1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Đa dạng sinh học, con đường để duy trì sự sống trên trái đất!?- Bài 2: Chúng ta cần làm gì để giảm hậu quả của suy giảm đa dạng sinh học

10/07/2020
Như đã thông tin, giá trị của Đa dạng sinh học (ĐDSH) chính là việc duy trì sự sống trên trái đất, vì vậy, vai trò của nó vô cùng to lớn. Thế nhưng, các xu hướng thay đổi của các hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng di truyền cho thấy nguy cơ về một làn sóng tuyệt chủng của các loài sinh vật. Các giống bản địa bị mất dần do sự du nhập của các giống mới hay các động, thực vật ngoại lai. Những mất mát đó rất nghiêm trọng vì các giống bản địa có tính đa dạng di truyền hơn hẳn các giống ngoại lai, các giống mới năng suất cao, vì vậy có khả năng chống chịu với sâu hại và bệnh tật, đây chính là nguồn nguyên liệu quý để lai tạo và cải tiến các giống.

Đa dạng sinh học, con đường để duy trì sự sống trên trái đất!? - Bài 1: Giá trị của đa dạng sinh học

Hậu quả của việc hủy hoại đa dạng sinh học

Việc huỷ hoại thảm thực vật trên một khu vực mà nguyên nhân là do chăn thả động vật nuôi, do khai thác gỗ quá mức hoặc do nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên đã huỷ hoại khả năng tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất của các HST, do vậy sẽ dẫn đến việc mất những sản phẩm do thực vật sản sinh nên các quần thể động vật sống trong vùng (kể cả con người) đều phải gánh chịu hậu quả.

Ở Mỹ, họ đã mất đi trên 200 triệu đôla mỗi năm do sự đánh bắt quá mức dẫn đến việc huỷ hoại các vùng cửa sông và vùng duyên hải làm cho nước trong đó chủ yếu là mất đi các loài cá thương mại và mất đi những khu vui chơi, giải trí cùng các dịch vụ đánh bắt cá thể thao.

Dù cho các HST đã bị huỷ hoại hoặc suy thoái này đều có thể phục hồi nhưng phải trả với cái giá rất đắt và thường là không thể phục hồi đầy đủ được các chức năng sinh thái như đã có, còn tính ĐDSH thì không bao giờ có thể khôi phục được.

Hậu quả của việc hủy hoại đa dạng sinh học

Việc huỷ hoại thảm thực vật làm tốc độ xói mòn đất và sạt lở đất tăng lên rất nhanh, làm giảm giá trị sử dụng đất đối với con người. Đất bị suy thoái khiến thảm thực vật không thể phục hồi được và rất có thể làm cho đất không thể dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được nữa. Thêm vào đó tầng đất màu khi bị rửa trôi theo nước sẽ chảy tràn xuống HST thuỷ sinh, có thể gây ra ô nhiễm làm chết các động vật sống trong nước. Phù sa trôi vào sông, suối còn làm đục nước thậm chí gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Việc xói mòn đất cũng gây bồi lấp các hồ chứa nước của các trạm thuỷ điện, làm suy giảm khả năng phát điện hoặc làm cản trở các tàu bè đi lại trên các sông và cảng. Những trận mưa lụt chưa từng thấy ở khắp nơi trên toàn cầu trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng, khai thác quá mức trên các khu vực rừng đầu nguồn. Điều này đã buộc chính phủ nhiều nước phải ra sắc lệnh hạn chế khai thác gỗ hoặc đóng cửa rừng, nhiều nơi phải phát động phong trào trồng cây gây rừng. Giá trị hạn chế lũ lụt của những vùng đầm lầy nói riêng và các vùng ĐNN nói chung cũng hết sức quan trọng.

Có thể nói rằng, suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Mặt khác sinh vật và HST là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ, nhiên liệu…

Khi HST bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, con người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo. Suy giảm nguồn gen và đặc biệt là biến đổi khí hậu dẫn đến hàng loạt các thảm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống của con người.

