1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Gìn giữ nghề tạc tượng gỗ truyền thống Sơn Đồng

25/05/2021
Làng nghề Gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ bằng gỗ, tạc tượng Phật, tượng Mẫu, sản xuất đồ thờ cúng mỹ nghệ tinh xảo như Hoành phi – Câu đối, sập thờ, bàn thờ, cửa võng… và các loại đồ thờ cúng. Tất cả đều được sơn son thiếp vàng, thiếp bạc một cách tỉ mỉ.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Quý (người ngồi bên trái) đang tạc khuôn mặt của tượng

Tinh hoa mỹ nghệ phát triển cùng chiều dài lịch sử

Tiếng máy cắt, xé từng thớ gỗ từ xa vọng lại, tiếng lạch cạch của dùi đục đập vào cán đục, tiếng máy đánh bóng mặt gỗ êm êm, đều đều của các nghệ nhân, hòa lẫn vào nhau tạo nên một thứ âm thanh hối hả của làng nghề Sơn Đồng, nơi chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Từ đây, những khúc gỗ thô sơ, những gốc cây cổ thụ xù xì, qua bàn tay người thợ sẽ trở thành tượng Phật Thích Ca, tượng các vị La Hán, tượng Đức Thánh Trần, Văn Thù Bồ Tát, Tam Thế Phật, Phật Bà nghìn tay Nghìn mắt, các linh vật, Hoành Phi - Câu đối, Án gian, Bàn thờ… cùng vô số các loại đồ thờ cúng thủ công mỹ nghệ khác.

Nghề tạc tượng Sơn Đồng đã có truyền thống từ rất lâu đời, theo chiều dài lịch sử cha truyền, con nối hàng ngàn năm, qua nhiều thế hệ. Bởi vậy mà tượng Sơn Đồng, luôn mang trong mình những nét huyền bí, riêng có. Ở đó là bí kíp của cha ông truyền lại, mà khách hàng khó có thể tìm được những vật phẩm ở nơi khác, đặc sắc như ở nơi đây. Tạc tượng là một nghề đòi hỏi người thợ phải tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, đa phần phải là những nghệ nhân với tay nghề rất cao mới cho ra những tác phẩm hoàn hảo.

Tạc tượng không phải cứ nhìn theo hình mẫu có sẵn, sẽ ra được sản phẩm; người tạc được tượng, phải là người có kiến thức nhất định về các tôn giáo, nhất là Phật giáo; phải là người am hiểu về sự hình thành các di tích lịch sử, cũng như tích và tính cách của các vị Phật, các vị Thánh và văn hóa tâm linh của người Việt; phải là người có một tâm hồn trong sáng, mới mong cho ra được những sản phẩm mà khi nhìn vào, người ta thấy nét hoan hỉ đến nhẹ lòng; hoặc nghiêm trang đến mức, người yếu bóng vía không dám đối diện.

Những người thợ đang thực hiện các công đoạn của sản phẩm

Gìn giữ bí kíp của cha ông

Chúng tôi tìm đến cơ sở tạc tượng của chú Nguyễn Bá Quý, một trong những gia đình gắn bó với nghề qua rất nhiều thế hệ. Bước qua cánh cổng vào tới sân, đập vào mắt chúng tôi là vô số tượng gỗ đã xong phần tạc thô. Chú Quý cho biết: “Những anh thợ trẻ chỉ làm được những phần đơn giản như bệ, thân, áo; những chi tiết như nét mặt, thần thái, tướng hình thì chú phải trực tiếp bắt tay vào việc; làng nghề Sơn Đồng có từ vài trăm năm trước đến hàng ngàn năm lịch sử, chúng tôi sinh ra cũng chỉ biết nối nghiệp cha ông, chứ không ai biết nghề tạc tượng Sơn Đồng có từ thời ký nào”.

“Trong làng hiện có khoảng 2.000 hộ dân và hơn 400 cơ sở kinh doanh thủ công mỹ nghệ; 50% trong số này chuyên làm nghề điêu khắc gỗ, với gần 300 xưởng sản xuất; cả làng có trên 4.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi. Mức thu nhập bình quân cho một thợ lành nghề là từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng, tùy vào việc làm và tay nghề của từng người. Làng nghề Sơn Đồng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, cũng như lao động từ nơi khác đến”. Chú Quý chia sẻ.

Để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao, bí kíp mà cha ông truyền lại không chỉ là tạc như thế nào, mà còn là vật liệu được chọn là gỗ gì cho từng loại sản phẩm, tuổi của gỗ là bao nhiêu, bí quyết pha màu sơn gốc như thế nào… đảm bảo cho sản phẩm đạt được tối đa về độ tinh xảo, tính mỹ thuật, độ bền với thời gian và yếu tố hàng đầu là thần thái của bức tượng. Đây là yếu tố mang đậm màu sắc bí kíp, của cha ông truyền lại và năng khiếu, cũng như cái duyên với nghề của mỗi nghệ nhân.

Một số hình ảnh của sản phẩm gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng

Qua nhiều năm hình thành và phát triển, làng nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống Sơn Đồng đã cho ra thị trường rất nhiều chủng loại sản phẩm, tạo nên thương hiệu gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, mà người dân nhiều vùng miền trên đất nước đã biết đến. Quá trình công nghiệp hóa hiện nay, nhiều làng nghề đã dần mai một, bộ sưu tập làng nghề Việt ngày một nghèo nàn, nét văn hóa cổ xưa không phải nơi nào cũng lưu giữ được. Vì vậy, có điều kiện thuận lợi để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề  truyền thống của cha ông, là điều vô cùng đáng trân trọng. Thêm vào đó, sự chung tay của Nhà nước, sự hỗ trợ của Chính quyền các cấp, là những yếu tố quyết định để lưu giữ được các làng nghề truyền thống, bảo tồn được nét văn hóa của người Việt.

Theo Lê Tuyển/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/gin-giu-nghe-tac-tuong-go-truyen-thong-son-dong-p31374.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)