1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Cách thức thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen” đang được Ngân hàng Techcombank áp dụng phổ biến?

27/05/2021
Cán bộ ngân hàng Techcombank dẫn theo nhiều người đi thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen” khiến khách hàng hoang mang, lo lắng. Đây cũng không phải là lần đầu Ngân hàng Techcombank thu hồi nợ kiểu như vậy. Phải chăng cách thức thu hồi nợ này đang được Ngân hàng Techcombank áp dụng phổ biến.

Khách hàng tố  Ngân hàng Techcombank thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen”!

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó phải kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng chính ngay trong thời điểm đó,  một khách hàng đã hoang mang gửi đơn lên nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và cơ quan chức năng về sự việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thực hiện hành vi đòi nợ bằng cách “dùng băng nhóm xã hội đen đến trấn áp đe dọa ”.

Cụ thể, theo đơn của ông  Nguyễn Văn Minh (thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết,  năm 2011, ông đã thế chấp tài sản, ký hợp đồng tín dụng với Techcombank để vay khoản vay 900 triệu đồng và đã trả nợ gốc 217 triệu đồng.

Từ năm 2020 đến nay, do làm ăn thua lỗ cộng với dịch bệnh Covid nên kinh tế gia đình gặp khó khăn chưa trả nợ đúng hạn, gia đình đã 4 lần đơn xin giảm lãi phạt để trả dần làm nhiều đợt.

Tháng 3/2021, ông Minh đã trả thêm 250 triệu đồng. Theo đó, số nợ gốc còn lại là 433 triệu và tính đến thời điểm sau ngày 30/4, số tiền phạt + tiền lãi + tiền gốc ngân hàng là 1,2 tỷ đồng.

Sự việc khiến ông Minh hoang mang lo lắng là vào ngày 13/5/2021, một cán bộ Techcombank đã dẫn 6 người về làm việc tại gia đình ông Minh liên quan tới khoản nợ trên.

 “Khi đến, những người đi cùng cán bộ Techcombank nghênh ngang sục sạo xung quanh nhà tôi để quay phim, chụp ảnh. Tôi yêu cầu các anh đến làm việc không có sự đồng ý của tôi thì không được làm như vậy. Sau đó, số người kia ngồi ở vị trí các góc nhà, sân cổng. Nhân viên Techcombank và một người nữa ngồi làm việc với vợ chồng tôi với nhiều nội dung, trong đó có việc yêu cầu nếu hôm nay không trả đủ 1,2 tỷ đồng thì ngân hàng sẽ để 5 người ở lại gia đình để trông giữ kê biên tài sản của gia đình. Sau một lúc lời qua tiếng lại, cán bộ Techcombank chỉ chấp nhận để 5 người xăm trổ ở lại. Viêc này đã khiến mẹ, vợ con và các cháu tôi sợ hãi”, ông Minh cho biết thêm.

Thắc mắc về việc những người đi cùng có phải là cán bộ ngân hàng không và yêu cầu xem giấy tờ tùy thân thì 5 người trong số đó không xuất trình được giấy tờ. 17h cùng ngày 13/5/2021, ông Minh đã ra UBND xã Chàng Sơn báo cáo và Công an xã đã vào làm việc và lập biên bản về việc 5 người đi cùng không xuất trình được giấy tờ tùy thân để chứng minh danh tính.

Điều đáng nói, theo Điều 8 của bản Hợp đồng thế chấp tài sản lúc ông Minh vay tiền của Ngân hàng quy định: “Nếu có tranh chấp mà hai bên không thống nhất giải quyết được thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết...”. Tuy nhiên, Techcombank đã hành xử không tuân theo quy định của hợp đồng và đã  vi phạm Hợp đồng.

Chiếu theo nhưng quy phạm pháp luật, hiểu một cách đơn thuần là hoạt động cho vay tài sản là một hoạt động dân sự. Bên cho vay và bên vạy đều phải hiểu có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện theo những điều khoản của hợp đồng đã ký. Nếu có xảy ra mâu thuẫn, không tự giải quyết được sẽ nhờ tới cơ quan pháp luật, cụ thể là toàn án.

Pháp luật cũng nghiêm cấm những hành vi nhắc nợ, thu hồi nợ theo kiểu đe doạ, dùng "xã hội đen", xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của người đi vay.

Techcombank đã và đang sử dụng cách thức thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen” một cách phổ biến?

Pháp luật nghiêm cấm, cách thức, hành vi, nhắc nợ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Nhưng quy định là vậy, tại ngân hàng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, hình thức đòi nợ này được áp dụng và ngày càng phổ biến hơn.

