1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

''Văn nghệ sĩ - chiến sĩ phải hiểu thấu và đi sâu vào đời sống''

01/07/2020
Sáng ngày 9/6, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn học nghệ thuật Thủ đô”. Tại buổi tọa đàm, thêm một lần nữa, quan điểm: văn nghệ sĩ - chiến sĩ phải “hiểu thấu và đi sâu vào đời sống” của Hồ Chủ tịch được các chuyên gia, văn nghệ sĩ cùng nhắc đến và bày tỏ sự tâm đắc khi lấy làm kim chỉ nam cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình.

Tại buổi tọa đàm, NSNA Hoàng Kim Đáng (phải) tặng Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HT

“Nay ở trong thơ nên có thép...”

Ngay từ đề dẫn buổi tọa đàm, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã nêu: Ngược dòng lịch sử, văn học, nghệ thuật là một thứ vũ khí đấu tranh có hiệu quả: Từ văn nghệ dân gian cho đến các sáng tác văn học trung đại của Nguyễn Trãi, Á Nam Trần Tuấn Khải... Năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Đường cách mệnh”, với mục đích thiết thực: Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết với nhau mà làm cách mệnh. “Còn trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Người cũng khẳng định: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Đây có thể được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của Người và đó cũng là đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng nhấn mạnh tính chiến đấu của văn hóa, văn nghệ trên lập trường giai cấp vô sản theo phương châm “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Trí Trắc thì cho rằng, trong quá trình tìm đường của mình, văn nghệ sĩ Việt Nam đã tìm thấy tư tưởng văn hóa, văn nghệ của Hồ Chí Minh. Có thể khái quát: Văn nghệ là vũ khí sắc bén, là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ của nhân dân trong cuộc đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Văn nghệ phải phản ánh hiện thực khách quan một cách cao đẹp, để phò chính trừ tà, soi đường cho quốc dân đi, phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh, nhằm thực hiện lý tưởng nhân văn tiên tiến của xã hội. Văn nghệ phải có lập trường vững vàng, tư tưởng đúng, có tính giáo dục con người, tiếp thu những tinh hoa của văn nghệ dân tộc và thế giới xưa - nay để văn nghệ luôn có hữu ích xã hội, luôn mang tính “thép” của văn nghệ sĩ với tinh thần “xung phong”…

“Tư tưởng về văn nghệ Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành thống nhất biện chứng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và đã tạo thành một con đường sáng tạo hiện đại mang ý nghĩa văn hóa, văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh của Việt Nam. Con đường này, tổ chức UNESCO đã thừa nhận là “kết tinh truyền thống hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau...” (Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam - 1990, Viện Văn hóa xuất bản)” - PGS.TS Trần Trí Trắc nói. 

Trong khi đó, TS Trần Minh Thu dẫn chứng quan điểm “văn học, nghệ thuật cũng là một mặt trận” đã thấm sâu trong nhận thức của các nhà văn, nhà thơ đi theo Đảng suốt những năm tháng kháng chiến cũng như những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đấy là nhà thơ Sóng Hồng đã mạnh mẽ khẳng định: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Nhà thơ Tố Hữu cũng bộc lộ quan điểm nhân sinh và nghệ thuật của mình: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim…”

“Hiểu thấu, đi vào đời sống”

Luận bàn về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sáng tác văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ và chuyên gia đều nhắc đến bức thư Bác Hồ gửi cho họa sĩ năm 1951. Trong bức thư đó, Người đã nêu quan điểm sáng tác: “Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế mới bày tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao cho tinh thần ấy”. Hoặc trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ văn hóa năm 1958, Người căn dặn anh chị em: “Cơ quan trong Bộ Văn hóa, các cơ quan các ngành, các ty văn hóa thì cần xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội nhiều hơn nữa, mà đi vào như thế thì phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chứ nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, ở riêng thì cảm thông sao cho được, gần gũi sao cho được với công nông, với bộ đội. Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào”.

Bên cạnh đó, TS. Trần Minh Thu còn dẫn chứng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn nghệ, sáng tác cho hay, cho chân thật: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta..., đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại”. Việc làm sao cho văn nghệ luôn phong phú cũng được Người nhắc: “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ ăn một món thôi”. 

Với nghệ thuật dân tộc, theo PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi văn nghệ sĩ phải kế thừa phát triển nhưng “đừng để những tiêu chuẩn này nọ của  nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thấy hết được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”. Đặc biệt, Người còn có lời dặn với riêng nghệ thuật chèo: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học tập, đặc  biệt là phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo. Chớ gieo vừng ra ngô!”

“Có thể thấy, Bác quan tâm đến hầu hết các vấn đề của văn nghệ: từ chức năng, tính chất của nghệ thuật đến vai trò của văn nghệ, từ nguồn gốc của nghệ thuật đến đối tượng phục vụ, phạm vi phản ánh; mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng; sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm; mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, chính trị và văn học, tư tưởng và nghệ thuật, tự do sáng tạo và những nguyên tắc cần tôn trọng; từ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phổ cập và nâng cao đến làm thế nào cho tác phẩm có tính hấp dẫn, có sức cuốn hút thông qua cách viết, cách thể hiện…” - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Miên Thảo/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/van-nghe-si-chien-si-phai-hieu-thau-va-di-sau-vao-doi-song_261437.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)