1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Vũ Đình Liên: Thương xưa, nhớ cũ

08/09/2019
Tên thật được lấy làm bút danh, sinh ngày 12/11/1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18/1/1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần thắng lợi cho phong trào Thơ mới bằng một bài thơ (chỉ một thôi) xuất sắc Ông đồ, lần đầu in trên báo Tinh hoa năm 1936.

 

Tên thật được lấy làm bút danh, sinh ngày 12/11/1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18/1/1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần thắng lợi cho phong trào Thơ mới bằng một bài thơ (chỉ một thôi) xuất sắc Ông đồ, lần đầu in trên báo Tinh hoa năm 1936. Trước và sau Ông đồ, ông có viết một số bài thơ khác, nhưng chất lượng ở khá xa Ông đồ. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết: “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”. Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau lòng của Vũ Đình Liên. Quả vậy, từ sáu chục năm nay, nói tới Vũ Đình Liên là người ta nhớ ngay đến Ông đồ và chỉ Ông đồ đã đủ tôn xưng một nhà thơ.

Từ kháng chiến chống Pháp cho đến khi tạ thế, Vũ Đình Liên dồn sức lực vào công việc sư phạm: viết giáo trình, dạy tiếng Pháp và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ Baudelaire (Bôđơle), 1821-1867, nhà thơ Pháp. Thỉnh thoảng có làm thơ, thơ như ghi chép chuyện đời, như thù tạc với bạn bè, không mang đăng báo. Vũ Đình Liên lúc sinh thời vẫn tới gặp gỡ mọi người ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã là người thơ của quá khứ rồi. Hình như ông không đọc và không trao đổi gì về thơ đương đại.

Bài viết này cũng chỉ được tựa vào vài chục bài thơ do con trai ông, nhà giáo Vũ Đình Quỳ sưu tầm cho mượn. 

Vũ Đình Liên, ngay từ buổi đầu làm thơ, đã tự nhận là nhà thơ của những người lao khổ. Trên báo Phong hóa, số ngày 18/8/1934, ông ao ước:

Tôi muốn hát những bài ca thảm thiết

Như những tiếng than của người 

đói rét

(…) Tôi muốn ru những trẻ con côi cút

Không chốn nương thân, 

không người chăm chút

(…) Tôi muốn an ủi những người 

nghèo khổ

Thiểu não bơ vơ, không họ hàng 

nhà cửa

(…) Tôi sẽ gọi bạn lầm than đói khát

Đến xung quanh để nghe tôi đàn hát

(…) Rồi hết thảy người rách rưới 

đui mù,

Từ ông lão già cho đến đứa trẻ thơ

Dứt tiếng hát đều kêu lên cảm khái:

“Anh thi sĩ của những người thân tàn 

ma dại”.

Bốn mươi ba năm sau, năm 1977, khi ngoài đời đã bao nhiêu đổi thay: Cách mạng thành công, Nhà nước nhân dân thành lập, người lao động thành người làm chủ... Vũ Đình Liên vẫn nguyên vẹn lòng thương xót, nỗi chia sẻ tê tái với những người thất thiệt. Bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá là một ví dụ. Người đàn bà điên ấy xơ xác, rách rưới, bẩn thỉu, mọi người trên toa tàu xa lánh, chỉ có ông nhà thơ có cái nhìn xót thương:

Tôi với người điên ngồi không nói 

Dưới sàn trên ghế vẫn nhìn nhau

Nhà thơ nhận ra giữa mình và người điên kia như được trời xếp đặt để cùng thương cảm:

Ai xui khiến và ai xếp đặt

Một nhà thơ với một người điên

Quả là lời thơ Vũ Đình Liên lúc này không diễn được hết ý ở lòng ông, nhưng vẫn đủ để ta nhận ra chất tâm hồn ấy. Thương người nghèo khổ không chỉ là việc trong thơ mà là cách sống của đời ông. Ông sống như thơ ông. Sáng mùng một Tết, ông gói đôi bánh chưng ra bến tàu xe ăn Tết cùng với những người thân tàn ma dại, tứ cố vô thân. Người nhà cho ông là trái nết, nhưng các bạn văn chương khâm phục ông. Ông ăn uống kham khổ, mặc áo vải thô, đi bộ... dành tiền tặng những người nghèo khó. Tiền thưởng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, ông san sẻ cho sinh viên nghèo. Một chiếc áo dạ con trai ông vừa biếu, ông tặng ngay cho người bạn có con trai là liệt sĩ. Với Vũ Đình Liên, thơ chính là cuộc đời ông. Nhiều câu thơ trong bài Ông đồ như vận vào đời ông. Ông cũng ngơ ngác như lạc trong cuộc đời hiện tại.

