1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Cùng Mai Nam Thắng "Theo dòng sáng tạo"

28/04/2021
Đọc “Theo dòng sáng tạo” của Mai Nam Thắng, NXB Quân đội nhân dân, 2020)
Chúng tôi và nhiều bạn đọc vốn quen một Mai Nam Thắng với thơ trữ tình có màu sắc chính luận, với những phê bình thơ giàu chất suy tư và giàu chất thơ. Gần đây là với một người có giọng tếu táo hấp dẫn trong một loạt truyện về “Mự Ngụ” có màu sắc dân gian thật thật bịa bịa cười ra nước mắt. Cầm trên tay cuốn tiểu luận phê bình “Theo dòng sáng tạo”, theo tác giả đi hết 19 dấu mốc của dòng sáng tạo, bỗng ngạc nhiên phát hiện ra một Mai Nam Thắng khác. Mai Nam Thắng nghiêm ngắn, chững chạc, đàng hoàng nói về những chuyện rất thời sự, rất đáng quan tâm với người cầm bút, nói một cách khá bài bản và thuyết phục.
 
Cùng Mai Nam Thắng
 
Ấn tượng đầu tiên là tác giả quan tâm và đề cập rất rộng và sâu  đến nhiều lĩnh vực. Anh bàn về điện ảnh, sân khấu, văn chương. Anh bàn về văn hóa, trong đó có văn hóa doanh nhân, một nhà cách mạng nặng lòng với văn hóa dân tộc. Anh  bàn về  tính dân tộc, việc xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật. Rồi xu hướng “giải thiêng”, sứ mệnh của văn học nghệ thuật là “cứu chuộc con người”. Trong phạm vi hẹp hơn, anh đề cập đến sự hi sinh của thơ chống Mĩ, đến thơ văn “xẻ dọc Trường Sơn”, đến xây dựng những cột mốc chủ quyền biển đảo bằng văn chương. Và không quên viết về hai vùng văn chương sông Chảy, Vĩnh Phúc. Cuối cùng là tiểu luận về thơ của Hồng Ngát, Lê Thị Mây và Nguyễn Trọng Hoàn.
 
Viết về nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều vấn đề văn học nghệ thuật từ vi mô đến vĩ mô như vậy, đòi hỏi người viết phải có một phông văn hóa rất lớn mới hi vọng thuyết phục được người đọc. Nghĩa là phải đọc gấp năm, gấp mười, thậm chí có khi phải đến hai mươi lần những gì được viết ra. Ví dụ, để viết được 14 trang về “Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Việt Nam”, tác giả đã theo dõi, thống kê 17 vở diễn gồm các thể loại kịch nói, chèo, tuồng, kịch múa, ca kịch Huế; điểm tên 14 nghệ sĩ đóng vai Bác; đi sâu vào phân tích vở Đêm trắng kịch nói chuyển thể thành Đêm trắng chèo của Nhà hát chèo Quân đội. May thay, Mai Nam Thắng là người chịu học, chịu đọc, và đặc biệt là chịu khó trăn trở với những gì đọc được; đồng thời với việc tham gia trực tiếp vào dòng chảy sáng tạo bằng thơ, văn, bằng tiểu luận, bằng phê bình văn học thể hiện trong 3 tập thơ, 4 tập truyện kí, 1 tập trường ca và 1 tập tiểu luận phê bình trước khi công bố tập sách này.
 
Những điều mà tác giả quan tâm bàn thảo, không phải là vấn đề mới mẻ do tự anh đề xuất, nhưng lại là vấn đề quan thiết mà bạn văn, bạn đọc, và cả xã hội quan tâm. Mai Nam Thắng không dựa nhiều vào những lí thuyết hàn lâm, nhưng anh căn cứ vào những cơ sở có tính định hướng sáng suốt, đúng đắn là nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, cộng với những suy nghĩ khá kĩ lưỡng, cẩn trọng của một người làm báo nhạy cảm. Vì vậy những lí lẽ để bàn bạc, trao đổi của anh dễ được người đọc đồng thuận, đồng tình.
 
Ví dụ về xu hướng “giải thiêng lịch sử”. Người viết đã nhìn nhận xu hướng đó với cả mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó, chứ không chỉ đơn giản một chiều. Anh viết: “Văn học nghệ thuật “giải thiêng” là cách tái dựng nghệ thuật ở một góc độ khác, cởi bỏ tính trang nghiêm, linh thiêng của sự vật, sự việc vốn đã được mặc định  từ bao đời nay, đưa tiền nhân về gần hơn với hậu thế, khai thác các khía cạnh con người đời thường của các thần tượng – vĩ nhân để hậu thế có cái nhìn toàn diện, biện chứng và dân chủ hơn về những thần tượng lịch sử, đặng học tập và noi gương. Đó chính là ý nghĩa nhân văn của văn học nghệ thuật “giải thiêng” mà một số tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài lịch sử gần đây đã chạm tới” (trang 84). Anh cũng chỉ ra “con dao hai lưỡi” của sự “giải thiêng” khi mà “cảm hứng “giải thiêng”, “giễu nhại” và hoài nghi lịch sử bị lạm dụng quá mức, bị đẩy đến cực đoan; nhiều tình tiết và nhân vật được hư cấu phi logic, thiếu cơ sở, thiếu nhân văn” (trang 86). Tác giả cho rằng hai xu hướng giải thiêng lịch sử bị dư luận phê phán là phóng đại, cường điệu quá mức một chi tiết sai lầm, hạn chế của đối tượng và khai thác quá mức bản năng dục tính, biến đối tượng thành kẻ dâm ô, bệnh hoạn.
 
