1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Cơ quan quản lý nhà nước của một số nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh nghiệm với Việt Nam

30/03/2020
Nhằm tìm ra các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam, bài viết xin phân tích mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại một số quốc gia trên thế giới có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có mô hình tương đồng và có hiệu quả cao để đưa ra một số đề xuất.

1. Mô hình cơ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

        Theo quy định tại Chương 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 34, 35 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Trung ương Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại Địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sở Công Thương là cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Xin xem sơ đồ về mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam [1].

        Từ mô hình trên cho thấy cơ quan thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng giao cho Phòng Bảo vệ người tiêu dùng và Phòng kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung triển khai trực tiếp các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhân sự cho hai phòng này giao động từ 10 đến 12 cán bộ. Tại các địa phương hoạt động bảo vệ người tiêu dùng được Sở Công Thương giao cho Phòng Quản lý thương mại (50/63 tỉnh thành), số còn lại giao cho phòng xuất nhập khẩu, phòng đối ngoại, Chi cục Quản lý thị trường…Nhân sự cho công tác bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương gồm 01 Phó giám đốc sở phụ trách, 01 trưởng phòng và 01 chuyên viên. Mặc dù giao cho 03 cán bộ nhưng thực chất chỉ 01 chuyên viên chịu trách nhiệm thực hiện và 01 chuyên viên này là kiêm nhiệm (một lúc triển khai nhiều nhiệm vụ khác nữa trong phòng [2]. Từ thực tiễn trên cho thấy, nhiệm vụ mà cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giao là lớn từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực thi từ trung ương đến địa phương, trong khi đó với nguồn lực hiện tại là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa việc phân công chưa được thống nhất giữa các đơn vị tại địa phương cũng gây ra khó khăn trong triển khai thực hiện.

Do công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và tất cả các địa phương trong cả nước. Do vậy, yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần cơ chế phối hợp tốt, nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ.

2. MÔ HÌNH CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

        Trên thế giới có thể liệt kê ra một số nước cũng có mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tương tự như Việt Nam (cơ quan bảo  vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc bộ chuyên ngành quản lý) là: Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Singapore, Hà Lan. Giới chuyên môn gọi mô hình quản lý này là mô hình hạt nhân.Theo mô hình này, cơ quan có chuyên môn bảo vệ người tiêu dùng là một cơ quan thuộc Bộ. Ở các nước này, thông thường cơ quan bảo vệ người tiêu dùng được thành lập là Cục hoặc Vụ thuộc các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, thương mại và công nghiệp.

           Trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, các cơ quan này có chức năng điều tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi NTD. Các Bộ, ngành khác có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để xử lý các hành vi vi phạm và giám sát chất lượng hàng hóa dịch vụ trên thị trường nhằm đảm bảo an toàn cho NTD.

          Về mặt tổ chức, do là cơ quan thuộc Bộ nên cơ quan bảo vệ người tiêu dùng theo mô hình này không có thẩm quyền giám sát cũng như áp đặt nhiệm vụ cho các cơ quan khác trong hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những công cụ đắc lực như các trung tâm nghiên cứu, giám định cùng với các thẩm quyền điều tra và xử lý, các cơ quan này có vị trí hạt nhân trong công tác bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp hành động để cùng đạt mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho NTD. Có thể mô hình hóa hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trên như sau:

                                    Ưu điểm của mô hình:

- Tận dụng được hệ thống cơ quan hiện hành, chỉ cần phân định thẩm quyền rõ ràng của các Bộ, ngành.

- Có cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng

- Tính chuyên môn hóa của các cơ quan cao, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có chức năng điều tra xử lý hành vi vi phạm quyền lợi NTD.

Nhược điểm của mô hình:

- Không có tính hệ thống, khó cho việc thống nhất kế hoạch bảo vệ người tiêu dùng

- Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng không đủ quyền lực để có thể giám sát hoạt động của các cơ quan khác.