Tháng 3.2017, ông Phạm Anh Tuấn và bà Lê Thị Hương, chủ căn hộ 1.5, chung cư 79C Phạm Viết Chánh, Phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM cũng đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng về việc công ty quản lý nợ và khai thác tài sản- Ngân hàng Techcombank cho nhân viên vào cắt khóa căn hộ và chiếm luôn căn nhà này để ở.

Bất chấp lệnh cấm của Toà án, Techcombank vẫn xâm phạm nơi ở và tài sản của khách hàng.

Theo đơn, bà Hương cho biết, ngày 2/11/2010, gia đình ông bà có vay của ngân hàng Techcombank với số tiền là 1,4 tỷ đồng để mua căn hộ này. Theo đó, hợp đồng tín dụng được ký có số 9109, thời hạn là 20 năm. Hàng tháng ông Tuấn, bà Hương phải trả số tiền gốc là 5 triệu 834 ngàn đồng và số tiền lãi là 5 triệu 674 ngàn đồng.

Trong suốt quá trình 5 năm vay vốn (từ ngày 2/11/2010 đến 18/7/2015) ông Tuấn, bà Hương đã thực hiện đóng đủ và đúng ngày số tiền gốc, lãi cho Techcombank. Tuy nhiên, đến ngày 23/6/2015, khi ông Tuấn, bà Hương nộp 19 triệu 500 ngàn đồng để trả gốc và lãi vay hàng tháng cho Techcombank thì ngân hàng này lại không thu nợ gốc và lãi dẫn đến khoản vay của khách hàng bị quá hạn.

Trong lúc hai bên vẫn đang tranh chấp thì ngày 2/1/2016 gia đình bà Hương thấy thông báo “Quyền thu giữ và quản lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ” của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản- Ngân hàng Techcombank dán trước căn hộ 1.5 Chung cư 79C Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM (gia đình bà Hương không sinh sống thường xuyên tại căn hộ nói trên).

Ngày 9/1/2016, khi con bà Hương về căn hộ để lấy đồ đạc thì ngỡ ngàng khi thấy người của Techcombank đã ăn, ở trong căn nhà này.

Gia đình bà Hương đã khởi kiện lên tòa án nhân dân Quận 1, TP Hồ Chí Minh và cơ quan tòa án đã có Quyết định số 06/2017 cấm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank cùng Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam di chuyển đồ đạc và tài sản trong căn hộ 1.5 Chung cư 79C Phạm Viết Chánh thuộc quyền sở hữu của ông Tuấn và bà Hương. “Ngày 10/3, một số người lạ đã tự ý di chuyển đồ đạc nhà tôi đi đâu không rõ”, bà Hương nói đồng thời cho biết thêm, Techcombank đã cố tình đẩy khách hàng vào tình trạng “nợ quá hạn”, không cho khách hàng được giải quyết theo đúng các trình tự quy định của pháp luật mà hành xử kiểu “xã hội đen” khiến gia đình bà hoang mang tột độ và vô cùng lo sợ.

Một khách hàng khác của Techcombank là bà Trần Thị Hương ở tổ 47, phường Dịch Vọng Hậu. Năm 2012, bà có kí hợp đồng thế chấp căn nhà của mình với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để vay 3 tỉ đồng. Trước khi cho vay, căn nhà của bà Hương cũng được Ngân hàng Techcombank định giá trên 8 tỉ đồng. Do làm ăn không thuận lợi nên bà Hương không đủ khả năng trả nợ lãi ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con nên tính đến tháng 9/2018 số tiền bà Hương nợ Techcombank đã lên tới 6,1 tỉ đồng.

Giữa tháng 8/2018 trong lúc bà Hương đi vắng, một số người tự xưng là đại diện ngân hàng đến đe dọa và đuổi những người đang ở trong nhà bà Hương ra ngoài và kể từ đó đến nay nhóm người này cứ ăn ở trong nhà bà Hương, chiếm giữ trái phép tài sản của bà. Thậm chí khi bà Hương quay trở về lấy đồ đạc cũng bị nhóm người này hành hung không cho vào.

Nội dung trên bà Hương đã có đơn gửi Công an phường Dịch Vọng Hậu, Công an quận Cầu Giấy và UBND các cấp nhưng đã hơn một tháng trôi qua các cơ quan chức năng vẫn án binh bất động, không xử lý thông tin tố giác tội phạm.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này../..

Theo Độ Anh/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/cach-thuc-thu-hoi-no-theo-kieu-xa-hoi-den-dang-duoc-ngan-hang-techcombank-dang-ap-dung-pho-bien-p31488.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)