1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Lời nhắn gửi cho mai sau

10/05/2020
(Đọc “Không thể lãng quên” của Trần Hoàng Tiến. Nxb Quân đội Nhân dân, 2020)

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhà báo Trần Hoàng Tiến vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách mang một cái tên như lời nhắn nhủ đầy thổn thức “Không thể lãng quên” vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Không thể lãng quên”, tập sách mà có lẽ Trần Hoàng Tiến đã mất khá nhiều công sức, lao tâm khổ tứ để chắt lọc, để đúc kết, để giành dụm qua những tháng năm cầm bút dài đằng đẵng của mình. Một cái tên nghe thoáng qua tưởng chừng rất nhẹ nhàng nhưng lại đầy ẩn ý, nó như một sự khắc khoải, như lời thúc giục để đánh thức trái tim của bao người và cũng như một thông điệp trĩu nặng mà tác giả - một nhà báo chiến sĩ muốn gửi gắm không chỉ với thế hệ trẻ hôm nay mà cho cả tương lai. Đó chắc chắn là điều mà mỗi chúng ta “sẽ không được phép lãng quên” hay “không thể lãng quên”.

Tập sách gói gọn trong hơn 200 trang với 26 bài bút ký như những nét điểm xuyết tinh tế của một nhà báo nhưng đầy sức nặng của sự thôi thúc và sự khắc khoải lịch sử. Ngay ở Lời mở sách, như để tránh sự hiểu nhầm của người đọc, tác giả đã rất khéo léo khẳng định:“Chiến tranh đã lùi xa mấy thập kỷ trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta nhưng ký ức một thời hoa lửa, hào hùng và bi tráng vẫn luôn được nhắc nhớ, trao truyền. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, có không ít sự kiện, chiến tích, người có công trong cuộc kháng chiến… đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến hoặc vinh danh chưa xứng đáng…”.

Một lời mở sách không ồn ào, không mang tính PR nhưng lại đánh trúng vào tâm trí mỗi người, để như “bắt” người đọc phải giành thời gian để khám phá những giá trị, tìm hiểu những “lẩn khuất lịch sử” mà tác giả đã khắc khoải trong từng trang sách. Ngay ở “Cuộc vượt ngục “vô tiền khoáng hậu” ở Côn Đảo”, bằng thi pháp nghệ thuật lồng ghép, tái hiện lịch sử bằng thể loại bút ký tự sự, tác giả đã mượn lời “những nhân chứng sống” để kể lại một câu chuyện bi tráng trong lịch sử của những người anh hùng Côn Đảo một thời mà ngày nay chúng ta không phải nhiều người biết đến. Sự kỳ công của tác giả ở đây là bên cạnh việc chọn những nhân chứng lịch sử để “mượn lời” tự sự là việc tạo nên những không gian, thời gian, những chi tiết độc đáo, hiếm được sử sách ghi chép lại, để làm sống động và lay động trái tim những con người khi nhìn về quá khứ, nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đó là khi “Khúc tráng ca trên biển” được ngân lên: “60 năm trước từ đầm này/ Năm thuyền vượt biển chỉ hướng Tây/ Cà Mau chưa đến ba thuyền đắm/ Khiến lệ anh hùng chảy tới nay…”. Rồi tiếp đó là câu chuyện “Bến Đầm, Đầu Mom và cuộc chiến tay không” với ngồn ngộn những sự kiện, những chi tiết của những con người cách mạng kiên trung, của lòng dũng cảm và chí khí anh hùng mà không phải lúc nào ta cũng gặp. Câu chuyện mà tác giả “mượn lời” để kể đã khiến người đọc không thể không nhầm tưởng là một thiên sử hào hùng dưới sự đa dạng của ngôn ngữ nghệ thuật văn chương; hay thậm chí người đọc dễ nhầm tưởng đó là một thi pháp nghệ thuật hư cấu mà chỉ có các nhà văn thường thể hiện trong tác phẩm văn học của mình để tạo nên chứ nó không đơn thuần là “câu chuyện có thật” dưới ngòi bút đầy sự chân thành và lòng kính trọng của một nhà báo. Với một seri của những sự kiện lịch sử ấy, để rồi khi khép lại bài viết, tác giả lại như khắc khoải, đớn đau và tiếc nuối cho những hy sinh nhưng không dám nói ra bằng sự thổn thức của trái tim mình, mà đành mượn lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để gửi gắm nỗi lòng vào đó: “Tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện bi hùng này vẫn rất cần được đặt đúng vị trí xứng đáng…”.

