1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Phố, thơ - cõi riêng Chử Thu Hằng

16/10/2018
1. Người phụ nữ Hà Nội viết văn có gì khác với đồng nghiệp văn chương? Tôi nghĩ, có đấy! Cái tuổi Dậu cầm can Đinh như Chử Thu Hằng, bên phái nam tôi biết đến Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Sương Nguyệt Minh,... đều cự phách văn chương. Còn phái nữ viết văn thì bao giờ cũng khiêm tốn hơn. Ngoài đời, họ là “nội tướng” trong mỗi nhà, nhưng khi họ động bút văn chương thì thể nào cũng nổi sóng.
Phố, thơ - cõi riêng Chử Thu Hằng
 
Tính đến 2018, Chử Thu Hằng đã sở hữu 4 tập thơ (Khoảng trời hoa nắng, Cõi riêng, Lạc mình trong phố, Những mùa phố gieo tôi) và 2 tập văn xuôi (Hồn phố, Nhớ một thuở Viêng Chăn). Nhìn vào “gia tài” này dễ thấy Chử Thu Hằng sở trường về thơ. Trước đây tôi có đọc thơ Chử Thu Hằng từng bài riêng rẽ. Nói thật là chưa ấn tượng như lần này đọc một tập thơ chính tay tác giả ghi “Thơ tự chọn”. 
 
2. Đừng nói ai sinh ra ở Hà Nội nghìn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt thì mới có cái quyền tự hào “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ví như tôi, dân “ngụ cư” Hà Nội từ 1968, nay tròn 50 năm, cũng đã lưu luyến mỗi khi xa Thủ đô. Vậy nên đọc Những mùa phố gieo tôi (Nxb Hội Nhà văn - 2018), cũng cứ như nương theo người thơ mà quyến luyến, bịn rịn, nhớ nhung, bồi hồi, xao xuyến với từng hơi thở, đường nét, âm thanh, sắc màu, mùi vị của đất Kinh kỳ: “Hoàng thành thiêm thiếp giấc trưa/ Kỳ đài lặng, đỡ bóng cờ ngủ quên/ Dấu thời gian rạn bậc thềm/Lơ thơ cỏ dại úa trên sân chầu/ Lầu son gác tía nơi đâu?/Lý Trần Lê Mạc... chỉ màu gạch son/ Ngùi trông di vật cũ mòn/ Thoáng se se gió... vọng hồn người xưa...” (Ru giấc Hoàng thành). Viết như thế là tựa vững chắc vào một cảm hứng lớn, tôi gọi là “đại khí văn chương”. Nhưng không chỉ có cảm hứng lớn tựa vào lịch sử, thơ Chử Thu Hằng còn áp sát cuộc đời, áp sát tự nhiên trong không gian đặc biệt có hồ Gươm, chùa Một Cột, có những mùa cây thay lá rất đặc trưng “Hà Nội mùa cây thay lá/ Phơi phới vàng bay, hè phố cũng dát vàng/ Vũ điệu vào hè cuồng say, hối hả/ Cây trút hết cũ càng để mùa mới kịp sang” (Mùa cây thay lá). Một dạo xem ti vi, thấy cư dân Sài Gòn đổ xô đi mua cúc họa mi. Với ai đó thì chỉ là thói a dua. Với người tinh tế thì đó là cái đẹp giản dị “Họa mi tung tăng dạo phố/ Vui như hò hẹn cùng ai/ Rung rinh rung rinh cánh trắng/ Mắt cười lóng lánh sương mai (...)/ Bồng bềnh họa mi - mây trắng/ Có người nhắn hỏi bâng quơ/ Muốn ủ lòng đông ấm lại/ Này ơi, có dám cùng mơ?” (Mùa cúc họa mi trên phố). Chỉ hai chữ “tung tăng” gieo trên câu thơ, tôi bỗng thấy người thơ như “cải lão hoàn đồng”, trẻ ra cả đến vài chục tuổi. Ai đó nói, thơ trẻ chỉ “khéo thêu thùa cho bản thân mà kém vá may cho mọi người”. Đúng thế chăng (?!). Thơ là cái gì hồn nhiên nhất. Vì thế mà khi nào Chử Thu Hằng định lập ngôn, triết luận, hay chứng tỏ ta đây già dặn, thì y như rằng là sái, là hơi “kiễng chân” (Tự ngẫm là một ví dụ điển hình). 
 
