1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử

09/12/2018
Miếu Xương Rồng thuộc làng Tổ, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội, là một trong những di tích lịch sử của xã gắn liền với câu ca được người dân lưu truyền: “miếu Xương Rồng, đầm Hồng, chùa Chổi”. Năm 2002, miếu Xương Rồng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong những năm qua, việc trùng tu lại miếu Xương Rồng luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Xác định việc bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng, năm qua bà con nhân dân làng Tổ đã cùng các cấp chính quyền địa phương chung tay góp công, góp sức tu bổ lại miếu Xương Rồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể của dân tộc.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử
Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Đảng ủy viên - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hồng phát biểu tại buổi Lễ khánh thành.
Người dân địa phương nơi đây tương truyền, miếu Xương Rồng thờ vị Thành hoàng làng Đàm Gia Đại Vương có từ thế kỷ 16, và bắt nguồn từ một tích xưa: “Vào đời Hùng Huy Vương, tức Hùng Vương thứ 6, một hôm nhà vua ngự giá qua vùng Tổ thôn ngày nay, thấy cảnh sắc tốt lành xinh đẹp, dân thôn thuần hậu nên đã tạo nên hành cung nghỉ lại qua đêm. Cạnh hành cung có một cái giếng, vua cho quây màn loan bên bờ giếng để cung phi tắm. Khi thị nữ múc nước cho cung phi tắm gội, bỗng thấy một con rắn hoa từ trong giếng nổi lên, cuốn chặt lấy cung phi. Thị nữ hoảng hốt chạy đi báo vua, khi vua đến thì rắn đã lặn xuống giếng. Từ đó bà cung phi có mang, ngày 12 tháng Giêng sinh nở được một con trai. Vua nghĩ đến việc cung phi bị rắn cuốn bên giếng nước mà thụ thai mới đặt tên thứ tử là Đàm Gia và cho Đàm Gia Tổ thôn làm đất thang mộc. Đàm Gia lớn lên khôi ngô tuấn tú, tài sức hơn người, lại có lòng yêu quý dân thôn. Ngài thường vỗ về an ủi, giúp đỡ kẻ nghèo, dạy dân thuần phong mỹ tục. Trong vùng có nhà họ Phan sinh được hai người con gái đặt tên là Du Du và Hộ Hệ đều có nhan sắc hơn người, đức tài trọn vẹn. Đàm Gia xin lấy hai nàng làm vợ, được họ Phan đồng tình và vua cha thuận ý. Vợ chồng đẹp duyên chưa được bao lâu thì giặc Ân sang xâm lược. Đàm Gia được vua Hùng cho chỉ huy thủy quân, trợ giúp Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc. Sau khi đánh dẹp giặc Ân, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt bay về trời, còn Đàm Gia được phong Hải Dương Vương, cai quản vùng đất Hải Dương. Ở nhiệm sở, Vương có công cùng dân trị thủy. Trên đường về kinh báo tin mừng, thuyền đến đoạn sông Ngọc Động thì Ngài hóa, truyền cho binh sĩ cùng nhân dân lập đền thờ phụng…”. 
 
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử
Ban kiến thiết Dự án tôn tạo, tu bổ miếu Xương Rồng
 
Để tưởng nhớ công ơn Đàm Gia Đại Vương, hàng năm vào ngày 2 tháng 9 Âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng tại khuôn viên miếu cùng lễ rước kiệu xung quanh khu vực miếu. Theo phong tục, hằng năm giao cho một gia đình nuôi một ông lợn dùng để tế lễ hội, rồi sau đó thụ lộc cùng nhân dân làng Tổ.
 
Người dân làng Tổ ngày nay vẫn luôn tương truyền câu ca “miếu Xương Rồng, đầm Hồng, chùa Chổi”, đây là cụm di tích lịch sử gắn liền với nhiều tích xưa của xã Liên Hồng. Chùa Chổi có tên tự Khánh Hựu, “Hựu” là bảo hộ bảo trì cho nhân dân được no ấm mạnh khỏe cường thịnh, “Khánh” là luôn mang lại niềm vui cho nhân dân. Theo Thượng tọa Thích Thanh Hà, trụ trì chùa Chổi cho biết: “Chùa có từ thời vua Hùng Nguyên Vương, khi ngài lên Đan Phượng xây dựng thành đã nhận thấy: biểu đồ Đan Phượng là hình con rùa hướng ra sông chùa, đây là kết tinh của tinh hoa, phong tục gọi là cái tụ thủy, tụ linh, tụ hội khí thiêng của Đan Phượng. Lúc này, ngài cho xây chùa, chùa bắt nguồn từ thời vua Tiền Lý, trải qua các triều đại và gần nhất như thời Hậu Lê là có một vị quan thái úy (thái giám trong cung) hiện tại đang thờ ở miếu Xương Rồng và có văn bia ở chùa Chổi. Đây là người có công hậu khai sáng ngôi chùa Chổi và ngôi miếu Xương Rồng”.
 
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, làng Tổ ngày nay đã trở thành khu dân cư đông đúc, sầm uất, người dân trong làng vẫn duy trì tục lệ thờ cúng ở miếu Xương Rồng. Họ đến đây không chỉ cầu mong mọi điều tốt đẹp cho gia đình mình mà còn cầu bình an cho những người xung quanh. Chính quyền các cấp ở địa phương cũng như người dân làng Tổ luôn mong muốn tôn tạo lại di tích miếu Xương Rồng để gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông để lại.  Với quyết tâm đó, bà con nhân dân làng Tổ cùng với chính quyền địa phương đã đoàn kết một lòng chung tay tôn tạo, tu bổ di tích miếu Xương Rồng. Người góp công, người góp sức, người góp viên gạch, khối cát… nhờ sự đoàn kết một lòng của bà con nhân dân và chính quyền địa phương mà chỉ trong vòng 5 tháng miếu Xương Rồng đã được tu bổ lại khang trang theo đúng kiến trúc đình, miếu cổ truyền ở Việt Nam. Toàn bộ chi phí tu bổ, tôn tạo do người dân làng Tổ đóng góp trên tinh thần tự nguyện. 
 
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử
Nhân dân làng Tổ dâng hương tại miếu Xương Rồng 
 
Vào ngày 10/10 (ngày 2/9 Âm lịch) chính quyền và nhân dân làng Tổ đã tổ chức Lễ khánh thành Dự án tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử miếu Xương Rồng ngay trong khuôn viên sân miếu. Đó là thành quả đáng ghi nhận của chính quyền và nhân dân làng Tổ, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước của những người con làng Tổ. 
 
Lương Y. TS. Nguyễn Văn Đạt/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)