1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Cây hương nhu

18/04/2019
Vườn nhà bỗng thơm om 1 góc, mùi thơm nồng đậm rõ ưng, mùi thơm khiến mọi người nhận ra ngay là 1 cành hương nhu vừa được bẻ, có khi ít hơn, chỉ 1 nhánh hoa vừa được hái.
Cây hương nhu

 

Vườn nhà bỗng thơm om 1 góc, mùi thơm nồng đậm rõ ưng, mùi thơm khiến mọi người nhận ra ngay là 1 cành hương nhu vừa được bẻ, có khi ít hơn, chỉ 1 nhánh hoa vừa được hái. Loài cây này đến lạ, cây trước mắt người đầy, nhưng người ta cứ chọn lá hoa cây này để ngắt  lấy 1 nhánh. Người già thì cài lên vành khăn vấn bảo là cho khỏi nhức đầu, người khác có khi chỉ vê trong tay lấy thơm rồi hít hà. Hương nhu thơm từ tên gọi, là 1 vị thuốc quý, 1 loài thảo dược được yêu thích bởi công dụng và hương thơm đặc trưng.
 

Hương nhu không bao giờ kén đất, đất vườn, đất bãi, đất đồi sỏi đá hương nhu đều lớn lên khóm, lên bụi cả. Hương nhu không phải chăm bón, nối vụ, nối mùa đều tự mình, nhân giống cũng tự hạt già rụng xuống mọc lên cây con gần đó hay theo gió đi tận đâu đâu. Người thích trồng kiếm vài bông hạt già gói lá đem về gieo, có đất, có nước ẩm cho hạt nảy mầm là cây lớn, bén rễ. Vào mùa xuân, bẻ cành ươm, cành bén rễ cũng lên cây.
 
Có hai loại hương nhu, hương nhu trắng và hương nhu tía. Hương nhu tía thơm hơn, có màu tím, khác với hương nhu trắng chỉ màu xanh lá thông thường. Nhà nào có đàn bà con gái thường trồng lấy bụi hương nhu. Cứ mỗi nồi nước bồ kết đen bóng, kiểu gì cũng có nắm hương nhu trong đó. Nồi nước bồ kết quyến rũ những bà, những mẹ và chị ghê lắm. Khi gội đầu đã thơm, đã trơn lược, mượt tay, khi tóc khô mùi hương như khiến người ngồi gần cũng cảm thấy thư thái.
 
 Hương nhu đi với bồ kết có vị trí cố hữu trong lòng bà. Với cái nồi đồng bồ kết nướng bẻ bỏ hạt, nắm hương nhu và dăm bát nước đun sôi bồng thì nhỏ lửa bớt. Bồ kết thôi đen, hương nhu cũng nhả hương thơm, nước lên màu nâu đen thơm phưng phức. Nước gội đầu đổ ra chậu, nước mưa chế vào cho đủ, ít bọt nổi lên rồi xẹp trên thành chậu. Cứ như thế hương nhu theo bà đến trọn đời, bà bảo: “Chả hơi đâu gội hóa chất, thơm mấy cũng thua anh hương nhu trong vườn”. Bà chỉ chọn hương nhu gội đầu, nên chăm bẵm khóm cây trong vườn lắm. Mùa mưa thì thôi, chứ khi nắng gắt, góc vườn thiếu nước, cây rạc đi, nhìn không đành, bà vẫn cặm cụi xách xô nước tưới tắm cho cây. Bà gội đầu hương nhu từ khi tóc xanh đến khi bạc trắng. Cái khăn vấn khi xưa chặt, sau lỏng hơn thì tóc ấy vẫn thơm hương ấy.
 
Bà đã thành người thiên cổ, bức ảnh thờ bà đội vành khăn vấn, vẫn có nhánh hương nhu. 
Bà mất rồi, mẹ thay bà chăm sóc khóm hương nhu, mẹ chắt nước gạo tưới cho cây, mẹ đắp thêm đất gốc cho cây con và cũng như bà, mẹ vẫn chọn hương nhu đun nước gội đầu. Gội xong, mẹ quay tóc, mùi hương nhu thơm cả sân rộng. Mấy chị em gái, lớn lên ra ở riêng, bận bịu suốt chả còn đun nước bồ kết, hương nhu gội đầu nữa. Bụi cây tốt om. Mẹ phải cắt cành, phơi khô cất đi không phí. 
 
Tóc mẹ dần bạc, mẹ không đội khăn vấn như bà, qua vài Tết mà thành bạc trắng. Mẹ để hương nhu dưới gối bảo cho dễ ngủ. Đám trẻ cháu bà về chơi, nhăn mặt không thích mùi này. 
 
Đôi nhà trong xóm vẫn í ới gọi xin nắm hương nhu về đun lá xông, phải khi mùa rạc mẹ lại dỡ bao hương nhu khô cho hàng xóm về đun nước. Tuy không thơm bằng lá tươi, nhưng  dùng vẫn tốt. Nồi lá xông mà thiếu hương nhu, coi như không thành. Cùng hương nhu có lá tre, lá tía tô, có sả… hương thơm xộc vào mũi, ngấm vào da cái ốm mệt như thể tan biến. Tắm bằng thứ nước ấy nữa người khoan khoái hẳn, 10 phần bệnh coi như giảm 8, 9 phần. Thế nên, bao giờ hương nhu cũng được một chế độ chăm sóc đặc biệt từ mẹ. Mẹ bảo, giờ nhiều người đi làm xa nhà, ruộng vườn ít chăm bón như xưa, ai cũng nghĩ đi xin, nhà nào cũng chắc thế, lấy ai trồng. Nhà mình có gốc cũ, chỉ cần giữ là được, mình dùng đã tiện, hàng xóm cũng được nhờ.
 
Chị cả Tết này về thăm mẹ bảo dầu gội nào giờ cũng không ưng, nên cắt hương nhu về đun nước như xưa. Mẹ vội đứng lên cắt 1 bó to tướng cho chị, rồi như không yên lòng lại san cho chị 1 túi hương nhu khô bảo về cất đi dùng dần. Mẹ làm mà vui lắm!
 
Mùa thu năm đó, mẹ theo bà về nơi cực lạc. Khóm hương nhu khô rạc, tóc chị cả đã hoa râm, mấy chị em gái cũng không ai còn trẻ nữa. Chả ai bảo ai mà cứ về nhà mẹ lại nhăm nhăm nhìn khóm hương nhu xem thế nào. Rồi chị hai và em út cũng bảo muốn gội đầu hương nhu như bà, như mẹ.
 
Cái bể nước mưa xưa nhìn to, lừng lững thế mà giờ lọt thỏm trong sân nhà. Nhà mình và những nhà khác xây lên, nhà ai cũng to cả, cái bể nhìn bé đi là phải. Anh cả vẫn cứ để cái bể mái vòm và cái cối đá làm bậc múc nước như xưa. Có nước mưa uống trà ngon và mấy đứa cháu gái có đun nước gội đầu bồ kết hương nhu và gội bằng nước mưa cũng sướng. Chả thế mà đám cháu gái trong nhà thích về quê và tóc đứa nào cũng suông mềm óng ả, thơm mùi hương nhu.
 
Người trong làng vẫn bảo, khóm hương nhu nhà ấy từ đời bà cụ đến giờ, chả mấy nhà giữ được như thế.
 
Nguyễn Minh Hoa/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)