu Quang Vũ để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dở dang…” , đã được gia đình cho công bố lần thứ nhất nhân kỷ niệm 20 năm mất (2008) và lần này, nhân kỷ 30 năm mất, gia đình tiếp tục cho công bố thêm một Di cảo (Nxb Trẻ, 2018) nữa với ước mong rằng: “Qua di cảo, tôi mong muốn bạn đọc sẽ có một cái nhìn đầy đủ hơn về con người anh, thấy vinh quang và cũng thấy cả những góc khuất, những cay đắng dằn vặt trong anh. Và qua đó cũng phần nào thấy được chân dung tinh thần của thế hệ anh – một thế hệ đã trải qua nhiều thử thách, nhiều va đập của chiến tranh và đời sống” (tr.431). Sách dày 440 trang khổ lớn (15,5 x 23 cm), do Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và có sự tham gia viết lời bình của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc. Ngoài Lời nói đầu của người làm sách và Thay lời bạt là cuộc trả lời phỏng vấn của Lưu Khánh Thơ với Ngô Thị Kim Cúc (có tiêu đề Đằng sau vinh quang là cay đắng), sách gồm có ba phần liên quan và hỗ trợ cho nhau một cách chặt chẽ nhằm khắc họa chân dung Lưu Quang Vũ khá rõ nét: nhật ký, thơ tuyển và các bài viết của bạn bè, các nhà nghiên cứu.

Phần 1: Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường (215 trang), trích nhật ký của chàng trai lớn trước tuổi trong vòng gần tròn ba năm (từ 21.2.1963 đến 8.10.1965), là từ năm lên học phổ thông cấp ba cho đến những tháng đầu trong quân đội. Có ngày anh chỉ viết một dòng, cũng có ngày anh viết vài ba trang sách, có thể biên tập, chỉnh sửa trở thành một tác phẩm tạp bút hoặc tản văn - những chỉnh thể nghệ thuật. Nhật ký là thể văn gần như sự thật “một trăm phần trăm” vì người viết chỉ hướng đến một độc giả duy nhất là chính mình. Người viết phải trung thực với chính mình. Chỉ có viết cho mình người viết mới có thể bộc lộ hết những tình cảm tự nhiên, cảm xúc thật từ lòng mình, với một cảm quan hiện thực xác thực, thông qua những sinh hoạt đời thường, trong các mối quan hệ gia đình và xã hội, cố nhiên không thể tránh khỏi những suy ngẫm về con người, cuộc đời, trong đó có cả cảm nghĩ về gia đình, người thân, bạn bè, trường lớp, quê hương, đất nước… những tình cảm ấy nồng nàn, cô đọng, trang nghiêm, già dặn vượt qua độ tuổi mới lớn, nhưng hết sức trong trẻo và nhiệt thành: “Bạn bè mình đã thôi học bay vào cuộc sống rồi. Chỉ có mình còn yên phận đi học thôi, chán quá! Trước mắt lại còn bao nhiêu công việc phải làm. Mình sẽ vào đời với công việc gì đây? Sẽ đem lại cho đời những gì? Liệu mình học nữa có lợi không? Hay là lao vào cuộc đời từ bây giờ? Hàng trăm câu hỏi làm mình rối như tơ vò. Mình thấy đi học nữa thật là phí quá. Phải làm việc từ bây giờ cơ! Đời người ta tốt đẹp không phải là vì sống nhiều năm mà là làm nhiều việc” (tr.50). Xâu chuỗi các sự kiện về cuộc sống gia đình, nghe người cha là nhà thơ Lưu Quang Thuận kể về Hàn Mặc Tử, thăm lại làng quê nơi tản cư trong kháng chiến… bên cạnh những suy ngẫm trong lành, đẹp đẽ, sáng trong và thanh cao, vẫn có những bực nhọc, eo sèo cố hữu của đời sống như cuộc họp lớp “để giải quyết mâu thuẫn giữa đoàn viên và thanh niên. Chưa bao giờ mình dự một cuộc họp nào khốn nạn và trơ trẽn bằng. Cuộc đời hiện ra lúc nhúc, bẩn thỉu, đầy những chuyện nhỏ nhen ti tiện, đốn mạc, hèn kém, đểu giả” (tr.136). Có lẽ, chính vì thế mà sau này cả trong thơ, truyện ngắn và kịch của anh đều có sự đa dạng về màu sắc thẩm mỹ, có cả khoảng sáng lẫn góc tối / khuất, có cái đẹp và cái xấu, cái cao cả và thấp hèn, mà ngay từ khi 15 tuổi anh đã hoàn thành tập thơ 24 bài và bắt đầu viết các kịch ngắn rồi truyện ngắn cũng đều nằm trong sinh quyển ấy. Cũng như tâm trạng chung của thanh niên thời bấy giờ, thể hiện thấm đẫm trong các trang nhật ký là khát vọng cống hiến hết sức lực tuổi trẻ cho quê hương đất nước, anh nói nhiều về hiện tình đất nước, về ước vọng thanh bình, lúc nào cũng có cái cảm giác “trong lòng rạo rực vô cùng. Đất nước ơi! Sao mà rung chuyển lòng ta: nước mắt và lửa cháy, lửa cháy, lửa cháy!” (tr.31). Ngay cả đối với Đà Nẵng quê nội chưa một lần đến, cũng trở nên máu thịt hiện hữu trong anh qua người cha, qua tin báo trên đài, thành phố quê hương nhỏ nhoi như một tia nắng gầy trên trái đất kia cứ cựa quậy, rạo rực trong anh và nuôi anh lớn lên mỗi ngày: “Trưa, nghe đài báo tin về Đà Nẵng: nơi quê nội thân yêu ta chưa hề tới đang bị giày xéo vì giày đinh của quân thù, nơi ấy đang có những thằng giặc Mỹ! Ôi, Đà Nẵng. Tuy ta chưa về Đà Nẵng, nhưng gió biển, nắng biển, trời xanh Đà Nẵng đã ở trong tâm hồn ta, qua người bố Đà Nẵng của ta” (tr.111-112).

