1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Nghệ nhân “thổi hồn” khảm trai Chuôn Ngọ

31/12/2018
Bằng tấm lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo, hơn 30 năm qua nghệ nhân Nguyễn Đình Hải ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn ngày đêm “giữ lửa” làng nghề khảm trai truyền thống để tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân nơi đây.
Quyết giữ... nghề

Nghề làm khảm trai Chuôn Ngọ vốn đã có truyền thống cách đây hàng nghìn năm. Trải qua những biến thiên của thời gian, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ vẫn tồn tại trong bao thăng trầm. Có thời điểm, cả xã Chuyên Mỹ với hơn 80% gia đình có nghề, nhưng đến nay chỉ còn vỏn vẹn khoảng hơn 30% gia đình còn giữ nghề. Đây cũng là những gia đình có những nghệ nhân tâm huyết, họ giữ nghề không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn để phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân “thổi hồn” khảm trai Chuôn Ngọ
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải bên bức tranh khảm trai chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Đăng Chung).

Cũng như bao người con quê hương được sinh ra ở cái nôi của nghề khảm trai, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải sớm được tiếp cận với nghề. Ngay từ khi còn nhỏ, sau những giờ trên lớp anh thường nhặt những mảnh trai đã bỏ đi rồi dùng keo gắn thành hình con vật, ngôi nhà, hoa lá…. được ông bà, cha mẹ dạy bảo tận tình nghề khảm trai và cứ thế anh lớn lên cùng với nghề.

Chỉ những ai gắn bó,  đam mê mới hiểu được rằng nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định mà đó là cả một “chặng đường” nghệ thuật. Đến với nghề khảm trai nó như một cái gì đó là định mệnh, lúc nào nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cũng nghĩ trước hết là mình phải yêu nghề và đam mê thì mới thành công được nên thời gian anh dành cho công việc nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp để áp dụng vào nghề là rất nhiều.

Anh Hải cho biết để có được nguyên liệu tốt nhất, người thợ phải đến một số tỉnh trong nước để thu gom vỏ trai, ốc cỡ lớn, thậm chí phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài như từ Hồng Kông, Singapor, Indonesia, Trung Quốc…Tạo ra một sản phẩm khảm trai, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn, người thợ đều phải thật cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo và phải có sự tinh tế. Đồng thời, người thợ phải có con mắt tinh tường, có óc thẩm mỹ mới có thể tạo ra một tác phẩm mang tính nghệ thuật từ khảm trai.

Một trong những công đoạn quan trọng của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ” nghĩa là đục gỗ theo nét vẽ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Và công đoạn kỳ công nhất trong nghề khảm đó là cưa, đục các mảnh trai. Khi người thợ có tay nghề cao có tâm huyết thì sẽ cho ra đời sản phẩm sinh động và có giá trị lâu dài.

Làm giàu trên quê hương

Ở nông thôn, việc phát triển làng nghề không chỉ tạo ra nguồn thu nhập đáng kể mà còn là kênh giải quyết việc làm, góp phần hạn chế các hủ tục, tệ nạn. Làng nghề phát triển còn góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống, tạo ra diện mạo đô thị hoá mới cho nông thôn, để lao động nông thôn “ly nông nhưng không ly hương” và làm giàu trên quê hương mình.

Chính vì những lẽ đó, khi chia sẻ về định hướng cho phát triển cơ sở anh Nguyễn Đình Hải cho biết những năm qua, nhận thấy việc nhân cấy nghề là hết sức quan trọng, anh đã thường xuyên phối hợp tham gia các lớp tập huấn của các cấp, các ngành, các địa phương tại các lớp học nghề và nâng cao tay nghề. Với các học viên làm tại cơ sở, anh Hải đều đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, nếu học viên có nhu cầu ở lại làm việc tại cơ sở anh cũng sẽ tạo điều kiện nhận vào làm.

Nghệ nhân “thổi hồn” khảm trai Chuôn Ngọ
Những người thợ miệt mài lao động tại cơ sở đồ ngỗ Duy Hải Phát (Ảnh: Đăng Chung).

