1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Soạn lời hay, ý đẹp cho bài hát dân ca

07/11/2021

Soạn lời hay, ý đẹp cho bài hát dân ca
 

Trong kho tàng nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, trước hết phải kể đến loại hình hát múa dân gian. Từ chỗ theo các hình thức hát xướng trong lễ hội đến hát bỏ bộ như: hát xoan ghẹo ở Phú Thọ; hát ví, trống quân, cò lả, sa mạc ở Bắc Bộ; hát quan họ ở Bắc Ninh; hát ví phường vải ở Nghệ An, Hà Tĩnh; hát múa cung đình ở Huế; hát bài chòi ở Liên khu Năm; hát lý ở Nam Bộ… cho tới thời Lý, thời Lê xuất hiện hát chèo ở miền Bắc, hát tuồng ở miền Trung và những năm thập kỷ 30 của thế kỷ trước lại nở rộ hát cải lương, đờn ca tài tử ở Nam Bộ. Cũng từ đó, dân ca nhạc cổ truyền đã trở thành nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
 
Từ lâu trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, những tác phẩm dân ca nhạc cổ truyền lời cổ và những tác phẩm đặt lời mới đã hòa quyện cùng nhau chung sống trong một gia đình nghệ thuật. Ở các bài dân ca lời cổ, chất trữ tình tự sự được tô đậm, nó bộc lộ những suy tư buồn vui, trăn trở, nhớ nhung, pha chút hờn giận nhắn gửi với bạn lòng. Nhìn lại những bài dân ca lời cổ, ta thấy thường ngắn gọn chỉ một đến ba lời, ca từ không cầu kỳ, dùng nhiều tiếng đệm hoặc hát nhắc lại. Cũng vì vậy, người sáng tác đặt lời mới thường bị cái khuôn mẫu quy định, thiếu một chút là chưa đủ mà quá một chút lại thừa, nhất là bình cũ rượu mới sao cho phù hợp. Thành ra người viết bị gò bó từ câu chữ đến vần điệu. Có lẽ vì thế những thập kỷ gần đây trên sóng phát thanh, trên đài truyền hình, tác giả sáng tác dân ca nhạc cổ truyền có chất lượng ngày càng thưa vắng, những tác phẩm sống cùng năm tháng cũng không nhiều. Điều đó chứng tỏ viết lời mới cho dân ca nhạc cổ truyền cũng rất khó khăn, nhất là đặt lời mới cho một bài hát có nội dung phong phú, hiệu quả cao cũng chẳng dễ gì. 
 
Để có bài hát dân ca nhạc cổ truyền chất lượng được nhiều người yêu thích, theo tôi, trước hết người viết cần biết loại hình mình định viết. Nếu sáng tác chèo ta cần hiểu đặc trưng của chèo là tự sự, ước lệ. Trong hàng trăm làn điệu chèo cổ cần hiểu đâu là làn điệu đa dùng, chuyên dùng hay tính cách. Nhất là tính chất từng làn điệu chèo khác nhau. Soạn giả cần nắm vững không thể dùng làn điệu vui tươi như hát cách, xẩm xoan, sắp cổ phong, sử bằng, sắp qua cầu… cho nội dung thể hiện sự đau buồn. Ngược lại, không thể dùng các làn điệu buồn như tò vò, du xuân, vãn canh, vãn cầm… cho nội dung ngợi ca, phấn khởi. Hoặc làn điệu cấm giá, bình thảo, nón thúng quai thao, bà chúa con cua… là để dùng cho những nội dung chế giễu, phê phán chứ không thể dùng để ca ngợi tình yêu đằm thắm. Mặt khác, người viết cần tích lũy vốn sống, hiểu mười đển viết một, có như vậy nội dung mới phong phú, mới đạt hiệu quả rung động trên trang viết của mình. Muốn thế tác giả phải đọc, đi, nghe, nhìn thực tế để làm giàu cảm xúc.
 