Là tập sách thuộc thể loại ký sự (cụ thể hơn là bút ký - phóng sự), nhưng thực chất, ở từng bài viết lại thấm đẫm chất văn học bởi những câu chữ vừa mềm mại, vừa giàu hình ảnh. Nó không phải là kiểu liệt kê hay ghi chép thông thường. Nó lại càng không mang nặng tính thông tấn của thể loại báo chí giản đơn, mà ở đây, Trần Hoàng Tiến đã thể hiện sự đa diện của mình bằng bút pháp nghệ thuật của ngôn ngữ văn học dựa trên cái nhìn đa chiều, sâu thẳm bởi đôi mắt của một nhà báo dày dặn kinh nghiệm. Điều đó được thể hiện rõ nét ngay ở từng tiêu đề của các bài viết, của từng câu chuyện mà anh kể. Đó là những: “Tiếng vọng Trường Sơn”, “Khoảng lặng trên cao nguyên”, “Một trung đoàn đáng sợ”, “Những Pa-ven của Hà Nội”, “Mảnh đạn thời gian”… Mỗi cái tên của từng bài viết như muốn gợi cho người đọc sự tò mò để khám phá, để tìm hiểu giá trị lịch sử của thời gian, của khoảnh khắc lịch sử, của sự khắc khoải mà trong xã hội phát triển ngày nay không nhiều người để ý tới.

Trong “Tiếng vọng Trường Sơn”, tác giả mở đầu bài viết bằng giá trị của những câu thơ đã một thời làm sục sôi ý chí Trường Sơn của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng…”. Thường ta quen với “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” chứ mấy ai hiểu được rằng từng có một “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang”? Theo tôi, điều đó chính là sự nhạy cảm của tác giả đối với lịch sử, đối với những giá trị bất hủ đã làm nên một Trường Sơn hào hùng mà oanh liệt. Cũng ở “Tiếng vọng Trường Sơn”, tác giả đã có những chi tiết độc đáo mà những người lính Trường Sơn năm xưa từng tạo nên như: “Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh - người được công nhận lập kỷ lục gùi hàng trên đường Trường Sơn với quãng đường tương đương độ dài vòng quanh trái đất… Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được 55 tấn hàng trên lưng và đi quãng đường có tổng chiều dài 41.025km…”.

Bên cạnh những kỷ lục của những người lính Trường Sơn oanh liệt ấy, ở từng câu chuyện trong tập sách, tác giả Trần Hoàng Tiến còn lần lượt đem đến cho người đọc những bất ngờ và có cả những sửng sốt ít ai ngờ tới. Đó là từ sự lựa chọn những chi tiết, sự khéo léo trong sử dụng ngôn ngữ và nhân vật, sự kiện, Trần Hoàng Tiến còn lấy đi bao nước mắt của người đọc bởi những câu chuyện vô cùng cảm động và day dứt. Những đớn đau đã hằn sâu trong mỗi con người, trong mỗi người lính, và cả trong mỗi người dân bình thường khi bước qua lửa đạn của chiến tranh. Với “Chí thép của người mẹ anh hùng”, Trần Hoàng Tiến đã dựng lại một chân dung bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè như một tượng đài bất tử về ý chí, sự can trường và lòng nhân ái. Để rồi hình ảnh người mẹ anh hùng ấy đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam để lan tỏa khắp năm châu khi đi vào “Chân trần chí thép” của G.Dum-uôn - một cựu trung tá Thuỷ quân lục chiến của Mỹ năm xưa…

Song hành cùng những hình tượng, những kỷ lục lịch sử, những khoảnh khắc sống mãi với thời gian bằng cách liệt kê có hệ thống thông qua từng bài viết, Trần Hoàng Tiến còn khiến cho người đọc phải đau đáu, phải trăn trở nghĩ suy về những khắc khoải của mình. Đó là những so sánh đầy ẩn dụ thông qua thủ pháp “tả chân” của nghệ thuật bút ký. Đó là sự so sánh khéo léo giữa một “Ngã ba Đồng Lộc” trong kháng chiến chống Mỹ với “Ngã ba Cò Nòi” trong kháng chiến chống Pháp; Đó là “Người lính mang tên Hoàng Cầm (Người sáng tạo ra bếp Hoàng Cầm sống mãi với thời gian) và một vị tướng cùng tên; Đó là người lái chiếc xe lịch sử tiến vào Dinh Độc Lập năm xưa vẫn lặng lẽ nơi vùng quê hẻo lánh; hay người cựu chiến binh của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân suốt một đời đánh giặc từ Bắc vào Nam… nhưng “đến lúc cuối đời vẫn lặng lẽ ẩn mình trong căn nhà cũ giữa đại ngàn cao nguyên hùng vĩ…”.

Tất cả như làm nhói lên trong trái tim mỗi người chúng ta hôm nay khi nhìn lại những mất mát năm xưa. Đó phải chăng là lời nhắn gửi mà tác giả của “Không thể lãng quên” muốn nhắc nhở chúng ta, nhắc nhở các thế hệ tương lai đừng bao giờ quên đi những giá trị của lịch sử, công lao của những người đã làm nên lịch sử!? Như lời nói bất hủ mà Anh hùng LLVT nhân dân - Liệt sĩ Vũ Xuân đã từng ghi trong những trang nhật ký của mình: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Nó cũng như thông điệp mà tác giả Trần Hoàng Tiến muốn gửi gắm đến mỗi chúng ta thông qua những khắc khoải của anh. Có lẽ với Trần Hoàng Tiến “Không thể lãng quên” - lời nhắc nhở chính mình mà như muốn nhắn nhủ tương lai.

Xuân Hùng/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/loi-nhan-gui-cho-mai-sau_259008.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)