1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Vĩnh Long

23/03/2020
Vĩnh Long Công nghiệp – Thương mại phát triển là nơi lựa chọn đáng tin cậy của nhà dầu tư

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại hội nghị xúc tiến đầu tư 2018

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư và luôn luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Những việc làm của tỉnh thời gian qua đã tạo niềm tin cho các chủ đầu tư và các doanh nghiệp. Đặc biệt là Vĩnh Long đã và đang triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP; Tiếp tục cải cách hành chính trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư, xây dựng. … Phóng viên Môi trường và Xã hội được Ông Trần Hoàng Tựu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng chia sẽ về một số nét nổi bậc về sự phát triển của Vĩnh Long cũng như sự quan tâm đáng tin cậy của tỉnh đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang đến với Vĩnh Long.

Được biết những năm qua kinh tế của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, nhưng với những quyết sách phù hợp, đúng hướng đã tạo sức bật mới kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, xin ông cho biết về kết quả này?

Năm 2017, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội của Vĩnh Long tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,62%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người đạt 41,25 triệu đồng. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá; hoạt động nội thương vẫn duy trì mức tăng trưởng, xuất khẩu đạt 420,7 triệu USD, tăng 11,53% so với năm 2016; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 12.444 tỷ đồng, tăng gần 9,82% so với năm 2016. Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế- xã hội, nhưng Vĩnh Long cũng còn đối mặt với một số khó khăn thách thức như: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn, quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, tiềm năng lợi thế chưa được khai thác tối đa so với tổng thể mà Vĩnh Long hiện có...

Bên cạnh đó, để khắc phục một số hạn chế, tỉnh Vĩnh Long đã và đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội: Thứ nhất là tập trung phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thứ hai, tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng có hiệu quả, tạo đột phá và có tác động lan tỏa tích cực đến thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, chủ động hợp tác phát triển bền vững, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh thương mại - dịch vụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Để Vĩnh Long thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển Công nghiệp – Thương mại, là nơi lựa chọn đáng tin cậy của nhà đầu tư, một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ của tỉnh ở lĩnh vực này, thưa ông?

Những năm gần đây các nhà đầu tư đến Vĩnh Long tìm hiểu đầu tư vào các lĩnh vực như may mặc; cơ khí chế tạo; sản xuất thức gia súc, gia cầm và thủy sản; dịch vụ logistics; chiết xuất tinh dầu từ cám gạo và đầu tư hạ tầng KCN... Cụ thể là từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 11 nhà đầu tư trong và ngoài nước trong đó có 8 nhà đầu tư nước ngoài (4 nhà đầu tư Hàn Quốc và 2 nhà đầu tư Nhật Bản)...

Về Chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Vĩnh Long, Tỉnh cũng đã ban hành một số Nghị quyết, Quy định thí điểm về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, quy định cũng nêu rõ 11 nội dung hỗ trợ đầu tư, cụ thể là: Được hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư; Hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (gồm đất đai và các tài sản, vật kiến trúc trên đất); Hỗ trợ về tín dụng; Hỗ trợ, đầu tư đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến rau, củ, quả; xây dựng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí quảng cáo; Hỗ trợ kinh phí xúc tiến đầu tư. Đồng thời ở lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt cột A theo tiêu chuẩn hiện hành nhưng không quá 05 tỷ đồng/dự án. Dự án này phải được phê duyệt theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đối với các dự án ở bên ngoài các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đến hàng rào doanh nghiệp với khoảng cách tối đa không quá 1.000 mét tính từ điểm đầu nối với trục giao thông chính nhưng không quá cấp đường đấu nối với tổng mức hỗ trợ không quá 03 tỷ đồng/dự án đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục được ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh. Mặt khác, khi thực hiện đầu tư về kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông đến hàng rào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng thiết kế, dự toán phải được cơ quan cấp có thẩm quyền tham gia thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh, được hỗ trợ vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng với mức hỗ trợ 50 tỷ đồng/1 khu công nghiệp; 25 tỷ đồng/1 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được biết thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc phát triển của các doanh nghiệp nầy có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, xin Ông cho biết rỏ hơn về vấn đề này?

Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh là nhân tố quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đây là nguồn nội lực quan trọng của địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là “siêu nhỏ” thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng trên 97% trong giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Trên lĩnh vực thương mại kinh tế tư nhân vẫn duy trì tỷ trọng 96% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Về phía UBND tỉnh, hướng tới Vĩnh Long sẻ tiếp tục khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, công ty cổ phần.

Nhằm tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới kỳ vọng của Vĩnh Long sẽ tạo bước đột phá trong phát triền công nghiệp- thương mại (2018-2020) của tỉnh theo hướng phát triển bền vững, đôi nét trong giai đoạn này, thưa ông

Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện các kế hoạch của tỉnh đã ban hành, chương trình cụ thể, kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực trọng điểm, các ngành mũi nhọn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành, các doanh nghiệp. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất công nghiệp tăng (IIP) 9,5% năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu 420 tr. USD; Giá trị các ngành dịch vụ tăng 5,4% trong năm 2018.

Đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN). Theo đó, 9 CCN được phê duyệt đến năm 2020 sẽ thực hiện ở từng địa phương cụ thể và thu hút từng lĩnh vực cụ thể. Về nguồn vốn đầu tư phát triển các CCN giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là 7.938,5 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn từ nay đến năm 2020 là 3.730 tỷ đồng.

 

Mục tiêu của quy hoạch nhằm hình thành một hệ thống các khu, CCN, đảm bảo sự phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các địa phương và trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Đồng thời, tạo một kết cấu hạ tầng công nghiệp có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tạo tác phong công nghiệp cho người lao động. Theo đó, với tổng diện tích khoảng 492,56ha,  9 CCN được quy hoạch đến năm 2020 sẽ dựa vào thế mạnh từng vùng, địa phương nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Tạo môi trường thông thoáng và thực hiện giải pháp tốt để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xin Ông cho biết đôi nét thực hiện vấn đề này, thưa ông?

Để đạt được những mục tiêu trên tỉnh Vĩnh Long cũng thực hiện một số nhóm giải pháp, cụ thể: Về giải pháp chính sách, thu hút đầu tư, sẽ tiếp tục tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin chính sách khuyến khích đầu tư; giải pháp về dịch vụ công sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, thị trường và đối tác hợp tác. Bên cạnh, sẽ đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tạo môi trường đầu tư thuận lợi; sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư Trung ương và địa phương, gắn chặt chẽ công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết CCN để khai thác lợi thế và thu hút đầu tư.

UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức công bố, tuyên truyền và triển khai thực hiện nội dung của các quy hoạch phát triển ngành. Mặt khác ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Cụ thể: tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (gồm đất đai và các tài sản, vật kiến trúc trên đất), kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn…

Với những chính sách và giải pháp tốt mà tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện, tin tưởng rằng các cộng đồng doanh nghiệp trước hết sẽ ý thức được trách nhiệm, nâng cao được trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, tiếp cận khoa học công nghệ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xây dựng chiến lược kinh doanh, mở rộng liên doanh, liên kết, xây dựng văn hóa trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, cùng đồng hành tham gia tích cực các hoạt động xã hội, góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

 

PV Tây Nam/Môi trường và Xã hội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)