1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Kinh nghiệm của một số quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giá trị tham khảo cho Việt Nam

07/07/2023
Tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng phổ biến trên thế giới, là tác dụng phụ của quyền lực chính trị. Thông thường, cứ ở đâu có quyền lực chính trị là ở đó có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Chống tham, tiêu cực nhũng trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục ở mọi nước. Mỗi quốc gia, dưới sự lãnh đạo của các đảng phái, các chính trị gia khác nhau có phương pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khác nhau. Nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa quan trọng với việc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

1. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của một số nước

Tham nhũng, tiêu cực là vấn đề mang tính toàn cầu, các nước đều cho rằng tham nhũng là một trong những hiểm họa của quốc gia, là kẻ thù của quá trình phát triển và lên án mạnh mẽ tham nhũng, tiêu cực, cũng như đề ra các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước mình. Liên hợp quốc đã có Công ước về chống tham nhũng với 8 chương và 71 điều quy định cụ thể về các biện pháp phòng ngừa, chính sách và các hành động chống tham nhũng. Qua thực tiễn của một số quốc gia cho thấy giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các nước không giống nhau, nhưng nhìn chung đều gồm 2 nhóm giải pháp chính là phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

a. Kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở các nước

Một là, chú trọng công tác giáo dục con người

Đối với người dân: Giáo dục con người, kể cả trẻ em về đạo đức trong sáng, lành mạnh, những hành vi, vi phạm được coi là tham nhũng, tiêu cực. Trên thế giới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã chú trọng phát triển giáo dục con người, hướng tới nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó tạo ra một thế hệ đủ tâm, tầm tài để quản lý đất nước là giải pháp bền vững nhất trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chiến lược “Chống tham nhũng” của Hồng Kông gồm 3 phần lớn, trong đó phần quan trọng là giáo dục công chúng về tác hại của tham nhũng, tiêu cực và tìm kiếm sự ủng hộ, tham gia tích cực của công chúng để từng bước xây dựng văn hoá chống tham nhũng, tiêu cực trong công chúng.

Đối với công chức, viên chức: Các nước đều coi việc giáo dục đạo đức cho công chức, viên chức và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng đầu tiên để hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ là kêu gọi, giáo dục phổ thông, mà một số quốc gia còn tăng cường giáo dục đạo đức bằng việc ban hành luật về đạo đức của công chức. Các quốc gia đi đầu trong xây dựng và thực thi luật đạo đức của công chức bao gồm Thụy Điển, Estonia, Hàn Quốc, Malaixia, Cộng hoà liên bang Đức... Singapore một quốc gia nổi tiếng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tăng giáo dục đạo đức “tự răn mình” cho công chức, và ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn của Chính phủ đối với công chức, giúp họ có cẩm nang thực hành tốt đạo đức công vụ, tránh xa tham nhũng, tiêu cực. Hàn Quốc thành lập Uỷ ban đặc biệt về đạo đức; Hoa Kỳ có Văn phòng quản lý về đạo đức công vụ và ban hành “Các nguyên tắc đạo đức ứng xử của cán bộ và nhân viên nhà nước”...

Hai là, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Để phòng, chống tham nhũng tiêu cực cần nhiều công cụ khác nhau, trong đó pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công cụ quan trọng nhất. Các nước trên thế giới thành công trong công tác phòng chống tham nhũng nhờ có hệ thống pháp luật đồng bộ. Bộ luật hình sự tội danh và khung hình phạt đối với các tội về tham nhũng, tiêu cực. Luật Chống tham nhũng và các luật phục vụ cho việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực: Luật Về tăng cường đấu tranh chống tham nhũng của Malaixia năm 1961 và năm 1971; Luật Chống hối lộ năm 1947 của Pakixtan; Luật Chống tham nhũng của Hồng Kông năm 1975; Luật Phòng, chống tham nhũng 1960, năm 1972 và năm 1981 của Singapore; Luật Chống hối lộ trong các cơ quan nhà nước của Ai Cập, Pháp; Luật Phòng ngừa tham nhũng trong bộ máy chính quyền của Srilanca... Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng còn được quy định trong những đạo luật chuyên ngành. Những văn bản này cùng với các đạo luật chống tham nhũng tạo thành một hệ thống pháp luật đồng bộ.

