1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á giải quyết khủng hoảng lương thực thế nào

29/06/2020
Singapore là quốc gia đi đầu trong việc duy trì nguồn cung thực phẩm cho người dân trong khi vẫn giải quyết được các hạn chế về đất đai cũng như rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Singapore là một trong những quốc gia đông dân nhất hành tinh. Gần như mọi thứ mà 5,7 triệu người dân Singapore ăn hàng ngày đều phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia khác. Bởi, chỉ 0,9% trong tổng diện tích đất của quốc đảo này (700 km2) được phân loại là đất nông nghiệp vào năm 2016, cao hơn một chút so với đảo Greenland phủ đầy băng tuyết.

Mặc dù sản xuất ít, người Singapore lại được cho là có lợi thế hơn bất kỳ ai khi có thể tiếp cận với nguồn thực phẩm giá cả phải chăng, nguồn cung dồi dào và chất lượng cao. Quốc gia này đã đứng đầu về chỉ số về an ninh lương thực trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, Singapore cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu ngày càng dễ đổ vỡ. Trong bối cảnh đó, quốc đảo nhỏ nhưng giàu có này nhận thức rất rõ về sự mong manh của mình, từ đó họ quan tâm nhiều hơn tới việc tự cung tự cấp lương thực.

Người dân thu hoạch cá vược tại trang trại Barramundi Asia ở Singapore. Ảnh: Barramundi Asia.

Hiện nay, trong khi nhiều quốc gia trên khắp thế giới phải chật vật tìm cách đáp ứng nhu cầu lương thực được dự báo tăng hơn 50% đến năm 2050, Singapore lại là quốc gia đi đầu trong việc duy trì nguồn cung thực phẩm cho người dân mà vẫn giải quyết được các hạn chế về đất đai cũng như rủi ro từ biến đổi khí hậu.

“Chúng ta có thể nhìn các quốc gia khác như Singapore đang làm gì và học hỏi từ họ. Họ đã nghĩ về vấn đề này suốt nhiều năm qua và tôi nghĩ rằng bây giờ họ đang hưởng lợi”, ông Andrew Borrell, chuyên gia sinh học tại Liên minh đổi mới Nông nghiệp và Thực phẩm Queensland, nói.

Sau nhiều năm lên kế hoạch dự phòng cùng những động thái gần đây nhằm giữ dòng chảy hàng hóa chính từ nước láng giềng Malaysia, Singapore vẫn duy trì được nguồn cung lương thực trong suốt thời kỳ bị gián đoạn vì dịch Covid-19, ngay cả khi quốc đảo này chứng kiến làn sóng mua lương thực ồ ạt trong hoảng loạn, khiến một số siêu thị thất thủ.

Trên thực tế, ngay khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Singapore đã đẩy nhanh quá trình cấp vốn cho các trang trại để tăng quy mô và tốc độ sản xuất trong 6 đến 24 tháng tiếp theo, theo Cơ quan Lương thực Singapore (SFA), thành lập tháng 4/2019. Cơ quan này cũng đang tìm cách tham gia vào một mạng lưới hiện có 170 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên để tiếp cận với nguồn cung thực phẩm.

Về dài hạn, Singapore đưa ra chiến lược 3 mũi tên để củng cố an ninh lương thực, đó là đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ở nước ngoài và gia tăng sản xuất trong nước.

“Mũi tên” cuối cùng là điều tham vọng nhất của Singapore, nhưng cũng là việc quan trọng nhất nhằm đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung ở phạm vi lớn. Đó là tự sản xuất đủ lương thực để đáp ứng 30% nhu cầu của người dân đến năm 2030, tăng từ mức chưa tới 10% hiện nay.

