1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

“Con chỉ mơ về nơi này...”

14/02/2020
Ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội) ngày nay bên phía số lẻ có một ô đất trống, chính giữa là bức tượng một phụ nữ tay nâng thi thể của một em nhỏ, xung quanh là những chậu cây nhỏ xếp ngay hàng thẳng lối. Vào ngày mùng một hay ngày rằm tháng âm, đặc biệt là dịp cuối tháng 12 dương lịch thường nghi ngút khói hương.

Đài tưởng niệm Khâm Thiên là nơi tưởng niệm đồng bào ở khu phố Khâm Thiên

đã bị máy bay B52 ném bom rải thảm vào tối ngày 26/12/1972.

Ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội) ngày nay bên phía số lẻ có một ô đất trống, chính giữa là bức tượng một phụ nữ tay nâng thi thể của một em nhỏ, xung quanh là những chậu cây nhỏ xếp ngay hàng thẳng lối. Vào ngày mùng một hay ngày rằm tháng âm, đặc biệt là dịp cuối tháng 12 dương lịch thường nghi ngút khói hương. Đó chính là khu tưởng niệm những đồng bào ta bị chết trong đợt Mỹ ném bom xuống Hà Nội. B52 Mỹ đã “rải thảm” khu phố Khâm Thiên lúc 22 giờ 45 đêm 26/12/1972. Vệt bom kéo dài từ phía Ô Chợ Dừa dọc phía sau phố qua các ngõ chợ đến tận bến xe Kim Liên. Theo thống kê đã có 283 người chết, 266 người bị thương nặng, 534 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn, 1000 ngôi nhà bị hỏng nặng.

Từ nhiều năm nay, nghĩ về Khâm Thiên và đài tưởng niệm, tôi thường băn khoăn tự hỏi “ những ai đã từng ở ngôi nhà mà nay là khu tưởng niệm? Có ai còn sống không và bây giờ họ ở đâu?”. Băn khoăn thế nhưng vì công việc và cuộc sống bộn bề, nên cứ để thời gian trôi đi.

Thế rồi, ngày 24/12/2017, trên facebook (FB) của nhà báo Đoàn Thị Trung một đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đọc được mấy câu mở đầu “Mẹ ơi. Nơi này trước đây là nhà mình đây…” thì cảnh tượng hoang tàn của khu phố Khâm Thiên sau ngày 26/12/1972 mà tôi đã thấy, cũng như những quầng sáng cháy bùng của B52 trúng đạn tên lửa ta trên bầu trời Hà Nội những đêm đông rét lạnh 45 năm trước, lại  ùa về…

Ngay lập tức, trên FB của Đoàn Thị Trung tràn ngập những lời sẻ chia đầy nước mắt. Không ít những lời cảm phục Trung đã vượt qua mất mát đau thương mà trưởng thành. Riêng tôi, hiểu thêm rằng tại sao một nữ nhà báo như Trung, bên cạnh vẻ nữ tính dịu dàng, lại quyết đoán, rạch ròi trong công việc như vậy trên cương vị (trước khi nghỉ hưu) là người phụ trách một trong những kênh phát thanh quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam: kênh phát thanh Đối ngoại (VOV5).

Thấm thoát cũng đã hai năm sau những tâm sự của Trung đọng lại trên mạng xã hội. Lại một tháng 12 nữa đến. Thế là đã 47 năm rồi nhớ về những ngày B52 Mỹ cháy trên bầu trời Hà Nội. Lịch sử đã sang trang. Quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua quá khứ đang ở giai đoạn phát triển mới. Nhắc lại chuyện cũ, tôi chỉ muốn nói về một người con mồ côi mẹ từ sớm, đã sống trong ký ức về người mẹ mà trưởng thành.