Ba là, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch

Các cơ quan nhà nước, trong đó đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan và công chức, viên chức nhà nước; việc công khai, minh bạch trong việc soạn thảo, ban hành các quyết định: Quá trình ra quyết định, kể cả quá trình xây dựng những quyết định lớn, tác động đến toàn xã hội như quá trình xây dựng Hiến pháp và các văn bản pháp luật, đến cả quá trình xem xét, ban hành những quyết định cụ thể, tác động trực tiếp đến một người hay một số người nhất định trong xã hội; thủ tục hành chính; các trường hợp mua sắm tài sản công (cả các cuộc đấu thầu, tuyển dụng công chức, thuê mư­ớn lao động... ); quá trình phân bổ ngân sách, việc sử dụng ngân sách và thu chi tài chính ở tất cả các cơ quan nhà nước; quá trình giải quyết và kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án và các cơ quan tư pháp khác. Cho phép người dân được đến dự các phiên họp của Quốc hội và hội nghị đại biểu nhân dân ở các địa phương để trực tiếp giám sát, theo dõi diễn biến và kết quả các cuộc họp...

Bốn là, phòng ngừa sự xung đột giữa lợi ích

Xung đột giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, làm cho công chức không có cơ hội lợi dụng vị trí công tác của mình thu lợi riêng gây thiệt hại đến lợi ích chung. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể:

Xây dựng và thực hiện quy chế tuyển dụng, đánh giá, đề bạt cán bộ, công chức công khai, dân chủ; quy định việc rà soát, luân chuyển cán bộ công chức, nhất là ở những lĩnh vực, vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Quy định sau khi từ chức hoặc nghỉ hưu một thời gian nhất định, công chức không được thực hiện các hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực công tác trước đây của mình (để tránh lợi dụng ảnh hưởng cá nhân thu lợi cho bản thân) v.v.. Một số nước quy định vợ (hoặc chồng), con cán bộ lãnh đạo không được kinh doanh ở các lĩnh vực do chồng (hoặc vợ) mình quản lý.

Quy định những điều công chức không được làm, như: Công chức không được nhận hoặc đưa quà, cũng như không được phép cho vợ, chồng, con, cha, mẹ... thay mặt mình để nhận hoặc đưa quà tặng dưới bất kỳ hình thức nào (trong trường hợp khó từ chối mà đã nhận thì phải bảo quản an toàn món quà đó và báo cáo bằng văn bản với cấp trên để xin ý kiến); mỗi năm một lần, công chức phải tuyên bố là không có những rắc rối về tiền bạc (vì công chức nợ nần nhiều thì dễ phát sinh tư tưởng tham nhũng); công chức không được nhận “phong bì” chúc mừng hay chia buồn; công chức không được mời đồng nghiệp tới dự các buổi tiệc tùng, hiếu hỉ cá nhân, trừ trường hợp mời người nhà hoặc bạn bè thân thiết…

Năm là, quy định về việc kê khai tài sản của công chức

Đa số các nước có quy định công chức phải kê khai tài sản, nhất là đối với công chức giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Nhiều nước yêu cầu kê khai bổ sung hằng năm và công bố công khai kết quả kê khai tài sản của công chức cho người dân biết. Hàn Quốc, Malaixia, Singapore, Thái Lan... yêu cầu kê khai sau khi được tuyển dụng, đề bạt hoặc bầu cử và phải kê khai bổ sung hằng năm (Thái Lan còn yêu cầu sau khi thôi chức cũng phải kê khai). Các nước này đều thành lập các cơ quan phụ trách việc kê khai tài sản (Hàn Quốc có Tiểu ban phụ trách việc kê khai tài sản trực thuộc Uỷ ban đặc biệt về đạo đức; Malaixia có Cơ quan đăng ký tài sản công chức, Thái Lan giao cho Uỷ ban chống tham nhũng...). Trường hợp có nghi vấn, các nước đều yêu cầu công chức chứng minh nguồn gốc tài sản của mình, nếu không chứng minh được thì coi như phạm pháp và phần tài sản này sẽ bị xung công và thông tin công khai trên báo chí. Tại Malaixia, Cơ quan đăng ký tài sản công chức có quyền sa thải công chức nếu công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình (Điều 9, Quy định về chế độ công chức)…

Sáu là, trả lương cao cho công chức.

Nhiều nước trả lương cao để công chức “không cần tham nhũng” mà vẫn đủ sống. Singapore trả lương cho công chức cao hơn khu vực tư nhân để công chức lựa chọn giữa tham nhũng với sự liêm khiết với cuộc sống yên ổn suốt đời. Ở Singapore, mọi công chức đều bị giữ lại một phần tiền lương hàng tháng (tỉ lệ giữ lại từ 5% đến 40%, tăng dần theo mức lương) để đưa vào quỹ tích lũy chung, dùng cho việc mua nhà ở, bảo hiểm y tế và dưỡng lão sau khi về hưu và được gửi tiết kiệm với lãi suất cao. Nếu công chức tham nhũng thì toàn bộ khoản tiền tích lũy này bị xung công, nên đa số công chức “không dám” tham nhũng vì sợ bị mất khoản tiền lớn này.

Bảy là, ban hành quy tắc ứng xử công vụ theo đặc thù từng cơ quan nhà nước.