Cùng Mai Nam Thắng
 
Viết về những vấn đề nóng trên văn đàn, Mai Nam Thẳng thể hiện tính chất xông xáo của người lính. Một trong những ưu điểm của anh là thái độ khen, chê rành mạch, rõ ràng. Lập trường dứt khoát. Quan điểm riêng của người viết thể hiện thẳng thắn, cởi mở. Có những vấn đề mới,  rất mới anh không ngần ngại bộc lộ quan điểm riêng. Ví dụ như khi bàn về vấn đề “văn hóa doanh nhân”. “Xã hội văn minh đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có “văn hóa doanh nghiệp”, mỗi doanh nhân phải có “văn hóa doanh nhân”. Nhưng “văn hóa doanh nghiệp” và “văn hóa doanh nhân” là gì thì đó lại là những khái niệm còn hết sức mới mẻ” (trang 137). Tác giả mạnh dạn nêu ra 3 đặc điểm của văn hóa doanh nhân Việt Nam, đồng thời đề xuất 3 nội dung để doanh nhân Việt Nam gắn liền với văn hóa dân tộc (Mấy suy nghĩ về “văn hóa doanh nhân” với văn hóa dân tộc). Tất nhiên có thể bàn thêm, tranh luận với tác giả về 3 đặc điểm, 3 nội dung, nhưng tinh thần thẳng thắn, mạnh dạn của tác giả rất đáng ghi nhận. Và nhìn chung, tinh thần thẳng thắn, cởi mở ấy cũng góp phần làm tăng sức thuyết phục đối với bạn đọc ở các bài viết khác.
 
Viết về những vấn đề của thơ ca chống Mĩ, Mai Nam Thắng có hai bài Về một sự hi sinh của thơ chống Mĩ và thơ văn Xẻ dọc Trường Sơn. Bản thân anh thừa nhận mình thuộc “thế hệ “gạch nối” giữa thế hệ các nhà thơ chống Mĩ và thế hệ các nhà thơ Đổi mới”. Như thế anh bênh vực thơ chống Mĩ không phải là việc “cãi” cho mình và các nhà thơ đồng đội của mình. Mà đó là thái độ khách quan, trung thực và sòng phẳng với lịch sử. Mai Nam Thắng phản bác ý định phủ nhận giá trị thơ ca chống Mĩ, coi thơ ca giai đoạn này chỉ có giá trị tuyên truyền, minh họa. Lập luận và phân tích của anh thuyết phục vì có sự khách quan, trung thực và khoa học.
 
Ba bài phê bình thơ cho thấy điểm mạnh của tác giả Mai Nam Thắng. Đây là phê bình của một người làm thơ, của một đồng nghiệp với các đồng nghiệp. Chúng tôi đồng tình với đánh giá của PGS.TS Phạm Quang Long, rằng: “Với mỗi người, anh “nảy ra” một vài hình tượng, vài cách cấu tứ độc đáo của tác giả mà người đọc hình dung ngay ra gương mặt thơ của họ trong đời sống thơ ca. Viết như thế đạt được cả cái tình của người phê bình, vừa có sự tri kỉ của sự đồng điệu” (Tiếng nói của người trong cuộc – trang 8).
 
Nhìn chung, các bài viết của tác giả đều được chuẩn bị công phu, lập luận chặt chẽ, luận chứng cụ thể, rõ ràng. Đó là cách viết cẩn trọng và chừng mực của một nhà thơ làm báo, từng làm quản lí ở một tờ báo lớn của quân đội.
 
Cùng Mai Nam Thắng
Sau giờ lao độngTranh giấy dó của Phạm Thị Nghĩa
 
 
Có thể nói rằng, tập phê bình tiểu luận Theo dòng sáng tạo này cho thấy một nhà báo, nhà thơ Mai Nam Thắng dấn thân, trung thành với “nghiệp đam mê và nghề sinh sống”  - cụm từ tác giả trả lời phỏng vấn (trang 219). Chúng tôi không ngạc nhiên khi trong nhiều hội nghị của Hội đồng Lí luận và Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, nhà thơ Mai Nam Thắng luôn là khách mời, với những tham luận đóng góp thẳng thắn, tràn đầy nhiệt huyết công dân và tinh thần xây dựng.
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/cung-mai-nam-thang-theo-dong-sang-tao_264980.html

 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)