Nhà báo Đoàn Thị Trung, một người con mất mẹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội

Một sớm đầu đông, tôi hẹn gặp Đoàn Thị Trung tại góc cà phê thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu. Cạnh đấy, 45 Bà Triệu là nơi chúng tôi cùng làm việc. Trung kể: sau khi nhà bị trúng bom B52, hai bố con lên sống tại cơ quan của bố, giữa phố Nguyễn Du. Hầu như ngày nào Trung cũng qua dãy phố Bà Triệu có ngôi nhà 45 mà không nghĩ rằng có một ngày Trung bước chân vào đấy. Từ một cô sinh viên khoa tiếng Pháp của trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ, ít nói nhưng thẳng tính, trở thành một phóng viên – biên dịch viên tiếng Pháp của Đài.

Trung không từ chối khi nghe tôi trình bày ý định viết về những kỷ niệm một thời của gia đình, cũng không ra một yêu cầu gì. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu bằng những câu chuyện về một Hà Nội xưa, khi tôi sinh ra và lớn lên ở làng Thuyền Quang B (nay là Công viên Thống Nhất). Còn họ Đoàn của Trung là một dòng họ sống đã lâu đời trên đất Thăng Long (từ Bình Định theo nhà Tây Sơn ra Bắc). Ông tổ 5 đời của Trung có mộ phần ở làng Định Công (ngoại thành Hà Nội xưa kia). Dòng họ Đoàn sống quanh vùng đất có đài “Khâm Thiên giám” ngày trước.

Gia đình Trung ở tầng 2 trong nhà số 47, một trong ba ngôi nhà có ba mặt phố Khâm Thiên (số 47 - 49 và 51) bị bom B52 đánh sập hoàn toàn trong đêm 26/12 cách đây 47 năm và nay là đài tưởng niệm.

Năm 1972, Trung 11 tuổi. Nhớ về ngôi nhà và người mẹ, trên FB Đoàn Thị Trung viết:

“…Mẹ ơi! Nơi này trước đây là nhà mình đây. Cách đây 45 năm, khi cả nhà mình đang ở nơi sơ tán thì mẹ bảo phải về Hà Nội xem nhà cửa thế nào vì Mỹ tuyên bố ngừng ném bom nghỉ Giáng sinh. Sáng 26/12/1972, mẹ khoác tay nải ra đầu làng Mía đón xe để về Hà Nội. Con ngồi ở thềm nhà nhìn theo cho đến lúc bóng mẹ khuất nơi đầu ngõ. Đấy cũng là lần cuối cùng con nhìn thấy mẹ. Đêm hôm ấy tiếng súng tiếng bom rền vang nghe gần đến mức mọi người lần đầu ở nơi sơ tán phải chạy ra hầm. Bố và con đứng ở cửa hầm nhìn về phía Hà Nội đỏ lửa, chớp sáng liên hồi, ầm vang tiếng bom và bố cứ nhắc đi nhắc lại: “Nó đánh Hà Nội rồi”. Sáng hôm sau bố gửi con lại cho các cô chú ở cơ quan rồi về Hà Nội. Một tuần, rồi 2 tuần trôi qua mà chẳng thấy tin tức gì, chỉ thấy các cô các bác gặp con cứ xoa đầu rồi thở dài. Linh tính mách bảo điều chẳng lành mà con không dám hỏi ai, chỉ khóc thầm.

Con muốn ra đầu làng đón xe về Hà Nội (vì cách đấy mấy tháng, con - một cô bé 11 tuổi đã từng một mình bắt xe về Hà Nội vì nhớ bố mẹ) nhưng lại sợ vướng chân bố. Nhưng trên hết con muốn kéo dài niềm hy vọng vào một phép mầu nào đó, sợ đối diện với sự thật là con mất mẹ. Cho đến khi cơ quan bố cho ô tô lên làng Mía đón con về Hà Nội. Con đứng sững sờ trước một đống gạch cao như núi - nơi cách đây không lâu còn là nhà mình. Cả phố Khâm Thiên trắng khăn tang và bố cũng quấn lên đầu con một chiếc.