Thi nhân muôn đời đều âu yếm mùa thu, động bút về mùa thu và thành công về thơ thu. Giờ đây, Chử Thu Hằng cũng không ngại ngần viết tiếp thơ thu theo một lối đi riêng tự mình vạch ra. Bài thơ mùa thu, Thu bình yên, tôi gọi là một “cặp thơ thu” đáng đọc. Để tránh dẫm lên dấu chân người đi trước, tác giả cứ viết về mùa thu như những gì mình nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, cảm thấy: “Sớm mai trong dạo gót bên đời/ Căng ngực mùi cỏ thơm vừa cắt/ Tơ nhện xâu chuỗi sương dịu mát/ Mơ mộng nhìn trời đoán lối mùa sang/ Chớm thu thơm trong trái sấu vàng/ Lăn lóc phía hè. Đêm qua vừa có bão/ Thay màu áo khiến hàng cây chao đảo/ Tóc thề tha thướt vắt sang thu (...). Đắm trong lời thu hát thiết tha/ Lộng lẫy cúc vàng, màu thu rực rỡ/ Cuốn rèm lên, hương thu tràn qua cửa/ Bắt được em rồi gió heo may ơi” (Bài thơ mùa thu). Viết như thế không đơn thuần chỉ là “tức cảnh sinh tình”. Mà viết theo sự run bật cảm xúc. Một kiểu cảm xúc riêng tư. Tôi thích câu thơ “Tóc thề tha thướt vắt sang thu”. Và, đọc thơ Chử Thu Hằng thấy vẻ đẹp cổ kính tràn về, lay động những tâm hồn “muôn năm cũ”.
 
 Nhiều lần tôi nói với bạn bè và học trò rằng, phụ nữ thời nay gần như không biết ru, chỉ biết ca (ca thán, ca cẩm, tụng ca,...). Khối người đồng tình, cũng không ít người không đồng tình. Vậy nên khi đọc Những mùa phố gieo tôi thấy rưng rưng khi như thể mình được ru trong những bài thơ hay như Bà ru cháu ngủ giữa trời, Ru, Ru anh. Bà ru cháu thì đã đành muôn thuở, đó là lời ru vỗ về, nâng niu, ôm ấp, máu mủ ruột rà. Nhưng mà khi người phụ nữ “ru anh” thì mới có chuyện để nói: “À ơi... ngủ ngoan anh nhé/ Ngựa hay cũng mỏi chân rồi/ Buông đi cho lòng thanh thản/ Tự mình thương lấy mình thôi…” (Ru anh). 
 
3. Thơ có thể hướng ngoại, hay hướng nội là tùy nhân tâm. Khi Chử Thu Hằng hướng nội, tôi thấy thơ của người thơ này dịu dàng, đằm thắm, sâu sắc, gây ấn tượng với độc giả. Khi nào biến sở đoản thành sở trường, tức định triết lý, thì thơ Chử Thu Hằng đôi chút chung chiêng (Bão I, Bão II, Có không tri kỷ tri âm?, Vô đề I,II, III... là một ví dụ). Nhưng cũng may mắn là, chỉ như một cơn “say nắng” nhẹ, thoảng qua. 
 
Đọc Những mùa phố gieo tôi, thấy Chử Thu Hằng có thể nghiệm thơ văn xuôi (Tháng bảy mưa ngâu, Dư âm là một ví dụ). Nhưng thơ văn xuôi rất “khó chiều”. Ai cũng mong người thơ hãy cứ viết hồn nhiên. Đã có một “Phố Phái” trong hội họa. Nhưng đôi khi nhắc lại/ sống lại với cái đẹp cũng cần thiết. Tôi cứ nghĩ, biết đâu sẽ có một “Phố Chử” trong thơ (như Người thơ ở phố, Ru giấc Hoàng thành, Mùa cây thay lá, Viết ở Hàng Buồm, Mùa cúc họa mi trên phố, Bài thơ mùa thu chẳng hạn).
Đọc Những mùa phố gieo tôi của Chử Thu Hằng lại càng tin tưởng hơn sức sống của thơ ca khi ai đó bi quan trước tình trạng “văn chương lâm nguy” (!?). Nhưng sáng tạo thơ ca đâu có dễ dàng, nên người thơ ngay đầu tập thơ mới này đã xác tín “Nứt vỏ tứ thơ nhọc nhằn” và lo âu, thấp thỏm “Còn ai đọc thơ với mình? (Người thơ ở phố). 
 
Khép lại bài viết ngắn này trong tôi cứ ngân rung câu thơ “Bắt được em rồi gió heo may ơi” (Bài thơ mùa thu). Tôi thấy, ngoài đời Chử Thu Hằng năng động, hoạt bát, tự tin, quảng giao, mạnh mẽ. Nhưng thơ của chị thì mềm mại, chữ nghĩa tao nhã, thanh thoát, nhẹ nhàng và âu yếm. Kể cũng lạ. Cái câu “văn là người” trong trường hợp này e rằng không thuận. Một độc giả yêu thơ, sau khi đọc Những mùa phố gieo tôi của Chử Thu Hằng, đã chia sẻ với tôi, đại ý, thơ hiện thời rất khó đọc hết cả tập, vậy mà người ấy đã thưởng thức trọn vẹn tập thơ mới ra mắt của Chử Thu Hằng. Còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn với nhà thơ.
 
Bùi Việt Thắng/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)