1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Những nghệ sĩ chèo chật vật giữ nghề

03/08/2020
Đằng sau những ánh hào quang trên sân khấu là đời sống cơ cực, chật vật mưu sinh để nuôi nghề của nghệ sĩ chèo Việt Nam. Thậm chí, nhiều người đã phải giũ bỏ đam mê chỉ vì “cơm áo gạo tiền”.

“Chật vật” … với đam mê

Nằm sâu trong ngõ Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội là Khu tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam. Dãy nhà cổ xưa được xây dựng từ năm 1959, nay đã nhuốm màu rêu phong. Dãy hành lang sập xệ được tận dụng làm nơi nấu ăn, phơi quần áo. Thật không thể tưởng tượng được đây lại là nơi sinh sống của các nghệ sĩ chèo vẫn từng ngày bám trụ để theo đuổi đam mê.

Có đến tận nơi ở của các nghệ sĩ mới cảm nhận được những khó khăn của họ. Một căn nhà công vụ hơn 30m2 ngăn làm 3 cho 3 hộ gia đình. Căn nhà 20m2 phải ngăn cho 2 cặp vợ chồng sống chung. Thậm chí có hộ gia đình không kê nổi một chiếc giường. Nếu như chỉ nhìn trên truyền hình, sẽ không ai nghĩ cuộc sống đời thường của các nghệ sỹ lại đầy khó khăn, chật vật đến như thế.

Dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, rêu phong là nơi ở của biết bao thế hệ Nghệ sỹ Chèo Việt Nam

Đơn cử như gia đình NSƯT Phú Kiên đã gắn bó 31 năm với Nhà hát Chèo Việt Nam nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật. Ông nổi tiếng với các vai diễn tạo hình Bác Hồ trong vở diễn “Những vần thơ thép”; tạo hình thi hào Nguyễn Trãi trong vở “Ánh sao khuê”; trong vở diễn “Lưu Bình Dương Lễ” Nghệ sỹ Phú Kiên đã dành trọn tình cảm của khán giả khi vào vai Lưu Bình… Hiện tại NSƯT Phú Kiên đang giữ vai trò một trưởng đoàn Nhà hát chèo Việt Nam.

Tôi đã đến thăm gia đình NSƯT Phú Kiên với truyền thống 2 thế hệ theo nghệ thuật chèo. Cha của ông là NSƯT Nguyễn Duy Đính và em gái là NSƯT Nguyễn An Chinh đều theo nghệ thuật chèo nhưng cuộc sống của đại gia đình lại khó khăn muôn phần.

Nghệ sỹ Ưu tú Phú Kiên – Trưởng đoàn Nhà hát Chèo Việt Nam bộc bạch chia sẻ với PV

Gia đình ông có 3 thế hệ vẫn sống tại ngôi nhà ngói cấp bốn công vụ được phân. “Ngôi nhà ông đang sống được phân từ rất lâu. Diện tích gần 50m2 được chia cho 3 người. Hai nghệ sỹ khác chuyển đi, tôi tích cóp mãi mới đủ mua thêm diện tích nên mới có được chỗ ở như bây giờ”.

NSƯT Phú Kiên cho biết, trường hợp của gia đình ông vẫn là khá giả hơn so với các nghệ sỹ khác. Mỗi lần nhắc đến cuộc sống của anh em nghệ sĩ, ông không thể giấu nổi nỗi buồn man mác trong thẳm sâu đôi mắt suy tư.

Trường hợp nữ nghệ sĩ Thảo Hiền cũng vậy. Cô Hiền bén duyên với nghệ thuật chèo từ năm 2000, đến nay cũng tròn 20 năm. Tuy nhiên, đồng lương của cô cũng khoảng 6 triệu đồng. Do đó, cô phải sống tạm ở một phòng rộng chừng 20m2 của nhà công vụ. Căn phòng chật trội không còn chỗ để kê một chiếc giường, trong khi đó, chị lại có con nhỏ nên việc sinh hoạt trong một căn phòng quá chật chội sẽ rất bất tiện.

“Gia đình cũng muốn chuyển đến nơi khác để sống. Tuy nhiên, vì chưa có điều kiện nên tôi vẫn phải chôn chân tại đây”, nghệ sĩ Thảo Hiền thở dài.

Trường hợp khác là nghệ sĩ Duy Toàn. Nghệ sĩ đã gắn bó 27 năm trong nghề, vợ ông cũng trong đoàn chèo. Kinh tế của gia đình chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi. Nhà có 4 nhân khẩu, sống chung trong căn nhà 16m2, vô cùng chật trội và bức bối.

