1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh

07/07/2023
Phát triển kinh tế nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế. Tư tưởng đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, mang giá trị định hướng lâu dài đối với phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng.

Một là, kinh tế nông nghiệp có vai trò quan trọng

Theo Hồ Chí Minh: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.  Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”1. Đây là luận điểm khẳng định kinh tế nông nghiệp một điểm tựa quan trọng của nhà nước và của xã hội; một cội nguồn của sự giàu mạnh, phát triển của dân tộc, của quốc gia.

Kinh tế nông nghiệp là nền tảng của hệ thống kinh tế quốc dân, cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo các điều kiện cơ bản nhất cho sự sinh tồn của con người. Người nói rõ: “Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân, muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, có áo mặc, có nhà ở”2. Ngoài chuyện ăn, mặc và ở, sự phát triển nông nghiệp cũng tạo điều kiện cho việc nâng cao đời sống tinh thần, giải quyết các vấn đề xã hội khác của nông dân ở nông thôn. Theo Hồ Chí Minh, “nền kinh tế của ta như nước hồ, nước sông, đời sống của ta như chiếc thuyền. Nước càng lên cao, thuyền càng cao. Vì thế, nên nền kinh tế càng cao thì đời sống của nhân dân mới cao. Vậy, muốn cải thiện đời sống, phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm”3. Đời sống của người dân ở đây, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, bao gồm toàn diện cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần, tư tưởng cùng các hưởng thụ khác về văn hóa.

Hai là, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích của việc phát triển kinh tế nông nghiệp không nằm ngoài mục đích chung của nền kinh tế là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện mục tiêu đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, Hồ Chí Minh chủ trương phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, trước hết là tính toàn diện trong cơ cấu nông nghiệp. Đó là cần phát triển nhiều loại cây trồng cả cây lương thực, hoa màu và lương thực; phát triển chăn nuôi; đồng thời phải rất chú ý đến lâm, ngư nghiệp. Người chỉ rõ: “phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Tục ngữ nói: “Rừng vàng, biển bạc”. Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”4. Người đã sớm cảnh báo một “tệ hại” mà chúng ta đã không thực sự chú ý, để đến nay, hậu quả đã trở nên hết sức nghiêm trọng, đó là “phá rừng”: “Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay tỉnh ta còn có cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển? Đồng bào và chính quyền phải nghiêm khắc ngăn ngừa tệ hại ấy”5.

Để nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, Hồ Chí Minh chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp trong quan hệ hài hòa, cân đối với các lĩnh vực kinh tế khác. Đặc biệt là phát triển đồng cả kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Hồ Chí Minh nói: “Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: Nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế”6. Hình ảnh quan hệ hài hòa, cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp như quan hệ giữa hai chân của một con người được Hồ Chí Minh sử dụng nhiều lần. Năm 1962, Người đã nói: “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế.… Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân”.7

 Với tư duy toàn diện, Hồ Chí Minh còn chủ trương phát triển nông nghiệp với thương mại và các ngành kinh tế khác. Theo Người, “trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp.”8. Người còn nói: “Giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục... với nhau và trong mỗi một ngành phải phát triển cân đối”9.

Ba là, sử dụng linh hoạt các biện pháp phát triển kinh tế nông nghiệp

Thứ nhất, phải có đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp đúng đắn, phải có các chính sách phù hợp. Người chỉ rõ, nhà nước phải đầu tư “vào những công việc có ích cho nông dân, cho hợp tác xã”. Cụ thể là: “Chính phủ phải xuất tiền xây những trường học, mời thầy để đào tạo cán bộ các ngành về nông nghiệp. Chính phủ có trách nhiệm xây dựng những công trình thủy lợi lớn và cùng nông dân, hợp tác xã làm những công trình thủy lợi vừa. Để phát triển nông nghiệp, hợp tác xã phải tậu trâu bò, sắm nông cụ, mua phân hóa học, v.v.. Hợp tác xã còn nghèo, thường thường Chính phủ phải giúp đỡ, phải cho vay vốn”10. Hồ Chí Minh còn nêu ra một loạt chính sách hỗ trợ khác của nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chính sách thuế. Theo Hồ Chí Minh, “về thuế, cũng phải làm sao cho Nhà nước, hợp tác xã và nông dân cùng có lợi. Thuế phải khuyến khích sản xuất”11.

Thứ hai, phát triển kinh tế hợp tác xã. Hồ Chí Minh coi trọng hình thức hợp tác xã và xác định đây là một thành phần kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc dân, phù hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp. Hồ Chí Minh đã hình thành tư tưởng về hợp tác xã từ giữa thập niên 20 của thế kỷ XX và sau này, trong phát triển nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã được Người coi là một biện pháp quan trọng. Để hợp tác xã phát triển, Người chỉ rõ: “Ban quản trị phải dân chủ”, “phải công bằng, không được thiên vị”, “phải minh bạch”, “công khai”, “phải chống tham ô, lãng phí”12, v.v.;

Thứ ba, nâng cao năng suất lao động của người nông dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ một thực tế, đó là “nông nghiệp của ta rất lạc hậu”: “Mấy triệu nông dân và ngót một nửa triệu thợ thủ công … hiện vẫn dùng những đồ rất thô sơ để sản xuất” 13. Để khắc phục hạn chế đó, Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu...”14.

Thứ tư, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước, trong đó có nông nghiệp. Có thể nói, đây là tư tưởng lớn, nhất quán và xuyên suốt sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi cách mạng chưa thành công, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ, chú trọng việc gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo, mà cụ thể lúc đó là Trung Quốc, Nga, v.v.. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị: “được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”15. Sau này, rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam đã được gửi đi học tập, tiếp thu khoa học hiện đại, trong đó có khoa học về nông nghiệp, nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng thu hút trí thức Việt kiều, trí thức nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, trong đó có phát triển nông nghiệp. Thậm chí, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chủ trương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà tư bản, đầu tư vào kinh tế, trong đó có nông nghiệp, miễn là họ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và đôi bên cùng có lợi.

Thứ năm, xây dựng nông dân mới, nông thôn mới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”16. Trong một nước nông nghiệp, nông dân chiếm đến 90% dân số như Việt Nam, thì cách mạng xã hội phải hướng đến tạo dựng nên nông thôn mới, nông dân mới - đây chính là một nội dung quan trọng khi Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề xây dựng đời sống mới, con người mới, xã hội mới, đạo đức mới. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến một “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Đó là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”17. Xây dựng nông thôn mới, người nông dân mới làm nền tảng và động lực chính là một nội dung của cuộc chiến đấu khổng lồ đó, là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển nông nghiệp Việt Nam.

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-1674775065-p46502.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)