1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Một cách nhìn độc đáo về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam

15/04/2020
Sau nhiều năm ấp ủ và bền bỉ thực hiện, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng cũng đã hoàn tất cuốn sách ảnh “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam”. Sách do Hội Nhà văn ấn hành vừa ra mắt bạn đọc tháng 1/2020. Cuốn sách như một sự tôn vinh, một cách nhìn độc đáo về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.

Trước khi “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” ra đời, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng từng chủ biên, sưu tầm và biên soạn nhiều cuốn sách ảnh như: Nghệ thuật Việt Nam (tập III), Hồ Gươm – Hà Nội Việt Nam, Thăng Long – Hà Nội qua hình ảnh, Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Ông chia sẻ, nhiếp ảnh Việt Nam ra đời muộn so với các ngành nghệ thuật khác nhưng lại thành đạt sớm. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền hòa bình đã tạo cho các phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ghi được những trang sử vàng truyền thống bằng hình ảnh, đưa nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam từ chỗ non trẻ trở thành một quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển và có vị trí xứng đáng trong nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới. 

Là người trưởng thành trong cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam – nơi mà nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh đã được khẳng định, Hoàng Kim Đáng đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều thế hệ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Với ông, nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam như là một vườn hoa đẹp, và ông muốn được là người chăm sóc, tôn vinh những bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ nhiều hương sắc ấy. “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” là một minh chứng cho sự tôn vinh mà ông đã bền bỉ và dày công thực hiện dẫu cho tuổi đã cao và sức khỏe có phần giảm sút.

Cuốn sách với dung lượng gần 500 trang giúp bạn đọc phần nào hiểu hơn về lịch sử cũng như những thành tựu của nhiếp ảnh Việt Nam qua những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của 4 danh nhân nhiếp ảnh Việt Nam cùng 36 chân dung các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhiếp ảnh gia tiêu biểu. 

Những trang đầu của cuốn sách, Hoàng Kim Đáng dành những trang viết tôn vinh 4 danh nhân nhiếp ảnh Việt Nam được ghi danh trong bách khoa thư. Đó là danh nhân Đặng Huy Trứ, người Việt Nam đầu tiên đưa nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam; danh nhân Khánh Ký một người Hà Nội, nhà nhiếp ảnh tài năng, người thầy lớn, trở thành ông tổ làng nghề nhiếp ảnh duy nhất ở Việt Nam, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng – doanh nhân văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20; đó là NSNA Võ An Ninh – cây đại thụ của nhiếp ảnh Việt Nam; đó là nghệ sĩ Đinh Đăng Định, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Cùng với 4 danh nhân nhiếp ảnh, 36 chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã được Hoàng Kim Đáng khắc họa sinh động trong từng trang viết. Từ những thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh thành đạt lớp trước như: Phạm Văn Mùi, Mạnh Đan, Vũ Năng An, Đỗ Huân, Lê Vượng, Nguyễn Nhưng, Mai Nam, Lâm Tấn Tài, Đinh Quang Thành… đến các nhiếp ảnh gia trẻ của Việt Nam sớm phát triển tài năng như: Đào Hoa Nữ, Đào Quang Minh, Lại Diễn Đàm, Phạm Bá Thịnh, Thi Thơ,  Dương Quốc Định, Nguyễn Xuân Chính…

 Qua lăng kính của Hoàng Kim Đáng, mỗi tác giả được khắc họa một cách sinh động cả về cuộc đời và sự nghiệp. Tác giả cũng cẩn trọng lựa chọn những bức ảnh tiêu biểu cho thấy những đóng góp của từng nghệ sĩ đối với nền nhiếp ảnh Việt Nam. Cũng bởi thế, đọc “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” người đọc phần nào hình dung được bước phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.

Như đánh giá của nhà báo, dịch giả Trần Đương thì “Vinh quang nhiếp ảnh Việt Nam” chính là tiếng hô vang thật dõng dạc cất lên từ cõi lòng sâu thẳm, từ tâm hồn trong sáng, đầy ơn nghĩa của người nghệ sĩ. “Đây cũng là một cách tôn vinh, một cách nhìn độc đáo, riêng biệt về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Nét độc đáo riêng biệt ấy là: ông viết lịch sử về sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam thông qua những tác giả thật, những tác phẩm thật, từng được thử thách qua năm tháng và đương nhiên là qua sự trải nghiệm và thẩm định của Hoàng Kim Đáng – vừa là nhân chứng vừa là người góp phần tạo dựng tiến trình lịch sử ấy. Từ cách làm này tôi nghĩ đến tác phẩm “Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Nền thi ca thuở ấy được nhìn nhận qua hàng loạt gương mặt thi nhân cụ thể, có người đã đứng trên đỉnh núi thi ca cao chót vót với vương miện lộng lẫy, có người vừa mới xuất hiện trên thi đàn nhưng đã báo hiệu con đường sự nghiệp chói sáng của mình. Cái tài của người làm sách là vừa tiên tri được, dự cảm được những gì sẽ đến, đồng thời dám chịu trách nhiệm trước tiên tri và dự cảm ấy bằng bản lĩnh của mình” – nhà báo, dịch giả Trần Đương nhận định.

Tác giả Hoàng Kim Đáng cho biết ông có ý định tôn vinh 72 chân dung là những gương mặt sáng giá của nhiếp ảnh Việt Nam qua các thời kỳ, các thế hệ, trong 2 tập sách. Chính vì lẽ đó mà nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng có thành tựu xuất sắc vẫn chưa xuất hiện ở tập sách này. Hy vọng rằng một ngày không xa, khi tập II của cuốn sách này ra đời, qua “cái kho hàm lượng chất xám” của Hoàng Kim Đáng, bạn đọc sẽ tiếp tục hiểu hơn về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.

Gia Phú/báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/mot-cach-nhin-doc-dao-ve-lich-su-nhiep-anh-viet-nam_258798.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)