1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Tăng vốn cho Agribank: Các ngân hàng còn lại cũng được mở đường!

14/06/2020
Tại phiên họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV cho ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán, song cũng nêu ra nhiều vấn đề về nguồn tăng vốn và tính phù hợp của chính sách, cũng như việc sẽ giải quyết vấn đề tăng vốn ra sao với các ngân hàng có vốn nhà nước còn lại là BIDV, VietinBank, Vietcombank.

Cần thiết bổ sung vốn cho Agribank

Những năm qua, việc tăng vốn cho nhóm “big 4” ngân hàng có vốn nhà nước luôn là đề tài nóng không chỉ tại các cuộc họp giữa các thành viên Chính phủ mà trên cả diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, phải đến kỳ họp này, câu chuyện tăng vốn mới thực sự mở được nút thắt.

Dù không nêu các phương án, đề xuất cụ thể hoặc xem xét cho các trường hợp Vietcombank, VietinBank và BIDV trong chương trình họp vừa qua, nhưng ý kiến từ một số đại biểu Quốc hội đã có những gợi mở nhất định.

Dẫu vậy, ưu tiên lớn nhất lúc này vẫn là việc cấp bách tăng vốn cho Agribank. Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, 70% đối tượng cho vay của Agribank là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên việc tăng vốn điều lệ góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp.

Báo cáo kiểm toán Agribank trong năm 2019 cho thấy, tổng tài sản của ngân hàng này so với lúc thành lập năm 1988 tăng gấp 1.000 lần, lợi nhuận trước thuế là trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.000 tỷ đồng. Với vốn điều lệ là 30.000 tỷ đồng mà lợi nhuận ròng như vậy là khá cao. Trong năm 2019, khoản nộp ngân sách của Agribank là hơn 6.000 tỷ đồng.

Theo ông Ngân, cần gia tăng huy động vốn cho Agribank, từ đó mở rộng tín dụng cho ngân hàng này. “Nguồn vốn của Agribank chủ yếu phục vụ đầu tư các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Và thực tế đã khẳng định việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại, trong đó có Agribank đều sinh lời cao”, ông Ngân nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ. Trong khi đó, Agribank là ngân hàng nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, và vốn điều lệ chỉ được bổ sung từ ngân sách nhà nước. “Agribank được tăng vốn đồng nghĩa với hàng triệu nông dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với đồng vốn hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và nộp thuế cho Nhà nước”, ông Cương nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, Nhà nước có "4 đứa con" trong lĩnh vực ngân hàng. Mỗi ngân hàng phụ trách những mảng khác nhau, nhưng Agribank là ngân hàng gắn liền và chặt chẽ với nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

“Chúng ta dùng ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực nào đó thì còn gợn, chứ cấp vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì cử tri rất hoan nghênh. Và tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân”, ông Nhưỡng nói.

3 ngân hàng còn lại cũng được "mở đường" tăng vốn

Trong hệ thống tổ chức tín dụng có 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay, cả bốn ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, chỉ có Agribank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước, 3 ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), về mặt chính sách cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một ngân hàng thương mại cụ thể và đây không phải là việc thay đổi chính sách theo hướng dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Dù không nêu các phương án, đề xuất cụ thể hoặc xem xét cho các trường hợp Vietcombank, VietinBank và BIDV trong chương trình họp vừa qua, nhưng ý kiến từ một số đại biểu Quốc hội đã có những gợi mở nhất định.

Theo bà Mai, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại.

Như vậy, chỉ thời gian ngắn nữa, sau khi tổng kết Nghị quyết 25, hy vọng mở đường tăng vốn cho các ngân hàng trên có thể hình thành trong một nghị quyết mới.

Đó cũng là một hy vọng thực tế, vì trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 10/6 về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã đề cập đến một hướng mở.

Cụ thể, báo cáo cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về tiến độ, trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, BIDV và VietinBank) và các doanh nghiệp nhà nước mà hiện nay Nhà nước chưa cấp đủ vốn theo quy định.

Trước đó, hàng loạt giải pháp tăng vốn như tăng vốn qua giảm sở hữu Nhà nước, phát hành thêm cho nhà đầu tư nước ngoài… đều đã lần lượt thực hiện tại cả Vietcombank, BIDV và thậm chí đã hết giới hạn (room) tại VietinBank.

Còn giải pháp mà 3 ngân hàng thương mại này kỳ vọng, qua nhiều lần đề xuất từ năm 2016 đến nay, là tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả bằng tiền mặt nộp về ngân sách.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/tang-von-cho-agribank-cac-ngan-hang-con-lai-cung-duoc-mo-duong.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)