3. Bài học kinh nghiệm từ mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu trê

Thứ nhất. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải phát huy ưu điểm của nền kinh tế thị trường

      Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải phát huy sức mạnh của nền kinh tế thị trường để nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tiến hành xã hội hóa các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm giảm gánh nặng, chi phí cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai. Mạng lưới và nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước về BVNTD

        Do đặc thù riêng của công tác bảo vệ người tiêu dùng (yêu cầu gần với quần chúng, thị trường, bảo vệ quyền lợi cho một số đông không được tổ chức, không có chuyên môn, thiếu thông tin và thường rất yếu thế về khả năng thương lượng), do đó cần có mạng lưới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương. Đây là một điểm mạnh của các hệ thống này, nhưng nó cũng đỏi hỏi một nguồn lực khổng lồ để đủ cung cấp cho việc duy trì bộ máy. Do đó, cần phải triệt để sử dụng các bộ máy chính quyền sẵn có ở cơ sở, nhân lực có chuyên môn sẵn có (ví dụ như các thẩm phán đã về hưu), và đảm bảo hoạt động thực thi pháp luật diễn ra một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp nhất.

Thứ ba. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng với các cơ quan điều tiết ngành

       Cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan được giao nhiệm vụ chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan quản lý chuyên ngành khác trong việc tuyên truyền văn bản pháp luật, tổ chức thực thi các nhiệm vụ, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng.

Thứ tư. Tính hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp

        Cần có một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính đặc thù phù hợp với tính chất, giá trị của các giao dịch của người tiêu dùng. Kinh nghiệm nổi bật của tất cả các quốc gia nói trên, đặc biệt trong trường hợp của Malaysia, là hệ thống này phải tách biệt khỏi hẳn hệ thống toà án thông thường, với những đặc tính chuyên biệt như đơn giản, thuận tiện, dễ áp dụng phù hợp với giá trị giao dịch tiêu dùng hàng ngày. Các thủ tục giải quyết tranh chấp cũng phải được đơn giản hoá, đẩy nhanh và giảm chi phí đến hết mức có thể, như trong trường hợp của Malaysia thì mới có thể mong được NTD sử dụng thường xuyên.

4. Một số đề xuất cho Việt Nam

       Việc quyết định mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên để có thể phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam xin kiến nghị một số giải pháp như sau:

Thứ nhất: Phát huy tối đa mặt tích cực của nền kinh tế thị trường

       Nền kinh tế thị trường cũng có những ưu điểm và nhược điểm. Cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp nhằm tối đa hóa những ưu điểm và giảm thiểu đến mức thấp nhất các mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Một trong nét cơ bản của nền kinh tế thị trường là mọi quyết định về cung cầu đều do thị trường điều tiết. Các doanh nghiệp muốn tồn tại phải nâng cao sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp đồng bộ từ quy trình quản lý, sử dụng nhân lực đến áp dụng dây truyền sản xuất, cung ứng sản phẩm với chất lượng tốt, giá cả phải chăng, kiểu mẫu đa dạng và phong phú. Cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp đẩy mạnh sức cạnh tranh của doanh nghiệp,lúc đó người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi, những câu chuyện về hàng nhái, hàng giả,, hàng kém chất lượng sẽ được đẩy lùi, quyền lợi người tiêu dùng sẽ được các doanh nghiệp quan tâm chú ý hơn và được bảo vệ tốt hơn.

           Ngoài ra, Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu, ban hành các chính sách, các giải pháp kêu gọi mọi thành phần, nguồn lực của xã hội cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn và tốn ít hơn nguồn lực của nhà nước. Như vậy vô hình chung đã kêu gọi được sự hưởng ứng sự vào cuộc của toàn xã hội với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai: Hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

          Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ đơn giản là công tác của Trung ương, hay của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà công tác này xảy ra tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do vậy yêu cầu tất yếu đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước (đơn vị chịu trách nhiệm triển khai trực tiếp tại các địa phương), công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng mỗi tỉnh có thể tìm được cơ quan bảo vệ của chính mình. Ngoài ra, cũng cần bổ sung cán bộ cả Trung ương và địa phương để triển khai tốt hơn, đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định của luật định. Cần bổ sung kinh phí xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập để định kỳ hoặc đột xuất để đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho người tiêu dùng trước vô vàn sự lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ trên thị trường hiện nay.

