1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Chân tài: Hồ Dzếnh

15/11/2019

Hồ Dzếnh viết không nhiều. Vài ba chục năm trước Đổi mới hầu như không viết. Thơ văn ông trước cách mạng cũng chưa có kịp in lại. Nhưng ai có may mắn, ngẫu nhiên đâu đó, đọc một bài thơ hay truyện ngắn của ông chắc chắn sẽ giữ mãi ấn tượng về ông. Văn và thơ ông có cái ma lực ngân nga rất lâu trong tâm trí người đọc. Cái ma lực ấy là do chất tâm hồn ông tạo nên.

Tên thật Hồ Dzếnh là Hà Triệu Anh (Hà Anh đọc theo âm Quảng Đông là Hồ Dzếnh). Cha ông là một người Trung Quốc tha phương, trôi dạt đến Việt Nam vào mười năm cuối ở thế kỷ XIX. Truyện ngắn Ngày gặp gỡ cho thấy lai lịch gia đình tác giả, mối lương duyên ngẫu nhiên và chân tình giữa cô lái đò trên sông Ghép Thanh Hóa với con người phiêu bạt kia. Thoạt đầu gia đình ông sống trên một con đò dọc, đổi chác hàng hóa trên các bến sông làm kế sinh nhai. Sau định cư ở làng Đông Bích, xã Hòa Trường (nay là xã Quảng Trường) huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, nơi ông ra đời vào năm 1916. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Thanh Hóa, sau ra Hà Nội học hết bậc trung học. Kiếm sống bằng dạy học, làm công cho các hiệu buôn người Hoa. Những bài thơ đầu tay xuất hiện trên báo chí từ 1937, rồi đến các truyện ngắn. Mang trong mình hai dòng máu Việt, Hoa nhưng sinh và trưởng đều trên đất Việt. Hồn thơ Hồ Dzếnh bắt đầu bằng những cảm xúc từ quê ngoại, ông lấy quê ngoại làm tên tập thơ đầu. Còn Trung Hoa? Thường bắt gặp trong tình cảm của ông một thoáng bâng khuâng gợi nhớ: Lòng tôi nghe vang một thứ tiếng âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của  hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu dạt. Khoảng không gian xa vợi không hình sắc nhưng như có một ràng buộc vô hình trong tâm linh ông: quê nội. Có lẽ từ hoàn cảnh riêng của đời ông, cái khoảng không gian ấy chỉ gợi trong ông những buồn thương, xót đau, đôi khi bi phẫn nữa. Trong tâm tưởng, ông hình dung một quê nội mênh mông với Viên Hán trăng, Động Đình liễu… nhưng thực tế nơi gia đình ông, “sứ giả” của quê cha chỉ là những chú Nhì, anh Cả… những hiện thân của tai ương trong suốt tuổi thơ ông.

Tập truyện Chân trời cũ là sự ngoái nhìn về tuổi thơ, về gia đình với lai lịch những con người. Văn Hồ Dzếnh ở tập này là văn tự truyện. Mỗi câu chuyện là chân dung một người thân trong gia đình: Bố, mẹ , anh, em gái, chị dâu, chị nuôi, anh rể (hụt), chú, dì… và những người hàng xóm nghèo khổ. Giọng kể chân thật, từ tốn với rất nhiều thương cảm, xót xa. Mỗi câu chuyện như một tiếng thở dài, một niềm day dứt, tự vấn khôn nguôi. Thể loại là truyện ngắn nhưng dung lượng thường chứa cả cuộc đời nhân vật, cả một kiếp người! Tất cả đều dựng nên bằng kỷ niệm. Từ hiện tại quay nhìn dĩ vãng. Dĩ vãng thì cực nhọc buồn thương và hiện tại là chia ly tan tác. Truyện ngắn Hồ Dzếnh như những tiếng chuông buồn, tiếng này ngân lên chưa dứt tiếng khác đã bồi theo. Cả không gian tâm hồn ông tràn ngập tiếng ngân nga của hoài niệm, xót xa cho những cuộc đời đã đi qua tuổi thơ ông. Ông đặc biệt nhạy cảm với những buồn đau của người đàn bà nông thôn Việt Nam, hiện thân của định mệnh khe khắt, của duyên phận tăm tối và buồn rầu, những con người luôn luôn chịu thương chịu khó mà đời chỉ là một chuỗi ngày đau khổ. Mồ côi bố ở tuổi lên mười, được nuôi dưỡng bằng tình thương của người mẹ nghèo và đa cảm. Trong tâm hồn ngây thơ của buổi đầu đời, Hồ Dzếnh đã giữ những ấn tượng sâu sắc về nỗi đau buồn của mẹ. Những ấn tượng ấy đã làm nên cái chất của tâm hồn ông, tạo nên ở ông một sức thông cảm thấm thía với mọi tủi cực, thiệt thòi của người phụ nữ, giúp ông nhìn ra vẻ đẹp cao cả, của hy sinh và độ lượng trong tâm hồn họ. Ông thường có một nỗi xót xa trân trọng với cuộc đời họ.