Thường xuyên rà soát việc ban hành các quy tắc ứng xử của từng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung kịp thời; công khai cho công chức và nhân dân biết để giám sát việc thực hiện và yêu cầu được phục vụ đúng quy định.

b. Kinh nghiệm phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các nước

Để phát hiện và xử lý tham nhũng tiêu cực các quốc gia thực thi nhiều giải pháp có ý nghĩa quan trọng như sau:

Một là, kinh nghiệm xây dựng lực lượng chống tham nhũng, tiêu cực

Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc tố giác về tham nhũng, tiêu cực: Qua điện thoại, qua Internet, gửi đơn, trình bày trực tiếp… Một số nước thiết lập các đường dây nóng 24/24 giờ để thu nhận tin tức về tham nhũng, tiêu cực như Colombia, Braxin, Singapore, Úc,.... Ngân hàng Thế giới và nhiều nước giải quyết cả đơn thư tố cáo nặc danh; Thái Lan, Singapore cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư­ tố giác của ng­ười dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên.

Các nước đều có biện pháp bảo vệ người tố giác, như: Giữ bí mật lời khai, chuyển chỗ ở cho họ để tránh bị phát hiện, trả thù (Cộng hoà liên bang Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Úc...). Nhiều nước còn khen thưởng người tố giác bằng vật chất để khuyến khích họ, như ở Hàn Quốc, người tố giác tham nhũng mà mang lại lợi ích về tài sản (làm tăng lợi nhuận) hoặc giúp tránh được thiệt hại thì được thưởng ít nhất là 10% giá trị tăng thêm hoặc giá trị tài sản đáng lẽ bị thiệt hại, mức tiền thưởng có thể lên tới vài trăm triệu won.

Hội nghị Quốc tế về đấu tranh chống tham nhũng đã đưa ra bản chiến lược “Các nguyên tắc chỉ đạo chống tham nhũng và bảo toàn phẩm chất các quan chức an ninh và tư pháp” gồm 12 điểm, trong đó có hai điểm về vai trò của nhân dân. Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu bốn loại chiến lược đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có chiến lược về nâng cao vai trò tự quản của quần chúng và thái độ của quần chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục sự thờ ơ, sự cam chịu và thái độ chấp nhận của công chúng đối với tệ tham nhũng, tiêu cực. Những nghiên cứu của Mohammad M.Kisubi thuộc Ngân hàng Thế giới cho thấy, nơi nào thất bại trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là do đều đã bỏ sót sự tham gia của công chúng; những nơi thành công chắc chắn đều đã có lực lượng quần chúng hậu thuẫn.

Hai là, kinh nghiệm sửa dụng phương tiện kỹ thuật phát hiện tham nhũng, tiêu cực

Ở các nước có thành tựu phòng chống tham nhũng tốt, chỉ số minh bạch (CPI) cao nhất thế giới như: Đan Mạch (88/100), Phần Lan (88/100) và New Zealand (88/100)… đều có những cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan này được phép sử dụng một số biện pháp đặc biệt như: nghe điện thoại bí mật, xây dựng cơ sở bí mật... để phát hiện tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, không có vùng cấm trong phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực

Ở các nước có CPI cao, việc xử lý về hình sự những người tham nhũng được thực hiện nghiêm minh và kiên quyết, bất kể người tham nhũng, tiêu cực là ai. Pháp luật các nước đều quy định tịch thu những tài sản do tham nhũng mà có. Theo Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc thì tất cả tài sản do tham nhũng mà có đều bị tịch thu và xử lý như sau: Trả về nước đã bị mất tài sản để nước đó trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ; dành một phần chi cho các nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung; chi một phần cho việc phát hiện, thu giữ tài sản tham nhũng đó. Một số nước có Luật Sung công tài sản của người bị nghi là tham nhũng nếu họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Một số nước còn truy cứu và tịch thu tài sản đối với cả người tham nhũng đã chết (người thừa kế của người phạm tội phải chịu hình phạt về kinh tế hoặc trách nhiệm dân sự thay cho người phạm tội tham nhũng đã chết). Quan chức cấp cao mà tham nhũng thì bị xử nặng hơn quan chức cấp thấp, nếu tính chất, mức độ tham nhũng tương đương.

Bốn là, kinh nghiệm hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Các quốc gia phát triển đều đã đánh giá tính chất toàn cầu của hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Để phòng, chống tham nhũng cần phối hợp nhiều quốc gia với nhau. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số, các đối tượng tham nhũng tiêu cực cất dấu tài sản tham nhũng tiêu cực ở các tài khoản số, ngân hàng quốc tế, ngân hàng quốc gia khác, bất động sản và nhiều hình thức khác ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Các quốc gia đã coi trọng biện pháp phối hợp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua ký kết và thực hiện các Hiệp ước song phương, đa phương về phòng, chống tham nhũng. Hiện nay đã có hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc.

