1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Pháp luật

Nhập nhèm về nhãn mác sản phẩm Tinh chất trị mụn Oubaku của Công ty Dopharma

04/05/2020
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tránh tình trạng mua phải mỹ phẩm giả, hàng kém chất lượng, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người tiêu dùng không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng, thông tin trên nhãn mác mập mờ, không ghi rõ mục đích, hướng dẫn sử dụng.

Hỗn loạn giữa “ma trận” mỹ phẩm với thuốc điều trị

Hiện nay, thị trường mỹ phẩm của Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ thông qua các kênh bán hàng online trên mạng xã hội như zalo, facebook hay một số website thương mại điện tử như tiki, lazada, shopee,…. Việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng cũng chính từ đó, khâu kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, định lượng các chất có trong sản phẩm khiến cho người mua hàng hoang mang. Và không ít người dùng tin vào lời quảng cáo có phần hơi phóng đại, nhập nhèm giữa thuốc và mỹ phẩm của các nhà sản xuất như việc có thể thích ứng trên mọi loại da, bất kì người nào cũng dùng được và đảm bảo sẽ trị khỏi. Từ đó dẫn đến việc mỗi năm ở Việt Nam có hàng nghìn bệnh nhân “rước họa vào thân” chỉ vì dùng mỹ phẩm, sản phẩm đặc trị không rõ nguồn gốc và tự ý mua dùng khi chưa thảm khảo bác sĩ chuyên khoa. Điều này ra thiệt hại cả về kinh tế, sức khỏe và tinh thần cho không ít người dân.

Thời gian gần đây, phóng viên liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc nghi ngờ chất lượng của và công dụng thực sự của bộ sản phẩm Tinh chất trị mụn Oubaku của Dr.Lacir (Thương hiệu mỹ phẩm cao cấp của Công ty Cổ phần Quốc tế DOPHARMA).

Bộ sản phẩm Tinh chất trị mụn Oubaku của Dr.Lacir

Dạo một vòng trên website bán hàng online chúng ta dễ dàng tìm mua được bộ sản phẩm này. Thành phần chính của Oubaku được chiết xuất từ cây rau má, cây phỉ và trà xanh; vitamin B5, Zinc Oxide và đặc biệt có chứa Salicylic Acid. Sản phẩm có thể đánh bay mọi loại mụn, giúp kháng khuẩn, se khít lỗ chân lông và phù hợp hầu hết mọi loại da; Tầng suất sử dụng từ 3-4 lần.

Đó là tất cả thông tin của sản phẩm. Từ đây, dư luận đặt ra hàng loạt nghi vấn: Có phải tất cả khách hàng đều sử dụng được Tinh chất trị mụn Oubaku? Hàm lượng các chất, hợp chất trong sản phẩm như thế nào? Thông thường đối với mỹ phẩm, sản phẩm đặc trị, nhà sản xuất sẽ đính kèm một tờ khuyến cáo về một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi phản ứng trên da, đối tượng khách hàng là ai, nhất là trong đây lại chứa Salicylic Acid – một chất gây hại trên da khi dùng quá liều lượng và không tốt cho phụ nữ có thai và cho con bú? Vậy thì Oubaku rốt cuộc là mỹ phẩm hay sản phẩm đặc trị? Nếu đây chỉ đơn thuẩn là mỹ phẩm thông thường thì nhà sản xuất cần xem lại cách quảng cáo của mình, để người sử dụng tránh bị nhầm lẫn giữa mỹ phẩm và sản phẩm đặc trị, điều trị, ngăn ngừa.

Ý kiến của chuyên gia, luật sư

Để làm rõ những thắc mắc, nghi vấn của người dùng, phóng viên đã liên hệ với ThS. Bác sĩ Hoàng Thị Hoạt – Khoa Da liễu bệnh viện Bạch Mai. Tại buổi làm việc, bác sĩ Hoạt cho biết: “Salicylic Acid dễ dàng tìm thấy trong các chế phẩm ở nhiều dạng như: gel, kem dưỡng da, thuốc mỡ, dầu gội, sữa rửa mặt, dung dịch bôi ngoài da,… và có thể sử dụng kèm theo chỉ dẫn của bác sĩ, nồng độ dao động từ 0,5-30%. Điều rất quan trọng là khách hàng phải sử dụng đúng hướng dẫn ghi trên nhãn mác, không sử dụng nhiều lần, lâu dài, thường xuyên vì dễ gây ra tác dụng phụ như bỏng rát, đỏ da, bong tróc. Thậm chí nghiêm trọng hơn vùng da đó bị phát ban, ngứa đỏ, mưng mủ; đối với da nhạy cảm có thể nhiễm trùng.”

