1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Tứ nữ trình làng… văn

25/02/2020
Tứ nữ trình làng… văn

NHƯ BÌNH: Tôi quen biết Như Bình kể cũng ngót 20 năm. Còn nhớ cữ 2001, khi vào Nghệ An dạy học (ở Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Vinh), tôi có một chuyến trải nghiệm nghề văn thú vị khi cùng nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc đi xe máy (50 cây số) vào tận thành phố Hà Tĩnh thăm hai bạn văn Nguyễn Thị Phước và Như Bình. Dạo đó Như Bình còn làm việc ở Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh. Làm quen và đọc văn của hai “kiều nữ” này, ra Hà Nội, tôi viết liền hai bài đăng trên báo Văn nghệ Trẻ: Phù sa trong văn chương (về Nguyễn Thị Phước) và Viết đợi mùa thu (về Như Bình). Sau này, khi Như Bình ra Hà Nội, đầu quân cho báo Công an Nhân dân (hiện là Trưởng Ban chuyên đề “Văn nghệ Công an”) thì hóa ra gần mà lại xa, vì nghề báo đã lấy đi của chị quá nhiều thời gian và công sức. Lại còn chuyện đời sống riêng tư. Chóng cả mặt mày. Mà lại là... nữ nhi thường tình. Tôi cứ hình dung Như Bình ngày ngày rất bận. Nhưng báo không “ăn thịt” nổi văn. Chị vẫn có những “bùa chú” riêng dẫn dụ độc giả. Tập truyện ngắn Bùa yêu (2015) theo tôi đã chứng minh Như Bình là “hai trong một”. Như Bình viết ký - chân dung các gương mặt nghệ sĩ (điện ảnh, hội họa, âm nhạc, văn chương, biểu diễn) rất sành điệu, tạo hấp lực của con chữ. Ai đã đọc đều thích thú và có nhiều ấn tượng. Nhưng trước sau, trong mắt tôi và độc giả yêu văn chương thì, Như Bình vẫn là một tên tuổi trong làng truyện ngắn Việt đương thời. Chị đã xuất bản 4 tập truyện ngắn, nói như người Huế là rất “dễ thương”!

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN: Vốn là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQG Hà Nội). Ra trường cũng phiêu diêu. Nay thì định vị (với chức Phó Trưởng ban) tại một cơ quan báo chí chính thống hàng đầu - Báo Nhân dân. Đã in 2 tập truyện ngắn. Là cây bút nữ, theo cảm nhận của tôi, điềm tĩnh, cẩn trọng, kỹ lưỡng khi viết. Truyện của Nguyễn Phương Liên không gây sốc/ sốt trên văn đàn kiểu như của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,... Cũng không ướt át, mềm mại, mộng mơ, điệu đà kiểu Meggi Phạm, Trác Diễm (tiêu biểu cho dòng “ngôn tình” hiện nay). Nhưng không có nghĩa Nguyễn Phương Liên là “trung tính”. Chị như một “bè trầm” trong dàn âm thanh chung, rộn rã hơn bao giờ hết như văn chương bây giờ trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Ngòi bút của tác giả thường hướng tới những góc khuất của đời sống với ý đồ nghệ thuật khám phá những biểu hiện thầm kín, tinh vi, đôi khi éo le, tuế toái của đời sống trong xu thế ngày càng trở nên phức tạp hơn. Chị chú ý tới những cảnh ngộ éo le của con người, nhất là người nữ trẻ tuổi. Khung cảnh câu chuyện thường diễn ra ở chốn đô thị, phố phường, công sở. Nhân vật của chị sống và làm việc trong thung thổ, môi trường khép kín, công thức, ít thay đổi. Vì vậy họ có chung tâm thế bị gò bó, bức bách, có nhu cầu đổi thay, có khát khao giải phóng,... Nhưng đọc kỹ lại thấy thêm nhân vật của Nguyễn Phương Liên có ý thức phòng vệ, đề kháng những nguy cơ văn hóa đạo đức đương thời (tâm lý đám đông/ bầy đàn, thích phô trương, buông thả, quấy rối, nói ngược,...). Nguyễn Phương Liên còn là người đam mê nghệ thuật, một cuốn sách nghiêng hẳn về mỹ thuật (Đồng hành với cái đẹp) của chị xuất bản gần đây cho thấy một giao diện mới của nhà văn. Dường như trong thế giới phẳng thì ý niệm “ngoài trời còn có trời” đã khiến người nghệ sĩ phải suy nghĩ khác trước, phải nâng mình lên cao hơn, phải đi ra chứ không thể đi vào.

