1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Những chuyển động mới của văn hóa - nghệ thuật

23/04/2020
Biểu diễn và triển lãm online - đó là những cụm từ không mấy xa lạ đối với công chúng Thủ đô khi mà các trung tâm văn hóa, các nhà hát, rạp chiếu phim… đều đồng loạt đóng cửa vì dịch Covid-19. Những chuyển động của các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong môi trường mạng dẫu chỉ là những giải pháp tình thế nhưng cũng đã tạo không khí văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đem đến cho công chúng những trải nghiệm khác biệt, từ đó khơi dậy tinh thần lạc quan đẩy lùi dịch bệnh.


Tranh cổ động của họa sỹ Xuân Đông
 

Giống như nhiều khu di tích, trung tâm văn hóa của Thủ đô, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Không thể đón công chúng đến thưởng lãm, Bảo tàng chuyển hướng hoạt động bằng việc giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa trên website và trang facebook của Bảo tàng. Loạt tác phẩm đầu tiên Bảo tàng gửi tới công chúng đó là chùm tranh cổ động (sáng tác trong giai đoạn 1967-1978) hiện đang được Bảo tàng lưu giữ. Những tác phẩm mỹ thuật này không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, mà ý nghĩa của nó còn gắn bó chặt chẽ với thời cuộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân ta trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 

Bên cạnh những bức tranh cổ động, để tri ân những người đã không quản vất vả, khó nhọc đấu tranh chống dịch Covid-19 trong suốt hơn một tháng qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn giới thiệu bức tranh lụa “Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch” do họa sĩ Trần Đông Lương sáng tác năm 1958, tác phẩm “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê sáng tác năm 1975... và bức sơn dầu “Chiến lũy” của họa sĩ Lê Anh Vân như lời tri ân và góp phần tiếp thêm động lực cho các y, bác sĩ chiến đấu và chiến thắng dịch Covid-19. 

Sau 14 ngày cùng nhau vượt qua thử thách “Quyết chiến NCOVI” bằng những bức ký họa tại nhà, nhóm Ký họa Hà Nội lại tiếp tục lan tỏa tinh thần lạc quan qua hoạt động Vẽ ký họa qua cửa sổ. Thay vì trực họa trên những hè phố, tất cả những thành viên của nhóm trong chiếc áo đồng phục lại miệt mài với cọ và màu bên những ô cửa sổ nhỏ, những ban công quen thuộc. Với họ, đây cũng chính là một cuộc giao lưu về tinh thần, là phương thuốc tinh thần đem lại niềm tin, sự lạc quan, để đoàn kết bên nhau trong những ngày gian khó vì bệnh dịch. Còn với công chúng khi được thưởng thức những bức vẽ ký họa của tác giả trên facebook cũng vô cùng thú vị.
 

Góp phần kết nối, chia sẻ, động viên mọi người cùng vượt qua đại dịch Covid-19, nhiều ngày qua trên các trang fanpage của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội, sáng tác mới của các nhạc sĩ cũng liên tục được giới thiệu. Bên cạnh việc cổ vũ sáng tác, Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với Trung tâm Truyền hình Nhân dân biên tập và phát sóng chuyên đề “Hội Âm nhạc Hà Nội chung tay cùng cả nước phòng chống đại dịch Covid-19” của chương trình “Tình yêu từ Hà Nội” tháng 4/2020. Ngoài ra, Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đang hoàn chỉnh trang website và giao lưu sinh hoạt online trên mạng để duy trì giới thiệu tác phẩm mới về phòng chống dịch. 
 

Ngoài sự nỗ lực của các tập thể, đơn vị, tổ chức, nhiều cá nhân cũng chủ động sáng tạo, nắm bắt công nghệ, thực hiện các hoạt động, chương trình hấp dẫn trên không gian mạng để phục vụ công chúng. “Hãy ở nhà, chúng tôi sẽ chơi nhạc bạn nghe” là thông điệp mà các nghệ sĩ Việt Nam muốn gửi đến cộng đồng thông qua dự án hòa nhạc “24-hour music marathon” diễn ra trực tuyến kéo dài nhiều giờ từ khắp nơi trên thế giới. Chương trình hòa nhạc trực tuyến toàn cầu bắt đầu từ chiều 2/4, do nghệ sĩ piano Trang Trịnh khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đem đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng yêu nhạc. Tương tự, chương trình “Music Home” hay “Radio Live Concert” với sự xuất hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã phần nào thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng yêu nhạc.
 

Tác phẩm “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê - một trong các tác phẩm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng trong mùa Covid-19.
 

Nói về các chương trình giải trí online cũng phải kể đến chương trình chiếu phim do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Công ty BHD dành tặng cho khán giả. 12 bộ phim Pháp đặc sắc được chiếu trong suốt tháng 4 này cũng đã mang đến những ngọn gió mát lành giúp cho mọi người có được niềm vui khi ở nhà. Hay như Viện Goethe tại Hà Nội cũng có nhiều chương trình văn hóa online thú vị trên trang website như tổ chức xem các buổi hòa nhạc trực tiếp tại nhà các nghệ sĩ, các bản hit từ nước Đức, tổ chức các bộ phim ngắn, kịch…
 

Có thể nói trong bối cảnh thị trường giải trí đang “đóng băng” vì dịch bệnh, thì những chương trình văn hóa tổ chức dưới hình thức online trực tuyến giúp cho khán giả có thêm trải nghiệm nghệ thuật tuyệt vời, giúp cho đời sống văn hóa nghệ thuật thêm sôi nổi.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nhung-chuyen-dong-moi-cua-van-hoa-nghe-thuat_258891.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)