Đối với bộ sản phẩm tinh chất trị mụn Oubaku của Dr.Lacir cần đưa thêm những khuyến cáo về sản phẩm để người dùng biết được chính xác mình thuộc tuýp da nào, đối tượng nào nên và không nên sử dụng, tác dụng phụ xảy ra nếu có và cần tư vấn bác sĩ khi dùng trên da. Đây cũng không nổi trội là sản phẩm điều trị mụn chuyên biệt.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm có chứa Salicylic Acid – 1 lần/ngày vào buổi tối và 02-03 lần/tuần, thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em. Nên khám và nhờ sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa da liễu để nắm rõ hơn về cách sử dụng sản phẩm để tránh tác dụng phụ đáng tiếc xảy ra. Thận trọng khi tiếp nhận thông tin quảng cáo về công dụng của sản phẩm được nhà sản xuất đưa ra, tránh “tiền mất tật mang”.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Hậu – Công ty Luật FDVN cho một trong các nội dung bắt buộc phải có trên nhãn mỹ phẩm là những lưu ý về an toàn khi sử dụng, các khuyến cáo cho người tiêu dùng, các thông tin cần lưu ý đặc biệt đối với sản phẩm đặc biệt theo các lưu ý nằm trong cột “Điều kiện sử dụng và những cảnh báo bắt buộc phải in trên nhãn sản phẩm” được đề cập trong các phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Trường hợp nhãn gốc mỹ phẩm không thể in đầy đủ thì nhà sản xuất không được tự ý lược bỏ, cắt xen bớt nội dung mà các các thông tin này phải được ghi trên nhãn phụ đính kèm theo sản phẩm mỹ phẩm và trên nhãn sản phẩm phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Trước những thông tin trên, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần Quốc tế Dopharma. Bà Nguyễn Ngọc Diệp – Đại diện Truyền thông Dr.Lacir cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin, báo cáo lãnh đạo và có phản hồi bằng văn bản với quý báo.”

Như vậy đã có một khung pháp lý tương đối hoàn thiện điều chỉnh về nhãn mỹ phẩm và hoạt động quảng cáo mỹ phẩm như là cách để bảo vệ người tiêu dùng trước thực tế hỗn loạn, ngập tràn các quảng cáo thật giả lẫn lộn, đánh lừa người tiêu dùng. Việc nắm rõ và tuân theo các quy định pháp luật nêu trên không chỉ giúp các nhà sản xuất mỹ phẩm loại bỏ các rủi ro pháp lý cho mình đồng thời cũng là cách thể hiện đạo đức kinh doanh trong một ngành làm đẹp cho con người và cho đời.

Nếu nhà sản xuất có hành vi ghi nhãn mỹ phẩm không đầy đủ nội dung mà pháp luật quy định sẽ bị Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trưởng xử phạt hành chính với mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 53 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Mức phạt này cũng áp dụng đối với các nhãn ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm cùng với đó cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy mỹ phẩm và cơ quan xử phạt có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Đối với hoạt động quảng cáo mỹ phẩm cũng phải tuân theo các quy định chung của Luật Quảng cáo 2012 và quy định riêng trong lĩnh vực mỹ phẩm tại Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP. Các hành vi quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; quảng cáo có nội dung phóng đại, thổi phồng, không phù hợp với các tài liệu đã được cơ quan Nhà nước kiểm duyệt hay quảng cáo thiếu các nội dung cảnh báo người tiêu dùng đều bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo theo quy định tại Điều 69 Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo gian dối thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 với các hình phạt tiền, hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ vi phạm.


Nhóm PV/ Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/nhap-nhem-ve-nhan-mac-san-pham-tinh-chat-tri-mun-oubaku-cua-cong-ty-dopharma-660237681.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)