KIỀU BÍCH HẬU: Với cây bút nữ này, tôi chỉ mới tiếp xúc và quen biết dăm năm trở lại đây. Nhưng càng quen biết càng nhận ra được nhiều phẩm tính tốt của chị (mà đôi khi cùng trang lứa thiếu hụt). Trước hết, như người ta nói, chị là “công dân toàn cầu”. Hiện, chị đang làm việc tại Phòng Truyền thông, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX). Tiếng Anh thông thạo (cũng như Dili, Bảo Chân,...). Kiều Bích Hậu chuyên tâm viết truyện ngắn đã lâu, lưng vốn kha khá. Hai tập truyện ngắn gần đây của chị Hoa hồng không ở cùng mắm tôm, Vợ ảo (đều do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành), khiến cho tôi đã nhận xét về xu thế đi ra thế giới của một cây bút tân tiến như Kiều Bích Hậu. Rồi nữa, gần đây nhất một tạp chí văn học Rumani đã đăng... thơ của người chuyên viết văn xuôi. Quả thực thú vị. Chị có gửi cho tôi qua email tư liệu này. Tôi nói vui để dành làm “lương khô” sau này dùng khi viết chân dung Kiều Bích Hậu. Gần đây chị còn thử sức bằng tiểu thuyết (sẽ trình làng trong nay mai tiểu thuyết Con người, cũng là ma quỷ). Đây là cây bút nữ có nhiều tiềm năng và lợi thế khi thông thạo tiếng Anh, lại đi nhiều (ra thế giới) vì có cơ hội và điều kiện. Cả ba yếu tố của một người viết theo cách định nghĩa của nhà văn Nguyễn Tuân “đi - đọc - viết” đều hội đủ trong Kiều Bích Hậu. Mừng thay có một lớp nhà văn như thế.

PHAN HUYỀN THƯ: Là con gái rượu của NSND Thanh Hoa. Chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có “gen” nghệ thuật nên có lẽ vì thế Phan Huyền Thư, tôi nghĩ, ngoài có “hoa tay”, lại còn như một Hỏa Diệm Sơn, lúc nào cũng chỉ chực phun trào. Nhưng lạ, lúc đang là sinh viên, cô dường như giấu mình rất kỹ. Đôi khi thật cần mới chia sẻ với các thầy, cô giáo có chất nghệ sĩ và nâng đỡ học trò. Ra trường thay đổi vài ba chỗ làm việc, lâu nhất ở Xưởng phim Tư liệu Trung ương. Rồi xuất hiện như một giọng thơ độc đáo với các tập Nằm nghiêng, Sẹo độc lập,... Thơ Phan Huyền Thư (cũng như Vi Thùy Linh) chia đôi dư luận. Biết đâu thế lại hay hơn là nhất nhất khen, chê một chiều. Trẻ nhưng lắm suy tư, dằn vặt và chiêm nghiệm. Một cây bút đa năng, đa tài, nên lắm thăng trầm. Thơ Phan Huyền Thư nhiều nỗi buồn, có lẽ từ đời sống riêng, và hơn thế do hay lo âu, tìm kiếm. Có cao vọng tìm tòi nhưng chưa tới. Nhưng dẫu sao cũng là một gương mặt, tên tuổi đáng nhớ, đáng khích lệ của thế hệ “f” trong sáng tạo văn chương.

Bản quyền nhận định “Văn chương mang gương mặt nữ” thuộc về Bùi Việt Thắng, bạn bè văn chương vẫn thường hay nói vui như thế. Quả thật thì, nói một cách công bằng, đang có cái tâm thế/ tình trạng “âm thịnh dương suy” trong các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật ngôn từ. Lấy một ví dụ nhỏ. Nếu tính đến thế hệ “f” trong sáng tác văn chương (sinh  từ những năm 70, 80, 90 thế kỷ XX) thì sẽ thấy đông đảo, nổi trội là tên tuổi nữ: Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Dili, Bình Nguyên Trang, Phan Huyền Thư, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Trần Hoàng Thiên Kim, Võ Diệu Thanh, Đỗ Hoàng Diệu,Trần Quỳnh Nga, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Thị Hương Duyên, Nguyễn Hồng, Thy Lan, Lưu Thị Mười, Vũ Thanh Lịch, Trần Hải Vân, Tống Phú Sa, Nguyễn Thùy Linh, Thy Nga, Trác Diễm, Nguyệt Chu, Bảo Thương, Nguyễn Thị Minh Hoa, Meggi Phạm, Phạm Thu Hà... Đấy là tôi chỉ mới “chạm” đến thế hệ “f” trong lĩnh vực sáng tác (văn/ thơ), chưa kể đến lĩnh vực lý luận, phê bình, dịch thuật. Trong đội hình đông đảo và hùng hậu các cây bút nữ được độc giả nước nhà mến mộ kể trên, tôi chỉ xin được kể đôi điều về “tứ nữ” mà mình có dịp tiếp xúc, quen biết, đã vài ba lần chạm bút về họ. Và lý do quan trọng hơn, năm nay là năm CON CHUỘT nên việc chọn bốn cây bút nữ sinh năm 1972 (NHÂM TÝ) là có cái lý, cái lẽ, cái tình của sự viết.

Bùi Việt Thắng/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tu-nu-trinh-lang%E2%80%A6-van_257215.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)