1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Loạn thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe

18/08/2021
Có lẽ chưa khi nào thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK), hay còn gọi là thực phẩm chức năng lại "làm loạn" như hiện nay, hàng ngày trên khắp các nền tảng mạng xã hội diễn ra nhan nhản các quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm thành thuốc. Mặc dù Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý nghiêm, nhưng xem ra những chế tài này chưa đủ mạnh, khiến cho nhiều đối tượng "nhờn luật".

Thời gian qua Cục An toàn thực phẩm đã rất bận bịu với việc xử lý vô số những sai phạm của các đơn kinh sản xuất kinh doanh thực phẩm BVSK, liên tiếp phát đi những cảnh báo tới người tiêu dùng, cùng với đó là hàng loạt các quyết định xử lý xử phạt, thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thậm chí là thu hồi Giấy chứng nhận GMP (GMP là viết tắt của Good Manufacturing Practices - Thực hành sản xuất tốt) của nhiều đơn vị sản xuất.

Thế nhưng, sau cùng thì các đơn vị sản xuất kinh doanh lại "ngựa quen đường cũ", tiếp tục sai phạm nối tiếp sai phạm, và hệ quả cuối cùng chính là người tiêu dùng phải lãnh hậu quả, vì sự nhẹ dạ, vì thiếu thông tin nên đã sập bẫy từ những quảng cáo thổi phồng công dụng của giới kinh doanh thực phẩm BVSK.

Thực phẩm BVSK Zawa vướng nghi án làm giả hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm.

Khi bị xử lý, nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm BVSK thường sử dụng những "bài cùn" như sau:

Mỗi khi Cục ATTP xử lý các trang website quảng cáo lừa dối khách hàng, họ lập tức cho rằng đó không phải là trang web của đơn vị mình và không chịu trách nhiệm với những thông tin quảng cáo đó.

Gần đây các đối tượng quảng cáo lừa bằng cách mua tên miền nước ngoài, sau đó dựng trang quảng cáo, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn khi truy vết và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi một số trang website bị Cục ATTP cảnh báo và xử lý, thì ngay lập tức nó sẽ bị đóng lại, và các trang mới lại được trưng lên ngay sau đó.

Vấn đề đáng nói nữa là sự nhờn luật, đây là sự việc có dấu hiệu vô cùng nguy hiểm, bởi những chế tài xử lý xử phạt chưa đủ mạnh, trong khi kinh doanh thực phẩm BVSK lại có nguồn lợi nhuận siêu lớn, đa phần các mặt hàng chỉ mất chi phí sản xuất vài chục ngàn, nhưng họ bán tới tay người tiêu dùng lên tới hàng trăm hàng triệu đồng/sản phẩm, tỷ lệ lợi nhuận luôn ở mức vài chục lần so với chi phí vốn. Khiến cho nhiều đối tượng bị mờ mắt, bất chấp tất cả để trục lợi.

Trước những vấn nạn đó, ngày 30/3, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp đã ký văn bản số 2154 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng loạn "thần y", "lương y" tự xưng quảng cáo chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội.

Công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý "thần y" trên mạng xã hội.

Thế nhưng gần đây, nhiều đơn vị đã có dấu hiệu liều lĩnh làm giả cả hồ sơ pháp lý, "qua mặt" cả cơ quan quản lý chuyên môn để đạt mục đích, như sản phẩm hỗ trợ Zawa của Công ty CP dược phẩm Locifa là một điển hình.

Hay như các sản phẩm Nano Trĩ – Công ty CP thương mại quốc tế GLO; GEN X- Công ty CP nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar; sản phẩm Khớp Mộc Thanh – Công ty TNHH HBG; Sâm Tố nữ, 12h MEN – Công ty CP dược phẩm quốc tế Hoàng Sơn; sản phẩm Samya EvaGold – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và đầu tư Phúc Minh; sản phẩm Boca xương khớp, GMDIET -  Công ty TNHH MTV Alifaco...

Thậm chí, có những đơn vị, một ngày bị thu hồi tới 4 Giấy đăng ký công bố sản phẩm như Công ty CP dược phẩm quốc tế Eva Care, vì mắc những sai phạm nghiêm trọng, diễn ra suốt thời gian dài.

Với hàng loạt các vi phạm rất phổ biến, được quy định tại Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định rõ việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".

Thực phẩm BVSK tự gắn mác được Bộ Y tế chứng nhận để lừa dối người tiêu dùng.

Và Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017 quy định cấm quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/20201. Theo đó  mức xử phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng và buộc khắc phục thu hồi sản phẩm.

Nhưng cho đến nay, việc xử phạt của Cục ATTP đa phần mới chỉ thu hồi Giấy tiếp nhân đăng ký bản công bố sản phẩm và phạt tiền.

Khiến cho nhiều đơn vị sau khi bị xử lý vẫn "bình chân như vại", tiếp tục tái phạm quảng cáo lừa dối khách hàng công khai, thách thức dư luận và pháp luật hơn nữa.

Từ những dấu hiệu "nhờn luật", để rồi đẻ ra những "ông trùm, bà trùm" được coi là những “siêu lừa” trong giới thực phẩm BVSK và ngành Đông y online như Trung OBD, Cường Kiwi, Nam Sơn sữa non Mama...

Đối tượng mạo danh Bác sĩ để tư vấn khám bênh và bán "thuốc" online.

Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh thực phẩm BVSK, nhóm đối tượng này có những khối tài sản kếch xù lên tới trăm tỷ, ngàn tỷ, xây dựng hàng loạt nhà máy, mở hàng loạt công ty, hoạt động lừa dối người tiêu dùng để trục lợi trên phạm vi khắp cả nước.

Cùng với đó là sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ các y bác sĩ, dược sĩ, ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, đã bất chấp đạo đức nghề nghiệp, bất chấp giá trị đạo lý và cả các quy định của pháp luật, để "tiếp tay" quảng bá cho các sản phẩm này. Họ sẵn sàng đứng ra quảng cáo sai sự thật để đẩy người tiêu dùng vào những cái bẫy đã giăng sẵn của những đối tượng lừa đảo "thần y online".

 Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành hữu quan, cần khẩn trương vào cuộc, xem xét đề xuất cho Chính phủ đưa ra những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa. Và cũng cần thiết kiểm tra xử lý những tổ chức, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng "loạn" thị trường thực phẩm BVSK suốt thời gian qua. Từ đó giúp cho người dân không rơi vào những bẫy lừa mang tên thực phẩm BVSK, tránh gây nhiễu loạn dư luận và bức xúc trong đời sống nhân dân.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/loan-thi-truong-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-p33207.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)