1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Bảo tàng báo chí Việt Nam – Niềm tự hào của những người làm báo

26/06/2021
Bảo tàng Báo chí Việt Nam với diện tích gần 1.500 m2, trưng bầy hơn 20 nghìn hiện vật chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020). Không gian được trưng bày nhiều hiện vật và tư liệu quý, được sắp xếp theo tiến trình lịch sử, các dấu mốc về sự phát triển của báo chí Việt Nam, là ngôi nhà chung của trên 25 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang sinh hoạt ở các chi hội báo đài cả nước.

Lễ cắt băng khánh thành Bảo tàng báo chí Việt Nam.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quyết định thành lập đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí vào ngày 28/7/2017. Trải qua rất nhiều cuộc hội thảo khoa học, hội đồng phê duyệt đề án, nhiều lễ hiến tặng hiện vật,và những đêm thao thức của những cán bộ thực hiện đề án, đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã hiện diện trang trọng tọa tại Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Với diện tích rộng hơn 1.500 m2, tầng 1 của Bảo tàng là không gian thể hiện các mốc thời gian lịch sử. Những hiện vật được trưng bày tại đây là những tư liệu hiện vật vô cùng quý giá, không chỉ đối với người hiến tặng mà còn là di sản chung của Báo chí Việt Nam cần được bảo vệ, giữ gìn, phát huy. Thật hữu duyên và may mắn khi những người làm Bảo tàng đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ rất lớn của những người từng làm báo, tham gia làm báo hoặc có các hoạt động liên quan. Sau nhiều lần tổ chức phát động tiếp nhận hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nhận được hơn hai mươi nghìn tư liệu hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật, tư liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.

Hình ảnh ngòi bút được đặt trong những cách sen, biểu tượng đặng trưng của nghề báo.

Tại không gian khánh tiết với biểu tượng trung tâm là hình ảnh ngòi bút được đặt trong những cánh sen với ý nghĩa vô cùng sâu sắc, ngòi bút, biểu tượng gắn với nghề báo, bông sen thể hiện sự thanh khiết của người làm báo. “Bút sắc, lòng trong” là thông điệp mà lớp lớp thế hệ người làm báo Việt Nam luôn hướng tới. Hình ảnh cánh sen được kết bởi tên các tờ báo và các cơ quan báo chí từ khi tờ báo Việt Nam đầu tiên ra đời đến nay.

Khu vực trung tâm của Bảo tàng là phần trưng bày giai đoạn (1865 - 1925). Chiếc bục hình viên kim cương trưng bày 10 tờ báo nổi tiếng, tiêu biểu, đầu tiên của thế giới, đại diện cho các châu lục và Việt Nam, được Hiệp hội Báo chí Thế giới xếp vào hiện vật cổ nhất thế giới với cái tên khá dài bằng tiếng Đức (Có nghĩa là Bản ghi chép các sự kiện đặc biệt, đáng nhớ) được xuất bản năm 1609 (Ấn bản đầu tiên ra đời bằng tiếng Đức năm 1605 tại Strasbourg - nước Pháp ngày nay). Trong đó, có 2 tờ báo đầu tiên của Việt Nam (Tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên, Báo Thanh Niên, tờ báo mở đầu cho báo chí Cách mạng Việt Nam).

Lãnh đạo Dảng và nhà nước tham quan tại bảo tàng Báo chí Việt Nam những ngày đầu bảo tàng mở cửa.

Trải qua các thời kỳ và các giai đoạn của lịch sử, một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng giúp chúng ta hình dung được phần nào về điều kiện làm báo của đất nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: Đèn dầu lạc, nghiên bút, bút máy bơm mực...  Được sử dụng là công cụ chủ yếu để làm báo, khi điện sáng và máy chữ còn chưa phổ biến.

Ngoài dòng báo chí quốc ngữ, trước 1865 và giai đoạn (1865 - 1925), ở Việt Nam còn tồn tại song song một số tờ báo xuất bản bằng tiếng Hán, tiếng Pháp; Đồng thời, còn có một dòng báo chí khác do những người Pháp hoặc những trí thức người Việt tổ chức. Ở giai đoạn này, ngoài phần chữ truyền tải các tin tức, bài viết… Đã xuất hiện thêm tranh vẽ và quảng cáo.

Giai đoạn (1925 - 1945) là 20 năm đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, trong đó có lịch sử báo chí. Báo chí cách mạng giai đoạn này, hoạt động rất tích cực, linh hoạt với nhiều hình thức, xuất bản bí mật, công khai hay nửa bí mật nửa công khai. Khi cần công khai sẽ công khai, khi cần bí mật sẽ chuyển vào bí mật. Một số tờ báo tiêu biểu được in ấn, xuất bản trong giai đoạn này như: Báo Tranh Đấu, Dân chúng, Tin Tức, Nhành Lúa, Cờ Giải phóng, Quân Giải Phóng, Lao Động, Cờ Vô Sản… Tờ Dân Chúng – Là tờ báo cách mạng xuất bản công khai tại Sài Gòn, có số lượng độc giả lớn nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ… Một điều chắc chắn rằng, từ khi dòng báo chí cách mạng hình thành và lan rộng thì báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Trên các mặt báo, tiếng nói đấu tranh được sử dụng mạnh mẽ hơn, ngôn ngữ nhuần nhị hơn, nghiệp vụ cũng có nhiều tiến bộ. Làm báo đã thực sự trở thành là một nghề ở Việt Nam giai đoạn này.