 Thứ ba: Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan cùng được giao nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

          Cơ chế phối hợp được đề cập ở đây là cơ chế phối hợp trong nội bộ cơ quan được giao, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo chiều dọc và chiều ngang.

         Cơ chế phối hợp trong nội bộ các cơ quan được giao cụ thể tại Trung ương là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với các đơn vị quản lý nhà nước khác trực thuộc Bộ Công Thương như Cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước Báo Công Thương…hoặc tại các Sở Công Thương cũng cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Phòng được giao công tác này (Phòng quản lý thương mại) với các phòng ban khác như Thanh tra sở, Chi Cục quản lý thị trường. Trường hợp khác là tại các Bộ khác, Sở khác cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực của mình, thì cần có cơ chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn để triển khai tốt hơn công tác này.

        Cơ chế phối hợp theo chiều ngang là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp trên cùng một phạm vi. Ở đây đề cập đến là phạm vi Trung ương và phạm vi cấp tỉnh. Tại Trung ương cần cụ thể hóa nội dung của khoản 3 Điều 47 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng cụ thể hóa nội dung triển khai của từng Bộ và cơ chế phối hợp đối với các vụ việc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhiều bộ, cơ chế trao đổi, chia sẽ thông tin có liên quan đến người tiêu dùng. Tại các địa phương cũng cần cụ thể hóa các nội dung phối hợp như ở cấp Trung ương. Có như vậy mới giải quyết được câu chuyện khoảng chống pháp luật, vùng chồng chéo giữa các đơn vị như không có người quản lý hoặc không đơn vị nào chịu nhận trách nhiệm về phía mình.

       Cơ chế phối hợp theo chiều dọc là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng thực hiện nhiệm vụ được triển khai từ trên xuống dưới ở đây là từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể là cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh hoặc tại bất kỳ một Bộ nào khác được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng với các Sở tại địa phương. Cơ chế phối hợp theo chiều dọc cần triển khai tốt nhằm thể hiện tính nhất quán, thống nhất trong hành động về một chủ chương, chính sách nhằm tạo hiệu ứng và hiệu quả cao nhất của hoạt động.

Thứ tư: Có phương thức giải quyết khiếu nại đơn giản, thuận tiện, hiệu quả cho người tiêu dùng.

      Hiện tại, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đã có quy định về thủ tục giải quyết cho người tiêu dùng theo trình tự đơn giản và tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Tuy nhiên, những vụ kiện của người tiêu dùng được giải quyết theo trình rút gọn tại tòa hầu như chưa có. Cần có hướng dẫn và  tuyên truyền phổ biến cho người tiêu dùng biết những ưu điểm của phương thức giải quyết theo trình tự tố tụng rút gọn, tiến hành xét xử các vụ việc về khiếu nại người tiêu dùng tại Tòa theo trình tự rút gọn để đúc rút kinh nghiệm nhằm tạo ra phương thức giải quyết thuận tiện, hiệu quả có tính pháp lý cao cho người tiêu dùng.

     Hiện nay mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam theo mô hình hạt nhân. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sử dụng đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Dưới góc độ tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sớm hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương, trao thêm thẩm quyền cho cơ quan thực thi này cho tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế đất nước cũng như đáp ứng các yêu cầu đặt ra của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Luận án tiến sĩ kinh tế Đoàn Quang Đông (2015) “Hoàn thiện quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam” tại Viện Nghiên cứu thương mại – Hà Nội

[2] Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh giai đoạn 2010-2015.

[3] WWW.qlct.gov.vn

[4] www.moit.gov.vn

[5] Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

[6] Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[7] Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của một số nước Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Singapore, Hà Lan.

[8] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

NTD: Người tiêu dùng

BVNTD: Bảo vệ người tiêu dùng

TS. Phạm Tiến Dũng Cơ Quan công tác: Tổng cục An Ninh-Bộ Công An

Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/co-quan-quan-ly-nha-nuoc-cua-mot-so-nuoc-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-va-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)