1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Tính trung thực của một số Nhà thầu thông qua Báo cáo tài chính

02/12/2021
Hồ sơ năng lực của doanh nghiệp, là yêu cầu tất yếu trong quá trình triển khai các gói thầu. Tuy nhiên, nếu số liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp bị “làm giả”, sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với gói thầu bởi năng lực yếu kém của nhà thầu. Dù biết hành vi trên là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều nhà thầu vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng, bằng con đường này.

Báo cáo tài chính (BCTC) là một tập hợp dữ liệu, cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và dòng tiền trong doanh nghiệp, giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định về kinh tế một cách phù hợp. Thêm vào đó BCTC cũng đáp ứng yêu cầu giám sát Nhà nước, trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp. Số liệu trên BCTC nói lên năng lực của doanh nghiệp, là cơ sở để các nhà đầu tư đưa ra quyết định tham gia hay từ bỏ kế hoạch đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn. BCTC cũng là yêu cầu nhất thiết, để nhiều doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính trong các gói thầu.

Tuy nhiên, việc kiểm soát tính chính xác của số liệu trên BCTC lại chưa phù hợp; các chế tài và quy định pháp luật, chưa mang lại hiệu quả trong một số lĩnh vực có yêu cầu sử dụng BCTC, để chứng minh năng lực của doanh nghiệp. Từ kẽ hở đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng làm giả số liệu trên BCTC, hay nói cách khác là “nâng khống năng lực tài chính” của mình, để phù hợp với quy định về mặt luật pháp, trong đấu thầu. Ngoài ra, một số trường hợp cá biệt còn có sự phối hợp của đơn vị kiểm toán, trong việc làm sai số liệu trên BCTC. Bởi để chứng minh năng lực tài chính lành mạnh trong hồ sơ dự thầu, các doanh nghiệp thường dùng BCTC đã được kiểm toán.

Một số trường hợp cụ thể

Đã có nhiều dự án, nhiều gói thầu được báo chí nhắc tới như “Nhiều bất thường trong hồ sơ tham gia đấu thầu của Công ty CP Xây dựng Đại An” đăng tải trên Báo điện tử https://conglyxahoi.net.vn, ngày 02/04/2021; “Những khoảng tối trong đấu thầu: Cần xử nghiêm hành vi gian lận”, đăng tải trên Tạp chí điện tử https://diendandoanhnghiep.vn/, ngày 08/08/2021 và hàng loạt các gói thầu mà đơn vị trúng thầu có dấu hiệu làm giả hồ sơ năng lực, dẫn đến hiện tượng “dự án treo” hoặc “gói thầu bị rút ruột”. Hệ lụy để lại là các dự án “chết yểu”; các công trình vừa bàn giao đưa vào sử dụng, đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp; các dự án triển khai chậm tiến độ nhiều năm, do đơn vị trúng thầu không đủ năng lực tài chính.

Vậy lí do vì sao những quy định chặt chẽ của luật pháp, lại không sàng lọc được các đơn vị “đủ năng lực trên giấy tờ nhưng yếu năng lực thực tế”? Hồ sơ của họ vô hiệu được Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật kế toán và lọt qua vòng loại một cách đầy “kiêu hãnh”, mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Để rồi sau đó, hàng loạt các vụ án bị phanh phui, rất nhiều đối tượng đã phải ra hầu tòa vì sai phạm. Trong đó có đủ các loại tội danh như lợi dụng chức vụ-quyền hạn trong khi thi hành công vụ; làm giả hồ sơ; tham ô tài sản…

Số liệu “giả” trong BCTC – trách nhiệm không riêng nhà thầu

Trong đấu thầu, dù gói thầu đó được sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, hay từ doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cũng đều nằm trong phạm vi quy định của pháp luật cho từng phần việc cụ thể, từng nội dung chi tiết, hướng đến lợi ích chung cho toàn xã hội. Vì vậy, làm giả hồ sơ năng lực nhằm mưu cầu lợi ích không chính đáng, là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tội làm giả hồ sơ dự thầu rất ít khi bị phát hiện và thường có sự hỗ trợ của một bên thứ ba trong quá trình hoàn tất hồ sơ dự thầu.

Đối với hồ sơ dự thầu theo mẫu số 09 - Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, ngoài BCTC và các hồ sơ liên quan, việc chứng minh năng lực tài chính còn bao gồm: Biên bản kiểm tra quyết toán thuế; tờ khai tự quyết toán thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) có xác nhận của cơ quan thuế về thời điểm đã nộp tờ khai; tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử; văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế (xác nhận số nộp cả năm) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; báo cáo kiểm toán.

Đối với hồ sơ dự thầu theo mẫu số 14 - Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT, ngoài BCTC trong 3 năm gần nhất và các hồ sơ liên quan, việc chứng minh năng lực tài chính còn bao gồm: Biên bản kiểm tra quyết toán thuế; tờ khai tự quyết toán thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) có xác nhận của cơ quan thuế về thời điểm đã nộp tờ khai; tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử; văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế (xác nhận số nộp cả năm) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; báo cáo kiểm toán (nếu có).

Như vậy số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế phải nộp và các số liệu khác trong BCTC đã nộp lên cơ quan thuế, phải trùng khớp hoàn toàn với số liệu trên BCTC đã được kiểm toán, trừ trường hợp có sự thông đồng giữa doanh nghiệp với đơn vị kiểm toán, hoặc giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế để làm sai số liệu, nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ dự thầu. Đó là lý do khi so sánh BCTC đã kiểm toán trong hồ sơ của một số nhà thầu, với BCTC đơn vị đó nộp trên cơ quan thuế, có sự khác biệt khá xa.

Đó là trường hợp một đơn vị trúng thầu xây dựng trường Tiểu học, với chi phí gói thầu XL1 có giá trị trên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu số liệu trên BCTC mà doanh nghiệp đó nộp lên cơ quan thuế năm 2019 và BCTC đã kiểm toán năm 2019, sử dụng để chứng minh năng lực tài chính trong gói thầu trên, có sự khác biệt rất lớn về số liệu ở nhiều khoản mục. Những khác biệt về số liệu trong hai bản BCTC nói trên, rất cần có hành lang pháp lý để kiểm soát và gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, cũng như đơn vị kiểm toán, trong việc chứng minh năng lực tài chính của nhà thầu.

Giải pháp căn cơ đối với năng lực tài chính lành mạnh của doanh nghiệp

Trên góc độ giám sát về mặt Nhà nước đối với các đơn vị, doanh nghiệp, trong việc thực hiện đúng quy định của Luật doanh nghiệp và Luật kế toán, vai trò đó thuộc về cơ quan thuế. Hiệu quả của chức năng giám sát đó, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp trong các gói thầu, lại chỉ sử dụng một phần số liệu có liên quan tới quá trình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, thông qua các báo cáo đã nộp lên cơ quan thuế, thay vì toàn bộ bản BCTC.

Để giảm thiểu nguy cơ làm giả số liệu BCTC trong các gói thầu, một giải pháp căn cơ cần được tính đến như sử dụng công nghệ và công cụ của luật pháp, giúp cơ quan quản lý đối chiếu số liệu từ cơ quan thuế, với số liệu trong hồ sơ năng lực của nhà thầu một cách dễ dàng, hoặc gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán thông qua nội dung của BCTC kiểm toán với BCTC do đơn vị tự nộp lên cơ quan thuế, sẽ giảm thiểu hồ sơ thiếu trung thực từ nhà thầu.

Theo Vũ Chiến/DNTHNT

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/tinh-trung-thuc-cua-mot-so-nha-thau-thong-qua-bao-cao-tai-chinh-p35932.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)