Ảnh minh họa - Internet

 2. Một số giá trị tham khảo cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam

Qua kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các nước, chúng ta có thể tham khảo một số bài học tham khảo sau:

Một là, phải có quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cho dù có các mô hình tổ chức, phương pháp phòng, chống tham nhũng khác nhau, song hiệu quả chống tham nhũng ở các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm, lập trường và thái độ đấu tranh chống tham nhũng của những người lãnh đạo trong mỗi quốc gia, nhất là hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Có thể thấy, nước nào có ban lãnh đạo tối cao và người đứng đầu thực sự quyết tâm chống tham nhũng, không nương nhẹ khi xử lý những quan chức cấp cao tham nhũng và bản thân họ thực sự liêm khiết, thì cuộc đấu tranh ở đó có hiệu quả cao, số vụ tham nhũng, tiêu cực giảm nhiều.

Hai là, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là công việc lâu dài, phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Phòng, chống tham nhũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng và của Trung ương đã nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, là nhiệm vụ thường xuyên, phải tiến hành thận trọng, bài bản nhưng kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ba là, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa là giải pháp cơ bản, có tính chiến lược.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có hiệu quả khi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, trong đó phòng ngừa là yếu tố có tính chất quyết định. Nhưng nếu tham nhũng,   đã xảy ra thì phải xử lý kiên quyết, dứt điểm, thu hồi toàn bộ tài sản tham nhũng để xung công bất kể người đó là ai đang giữ chức vụ gì hoặc đã chết.

Bốn là, coi trọng việc thành lập cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực chuyên trách có quyền lực lớn.

Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc đã khuyến nghị các nước trên thế giới nên thành lập một cơ quan hoặc một số cơ quan có tính độc lập, được cung cấp các phương tiện, vật chất cần thiết với đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo, rèn luyện tốt để phòng, chống tham nhũng (Điều 6). Thực tế cũng cho thấy, ở các nước có cơ quan chống tham nhũng chuyên trách, công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn các nước khác. Ở nước ta, khi Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước đột phá, nhất là việc xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn…

Năm là, coi trọng sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ an toàn và khen thưởng xứng đáng, kịp thời người tố giác tham nhũng. Chú trọng giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ công chức và mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội làm cho mọi người dân đều căm ghét tham nhũng, còn kẻ tham nhũng cảm thấy hổ thẹn với gia đình, cộng đồng và xã hội.     

Sáu là, phương châm chống tham nhũng, tiêu cực là làm từ trên xuống dưới với nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ trọng tâm của các nước trên thế giới, song việc lựa chọn một mô hình và phương pháp đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phụ thuộc vào tình hình, đặc điểm cụ thể và quan điểm riêng của mỗi quốc gia. Cuộc đấu tranh này chỉ có hiệu quả khi sử dụng tổng hợp các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc xử lý phải làm từ trên xuống theo phương châm “nước sạch đầu nguồn”.

Ở Việt Nam, trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII (1/2016) và nhất là từ đầu nhiệm kỳ XIII (1/2021) đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao đã kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương, rồi đến địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng, viên và nhân dân, tạo thế và lực giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm cho sự phát triển.

Bảy là, có hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ và rõ ràng, minh bạch, công khai, hạn chế đến mức thấp nhất các kẽ hở để lợi dụng có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm toán, điều tra các cơ quan chức năng và người đứng đầu những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực./.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thuỳ Dương (2019), “Pháp luật về dịch vụ công ở Malaysia những kinh nghiệm cho Việt Nam” trong Kỷ yếu hội thảo “Pháp luật về dịch vụ công trên thế giới và ở Việt Nam”, Khoa Luật – ĐHQGHN, tháng 03/2019
  2. Khoa Luật – ĐHQGHN, Giáo trình Lí luận và pháp luật về PCTN, NXB ĐHQG, 2013
  3. Liên hiệp quốc (2008), Công ước về chống tham nhũng tiêu cực, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Cong-uoc-chong-tham-nhung-cua-Lien-Hop-quoc-09-12-2003-94971.aspx
  4. Duane Windsor (2020), Corruption and Anti-Corruption Reform in Central Asia, (Rice University, USA), 2020.
  5. Cheene (2019), Transparency International Anti-Corruption Helpdesk Answer: Successful approaches to tackle petty corruption, 2019, tr.2-4, https://knowledgehub.transparency.org/assets/uploads/kproducts/Fighting-petty-corruption-2019.pdf.
  6. https://doanhnghiepthuonghieu.vn/kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-va-gia-tri-tham-khao-cho-viet-nam-p46558.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)