Nỗ lực của Việt Nam

Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn ÐDSH, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Ðảng và Nhà nước đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm). Quyết tâm và cam kết bảo tồn ÐDSH của Nhà nước được chú trọng hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của các công ước CBD (năm 1992) và CITES (năm 1994), với một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn (VQG và KBT) đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc.

 Tôm hùm đất được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại, nên không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam có 186 KBT, với hệ thống các KBT đã được thiết lập, nước ta đã được quốc tế công nhận 20 khu có các danh hiệu quốc tế về giá trị ÐDSH, bao gồm năm khu Ramsar, tám khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm khu di sản ASEAN và hai khu di sản thiên nhiên thế giới. Ðáng chú ý, năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật ÐDSH được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ÐDSH. Ðây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH…

Trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động. Các hệ sinh thái bị thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; nguồn gen bị thất thoát, mai một... Nguyên nhân của tình trạng này là do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực mạnh mẽ đến ĐDSH.

Bảo tồn ĐDSH có ý nghĩa quan trọng nhằm giữ cho sinh quyển ở trạng thái cân bằng. Để ngăn chặn các yếu tố có hại và phát huy các yếu tố có lợi cho hoạt động của tự nhiên cũng như của con người, cần phải thực hiện những biện pháp nhằm phòng chống suy thoái, bảo vệ ĐDSH.

Bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là vấn đề của một quốc gia, một địa phương, vùng lãnh thổ hay một cá nhân mà là vấn đề chung của tất cả các nước. Vì vậy, trước hết, mỗi người cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mình về bảo tồn ĐDSH.

Những việc cần làm

Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học thì cần loại bỏ tư tưởng, quan điểm về việc sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng… Coi đó như là phương thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh và thể hiện sự “giàu có”, “đẳng cấp” của bản thân và gia đình. Cần lên án mạnh mẽ, không tiếp tay cho những hành vi, tư tưởng sai trái này. Hãy nói Không với việc sử dụng, mua bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.

Đi kèm với đó, chúng ta không nên coi bảo vệ, giữ gìn ĐDSH là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chuyên trách. Điều này, dẫn đến sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ chính sự sống của mỗi người và toàn cộng đồng. Sự nóng lên của trái đất, sự biến đổi khí hậu, tình trạng mưa lũ, bão hay nắng hạn… đã và đang ảnh hường trực tiếp đến mỗi cá nhân hàng ngày và hàng giờ chính là hậu quả của sự suy giảm ĐDSH. Hãy là một tuyên truyền viên, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của ĐDSH cũng như tác hại, hậu quả nghiêm trọng của sự suy giảm ĐDSH.

Ngoài ra, cần nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn ĐDSH và tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và trồng cây xanh ở trường, địa phương.

Quan trọng nhất là, cả hệ thống chính trị, xã hội cùng chung tay lên án, tố cáo nạn, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, chặt  phá rừng, phá hoại môi trường, cảnh giác với việc mua, bán, sử dụng các loài ngoại lai có thể phá vỡ toàn bộ HST và ảnh hưởng đến các quần thể động vật hoặc thực vật bản địa do sử dụng các loài bản địa làm thức ăn, gây nhiễm độc... hoặc giao phối với chúng làm cho các loài bản địa bị tuyệt chủng hoặc suy thoái (như cây mai dương, hay còn gọi là cây trinh nữ đầm lầy; ốc bươu vàng; tôm hùm đất Trung Quốc…).

Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 đánh dấu mốc quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam. Luật này được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Luật Đa dạng sinh học có riêng Chương 4 (từ điều 37 đến điều 49) quy định về “Bảo vệ động, thực vật hoang dã”. Luật Hình sự sửa đổi qua các năm 2009 và gần đây là năm 2015 đã bổ sung, sửa đổi và tăng nặng hơn các quy định xử phạt đối với các tội săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật.

Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/da-dang-sinh-hoc-con-duong-de-duy-tri-su-song-tren-trai-dat-bai-2-chung-ta-can-lam-gi-de-giam-hau-qua-cua-suy-giam-da-dang-sinh-hoc-320018598.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)