Có thể nói, từ cái nôi dòng báo chí cách mạng giai đoạn (1925 - 1945), đã có nhiều nhà yêu nước, lãnh tụ cách mạng hoạt động báo chí và sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén, hiệu quả. Họ chính là những cây bút xuất sắc như, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Huy Liệu, Phan Đăng Lưu ...  Và cũng là tác giả của nhiều bài viết vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Những đóng góp to lớn của những nhà báo - chiến sĩ cách mạng tiền bối đó đã góp phần đưa đến thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Báo chí Việt Nam giai đoạn (1925 - 1945) không chỉ phản ánh chân thực lịch sử yêu nước và đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn có những đóng góp quan trọng “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” như câu thơ của nhà báo Sóng Hồng (tức Trường Chinh) trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến tới lật đổ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm thay đổi vận mệnh dân tộc, trong đó có báo chí.

Trong giai đoạn lịch sử (1945 - 1954), 9 năm kháng chiến trường kỳ, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến khá dài về lượng và chất. Báo chí lúc này không chỉ góp phần vào công cuộc đấu tranh, phục vụ kháng chiến mà còn được chú trọng, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, được quan tâm về nội dung và trình bày, khiến tin bài, ảnh trên các mặt báo có phần phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, có thêm nhiều các chuyên mục mới, viết được nhiều thể loại... Đến giai đoạn này, báo chí cách mạng Việt Nam (1925-1945) đã bước đầu có sự chuyên nghiệp hóa với sự định hướng rõ rệt của hệ thống chính trị và tổ chức Hội.

Một góc không gian trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã thay đổi, một giai đoạn lịch sử mới được mở ra, báo chí cũng bước sang một trang mới, đồng hành với lịch sử đất nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Chiếc loa 500W bên Bến Hải - Hiền Lương được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Không gian trưng bày báo chí Việt Nam giai đoạn (1954 - 1975), là giai đoạn Việt Nam bước vào một cuộc đấu tranh mới trước cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ. Khi đó, đất nước bị chia cắt, miền Bắc làm nhiệm vụ hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Vì thế, không gian trưng bày được bố trí tập trung vào 3 nội dung chính như: Báo chí miền Bắc - Hậu phương lớn; Báo chí tiền tuyến và Báo chí đối ngoại; Báo chí các vùng đô thị Miền Nam. Giai đoạn này, trải qua 21 năm làm báo với nhiều bối cảnh khác nhau, người làm báo cũng phát triển theo từng gia đoạn và tiến trình của lịch sử. Từ Sắc luật báo chí đầu tiên, đến tòa soạn báo dưới hầm, từ chiếc loa bên bờ sông Bến Hải, đến chương trình truyền hình đầu tiên với chiếc máy quay tự lắp mang tên “Ngựa Trời ở Hà Nội”, cùng những câu chuyện về làm báo trong rừng, làm báo trên bàn đàm phán ngoại giao. Đây là giai đoạn huy hoàng của báo chí, với nhiều nỗ lực vượt bậc, nhiều chiến công rực rỡ, nhưng cũng chứa đựng nhiều mất mát, hy sinh.

Các đoàn khách đến thăm tại Bảo tàng báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi Bảo tàng Báo chí được đưa vào hoạt động đến nay, nhiều bút tích của khách tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam được lưu lại. Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam viết, “Một quãng thời gian ngắn thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhưng được chứng kiến cả một chặng đường lịch sử, trong đó có dấu ấn của những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam. Thật tự hào về những cống hiến của thế hệ nhà báo đi trước, những hy sinh không gì bù đắp nổi nhưng rất đỗi vinh quang. Đó là động lực để thế hệ sau nỗ lực hơn nữa vì một nền báo chí chuyên nghiệp, chất lượng cao, luôn phụng sự tổ quốc và độc giả, khán giả”.

Giai đoạn Báo chí Việt Nam từ 1975 đến nay, bao gồm các phần trưng bày: Một số hình ảnh về sự kiện 30/4 và 1/5; Báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước; 04 cơ quan báo chí lớn và Hội Nhà báo Việt Nam; Khu khám phá trải nghiệm về các loại hình báo chí; Khu chiếu phim và trưng bày chuyên đề và khu Tưởng niệm các nhà báo đã hy sinh trong khi tác nghiệp qua các thời kỳ.

Rất nhiều đoàn khách đến thăm và để lại nhiều cảm tưởng tại Bảo tàng báo chí cách mạng Việt Nam. Lời kể sống động của hướng dẫn viên Bảo tàng đã giúp cho khách thăm quan hiểu được phần nào các giai đoạn lịch sử báo chí nước nhà.

Tuy nhân lực còn ít nhưng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã làm được một khối lượng công việc rất đáng kể, có thể nói là nỗ lực vượt bậc. Đặc biệt, Bảo tàng đã trình được phương án trưng bày tổng thể của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. “Chúng ta đang làm một công việc vô cùng có ý nghĩa và chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đối với giới báo chí, các thế hệ báo chí, những người làm báo Việt Nam. Và giờ đây nằm trong hệ thống các Bảo tàng Quốc gia của nước ta thì Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là một điểm sáng và có bản sắc…” nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận.

Để tiếp nhận hiện vật, từng bước hoàn thiện, những người làm công tác Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực đến mọi miền Tổ quốc và luôn nhận được sự tiếp đón nồng hậu, tấm lòng của người làm báo. Hiện tại, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày. Nơi đây, đang và sẽ là địa chỉ nghiên cứu tài liệu, lưu trữ tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị cho báo chí, là niềm tự hào của báo chí nước nhà./.

Theo Mai Chí Vũ/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/bao-tang-bao-chi-viet-nam-niem-tu-hao-cua-nhung-nguoi-lam-bao-p31895.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)