Hơn nữa, muốn có bài hát chất lượng người viết phải có ý tưởng hay, có ý tưởng rồi phải tìm tứ để tải ý tưởng, sau đó nghĩ cách thể hiện cái tứ mà tác giả gửi gắm. Xin dẫn chứng bài hát chèo Suối Yến Hương Sơn viết năm 1980, tôi đã xây dựng trên cái tứ giữa con người và thiên nhiên, giữa khách du xuân với dòng suối Yến hòa quyện nhau tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình thơ mộng, lại dùng làn điệu đò đưa - một làn điệu chuyên dùng trên sông nước: Thuyền nhẹ lướt êm/ Suối Yến nhịp chèo khua thuyền nhẹ lướt êm/ Đưa người về thăm thắng cảnh/ Đất Hương Sơn thắm lời thơ tình người/ Nước biếc non xanh đây sơn thủy hữu tình/ Đệ nhất động cảnh trời nam là đây/ Suối Yến ân tình. Từ lời dòng suối khiến khách du xuân cất lên lớp ngâm sổng đắc địa: Dừng chân bên suối Yến/ Nghe ai hát đò đưa/ Giữa bao la hùng vĩ/ Lòng những say mê/ Dòng nước dòng người xuyên mây rẽ núi/ Để người về mang nỗi nhớ người ơi. Tiếp đó là làn điệu đường trường bắn chim thước, một làn điệu trữ tình gợi cảm: Muôn đóa hoa vẫy chào hồng tươi/ Ai đến nơi đây giữa mùa xuân hội/ Vui bước chân xuống thuyền/ Mây nước giăng giăng… Và cứ thế 4 trổ đường trường bắn chim thước cùng làn điệu đò đưa giao duyên với nhau khiến người nghe như được đắm mình du xuân ngày hội. Chẳng thế mà đã hơn 40 năm qua bài hát Suối Yến Hương Sơn phát hàng trăm lần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn được người nghe gần xa hâm mộ. 
 
Hoặc bài hát cải lương Từ đất tổ ta đi, viết năm 1979 khi tác giả đến thăm đền Hùng. Ở bài hát này tôi đã xây dựng cái tứ: người con trai lên đường đi bảo vệ Tổ quốc với người con gái lên đường đi xây dựng đất nước. Họ cùng đến đền Hùng để tri kỷ được thể hiện qua các lớp ngâm xuân và hát nam xuân đã tạo nên bài hát Từ đất tổ ta đi, trên 40 năm qua vẫn được người nghe đón nhận yêu thích.
 
Để bài hát lắng đọng đi vào lòng người, người viết còn cần chú ý đến ca từ, lời văn phải mượt mà, giàu hình tượng văn học. Theo tôi đặt lời mới cho dân ca nhạc cổ truyền cần được thơ hóa, gợi cảm và gợi tả thể hiện vẻ đẹp của văn chương trên cái nền truyền thống của âm nhạc dân gian. Điển hình như lớp vọng cổ Tình ca từ một vùng dâu tôi viết về người kỹ sư nhân giống tằm: Bên cạnh sông Trà ngan ngát hương cau/ Về sông Đáy em làm dâu quê lụa/ Câu ca xưa chăn tằm ăn cơm đứng/ Để rồi với em cũng quên tháng quên ngày/ Người kỹ sư nhuộm cái nắng vùng đồi/ Nói chuyện chăn tằm trăng vào cửa sổ/ Trang sách kề bên, cuộc đời rộng mở/ Lời ru cánh cò mang nắng qua sông…
 
Ngoài ra, cần chú ý cách gieo vần của bài hát, từ hát bắc cầu đến hát tiếp câu, tiếp đoạn sao cho ngọt ngào nhuần nhuyễn, tránh ngôn ngữ sáo mòn khoa trương hoặc kể lể dông dài như câu hát sắp gối: “Con ơi thày vẫn chưa no/ Con vào bưng bát cá kho cho thầy”, tránh ép từ ép vần như câu hát xẩm xoan: “Anh Gagarin bay vào vũ trụ”. Khi hát để đúng nhạc điệu diễn viên phải hát thành: “Anh Gaga rỉn bay vào vũ tru”… Mặt khác, người viết cũng cần hiểu lề lối cách hát của chèo, ví dụ như khi hát điệu sắp ngắn không bắt vào từ thứ nhất mà bắt vào từ thứ ba nên có trường hợp bị phản cảm như câu: “Lá cờ Tổ quốc treo lên” khi hát lại thành “Tổ quốc treo lên lá cờ”. Hoàn thành tác phẩm, người viết cần xem xét lại thật thấu đáo từ câu chữ đến lời hát sao cho trọn vẹn nhất.
 
Tóm lại, để có bài hát dân ca nhạc cổ truyền chất lượng thì tác giả phải soạn được những bài hát ý đẹp, lời hay, nội dung sâu sắc. Có như vậy bài ca mới đọng lại trong lòng người, đi cùng năm tháng, cũng như cây rễ có sâu, tán có rộng mới có mùa hoa thơm trái ngọt.
 
Người Hà Nội
 
https://nguoihanoi.com.vn/soan-loi-hay-y-dep-cho-bai-hat-dan-ca_270220.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)