Để đạt được tham vọng này, Singapore đang nỗ lực phát triển đội ngũ chuyên gia về công nghệ như canh tác nhiều tầng, thu hồi chất dinh dưỡng từ thực phẩm thải loại, sử dụng côn trùng, vi tảo và thịt nuôi cấy như là các nguồn cung cấp protein thay thế, theo ông William Chen, Giám đốc Chương trình Khoa học và Công nghệ Thực phẩm tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore đang tích cực giải phóng quỹ đất dành cho sản xuất lương thực trong thành phố, ví dụ trên mái của các bãi đỗ ôtô nhiều tăng, theo SFA. Ví dụ điển hình là trên sân thượng của một bãi đậu ôtô tại quận Ang Mo Kio, Công ty Citiponics Pte đã trồng khoảng 4 tấn rau diếp Georgina và các loại rau xanh khác. Một phần của trường trung học cũ tại trung tâm thành phố gần đây cũng được tái sử dụng để làm đất nông nghiệp.

Nước này cũng chủ động tài trợ vốn cho các nghiên cứu về canh tác nông nghiệp đô thị bền vững cũng như thực phẩm tương lai như protein thay thế, đồng thời tìm cách mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản ở ngoài biển. Ngoài ra, Singapore cung cấp vốn để phát triển công nghệ nhằm tăng sản lượng từ các trang trại hiện có (Singapore có khoảng 200 trang trại được cấp phép hoạt động tính đến năm 2018, chủ yếu trồng rau, nuôi cá và sản xuất trứng).

Một khi đi vào hoạt động đồng bộ, hệ thống thực phẩm đô thị của Singapore có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Vì thiếu đất nông nghiệp, Công ty ComCrop tận dụng mái nhà để làm trang trại trồng rau. Ảnh: Bloomberg.

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm thúc đẩy Singapore hướng tới tự cung tự cấp lương thực. Trong cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu năm 2007 – 2008 từng khiến giá một số mặt hàng thiết yếu tăng vọt, từ các nhà sản xuất lớn như Barramundi Asia cho tới nông dân nuôi trồng thủy sản, rau củ hay sản xuất trứng nhỏ lẻ đều được chính phủ Singapore hỗ trợ.

Với những nỗ lực nhằm kích thích sản lượng trong nước gần đây, Singapore đang được định vị để dẫn đầu về đổi mới và công nghệ thực phẩm. “Họ thiếu đất nhưng có kiến thức, bí quyết cũng như phương pháp để phát triển hệ thống canh tác hiệu quả hơn”, ông Giovanni Di Lieto, giảng viên về kinh doanh và kinh tế quốc tế tại Đại học Monash, nói.

Một yếu tố chính khác để kích thích lĩnh vực nông nghiệp tại Singapore là khuyến khích người dân hỗ trợ sản xuất, SFA cho biết. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu mua thực phẩm trực tuyến tăng mạnh và SFA hy vọng điều này sẽ thúc đẩy họ nắm bắt nhanh công nghệ và gia tăng sản xuất hơn nữa.

Trang web bán hàng trực tuyến RedMart, thuộc Lazada Group của đế chế thương mại điện tử Alibaba, hiện có bán sản phẩm của khoảng 20 nhà sản xuất trong nước. Được xác định là dịch vụ thiết yếu, nhà bán lẻ này lâu nay vẫn hợp tác chặt chẽ với chính phủ để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực do Covid-19 gây ra.

RedMart vừa hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước vừa làm việc với nông dân để giúp họ định vị những sản phẩm có nhu cầu cao nhất, Richard Ruddy, Giám đốc bán lẻ của Lazada Singapore, cho biết.

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để Singapore kiểm tra những thiếu sót trong hệ thống thực phẩm hiện tại, đặc biệt là khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn như tăng trưởng dân số nhanh, biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước, theo ông Chen của Đại học Công nghệ Nanyang.

Đây cũng có thể là chất xúc tác để người dân Singapore suy nghĩ nhiều hơn về nguồn gốc, sự bền vững của thực phẩm và về việc cắt giảm thực phẩm thải loại, theo ông Ruddy của Lazada. “Xảy ra sự kiện như thế này (đại dịch Covid) thực sự khiến người tiêu dùng, nhà bán lẻ và các chính phủ suy nghĩ lại rất nhiều việc”.

Hiện Singapore là vùng dịch Covid-19 lớn nhất khu vực với 35.836 ca nhiễm, tăng 544 trong hôm qua, và 24 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.

Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/o-dich-covid-19-lon-nhat-dong-nam-a-giai-quyet-khung-hoang-luong-thuc-the-nao.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)