Những ngày đầu cầm bút, Hồ Dzếnh không có ý định thành nhà văn. Ông viết như giãi bày, như tự thú, như sám hối về những câu chuyện của gia đình, viết cho vợi như lời ông nói. Trong truyện Người chị dâu tôi tác giả đã nhắn gửi cho nhân vật “chị hãy nhận ở đây, trong mấy dòng chữ này, một lời an ủi, để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần”. Vào thời ấy, Hồ Dzếnh chỉ bằng trái tim lương thiện và đa cảm ông đã đứng về phía những người nghèo khổ, dù là Hoa hay Việt. Ông thấy ở họ những tình cảm tốt đẹp, lòng vị tha cao cả, sự rộng lượng và tình thương người.

Thơ Hồ Dzếnh cũng chung một nền cảm xúc với truyện. Bài thơ Cô gái Việt Nam là một vang vọng cất lên từ những đời người đàn bà trong Chân trời cũ. Giọng thơ ca ngợi nhưng âm hưởng nó thật trầm buồn, một sự cam chịu tiền định. Bạn đọc nữ hôm nay hẳn thấy thời đại đã vượt xa bối cảnh bài thơ, những ràng buộc nghìn xưa đã đứt, nhưng cái tình cảm của tác giả vẫn làm ta cảm động, thương hại những đời bà, đời mẹ của nửa thế kỷ trước đây. Hồn thơ Hồ Dzếnh có nhiều điểm tương đồng với Nguyễn Bính trong sự mến yêu những nét cố hữu của làng mạc, phong tục Việt Nam xưa, thuở Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi. Ông cũng sở trường với giọng thơ lục bát, già nửa số bài thơ trong tập này là lục bát. Ông giữ được cái duyên thầm tình tứ gợi cảm của ca dao:

Yêu là khó nói cho xuôi

Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh

Ông giữ được vị ngọt ngào trong nhịp điệu lẫn tình ý:

Có lần tôi thấy tôi yêu

Mắt nhung cô bé khăn điều cuối thôn

Lâu rồi tôi đã hơi khôn

Biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau

Nhưng ông cũng góp phần làm mới lại thể thơ này. Ai làm thơ đều biết lục bát là thể thơ dễ đến, dễ thân với cả người đọc và người viết, nhưng cũng dễ trôi qua tâm trí chỉ để lại cái dư vị ngòn ngọt nhạt nhòa của vần điệu vốn đã quá quen với mọi người từ tầm bé. Trong phong trào Thơ mới đã có những thi sĩ tài năng quay lại thể thơ cũ này, làm nó sống lại trong sự cô đặc tình ý với một chất thơ cụ thể, chi tiết phá vỡ tính cách ước lệ cổ điển của nó. Hồ Dzếnh cũng góp phần vào sự cách tân ấy. Ông khá gần với Huy Cận:

Chiều buồn như mối sầu chung

Lòng im nghe thoảng tơ chùng chốn xa

Đâu hình tàu chậm quên ga

Bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy

(Mùa thu năm ngoái)

Đôi khi sự đổi vị trí của từ lẫn chức năng ngữ pháp của nó bỗng làm tăng tỷ trọng và tạo nên dáng vẻ bất ngờ cho câu thơ:

Khi vàng đứng bóng im trưa

Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường

(Phố huyện)

Vẫn là nhịp điệu 6/8 nhưng sức tác động lại mới mẻ như một điệu thơ mới nhất của thời Thơ mới.

Hồ Dzếnh rất quan tâm đến sức gợi của từng từ và sức vang của nó về âm thanh và vần. Nhiều khi chưa cần nắm nghĩa của toàn câu, riêng sức cộng hưởng của các từ đã lôi cuốn:

Tô Châu lớp lớp phù kiều

Trăng đêm Dương Tử, mây chiều

Giang Nam

Hồ Dzếnh cũng có đôi bài thơ về Trung Hoa, quê nội.

Một nỗi nhớ mênh mang cất nên từ sách vở, từ ký ức của lịch sử, của văn chương. Điệu thơ bảy chữ và chất liệu ước lệ góp phần gợi nhớ một nước Tàu trong truyện cổ.

Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu

Tóc thề che mướt gái Tô Châu

Bâng khuâng trăng sáng trời Viên Hán

Một dải Giang Nam nước rợn màu

(Tư hương)

Chỉ là một nỗi niềm ly hương không rõ nét, vì ngoài huyết thống Hồ Dzếnh không có tiếp nhận gì trực tiếp của quê cha. Buồn là buồn Tư Mã nhớ là nhớ Chiêu Quân. Thế thôi! Chứ còn biết bấu víu vào đâu nữa. Trong tình cảm, trong tư tưởng, Hồ Dzếnh thuần Việt Nam. Văn thơ Hồ Dzếnh dễ vào độc giả chính là vì thế. Có thể xếp ông ngồi cùng một chiếu với Thạch Lam, Thanh Tịnh, cả giọng điệu lẫn tâm tình.

Vào nghề trong khí quyển của phong trào Thơ mới, Hồ Dzếnh cũng hít thở vào hồn mình ít nhiều dạng vui buồn cười khóc của nó. Ở điểm này, điểm khác, ông đã gặp Xuân Diệu, hay Huy Cận, Nguyễn Bính… Nhưng ở bài Chiều, ông gặp chính ông. Mười ba câu thơ năm chữ, mọi chi tiết của ngoại cảnh đều nối với nội tâm, đều được nhìn bằng con mắt của nội tâm. Một khoảnh khắc của thời gian gợi một khoảnh khắc của tâm trạng. Không có gì sắc nét, rõ ràng nhưng đầy ấn tượng. Cái nhớ của người lữ khách. Cái buồn vang vọng của chiều rừng. Cái sầu vĩnh cửu chất trong nẻo hồn giây phút. Lòng mở ra mênh mang vô định với mây, trùng điệp với rừng rồi lại thu về gần gũi như chấm sáng một điếu thuốc trên tay, hư ảo như mầu cây trong khói. Bài thơ này là một nét lạ trong hồn thơ Hồ Dzếnh và cả trong nền thơ Việt Nam hồi ấy. Nửa thế kỷ trôi qua, giọng thơ Hồ Dzếnh nói chung đã thành một giọng thơ cũ. Nhưng bài thơ này không cũ. Hơn nữa, nó còn có sức kích thích gợi ý những tìm tòi hôm nay về việc xử lý thực tế trong thơ.

Từ thuở học cấp hai, thời chống Pháp, tôi đã được đọc Hồ Dzếnh và đã biết ngơ ngác trước sức khơi gợi của bài Chiều trong điệu nhạc của Dương Thiệu Tước. Nhưng mãi đến năm 1986 tôi mới được tiếp kiến Hồ Dzếnh. Có cái vui bâng khuâng như gặp người trong cổ tích. Hơn ba chục năm qua 1954 - 1987 Hồ Dzếnh sống lặng lẽ giữa Hà Nội. Mười năm liền ông làm thợ đúc thép rồi thợ cơ khí ở nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy cơ khí Trung quy mô. Ông có viết mấy truyện ngắn, một số bài thơ. Những văn phẩm ấy thật ra chỉ nên coi như sự động bút, không góp được gì nhiều cho tác giả Chân trời cũ và Quê ngoại. Vận hội đổi mới của đất nước có làm nao nức lên cái khoảng đã tĩnh lặng trong tâm hồn ông. Nhưng vốn điềm tĩnh và hiền, đúng như ở các hồi ký của nhiều người đã viết về ông, ông chỉ bình tĩnh nhìn lại mình, cả nghiệp văn lẫn nghiệp đời. Một số mẫu hồi ức của ông đã đăng trên mấy tạp chí. Ngẫu nhiên năm 1987, đúng năm mươi năm bài thơ đầu tay của Hồ Dzếnh ra đời, NXB Văn học xuất bản tác phẩm chọn lọc về văn thơ ông. Sức sống của văn chương cũng lạ. Bao nhiêu đổi thay thăng trầm trong mỗi đời người. Tiếng khóc, tiếng cười cũng đã khác xưa. Vậy mà cái cảm giác, cái tình đời của ngày ấy tháng ấy lưu giữ trong văn chương vẫn cứ tinh khôi, thuần khiết. Vượt được thời gian là hạnh phúc của nghề văn. Hồ Dzếnh đã có được hạnh phúc ấy. Ông mất ngày 13/8/1991 tại Hà Nội.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/chan-tai-ho-dzenh_256638.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)