45 năm qua con rất ít về thăm nơi này vì con sợ. Con sợ như nghe thấy vọng lên trong đêm tĩnh lặng tiếng nước chảy, tiếng thùng tôn xếp hàng, nhẫn nại rê trên nền gạch chờ hứng nước từ máy nước công cộng ở trước cửa nhà mình. Con sợ như nghe tiếng gà cục tác từ phía cuối sân và mẹ cầm theo mấy hạt muối kéo con chạy xuống cầu thang về phía chuồng gà. Mẹ nhặt quả trứng còn nóng hổi lên, lau sạch, đập thủng một lỗ, cho mấy hạt muối vào cho con ăn. Con sợ nhớ về góc sân nhà, nơi con cùng lũ bạn xúc trộm gạo cho vào ống bơ để nấu cơm chơi đồ hàng. Con sợ nhớ về những buổi tối, trời nóng nằm trên chiếc phản kê sát cửa sổ hé mắt nhìn bố loay hoay chữa chiếc quạt do bố tự chế từ chiếc đinamo xe đạp…

45 năm qua con đã sống ở nhiều nơi. Nhưng trong những giấc mơ, con chỉ mơ về nơi này. Nơi có mẹ.”

Khó có người cầm được nước mắt khi đọc đến tiếng kêu của một người con sớm mất mẹ - người mẹ: chỗ dựa tinh thần và vật chất của một gia đình.

Buổi sáng hôm ấy Hà Nội trời mát. Chúng tôi ngồi ở góc khuất của quán cà phê và Đoàn Thị Trung bật khóc. “Có những sự thật mà đôi khi người ta không muốn tìm hiểu để đỡ đau lòng. Một số người cùng trú bom dưới gầm cầu thang với mẹ em khi ấy, còn sống sót nhưng em chưa bao giờ dám tìm hỏi xem mẹ em đã mất như thế nào…”.

Chiếc máy ảnh tôi mang theo vẫn nằm yên trong túi. Tôi ngước nhìn lên vòm lá xanh trên những hàng cây dọc trục đường Trần Hưng Đạo để giấu những giọt nước mắt của mình.

Cứ khóc đi bạn, nếu khóc giải tỏa hết những nỗi đau trong lòng. Phải 45 năm sau, cô bé 11 tuổi năm xưa, nay đã là một phụ nữ trưởng thành, mới bật lên tiếng kêu “Mẹ ơi. Nơi này trước đây là nhà mình đây…” và sau đó rất lâu, bật khóc thành tiếng khi hình dung về người mẹ trước phút lâm chung.

Trên FB của Đoàn Thị Trung, nhiều bạn đồng nghiệp nữ sống với Trung mấy chục năm, sửng sốt trước sức chịu đựng của bạn mình. Đa phần mọi người không biết vì Đoàn Thị Trung đã dấu nỗi đau của mình bao nhiêu năm qua.

Qua phút xúc động, Trung tâm sự: dân mình hồi ấy tốt thế, người dân các vùng quê, khi người Hà Nội sơ tán về, nhường chỗ ở tốt nhất cho. Đi ra đường, ai cũng chăm lo cho mấy đứa trẻ. Lần em trốn từ chỗ sơ tán về Hà Nội, cứ lên xe chạy thẳng từ làng Mía (Đường Lâm - Sơn Tây) về bến xe Hà Đông, không ai hỏi một câu: vé đâu? Lại từ bến xe Hà Đông đi tầu điện về Ô Chợ Dừa, cũng không ai hỏi: vé đâu? Rồi những năm được vào học lớp chuyên ngoại ngữ của Hà Nội, ở ký túc xá, được các thầy cô chăm lo, cuộc sống tuy nghèo, đói nhưng vẫn sống được và còn yên bình hơn bây giờ.

Cũng nhiều năm, Đoàn Thị Trung có ý đi tìm bạn bè một thủa sống quanh ngôi nhà ở phố Khâm Thiên ấy. Không thấy một ai. Họ tản mát đâu hết rồi?

Mỗi năm, vào dịp tháng 12, ký ức lại ùa về. Vào tháng 12 năm nay, 2019, mong rằng vào dịp Đoàn Thị Trung về thắp hương cho mẹ và bà con ngõ xóm Khâm Thiên ấy, bạn sẽ tìm được những “bạn bè một thủa”. Những người đã vượt qua mất mát đau thương mà vươn lên.

Thanh Vũ/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/%E2%80%9Ccon-chi-mo-ve-noi-nay-%E2%80%9D_256979.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)