1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Biến đổi khí hậu: Gấu Bắc Cực có nguy cơ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21

10/09/2020
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm thay đổi lớn môi trường sống của loài gấu Bắc Cực, khiến cho loài động vật ăn thịt lớn nhất Bắc Cực có thể tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21.

Mới đây, tại một nghiên cứu của các nhà khoa học công bố ngày 20/7 trên tạp chí Nature Climate Change, cho biết việc những tảng băng ở Bắc Cực dần biết mất sẽ buộc 19 quần thể gấu Bắc Cực trải dài từ biển Beaufort ngoài khơi Alaska đến vùng biển Bắc Cực thuộc Siberia phải di cư vào đất liền.

Và biến đổi khí hậu đang gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài gấu này, bởi chúng bị chia cách khỏi nguồn cung cấp thức ăn trong khoảng thời gian dài hơn so với thông thường. Nhịn ăn kéo dài sẽ khiến các cá thể gấu mẹ gặp khó khăn trong việc sinh sản và nuôi con, đồng thời giảm khả năng sống sót của các cá thể gấu con.

Gấu Bắc Cực gặp nhiều khó khăn khi môi trường sống bị thu hẹp (Ảnh: GETTY IMAGES)

Tiến sĩ Peter K. Molnar từ Đại học Toronto Scarborough nhận định, nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục nằm ở ngưỡng “thông thường đối với các doanh nghiệp” thì “ngoại trừ một quần thể nhỏ sinh sống tại vùng núi Bắc Cực hoang vu, toàn bộ gấu Bắc Cực đang sinh sống tại những khu vực khác sẽ đi đến bờ vực diệt vong”.

“Ngay cả khi lượng khí thải giảm xuống mức vừa phải, chúng ta vẫn không thể giữ được những quần thể gấu tại khu vực phía Nam của Bắc Cực do lượng lớn các tảng băng bị tan chảy”, nhà nghiên cứu Molnar nói.

Hầu hết gấu Bắc Cực sẽ chết đói vào cuối thế kỷ 21

Ước tính số lượng gấu Bắc Cực đang sinh sống tại Bắc Băng Dương có khoảng 25.000 cá thể.

Được biết, môi trường sống chính của loài này là băng biển, nơi gấu săn hải cẩu và cá bằng cách chờ chúng nổi lên trên các lỗ trên băng. Còn ở một số vùng, gấu Bắc Cực vẫn sống trên các tảng băng quanh năm mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, khí hậu ấm lên vào mùa xuân và mùa hạ khiến băng tan chảy làm loài này buộc phải lên bờ tạm trú.

Cũng theo tiến sĩ Molnar thì môi trường đất liền không cung cấp đủ lượng thức ăn cần thiết để duy trì quần thể gấu Bắc Cực.

Thông thường, gấu có thể nhịn ăn trong nhiều tháng mà vẫn sống sót nhờ vào lớp mỡ dày dưới da tích trữ năng lượng, vốn hình thành nhờ vào việc tiêu thụ sinh vật biển. Các tảng băng trên biển Bắc Cực hình thành vào mùa đông, tan chảy vào mùa xuân vào màu hè. Băng ở khu vực Bắc Băng Dương đã giảm khoảng 13% trong thập kỷ vừa qua so với mức trung bình trong khoảng thời gian 1981-2010.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Molnar và các đồng nghiệp đã tính toán mức năng lượng tiêu thụ tối thiểu mà các cá thể gấu Bắc Cực cần để sống sót khi nhịn ăn. Trong trường hợp chúng đang trong quá trình nuôi con, mức năng lượng này thậm chí còn cao hơn.

Từ những kết quả nghiên cứu trên, cùng với các dự báo về biến đổi khí hậu dẫn đến sự tan ra của băng ở hai cực vào năm 2100, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đối với hầu hết quần thể gấu Bắc Cực, thời gian mà chúng buộc phải nhịn ăn khi bị đẩy lên đất liền sẽ vượt quá khoảng thời gian cơ thể chúng có thể chịu đựng và sống bằng năng lượng tích trữ khi nhịn đói.

Như vậy, hầu hết gấu Bắc Cực trên Trái Đất sẽ chết đói vào cuối thế kỷ này.

Thời gian nhịn ăn của gấu Bắc Cực càng dài thì thời gian săn mồi và nạp năng lượng sẽ càng ngắn đi. Ngoài ra, những con gấu sẽ chật vật hơn trong việc bắt hải cẩu và cá vì sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Tại một phân tích cho thấy, số cá thể gấu Bắc Cực ở vùng biển Beaufort đã giảm tới 40%, xuống còn khoảng 900 con gấu, trong khoảng thời gian 2000-2010.

Hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn môi trường

Theo nhà nghiên cứu Andrew Derocher thuộc Đại học Alberta: Quần thể gấu Bắc Cực có thể gặp phải nhiều biến đổi đáng kể trong khoảng thời gian ngắn. Chỉ cần một vài sự thay đổi tiêu cực và nghiêm trọng trong một hoặc hai năm là đủ để khiến số lượng cá thể giảm một cách mất kiểm soát.

Trong nhiều năm qua, sự tồn vong của gấu Bắc Cực đã trở thành biểu tượng cho tầm quan trọng và sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường, giảm lượng khí carbon thải vào môi trường từ đó góp phần cứu lấy hệ sinh thái đang ngày càng đảo lộn.

Năm 2017 tại Canada, có những bức ảnh ghi lại các cá thể gấu Bắc Cực bị cô lập trên những tảng băng trôi hay đoạn video ghi lại cảnh một con gấu hốc hác lục lọi thùng rác như hồi chuông báo động về sự tan ra của băng hai cực và những hệ lụy khác. Nó không chỉ dừng lại ở sự diệt chủng của gấu Bắc Cực mà thậm chí có thể là của toàn thể sinh vật trên Trái Đất.

Những dự báo về nguy cơ đe dọa loài gấu trắng Bắc Cực đã buộc các nhà chuyên môn đưa ra những giải pháp thay thế như chương trình nhân giống nuôi nhốt hoặc sử dụng máy bay đưa chúng tới Nam Cực.

Tuy nhiên, trên thực tế không có phương pháp nào có thể giúp bảo tồn loài gấu Bắc Cực một cách bền vững ngoại trừ việc giữ được môi trường sống cho loài động vật này, thúc đẩy các giải pháp ngăn chặn tình trạng Trái đất ấm lên.

Trong một kịch bản phát thải khí nhà kính cao, chỉ có một số quần thể gấu Bắc Cực có thể tồn tại ở nơi rất xa phía Cực bắc. Và ngay cả khi đạt được mục tiêu giảm phát thải vừa phải, một số quần thể vẫn sẽ biến mất.

BT/Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/bien-doi-khi-hau-gau-bac-cuc-se-tuyet-chung-vao-cuoi-the-ky-21-143517071.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)