1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Phiêu diêu rượu trên cao nguyên đá!

08/04/2021
Đi miền núi, được chứng kiến nhiều điều lạ lùng thú vị của người H’mông với rượu. Với họ, rượu cũng giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện” giống như người dưới xuôi; rượu là thứ để người ta giao lưu, đưa đẩy câu chuyện nhưng cách ứng xử của họ với rượu, có nhiều điều khác biệt!

Đàn bà bán rượu

Xưa, ở chợ Đồng Văn (Hà Giang), có những người đàn bà trong giá lạnh, đứng bán rượu. Họ không ngồi bán hàng, giống như người dưới xuôi, họ cũng chẳng ngồi trên những chiếc ghế lùn lùn cho đỡ mỏi chân khi bán hàng thông thường, mà họ đứng. Có ai hiểu vì sao không? Tôi cũng không biết.

Đối với người H’Mông, chợ phiên không hẳn là một ngày đi chợ bình thường, mà với họ, đó là một dịp để gặp nhau, trò chuyện, gần như một ngày hội náo nhiệt, và hẳn là được trông mong lắm! Thế nên, họ ăn mặc rất đẹp. Cả những người đàn bà bán rượu cũng vậy. Họ mặc những chiếc áo đang là model nhất của người H’Mông, quàng khăn đủ màu sắc, chân đi giầy lười màu đen hoặc nhựa vàng, bà nào giầu có, thì răng còn lấp lánh ánh vàng (đàn bà H’mông thích trồng răng vàng). Dụng cụ bán rượu của họ là những chai nhựa, một chiếc vòi nhựa được cắm vào can để từ can đó, họ “chiết” ra chai nhỏ hơn những dòng rượu trắng tinh khiết và thơm mùi ngô.

Đàn ông mua rượu

Vâng, đàn bà bán rượu, còn người mua, đa phần, lại là đàn ông. Tại sao là đàn bà bán rượu, còn đàn ông thì mua? Điều này thì có một lý giải, tin hay không thì tùy bạn. Ấy là do, nếu những người bán rượu là đàn ông, thì để chiều khách, họ sẽ phải mời khách nếm thử, rồi cụng chén với khách. Người H’mông lại có tính hiếu khách, cà kê như vậy, có lẽ, sẽ hết buổi chợ. Rượu chả bán được, người mua kẻ bán cùng lăn quay ra đất mà ngủ, vì say!

Chính vì vậy, đàn bà bán rượu, người ta cũng “lượng tình” mà tiếp khách vừa phải, hơn nữa, cái miệng của người đàn bà nó cũng nhẹ nhàng, khéo léo mời khách hơn là người đàn ông thô mộc. Cho dù, lời mời của họ cũng mộc mạc như này: “Rượu nhà tao nấu á, rượu ngô thật đấy, thơm ngon lắm. Mày thử đi!” Rồi bà lăm lăm “chiết” ra cả nắp can ít rượu cho khách thử. Rồi đôi mắt nhìn hau háu vào khách khi khách đưa rượu lên miệng thử. Cảm giác như bà muốn dòm xem từng giọt rượu thấm qua họng, len vào ruột khách như thế nào. Chỉ khi khách “khà…à” một cái thật dài, hơi lúc lắc đầu một chút bởi cảm giác ấm cay nồng của rượu đang len vào thì lúc ấy, bà mới cười, mặt giãn hẳn ra!

Uống rượu ở đâu, như nào?

Tức nhiên, họ có thể uống ở nhà, nhưng đa phần, là uống ở chợ, chợ phiên đông vui nhộn nhịp. Ở đó, những chai rượu ngô đựng bằng chai bia tàu màu xanh, nút trắng được chụm lại trên bàn. Có thể uống bằng cốc, hoặc bát. Gọi một bát thắng cố, làm mồi nhắm chia đều cho khoảng 4-6 anh H’mông. Người H’Mông ít “nhậu” ồn ào, họ nói vừa đủ, cũng có lúc lắm chuyện “buôn bán” với nhau, cũng có lúc cần gì nói nhiều, nói ít, mà uống nhiều, có lẽ là bản tính của người Mông.

Cũng có lúc tôi gặp trên đường đi, hai chàng trai chắc mới lớn, ngồi ven đường, cách chợ một quãng. Ở giữa họ là một chai rượu, hai cái chén nhỏ. Câu chuyện của họ, có lẽ quanh chủ đề tình yêu, thất tình chẳng hạn, bởi tôi thấy anh bạn kia có vẻ như vỗ về anh này nhiều lắm. Và mắt chàng trai kia có vẻ buồn. Hồn nhiên quá. Giống như hai anh bạn dưới xuôi rủ nhau đi nhậu bia lạc ở vỉa hè hay quán có điều hòa, nhưng sao ở miền núi, cảnh hai chàng trai vỗ về nhau bằng rượu, khiến tôi cũng thấy buồn theo.