Tác giả Phạm Phú Phong (ảnh. báo Quảng Nam)

Trong lời bình cho những trang nhật ký viết năm 1963, Ngô Thị Kim Cúc có lý khi cho rằng Lưu Quang Vũ là người “tiêu biểu cho một thế hệ đầy lý tưởng, trưởng thành rất sớm về nhận thức (…). Luôn tự chiêm nghiệm hồi tưởng về chính mình một cách nghiêm khắc theo cung cách một người già, nhưng là một người già mới 15 tuổi, bởi Lưu Quang Vũ chỉ tiên cảm chứ chưa có bao nhiêu từng trải. Náo nức trước cuộc đời. Đôi khi dằn vặt vì những nghĩ ngợi, những hành động có vẻ mâu thuẫn. Luôn rung động tinh tế trước cái đẹp, dù là cái đẹp từ đất trời, vạn vật hay vẻ nữ tính dịu dàng từ cô bạn gái” (tr.14). Với những người cùng thế hệ sinh ra và lớn lên ở miền Nam, những Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý,… những người đã từng ít nhiều tiếp thu và chịu ảnh hưởng các trào lưu tư tưởng của phương Tây, trong đó thời thượng nhất là chủ nghĩa hiện sinh, với Lưu Quang Vũ, có lẽ thời điểm ấy, chưa có chứng cứ nào chứng minh một cách chắc chắn rằng, anh đã tiếp xúc với chủ nghĩa hiện sinh và không hoàn toàn giống, nhưng ở một phương diện nào đó, do tác tác động của một thực tế chiến tranh khốc liệt, những trằn trọc trong đêm mất ngủ của một chàng trai 17 tuổi, ít nhiều nhuốm màu hiện sinh, khi bỗng dưng anh nghĩ đến cái chết: “Tối, hỏng điện nên đi ngủ sớm. Nằm mà khó ngủ. Không hiểu sao lại nghĩ tới cái chết. Ừ, rất có thể sẽ có một điều vô lý gì đây tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết – ta không sợ nó, nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá. Chưa làm được cái gì, ăn hại 17 năm, thế rồi chết ư! Thần chết ơi! Ta chẳng cần hưởng cuộc đời, rồi mỗi lần tăng thêm tuổi thọ lại ăn mừng như người xưa đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi ta đã có thể coi là hoàn thành sự nghiệp đời ta, thì ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy, chỉ tiêu của ta có ngắn ngủi không? 20 năm thôi mà / Con người đã lo nghĩ nhiều về cái chết. Người ta muốn thọ lâu tăng thêm 5 năm, hay 10 năm tuổi thọ là mừng lắm. Nhưng mà dù có 100 năm tuổi đi chăng nữa thì 100 năm ấy so với thời gian vô tận của những thế kỷ đã qua và sẽ tới thì cũng không thấm vào đâu. Vậy cho nên, cuộc sống ngắn ngủi lắm, con người trôi qua cuộc đời rất ngắn, 10 năm sống thêm không phải là vấn đề chính. Vấn đề là trong cái cuộc đời nhỏ bé của anh, anh đã để lại cái gì? Sự nghiệp của anh sẽ là cái dây nối anh với thời gian, nếu không cuộc sống sẽ chỉ là một trò hề ngắn ngủi” (tr. 107-108). Cái phần tích cực nhất của hiện sinh là cảm quan hiện sinh một cách có ý thức. Cũng từ ý thức đó mà sinh ra hành động, mới 17 tuổi, anh tìm mọi cách để gia nhập đội ngũ chiến đấu, trở thành người lính “sẽ làm việc, sẽ cống hiến, sẽ chiến đấu vì tất cả” (tr, 105). Và, ý nghĩ đó cũng là lời tiên cảm định mệnh cho sự ra đi đột ngột của Lưu Quang Vũ hơn hai mươi năm sau.