Được biết, hai vợ chồng nghệ sĩ Duy Toàn, mỗi tháng mỗi người chỉ có hơn 5 triệu đồng tiền lương. Nghệ sĩ phải đi lưu diễn các tỉnh lẻ với mức thù lao 200.000 – 300.000 đồng. Trong khi đó, 2 đứa con còn đang lứa tuổi đi học nên chi tiêu cũng tốn kém. Hai vợ chồng phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ qua ngày đoạn tháng. Mùa dịch bệnh Covid -19 vừa rồi, gia đình không có nguồn thu, việc chi tiêu càng trở nên eo hẹp hơn.

“Khổ nhất là những lúc con bị ốm đau bệnh tật. Con gái lớn lên 5 tuổi bị bệnh về máu, lượng tiểu cầu trong máu ít hơn so với người bình thường. Thêm nữa, cháu còn bị bệnh Lupus ban đỏ... nên việc chữa trị rất tốn kém, mỗi tháng 50 triệu tiền thuốc. Tháng nào có tiền thì cháu không sao, nếu không có tiền mua thuốc, bệnh phát tác sẽ chạy xuống thận, xuống tứ chi. Khổ lắm !

Nghệ sĩ Duy Toàn nói tiếp; “Số mình thế biết làm thế nào. Tôi cũng yêu nghề lắm nhưng đôi khi cũng phải dứt ra để đi làm kiếm tiền lo cho con cái”.

Nghệ sỹ Duy Toàn yêu nghề nhưng phải dứt ra ngoài kiếm tiền chữa bệnh cho con

Theo tìm hiểu, khu tập thể nhà hát Chèo Việt Nam có khá nhiều nghệ sĩ còn bám trụ ở nơi đây. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng đều chung nỗi vất vả và cơ cực để bám trụ với nghề.

Day dứt giữa đam mê với “cơm áo gạo tiền”

Theo các nghệ sĩ Chèo, hiện nay, nghề hát chèo không còn được ưa chuộng như trước. Bởi lẽ, cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật cũng phong phú hơn để phù hợp với thị hiếu của công chúng. Do đó, nghệ sĩ chèo ngày càng ít được quan tâm hơn.

Các nghệ sĩ phải làm trăm thứ nghề để nuôi đam mê với nghệ thuật chèo. Thật xót xa khi nghe câu chuyện nghệ sĩ chèo phải đi hát đám ma, đám cưới, đi hầu đồng.... để có thêm tiền để trang trải cuộc sống và lưu giữ nghề. Dù đồng lương ít ỏi, nhưng những nghệ sĩ lại gánh trên vai trọng trách vô cùng lớn: Đó là bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc. Do đó, rất nhiều anh em nghệ sĩ phải day dứt giữa việc lựa chọn đam mê và “cơm áo gạo tiền”.

Các nghệ sỹ tận dụng hành lang làm nơi nấu nướng, sinh hoạt.

Theo NSUT Phú Kiên, Chèo là loại hình đặc biệt, diễn viên phải thực sự có năng khiếu, đam mê và am hiểu về văn hóa mới có tên tuổi, mới có thể tồn tại trong nghề. Tuy nhiên, cũng vì “cơm áo gạo tiền” mà nhiều người đành bỏ nghề, thậm chí chuyển sang làm nghề khác không liên quan nghệ thuật. Trong số đó, có nhiều người sắp được phong Nghệ sĩ Ưu tú nhưng vẫn phải viết đơn xin nghỉ việc vì đồng lương không đủ sống.

Ông Nguyễn Ngọc Kình – Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Có nhiều nghệ sĩ ký hợp đồng nhiều năm mới có đợt thi công chức. Tuy nhiên, đồng lương chỉ có “ba cọc ba đồng”, trong khi đó nhà công vụ cũng không còn chỗ, các nghệ sĩ phải thuê ngoài sống. Thử hỏi làm sao họ có thể sống với đam mê bằng đồng lương ít ỏi đó”.

Được biết, khu tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam khánh thành vào năm năm 1959, đến nay đã tròn 61 năm nhưng chưa được quan tâm tu bổ. Chiếc xe chuyên chở các nghệ sĩ đi lưu diễn thì đã xuống cấp trầm trọng. Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam – NSND Thanh Ngoan đã nhiều lần xin kinh phí để sửa chữa hoặc thay mới cơ sở vật chất, phương tiện đi lại cho anh em nghệ sĩ nhưng chưa được quan tâm đúng mực.

Chèo là loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống của dân tộc. Các nghệ sĩ là người đã có công tuyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc đến mọi thế hệ. Thế nhưng, cuộc sống của họ chưa được quan tâm đúng mực. Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành cũng nên có những chính sách quan tâm hỗ trợ, có như vậy, nghệ sĩ mới sống trọn với đam mê và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Thảo Phương/ Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/nhung-nghe-si-cheo-chat-vat-giu-nghe-1524961114.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)