1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Tăng cường bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các hộ gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội

29/09/2021
Nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện chỉ thị về giãn cách xã hội, hầu hết các nhà dân đều có người ăn, ở, sinh hoạt thường xuyên 24/24h hằng ngày, hơn nữa, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương và nhân dân đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Nhiều gia đình có sự gia tăng thêm người do trước đó đi làm việc, lao động ở xa nay trở về nhà sinh sống và tránh dịch bệnh. Do đó, việc sử dụng điện, lửa và các đồ dùng, vật dụng trong sinh hoạt có sự thay đổi và tiềm ẩn các nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ tại nhà ở các hộ gia đình. Trước tình hình trên, Công an các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân các biện pháp phòng chống cháy, nổ tại hộ gia đình như sau:

1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu và gần sát các ổ điện. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt, ít nguy hiểm về cháy và không để xảy ra đổ vỡ.

2. Ô tô, xe máy, các phương tiện có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, kiểm tra tắt động cơ. Khi phát hiện có hơi xăng dầu phải kiểm tra nguyên nhân rò rỉ và di chuyển phương tiện ra khỏi nhà (khóa van, đẩy kéo bằng tay, không nổ máy, không làm phát sinh nguồn nhiệt, …).

3. Phải lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn. Kiểm tra dây dẫn, ổ cắm, phích cắm bảo đảm chắc chắn, tiếp xúc tốt, không biến dạng do nhiệt hoặc tia lửa điện gây ra. Không để dây dẫn treo, vắt ngang trên các tường, vách, vật dụng (giấy, vải, gỗ) là vật dễ cháy; không sử dụng nhiều bếp đun, bàn là và máy sấy cùng 1 ổ cắm điện. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

4. Nơi thờ cúng bảo đảm hợp lý, phía trên, phía dưới và xung quanh không xếp đặt các vật thờ cúng và vật dụng dễ cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vàng mã và đồ cúng dễ cháy để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn hoặc đốt ở nơi bảo đảm không để cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan ra các vị trí xung quanh.

5. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun phải có người trong coi; khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas. Khi phát hiện có hơi gas phải kiểm tra nguyên nhân rò rỉ và mở các cửa thông thoáng để hơi gas thoát ra ngoài, không làm phát sinh nguồn nhiệt, …

6. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết.

7. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải mở thêm cửa nhỏ tại lồng sắt, lưới sắt có chốt trong, trường hợp có khóa phải để chìa khóa ở gần cửa và ở nơi dễ lấy, dễ thấy, đồng thời tất cả người trong nhà phải biết được vị trí lấy chìa khóa và vị trí để thoát ra ngoài trong trường hợp có cháy xảy ra. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây, mặt nạ phòng độc để thoát nạn khi cháy xảy ra.

8. Cửa nhà có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ thấy, dễ lấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm và giúp nhanh chóng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

9.  Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối thoát nạn như cầu thang, cửa ra vào, ban công; chú ý bố trí sử dụng ban công, cửa tum, lối sang mái nhà bên cạnh, … để thoát nạn khi cần thiết.

10.  Mỗi gia đình (nhất là các nhà vừa ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh) nên trang bị bình chữa cháy xách tay, đèn chiếu sáng sự cố, dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

11.  Khi xảy ra cháy hô hoán cho mọi người trong gia đình và các nhà xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC và CNCH qua số máy 114. Nhanh chóng cắt điện, hướng dẫn, tổ chức di tản các thành viên về phía các cửa thoát nạn ít bị khói, lửa đe dọa nguy hiểm như cửa chính, cửa sau, cửa ra ban công, cửa tum, …. Nếu cháy xảy ra trong các căn phòng, chú ý đóng cửa phòng sau khi thoát ra bên ngoài, di chuyển các vật dễ cháy gần nơi cháy ra xa (nếu có thể) để hạn chế cháy lan rộng.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tang-cuong-bao-dam-an-toan-pccc-va-cnch-tai-cac-ho-gia-dinh-trong-giai-doan-gian-cach-xa-hoi_268296.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)