Phần 2, Những bông hoa không chết (145 trang) gồm 39 bài thơ, mà sinh thời Lưu Quang Vũ chưa đưa in, chưa / không được in. Với Lưu Quang Vũ “lời nói thật cháy lòng như lửa” (Người báo hiệu), điều đó trở thành quan niệm nghệ thuật, thành tuyên ngôn trong tâm thức sáng tạo của anh. Giữa dòng chảy ào ạt của một âm hưởng sử thi “xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước / mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lại cất lên một giọng điệu dỏng dạt của một chàng trai mười bảy tuổi phơi bày bộ mặt dữ dội của chiến tranh, như một hồi chuông cảnh tỉnh con người, thì thật khó có tờ báo nào bấy giờ in cho:

           17 tuổi lòng ai không hồi hộp

           Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên

           Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim

           Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp

           Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông

           Ta kịp biết gì đâu

           Vừa hết trẻ con đã là người lính

           Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng

           Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu

           Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh

           Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết

           Ta đã vượt bao đèo cao chót vót

            Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta

            Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ

            Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng

            Một thế hệ cứng như thỏi sắt

            Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông

                                   (Những bông hoa không chết)

          Trong hồi ký, anh nhiều lần nhắc đến tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nicolai Ôxterovski, cũng thể hiện rõ anh thuộc thế hệ “cứng như thỏi sắt”, thế hệ thanh niên lấy tác phẩm của nhà văn Nga làm sách “gối đầu giường”, nên tuy anh phơi bày bức tranh thật của chiến tranh, luôn bị ám ảnh bởi cái chết nhưng không hề bi lụy, bởi vì ngay khi phải nói Lời cuối, anh cũng xác định: “Và nếu chết là mọi điều đều hết / Hơi thở của em / Như ngọn lửa phập phồng / Như sắc cỏ không ngừng xanh trở lại / Nối phút giây ngắn ngủi với vô cùng”… Ngay cả những bài thơ anh viết về tình yêu đôi lứa (Em, Dù cỏ lãng quên, Phút em đến…) cũng không thể tách rời tình yêu quê hương đất nước, không lẫn lộn mơ hồ mà tường minh như cùng một bản thể không hề cắt chia: “Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu? / Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?” (Cho Quỳnh những ngày xa)…

Thơ di cảo, Lưu Quang Vũ viết nhiều về sông Hồng (Sông Hồng, Sông Hồng-hồi ức của một nghĩa binh già, Sông Hồng-năm mẹ sinh con, Sông Hồng-lời từ giả của Trung đoàn Thủ đô), rộng hơn, anh nói nhiều về Hà Nội – một Hà Nội đau thương trong chiến tranh (Khâm Thiên, Cơn bão, Ngoại ô,…), với một cái nhìn khác về cuộc chiến, một tấm lòng rộng rinh, lay động thể hiện tầm vóc văn hóa nhân văn:

               lòng chỉ muốn yêu thương

               mà cứ phải suốt đời căm hận (…)

               ta đã qua

               bao phố làng đổ sụp

               cổ nghẹn lòng thù hận

               nhìn bao em bé mồ côi

               mà sao chiều nay giết xong quân giặc

               chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm

               chỉ nỗi buồn trĩu nặng

               dâng lên như đá trên mồ

                                                    (Những đứa trẻ buồn).

           Đặc biệt, ở góc nhìn văn hóa nhân văn, trong cảm hứng chủ đạo của tác giả, hồn thơ anh luôn quyện chặt với cảm hứng sử thi, với những con người, những thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước (Người báo hiệu, Năm 1954, Tháng 5.1975, Sông Hồng-hồi ức của một nghĩa binh già…), trong cách hình dung giả định thể hiện tấm lòng thấm đẫm tình yêu thương trân trọng cuộc sống của con người và đất nước non sông: “nếu trái đất này là một tổ quốc mênh mông / mỗi nước sẽ là một cái làng / trong làng nhỏ Việt Nam / tôi đã sinh ra và đã yêu tất cả / mọi phố phường trong làng xóm mọi dòng sông” (Những thành phố những xứ xa).

