1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Học sinh vào lớp một sẽ được rèn kỹ năng hướng nghiệp

25/10/2020
Mục tiêu của Thông tư là nhằm giúp học sinh làm quen với những mảng kiến thức mà học sinh thế giới đang được học, đưa chương trình học tiệm cận hơn với tiêu chuẩn giáo dục quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư “Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục”. Dự kiến, đến ngày 11/11/2020 (sau khi lấy ý kiến trong 60 ngày),  Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kết luận và ban hành thông tư này.

Dự thảo Thông tư tập trung vào các mục tiêu chính, gồm công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Đối tượng áp dụng bao quát từ bậc tiểu học cho đến bậc đại học. Theo bộ Giáo dục, mục đích ban hành thông tư nhằm giúp người học phát huy năng lực định hướng nghề nghiệp, trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn lực xã hội để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Trong dự thảo Thông tư này, Bộ GD&ĐT chỉ rõ công việc cần thực hiện với từng cấp học.

Cụ thể, đối với bậc tiểu học, Bộ yêu cầu tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp. Đối với bậc trung học cơ sở, cần thêm việc bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động phối hợp với các đối tác.

Đối với cấp trung học phổ thông, phải tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế, thực hành nghề, nghiệp, việc làm, tham gia các hoạt động xã hội tối thiểu 2 lần/năm học. Đồng thời, tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm cho học sinh lớp 12, tối thiểu 1 lần trong năm học.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, ngoài các hoạt động trên cần tổ chức thêm ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên năm cuối. Ngoài ra, phải tổ chức rèn luyện kỹ năng tìm việc làm cho sinh viên thông qua hoạt động tư vấn, các câu lạc bộ hướng nghiệp, việc làm và các hoạt động ngoại khoá.

Ở cấp tiểu học, ngoài việc giúp học sinh làm quen với kiến thức công nghệ, đổi mới sáng tạo, giúp học sinh có tư duy tài chính là một điểm tiến bộ.

Các hoạt động này thể hiện kỳ vọng khá lớn của Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý là ngay ở cấp tiểu học, ngoài mục tiêu giáo dục học sinh sớm nhận biết được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, Bộ còn muốn cung cấp kiến thức về đổi mới sáng tạo, công nghệ và tư duy tài chính.

Đối với cấp trung học cơ sở, Bộ muốn học sinh nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, tư duy thiết kế và quản lý tài chính. Song song đó, tạo môi trường để học sinh thực hành dự án khởi nghiệp dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học.

Đối với cấp trung học phổ thông, Bộ mong muốn học sinh có kiến thức về đổi mới sáng tạo, kinh doanh, quản lý tài chính và truyền thông. Theo đó, Bộ yêu cầu hướng dẫn học sinh hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh. Tạo môi trường để học sinh được trải nghiệm, thực hành, phát triển các dự án khởi nghiệp.

Riêng bậc đại học, Bộ muốn tuyên truyền cho sinh viên các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp của quốc gia.

Cung cấp cho sinh viên kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tinh gọn, tài chính doanh nghiệp, triển khai doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, gọi vốn... Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục phải tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên thành lập các doanh nghiệp.

Bộ GD&ĐT tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp thông qua cơ chế phối hợp với doanh nghiệp.

Ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Thông tư lần này thể hiện rõ nhiều điểm tiến bộ trong công tác giáo dục.

Chẳng hạn, ở cấp tiểu học, ngoài việc giúp học sinh làm quen với kiến thức công nghệ, đổi mới sáng tạo, giúp học sinh có tư duy tài chính là một điểm tiến bộ. Hiện nay, các kiến thức này đều được đưa vào sách giáo khoa. Mục tiêu của Thông tư là nhằm giúp học sinh làm quen với những mảng kiến thức mà học sinh thế giới đang được học, đưa chương trình học tiệm cận hơn với tiêu chuẩn giáo dục quốc tế. “Học sinh nhiều nước phát triển như Singapore hay Israel đều có chương trình giúp học sinh từ bậc tiểu học làm quen với môi trường khởi nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.

Các nhóm nội dung cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, về cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp thông qua cơ chế phối hợp với doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục và các bộ ngành liên quan phải xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác hướng nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/hoc-sinh-vao-lop-mot-se-duoc-ren-ky-nang-huong-nghiep.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)