Sau này, khi chợ Đồng Văn bị di chuyển sang nơi mới, chúng tôi ít qua đó nữa, mà chuyển sang đi chợ Ma Lé, cách Đồng Văn 10km. Ở đó, có lẽ độ khủng của rượu hơi cao. Bằng cớ là bàn rượu bữa đó tại sao lại chỉ toàn đàn bà, toàn bà tuổi trung niên, nói nôm na, là tuổi “sồn sồn”. Họ không uống rượu bằng chén nhỏ vớ vẩn, họ “chơi” hẳn bát! Có bà trong đó, cứ rượu một bát là rít thêm điếu thuốc lào. Chắc đây toàn hội “võ lâm cao thủ”. Đàn ông nhìn thế này, chắc nể phục!

Cũng có người rượu một mình. Giống như xuôi gọi là “độc ẩm”. Ông lấy cái túi dắt bên sườn ra, tháo mãi mới được, để rồi đổ ra bát, hóa ra là một túi cơm nguội mang từ nhà theo. Túi cơm này, đã theo ông đi từ hôm qua, leo bao quả núi, bao km đường dốc lên dốc xuống rồi mới tới chợ được. Cũng giống như ăn cơm nguội với phở của người Kinh, đồng bào H’Mông rất thích ăn cơm nguội với thắng cố. Vừa rẻ, vừa no!

Còn người Kinh lên đó, chỉ thích uống rượu ngô với thịt gác bếp, lạp sườn hun khói, cải mèo xào cay! Nói đến đây, bất giác tứa nước miếng!

Say kiểu gì?

Tôi chẳng cổ súy cho việc uống rượu, nhưng tôi biết, uống rượu ở miền núi gần như một tập tục khó có thể thay đổi. Họ cũng có chừng mực, nhưng đôi khi, họ cũng quá đà. Nhưng đa phần, tôi thấy họ say khá… lành. Khi họ biết mình say, không làm chủ được, tự họ tìm cho mình một chỗ nào đó an toàn, rồi nằm đó, đánh một giấc nồng.

Trước kia, để miêu tả sự chiều chồng đến “nhẫn nhịn” của người phụ nữ H’mông, người ta thường hay miêu tả cảnh ông chồng say rượu nằm vắt người qua lưng ngựa, còn cô vợ kéo đuôi ngựa để nó đừng đi quá nhanh hoặc sai đường. Thi thoảng, có một ông nằm chèo queo ven đường, cô vợ ngồi che ô. Mặt cô chẳng buồn, cũng chẳng giận chẳng sầu. Chắc cô đã quen với cảnh này nên thấy nó quá bình thường chứ phải tay các cô vợ miền xuôi xem! Ai mà chịu đựng nổi!

Những ngày có chợ phiên, thường thì người phụ nữ vất vả nhất. Lúc thì dìu chồng về, lúc thì phải chờ đợi chồng. Chồng họ, có khi đến 8 giờ tối chưa về. Đường rừng đường núi, mà 8 giờ tối cũng có lẽ cũng là khuya lắm rồi. Vậy mà khi hỏi “Chồng đâu?”, vợ trả lời:”Nó say, ngủ ngoài đường chưa về”. Cũng chẳng dám hỏi: “Sao không đi tìm nó à?” Vì có lẽ, đó là tư duy của người Kinh mà đi áp dụng vào người miền núi thì nó sai bét nhè.

Cũng có khi đang mải ngắm hoàng hôn, đi săn “ray” của mặt trời rọi xuống thung lũng, bỗng giật thót mình vì gần bụi cây có một người đàn ông nằm tay vắt lên trán. Hóa ra, chàng đang say men rượu. Thảo nào, thấy cái xe máy gần đó, mà không thấy người. Sao ông này biết chọn “view” để ngủ thế nhỉ, toàn chỗ đẹp nhất nhì để ngắm trời đất núi rừng. Nhưng phía dưới kia là thung lũng, lỡ ngủ say, ngủ mê mà lăn xuống đó thì sao? Thôi chẳng nghĩ vớ vẩn nữa, họ say rượu có “nghề” mà!

Có một bài dân ca, đại loại kể về việc xuống chợ, dắt ngựa đi xuống núi. Dắt ngựa, uống rượu dắt vợ theo. Họ uống hết bát này bát khác, “Uống để thương để nhớ. Lời nói như tên bay. Cứ gặp nhau là uống. Mà uống là phải say… “Uống cho vợ này, uống cho con. Uống cho chân này, uống cho say. Chồng uống, vợ say. Người uống, ngựa say”.

Vậy đấy, đến con ngựa mà còn say, thì hà cớ gì, khi qua một ngày đường mệt mỏi để tới đây, người ta lại không thử nhấp nháp chút rượu để cho đôi má ửng hồng, để sự ấm áp bừng lên trong lồng ngực. Uống  ít, và tự lượng sức mình thôi, mình uống không lại được họ đâu, thế nhưng cũng đừng từ chối phũ phàng khi được người ta mời rượu nhé, uống rượu cũng có văn hóa đó. Mình muốn từ chối, cũng phải học cách, chứ không, người ta lại bảo chẳng bằng con ngựa!

Mùa xuân tươi vui trên miền núi, có chút men, và nhiều chút tình. Bảo sao miền xuôi giờ đây cứ thích lên miền núi, phải chăng chỗ nào nhiều tình, chỗ ấy sẽ có mùa xuân?

Theo Hải An/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/phieu-dieu-ruou-tren-cao-nguyen-da.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)