1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Long Biên: Trường Tiểu học Đoàn Kết tổ chức buổi ngoại khóa cho học sinh khối 3

26/11/2020
Vừa qua, tại Trường Tiểu học Đoàn Kết đã tổ chức cho 274 học sinh khối 3 tới trải nghiệm thăm quan di tích Đền Trấn Vũ ( phường Thạch Bàn) và cụm di tích đình chùa Lệ Mật , phường Việt Hưng, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Liễu, Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết chuẩn bị lễ dâng hương tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn – Long Biên – Hà Nội)

Nhằm tăng cường sự giao lưu giữa các học sinh trong khối. Đồng thời, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử. BGH trường Tiểu học Đoàn Kết đã phối hợp với BQL di tích đền Trấn Vũ; cụm di tích đình chùa Lệ Mật, tổ chức buổi ngoại khóa, trải nghiệm thực tế tại di tích trên địa bàn. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa góp phần chung tay gìn giữ, bảo vệ giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nơi các em đang sinh sống. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với mỗi học sinh.

Cô và trò lớp 3A5 xếp hàng ngay ngắn chuẩn bị sang dâng hương đền Trấn Vũ

Theo đó, toàn khối 3 được chia làm 2 đoàn: Đoàn 1 xuất phát đi cụm di tích lịch sử đình chùa Lệ Mật – đền Trấn Vũ; Đoàn 2 xuất phát sang Đền Trấn Vũ – Cụm di tích đình chùa Lệ Mật.

Tại đây, học sinh đã tham gia lễ dâng hương cùng cán bộ, giáo viên nhà trường tại 2 di tích. Dưới dự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của BQL di tích, các em học sinh thích thú, chăm chú lắng nghe những câu chuyện lịch sử có ý nghĩa, hay những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn. Nhiều em học sinh lần đầu được đi đến đây cũng tỏ ra trầm trồ trước kiến trúc kì lạ, vô cùng thông minh thể hiện trí tuệ của ông cha ta ngày xưa. Các bạn cũng bày tỏ sự phấn khích khi được tận mắt vào dâng hương tại đền Trấn Vũ, ngắm nhìn pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ.

Đây là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh- Ba Đình, pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền (pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m; chu vi 8m; nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu đề trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực).

Đoàn dâng hương tại đền Trấn Vũ  và có nhiều trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến dã ngoại thăm quan di tích

Hay truyền thuyết về một Thành Hoàng làng trong cụm di tích đình chùa Lệ Mật. Đó là Phúc thần Hoàng Ngọc Trung, người làng Lệ Mật, chuyện kể rằng: vào thế kỷ XI, con gái vua Lý Thái Tông dong thuyền chơi trên dòng sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) chẳng may bị thủy quái có hình thù con rắn bắt giữ. Đám quan quân tùy tùng không đủ sức cứu giúp, rất may có chàng trai họ Hoàng (làm nghề đánh cá) lao vào cuộc, trận thủy chiến diễn ra ác liệt rồi cuối cùng quái vật bị chặt đầu bằng lưỡi gươm của chàng trai dũng cảm ấy. Có công cứu sống công chúa nhưng chàng trai dũng sĩ từ chối mọi công danh, vàng bạc do nhà vua ban thưởng, chàng chỉ xin được phép đưa dân làng Thăng Long. Chàng đã cùng dân làng lập được 13 trại làm ăn thịnh vượng, đó cũng là 13 làng (Thập tam trại) có những cái tên: Cống Vị, Ngọc Hà, giảng Võ, Thủ Lê, Vạn Phúc, Hữu Tiếp, Thụy Khê, Ngọc Khánh, Liêu Giai, Kim Mã, Đại Yên, Phủ Đế… Để ghi nhớ công trạng của chàng, dân làng Lệ Mật đã tôn vinh chàng là Thành hoàng làng. Hàng năm, dân của 13 làng trại lại trở về nhớ tới công đức của vị tổ họ Hoàng.

Cô và trò lớp 3A5 chụp ảnh lưu niệm tại cụm di tích đình chùa Lệ Mật

Kết thúc buổi trải nghiệm thăm quan di tích, các em lên xe quay trở lại trường ăn trưa và nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục học tập, rèn luyện tại trường.

Mặc dù, thời gian thăm quan di tích không nhiều song đã để lại trong lòng các em những kỉ niệm khó quên, góp phần tạo nên sự thành công của buổi ngoại khóa. Qua đây, các em học sinh có thêm nhiều vốn kiến thức về di tích lịch sử văn hóa, từ đó ý thức hơn trong việc tham gia bảo vệ di tích, bảo vệ di sản văn hóa nơi mình đang sinh sống và tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Theo Hoàng Yến/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/long-bien-truong-tieu-hoc-doan-ket-to-chuc-buoi-ngoai-khoa-cho-hoc-sinh-khoi-3.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)