Ông yêu thơ đến mức không dám làm thơ. Ông nổi tiếng mà không có tập thơ riêng. Bài thơ Ông đồ là một thành tựu vừa như đột xuất vừa là tất yếu của chất tâm hồn ông. Đột xuất, vì vào năm 1936 ấy, thơ Việt Nam đang ồn ào trong cách tân hình thức và nồng nhiệt trong nội dung tình yêu thì Ông đồ rất bình đạm, hơi cổ điển trong thể thơ năm chữ, giản dị trong lời thơ, lại nói một đề tài xưa cũ mà ai đọc một lần thì đọng lại cả đời nỗi ám ảnh, xót thương. Ông đồ, người theo đòi nghiên bút không thành danh, phải xoay ra bán chữ nuôi thân, viết câu đối thuê trên vỉa hè Hà Nội ngày năm hết Tết đến. Lúc câu đối đắt hàng, người đời trầm trồ ông đồ tốt chữ nghe cũng đã thảm, kẻ sĩ mà phải bán chữ là cực lắm, ấy thế mà bài thơ lại dắt ta vào thời Nho mạt vận, đến chữ đem bán mà còn không ai mua. Chưa thấy cảnh bán hàng nào thê thảm bằng cảnh ông đồ bán chữ không đắt:

Ông đồ vẫn ngồi đấy, 

Qua đường không ai hay,

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài trời mưa bụi bay.

Lúc ông đồ đắt hàng đâu có thấy gió mưa. Bây giờ hết thời: trời thì đầy mưa bụi, rồi gió thổi, lá bay. Lá vàng cuối đông rơi trên mặt giấy, rơi và nằm lại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt nó đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bỏ gối cũng bất động của ông đồ ngồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời, không những thấy ông đồ mà còn thấy cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ. Tác giả có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ. Cách đối chiếu chi tiết ở đoạn này với đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta thấy nỗi thảng thốt xót xa của đổi thay sa sút. Hai câu hàm súc nhất của bài thơ là hai câu kết:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Chúng ta đọc được ở đây số phận của ông đồ, đúng hơn số phận của một thời đại, và cả thái độ, tình cảm của lớp người tân thời khi chợt thức những gì thuộc hồn xưa dân tộc. Mới có mấy năm (từ lúc ông đồ đắt hàng đến lúc ông ế hàng rồi biến mất) mà thời ông đồ đã thành xa lắc. Chữ “muôn năm cũ” của câu trên dội xuống chữ bây giờ ở câu dưới rất gợi bâng khuâng. Dư âm câu thơ như tiếng thở dài ân hận khôn nguôi.

Hiện thực trong thơ Vũ Đình Liên là hiện thực của nỗi lòng. Một nỗi lòng hoài cổ và xót thương. Rất dễ tủi thân. Tủi thân vì ông luôn nghiêng về những phận người thất thiệt. Ông không hoài cổ những võng lọng vàng son cảnh cũ lâu đài hay tưng bừng náo nhiệt dấu xưa xe ngựa mà ông ngậm ngùi luyến nhớ những thân phận lạc thời, thất thế. Khi “được" nhất họ cũng đã tội nghiệp rồi, nói chi khi mất họ chỉ còn là kỷ niệm của sự xót thương. Xen giữa những bài thơ viết trước cách mạng, tôi chú ý bài thơ mười hai câu, không ghi năm sáng tác, bài Bông hoa úa. Bài thơ bắt đầu khi hoa đã vào tình thế chẳng còn sắc thắm hương thanh. Vũ Đình Liên tìm thơ ở chỗ:

Một chút hương thầm còn phảng phất

Hồn hoa lưu luyến nhẹ nhàng bay.

Hoa lưu luyến người nên hương ở lại. Tác giả khuyên những ai yêu hương mà không mua nổi hoa hãy đến đây mà nhận chút hồn hoa ấy nhưng xin người hãy nương nhẹ vì hoa đã úa. Như vậy cả hai phía, người và hoa, đều đã rơi vào tình thế cùng đường và đều giàu lòng lưu luyến, thương mến cuộc đời. Cái cách níu vào hạnh phúc của họ cao cả và tội nghiệp. Vũ Đình Liên là vậy. Câu chữ còn có chỗ vụng về hay như tác giả tự nhận xét là bài thơ không nói được hết nỗi lòng nhà thơ. 

Nếu chọn mười nhà thơ đặc sắc của phong trào Thơ mới, có thể chưa có Vũ Đình Liên. Nhưng nếu chọn mười bài thơ mới tiêu biểu của giai đoạn này thì rất có thể có Ông đồ.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)