1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Cao Minh Lang Đại Vương

30/04/2020
(Thành hoàng làng Đường La, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)

Một góc làng quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội (ảnh: Hà Nội Mới)

Làng Đường La, xã Ái Quốc xưa thuộc tổng Phượng Vũ, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông; nay là làng Đường La, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Làng thờ vị Thành hoàng là Cao Minh Lang Đại Vương.

Theo thần tích của làng Đường La, lưu tại Viện Hán Nôm ký hiệu: (AEa2/95), nội dung như sau: Thời đó tại trang Lương Thư, tổng Lương Thự, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, có gia đình sinh hạ được người con gái tên là Trần Thị Đức. Năm vừa tròn 22 tuổi nàng lấy nghề buôn bán thuốc làm nghiệp. Một hôm đi bán thuốc ở xã Bạch Hạc, huyện Phù Ninh, phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây, nàng tá túc tại đó một đêm. Sáng hôm sau qua đò sang sông đến bến Việt Trì, bỗng thấy một tảng đá có dấu chân thần nhân. Nàng lấy bàn chân trái của mình áp vào giữa dấu chân đó bỗng thấy rung động kỳ lạ, bụng nàng có gì khác thường nên sợ hãi không dám trở về bản quán. Nàng bèn đến trang Trình Viên, tổng Phượng Vũ, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng, ở nhờ một nhà buôn. Được 16 tháng nàng sinh được một bọc nở ra một người con trai trên trán nổi lên giống chữ “Nhật”, sau đó lại nở tiếp cậu con trai thứ trên trán nổi lên hình chữ “Nguyệt”. Lúc nàng sinh con, trong phòng tỏa mùi hương thơm ngào ngạt. Nàng nuôi dưỡng các con đến năm lên sáu tuổi thì tìm thầy dạy học.

Lúc mới đi học, các con nghe một mà biết hai, năm tròn 16 tuổi thì thông thạo Ngũ kinh, Tứ thư. Thầy giáo thấy hai anh em là người thông minh xuất chúng, khuyên nên tìm các bậc cao minh để theo học. Từ đó hai anh em dùi mài kinh sử, học văn luyện võ, tài năng học tập ít người sánh kịp.

Một hôm, hai anh em đi đến núi Tản Viên, đến nơi thì trời đã tối nên xin ngủ lại tại đền. Đến nửa đêm, thấy một người khăn áo chỉnh tề khuôn mặt phương phi ngồi trước án nói rằng: “Bọn người từ đâu đến, họ tên là gì nói rõ ta nghe?”. Hai người liền đáp: “Chúng tôi không có họ, tên”. Nói xong hai người cúi đầu, vái năm vái, nguyện xin được ban tên họ để nghìn năm bất hủ. Vị đó liền đáp: “Trên trán các ngươi có chữ “Nhật”, chữ “Nguyệt”, “Nhật Nguyệt” ghép thành chữ “Minh”, vậy lấy chữ “Minh” mà đặt tên, ban cho họ là Cao, gọi là Cao Minh Châu, còn người em thì đặt là Cao Minh Lang. Hai ông cúi đầu vái tạ, thần nhân cũng tự nhiên biến mất. Hai anh em cùng nhau trở về nhà. Được một tháng, trong làng hễ có chuyện gì cũng đến kể cho các ông nghe. Hai ông lấy lý lẽ, tình nghĩa giảng giải cho mọi người hiểu, ai gặp khó khăn, hoạn nạn cũng được giúp đỡ tận tình. Hai ông trở thành chỗ dựa của dân làng, các ông còn ra tay trừng trị những kẻ ác trong vùng, dân làng phấn khởi cho rằng từ nay trong làng đã có bậc hiền nhân. Thời vua Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII) nước ta bị giặc đến xâm phạm, chúng đồn binh tại cửa sông Trà Lý, Hưng Hà, Thái Bình. Vua sai các tướng đem quân đi dẹp giặc nhiều lần mà vẫn không thắng được. Vua buồn bã lo âu, lập tức hạ chiếu phàm mọi người ở các địa phương trong nước ai dẹp được giặc sẽ được ban thưởng. Hai ông nghe tin bèn rút về nơi ở cũ, chiêu mộ tinh binh được hơn 1.000, đến Long Thành yết kiến vua. Vua vô cùng mừng rỡ, lập tức ban cho chức quan tứ phẩm, lại ban cho 500 quan tiền, lương thực 1.000 đấu, để khao quân. Hai ông cầm quân ra trận chỉ hai tháng đã dẹp tan quân giặc. Vua lại ban thưởng 1.000 quan tiền khao thưởng sĩ tốt.

Đất nước yên bình, hai ông trở về quê mẹ mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ và dân làng. Dân làng Đường La nghe tin đều đến chúc mừng. Công việc xong xuôi anh em trở về kinh tạ ơn vua rồi quay lại về thăm thân mẫu. Khi đi tới làng Đường La, bỗng trời nổi giông to, gió lớn, sấm sét đùng đùng, bầu trời vần vũ, mịt mùng, có đám mây đen hình cái tán xuất hiện, hai ông từ từ bay lên đám mây đó mà hóa. Chỗ hai ông hóa để lại một đống đất thành ngôi mộ, mối đùn lên ngày càng to. Dân làng gọi chỗ đó là bãi Đường Lân, vì nhiều người trông thấy Kỳ Lân xuất hiện ở đó vào những đêm thanh vắng. Đoạn đường đi ra miếu làng gần chỗ hai ông hóa bị sét đánh làm cỏ cây cháy trụi, chỗ ấy gọi là Đường Cháy.

Dân làng đem việc hai ông đã hóa tâu lên triều đình. Vua vô cùng thương tiếc, lại ban thêm cho 1.000 quan tiền giao cho dân lập miếu thờ tại nơi hóa. Sắc phong cho Đường La thôn trang Trình Viên phụng thờ. Trình Viên thôn lớn thờ ông anh là Đại Vương Cao Minh Châu. Đường La thôn nhỏ thờ ông em là Đại Vương Cao Minh Lang. Có 72 nơi có đền thờ hai ông.

Trong mỗi dịp lễ hội, dân làng có tục kiêng tên húy thần gọi khoai lang bằng khoai dây, mo lang bằng mo tre, hiện nay đình làng còn giữ được năm đạo sắc phong từ thời Hậu lê đến đời Nguyên.

Nguyễn Tấn Đức/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/cao-minh-lang-dai-vuong_259013.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)