“Tôi luôn ý thức rằng mình làm nghề thôi chưa đủ mà mình phải dạy nghề và truyền nghề cho nhiều người khác. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định khởi nghiệp gây dựng cơ sở riêng cho mình và đến nay là thành lập cơ sở đồ ngỗ Duy Hải Phát vừa để thỏa mãn niềm đam mê khảm trai vừa để duy trì nghề truyền thống của ông cha…”, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải chia sẻ.

Lúc đầu mới thành lập cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhân lực mỏng chủ yếu là những người thân trong gia đình và dần dần theo thời gian cơ sở của tôi lớn dần và phát triển nhanh chóng. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải nhớ lại: Trong thời gian đó, cũng là lúc vợ chồng tôi luôn cố gắng không ngừng học hỏi, sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, phải bỏ thời gian, công sức, tiền của để đi các nơi khảo sát, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước và ngoài nước đối với mặt hàng khảm trai để định hướng sản xuất, đồng thời thay đổi mẫu mã sản phẩm theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Từ năm 2000 đến nay, cơ sở đồ ngỗ Duy Hải Phát của nghệ nhân Nguyễn Đình Hải đã thu hút nhiều lao động trên địa bàn. Hàng năm doanh nghiệp đã tạo được việc làm cho khoảng 10 lao động chính với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động cho thợ phụ trong xã và các vùng lân cận có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó hàng ngày nghệ nhân Nguyễn Đình Hải luôn tìm tòi, học hỏi rồi đổi mới cách thức chọn lọc các loại nguyên liệu tốt nhất để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tinh xảo. Nhờ đó, các mặt hàng do cơ sở của anh làm ra bên cạnh những sản phẩm truyền thống như: hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc, những bộ “tùng, trúc, cúc, mai”… đến những bức khảm, bức tranh truyền thần về các nhân vật nổi tiếng, phong cảnh trong các bức tranh dân gian, mang tính chất mỹ thuật của khảm trai như: chân dung Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp… tất cả đều chứa chan sự tinh túy từ những đôi bàn tay vàng của những người thợ trong đó có nghệ nhân Nguyễn Đình Hải, tạo lên một vẻ đẹp thuần khiết tinh tế mà hiện đại.

Chính sự nỗ lực đó mà các sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ nói chung và cơ sở của gia đình anh Hải nói riêng phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản... đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây. Lợi nhuận của doanh nghiệp trung bình đạt trên gần 500 triệu đồng/năm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên nhấn mạnh: Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn được địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ cũng cho biết, thôn Ngọ đã được công nhận là "Làng nghề truyền thống" và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, đền thờ Đức Trương Công Thành đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nghề khảm trai truyền thống ở thôn Ngọ không những làm cho người dân no ấm, nhiều đời vinh hiển mà còn góp phần làm đẹp và phong phú thêm cho "Quê hương mỹ nghệ - vùng đất trăm nghề" Hà Nội. Những sản phẩm khảm trai một món quà đậm đà tình nghĩa quê hương cho những người Việt Nam và đồng thời là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa đối với khách du lịch quốc tế khi có dịp đến Việt Nam tham quan du lịch.

“Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải là một nghệ nhân tâm huyết với nghề. Việc giữ nghề không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn để phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau. Đồng thời, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cũng là một tấm gương điển hình về phong trào thi đua yêu nước ở cở sở, góp phần chung vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo nếp sống văn hóa tại khu dân cư…”, ông Đại cho biết.

Với những nỗ lực và cống hiến của mình trong việc giữ gìn phát huy giá trị truyền thống làng nghề, nhiều năm qua nghệ nhân Nguyễn Đình Hải được UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Chuyên Mỹ biểu dương, khen thưởng. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cũng vinh dự được vinh danh là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam 2016 và Nghệ nhân Quốc gia năm 2017. Đồng thời, với những đóng góp cho phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở nghệ nhân Nguyễn Đình Hải được UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” năm 2018.

Đăng Chung/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)