Phần 3, phụ lục – Người trong cõi nhớ (48 trang), trong hàng trăm bài viết về Lưu Quang Vũ chỉ chọn bốn bài của Bùi Vũ Minh, Anh Chi, Ngô Thảo và Phạm Xuân Nguyên. Là những người bạn cùng thời, là đồng nghiệp, nên bài viết của Bùi Vũ Minh, Anh Chi, Ngô Thảo ít nhiều có chất hồi ký, nhìn nhận giá trị đích thực, tâm sự về nghề cùng những hệ lụy của nó. Thật cảm động biết bao khi họa sĩ Bùi Vũ Minh kể lại chuyện Lưu Quang Vũ rủ anh đến báo Văn nghệ nhận nhuận bút, nhưng thơ Vũ thời điểm ấy “người ta” có chịu in đâu! (tr. 383-384). Ngược lại, đến khi nổi tiếng trên kịch trường rồi, thì “Vũ buồn buồn nói với tôi: - Người ta trách mình là viết nhiều quá ông ạ. Thế chả lẽ mình cứ phải đợi các ông ấy hay sao? Có ông đến ba năm mới viết xong một vở, mình viết xong lại phải ngồi chờ các ông ấy rồi mới viết tiếp à?” (tr. 391). Nhà văn Anh Chi nhìn lại quá trình vận động của lý tưởng thẩm mỹ trong những chặng đường thơ của Lưu Quang Vũ và xác định rõ: “Thơ anh buồn, nhưng đều là thơ đích thực” (tr. 399). Ngô Thảo phân tích giá trị tư tưởng – nghệ thuật những vở kịch tài danh của Lưu Quang Vũ và chỉ ra rằng: “Vốn văn chương tích lũy do tự học những năm cơ nhỡ, lại được sống trong không khí hoạt động sân khấu từ nhỏ, Vũ bỗng lớn vượt lên thành một tác giả sân khấu có uy tín. Trong mười năm, Vũ đã viết được hơn 50 vở kịch, hầu hết đều đã được dàn dựng, mà không phải chỉ một đoàn, không phải chỉ một kịch chủng” (tr. 420).

Trẻ hơn, người thuộc thế hệ sau, cũng đã từng đi qua chiến tranh, là nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thông qua việc nhận diện “cái nhìn cuộc chiến” của Lưu Quang Vũ, để chỉ ra sự chuyển động trong tâm thức sáng tạo. Trong những năm tháng khó khăn, lận đận, phải kiếm sống bằng nhiều nghề, Lưu Quang Vũ vẫn miệt mài sáng tạo và thừa nhận rằng: “Tôi biết thơ tôi họ chưa in được, nhưng tôi luôn luôn muốn làm thơ” (tr. 399). Vì vậy, theo Phạm Xuân Nguyên, “những bài thơ lạc được viết ra để bày tỏ một cách nhìn, một thái độ, biết là không thể đăng được nhưng không thể nào không viết ra” để đến hôm nay “chúng tập hợp thành một di cảo để khi đưa ra dưới ánh mặt trời phát lộ một điều là Lưu Quang Vũ đã thay đổi nhận thức và tình cảm của mình khi đi qua cuộc chiến” (tr.425).

Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài. Theo danh mục tác phẩm , Lưu Quang Vũ có 55 vở kịch, 7 tập thơ (trong đó có một tập in chung với Bằng Việt), 4 tập truyện (trong đó có tập truyện vừa in chung với Thế Long). Nhưng đọc nhật ký trong Di cảo, còn thấy nhiều lần anh nói đến việc vẽ tranh, nhất là những năm tháng còn đi học. Có lẽ, không chỉ căn cứ vào số lượng thể loại và tác phẩm, mà nhìn vào bề sâu của chất lượng, PGS Phan Ngọc mới khẳng định rằng: “Trong cái nhìn của tôi, Việt Nam có những nhà văn hóa lớn. Theo tôi nghĩ, Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch lớn nhất thế kỷ này của Việt Nam, là một nhà văn hóa”.

Theo tập “Những chân trời xanh thẳm” Phạm Phú Phong/NXB Hội Nhà văn, tháng 12- 2018

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)